Phạm Ngọc Trúc Linh, cựu học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Tĩnh đã xuất sắc trúng tuyển học bổng 100% với trị giá 360.000 AUD (tương đương 6 tỉ đồng tiền Việt Nam) của Trường Đại học Monash (Úc).
Với học bổng này, Trúc Linh sẽ được hỗ trợ toàn bộ chi phí học tập trong suốt 4 năm học tại trường. Ngoài ra, em cũng nhận thêm được phụ phí sinh hoạt cho mỗi kỳ học nhờ việc tích cực tham gia các hoạt động phong trào cùng kết quả học tập xuất sắc.
Suất học bổng là một “phép màu” hiện thực ước mơ du học
Chia sẻ về lý do tại sao lựa chọn Đại học Monash (Úc), Trúc Linh cho biết, trong một lần tìm kiếm các chương trình trao đổi ngắn hạn tại nước ngoài trên mạng, Trúc Linh tình cờ biết đến học bổng của Đại học Monash. Vì vậy, Trúc Linh bắt đầu lên kế hoạch, bắt đầu bằng việc chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển.
Đây là học bổng chỉ dành cho các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở Đông Nam Á, Trung Quốc, Hồng Kông…
Nói về khó khăn khi “săn” học bổng Đại học Monash, Linh cho biết số lượng học bổng của trường chỉ có một suất nên đòi hỏi khắt khe, ngoài chứng chỉ IELTS điểm cao, các ứng viên cần có bảng điểm đẹp, thành tích học tập tốt và chứng minh được hoàn cảnh gia đình, trình bày nguyện vọng học tập.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, trong suốt những năm đi học, Trúc Linh từng 3 năm đạt giải nhất học sinh giỏi tỉnh môn Tiếng Anh năm lớp 9, 11, 12; giải ba học sinh giỏi tỉnh môn Tiếng Anh năm lớp 10; đạt 27,7 điểm thi đại học khối D01 trong kỳ thi vừa qua (tiếng Anh 10 điểm, Ngữ văn 9,5 điểm và môn Toán 8,2 điểm)…
Bên cạnh đó, Trúc Linh còn nỗ lực thể hiện bản thân qua bộ hồ sơ bày tỏ sự thấu hiểu, chia sẻ và đầy ắp tình yêu thương với người mắc bệnh tâm lý.
“Thời điểm làm hồ sơ, em không tự tin chia sẻ với ai vì giá trị học bổng khá cao và mức độ cạnh tranh rất căng thẳng. Trong suốt cả hành trình, từ việc chuẩn bị cho các cuộc phỏng vấn, cho đến thực hiện bài luận, hầu như em đều âm thầm thực hiện một mình. Em đã cố gắng tranh thủ mọi thời gian để học, tự mày mò tìm tài liệu viết bài luận, tham gia các cuộc phỏng vấn.
Quá trình ôn tập của em chủ yếu là tự lực và dựa trên toàn bộ lý thuyết được học trên lớp. Em luôn kiểm soát bản thân bằng kỷ luật như lên thời gian biểu cho chính mình mỗi ngày. Từ đó thường xuyên theo dõi quá trình ôn luyện của mình để điều chỉnh sao cho phù hợp”, Linh chia sẻ.
Để vượt qua quá trình học tập vất vả, Trúc Linh chia sẻ, nhờ có sự quan tâm và chia sẻ từ mẹ, những áp lực học tập của Linh cũng vì thế mà vơi đi bớt.
Đồng thời, mẹ chính là động lực và cũng là một trong những nguồn cảm hứng lớn nhất cho Linh khi quyết định theo học ngành Tâm lý học tại Đại học Monash.
“Ngay từ nhỏ, chứng kiến một mình mẹ làm lụng vất vả, chịu thương chịu khó, tiết kiệm từng đồng tiền lương nuôi hai chị em ăn học, em đã tự nhủ, trên con đường phía trước phải nỗ lực thật nhiều, cố gắng thật nhiều để báo đáp công ơn của mẹ. Mẹ cũng chính là lý do để em chọn theo học ngành Tâm lý học tại Trường Monash với hi vọng em sẽ có thể thấu hiểu, chia sẻ cho những khó khăn của người phụ nữ hơn nữa” – Trúc Linh bày tỏ.
Với tinh thần nhiệt huyết và sự nỗ lực, Trúc Linh đã giành được suất học bổng 100% trị giá 360.000 AUD (tương đương 6 tỷ đồng).
Đồng thời, nữ sinh cũng đã trở thành học sinh duy nhất của khu vực Châu Á nhận học bổng của Đại học Monash 2024. Trúc Linh cho biết, hoàn cảnh gia đình không khá giả, suất học bổng như là một “phép màu” để em hiện thực ước mơ du học.
Mong muốn được chia sẻ, thấu hiểu với những người mắc bệnh tâm lý
Để hoàn thành các bài luận gửi tới Đại học Monash, nhiều đêm, Trúc Linh phải thức trắng, viết đi viết lại nhiều lần.
Ngoài thành tích học tập và rèn luyện, thì việc chọn chủ đề để viết bài luận và trải qua cuộc phỏng vấn với nhà tuyển sinh kéo dài 1-2 tiếng cũng là những thử thách mà Trúc Linh đã nỗ lực vượt qua.
Đồng thời, trong bài luận em cũng thể hiện mong muốn mọi người không thờ ơ với những người mắc bệnh tâm lý, ngược lại, hãy quan tâm, dùng yêu thương làm “liều thuốc chữa lành”, giúp họ vượt qua “bóng đen” trong tâm hồn.
Trúc Linh chia sẻ, bản thân lớn lên trong gia đình có người thân mắc bệnh tâm lý và xung quanh Linh, bạn bè cũng thường xuyên gặp phải nhiều áp lực, lo âu nhưng không dám chia sẻ với ai,
Trong khi đó, các mạng lưới giúp đỡ về mặt tâm lý cho người trẻ và cộng đồng rất ít, hoặc có nhưng yếu nên dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Mình mong được chia sẻ, thấu hiểu và giúp đỡ những người có vấn đề về sức khỏe tâm lý, nhất là độ tuổi học sinh và phụ nữ”, Linh cho biết.
Ngoài thành tích học tập xuất sắc, Trúc Linh còn là người luôn tích cực tham gia các hoạt động ngoại khoá trong và ngoài trường học.
Cùng với 9 học sinh của Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Tĩnh, Linh đã thành lập dự án “Đôi cánh” với chủ đề về tâm lý học đường.
Dự án là các buổi nói chuyện, chia sẻ bằng hình thức trực tuyến, trực tiếp để hỗ trợ tâm lý và truyền động lực học tập cho học sinh, đặc biệt là những học sinh cuối cấp trước các kỳ thi căng thẳng. Linh cùng các bạn đã tổ chức được 2 buổi nói chuyện trực tiếp với gần 2.000 người tham dự và trao tặng 10 suất học bổng để động viên tinh thần học tập cho các em. Trong trường hợp cả nhóm không đủ kiến thức để tư vấn, Linh sẽ nhờ cô giáo phụ trách tâm lý học đường tại trường hỗ trợ.
“Việc tham gia hoạt động đã giúp ích cho mình rất nhiều trong việc thực hiện bài luận. Thông qua những hoạt động này, mình đã chứng minh cho giám khảo thấy được mong muốn, ước mơ của bản thân để làm việc trong ngành tâm lý học và học tập tại Trường Đại học Monash”, Linh nói.
Trong thời gian còn ở Việt Nam trước khi đi du học, Trúc Linh cho biết, bản thân đang chú trọng vào việc trau dồi thêm kĩ năng mới như học tiếng Trung và chuẩn bị cho mình một vốn kiến thức vừa đủ để có trải nghiệm sống và học tập thật tốt tại Úc.
Nữ sinh cũng bày tỏ với những năm du học sắp tới, em sẽ nỗ lực học tập, hoàn thiện bản thân và hi vọng trong tương lai có thể phần nào đóng góp cho cộng đồng, cho sự phát triển của quê hương.
Trong tương lai, Linh mong muốn có thể học lên cao học để trở thành một chuyên gia tâm lý. Linh gửi gắm tới các bạn trẻ: “Đừng sợ thành tích của mình chưa đủ để rồi không dám đăng ký các chương trình học bổng. Các bạn nên thử và cố gắng hết sức, nếu không thể đậu thì mình vẫn có thể tích lũy kinh nghiệm, rất có ích cho hành trình trong tương lai”.
Thu Trang