Trao quyền tuyển GV cho ngành giáo dục là bước tiến về đổi mới quản trị nhân lực

Theo chương trình, Dự thảo Luật Nhà giáo đang trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV.

Một trong những điểm mới nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận tại Dự thảo Luật Nhà giáo là đề xuất giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng, nội dung thực hành sư phạm trong thi/xét tuyển nhà giáo; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao.

Các cơ quan quản lý giáo dục chủ trì (hoặc phân cấp cho cơ sở giáo dục) thực hiện tuyển dụng, điều động, bố trí, đánh giá, bổ nhiệm nhà giáo.

Nhiều ý kiến cho rằng nếu quy định này được triển khai thì sẽ là một bước tiến dài về đổi mới quản trị nhân lực trong ngành Giáo dục cũng như bảo đảm quản lý thống nhất, phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của ngành. Từ đó, nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục quốc dân.

Chìa khóa giúp giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ “dai dẳng”

Thầy Phạm Anh Tuấn - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam. Ảnh: Phạm Linh
Thầy Phạm Anh Tuấn – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam. Ảnh: Phạm Linh

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phạm Anh Tuấn – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam bày tỏ sự đồng tình cao với đề xuất tại Dự thảo Luật Nhà giáo.

“Đề xuất giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định được nêu trong Dự thảo Luật Nhà giáo nếu được thông qua sẽ tạo sự thuận lợi rất lớn cho ngành Giáo dục”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam chia sẻ và nhấn mạnh đây là mong mỏi chung của toàn ngành.

Theo thầy Phạm Anh Tuấn, là đơn vị trực tiếp sử dụng nhà giáo, vì thế việc giao quyền chủ động tuyển dụng cho ngành Giáo dục là hợp lý. Đặc biệt, trong bối cảnh cả nước thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, đội ngũ giáo viên có sự biến động liên tục theo từng năm học, bởi vậy rất cần sự linh hoạt trong vấn đề tuyển dụng, quản lý đội ngũ nhà giáo để kịp thời đáp ứng nhu cầu thực tế của từng cơ sở giáo dục.

Đề xuất này được kỳ vọng sẽ là chìa khóa quan trọng giúp giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ như hiện nay.

“Nếu được giao quyền chủ động trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo, ngành Giáo dục sẽ có thể chủ động điều động giáo viên từ cơ sở giáo dục này sang cơ sở giáo dục khác, từ huyện này sang huyện khác,… Điều này sẽ tránh được bất cập như hiện nay, khi trong cùng một tỉnh, có huyện này thừa huyện kia thiếu giáo viên, nhưng ngành không điều động được, dẫn đến tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ nhiều năm qua chưa được giải quyết triệt để”, thầy Phạm Tuấn Anh phân tích.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tình trạng thiếu giáo viên cục bộ vẫn còn tồn tại hầu hết các địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới (các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) nhưng chậm được khắc phục, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện chương trình và kế hoạch dạy học.

Tính đến tháng 4/2024, cả nước còn thiếu 113.491 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông. Cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế – xã hội khác nhau; chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế. Tỷ lệ giáo viên/lớp ở các cấp học đều thấp hơn định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Người sử dụng lao động phải được tuyển dụng

Tiến sĩ Phạm Hiệp hiện đang là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục và Chuyển giao tri thức, Trường Đại học Thành Đô. Ảnh: Trường Đại học Thành Đô
Tiến sĩ Phạm Hiệp hiện đang là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục và Chuyển giao tri thức, Trường Đại học Thành Đô. Ảnh: Trường Đại học Thành Đô

Tiến sĩ Phạm Hiệp – một chuyên gia uy tín trong lĩnh vực giáo dục đại học và chính sách công tại Việt Nam chia sẻ sự đồng tình cao với đề xuất giao quyền tuyển dụng, sử dụng nhà giáo cho ngành Giáo dục. Theo chuyên gia, thực tế việc này đã được áp dụng từ lâu với bậc giáo dục đại học.

Từ thực tế việc quản lý và sử dụng nhà giáo hiện nay, Tiến sĩ Phạm Hiệp phân tích, do ngành Giáo dục không được chủ động trong vấn đề tuyển dụng, điều động giáo viên, dẫn đến trong nhiều trường hợp, ngành không phản ứng kịp theo tình huống, việc phát triển đội ngũ giáo viên đôi khi bị chậm trễ.

“Nguyên tắc cơ bản là người sử dụng lao động phải được tuyển dụng, không thể một người tuyển dụng rồi một người sử dụng”, Tiến sĩ Phạm Hiệp phân tích.

Ngành Giáo dục là cơ quan sử dụng đội ngũ nhà giáo, vì vậy ngành sẽ hiểu rõ nhất nhu cầu, mục tiêu và các biện pháp cần thiết để phát triển đội ngũ nhà giáo, góp phần phát triển đội ngũ nhà giáo bảo đảm đủ về số lượng, chuẩn về chất lượng và đồng bộ về cơ cấu.

Đồng thời, khi ngành Giáo dục có quyền chủ động trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo, các chính sách thu hút nhân lực và chiến lược phát triển cũng sẽ được điều chỉnh phù hợp hơn với thực tiễn, giúp đảm bảo việc giữ chân cũng như tuyển chọn được người giỏi công tác trong ngành.

Để việc tuyển dụng cũng như sử dụng nhà giáo hiệu quả, Tiến sĩ Phạm Hiệp đề xuất cần tăng cường việc thanh tra, kiểm tra, công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình của các bên liên quan.

“Nếu đề xuất này được triển khai, đây thực sự sẽ là một bước tiến dài về đổi mới quản trị nhân lực và cải cách hành chính trong ngành Giáo dục. Điều này cũng thể hiện xu hướng chung trong quản lý nhà nước hiện nay, đó là tăng cường quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm”, Tiến sĩ Phạm Hiệp bày tỏ quan điểm.

Giáo sư, Tiến sĩ Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Châu Anh
Giáo sư, Tiến sĩ Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Châu Anh

Cùng bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, việc trao quyền tuyển dụng nhà giáo cho ngành Giáo dục giúp đảm bảo thống nhất trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo từ trung ương đến địa phương, đồng thời qua đó phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của ngành Giáo dục.

Theo Giáo sư Đào Trọng Thi, nghề dạy học có những đặc thù riêng, với sản phẩm là con người, với nhiệm vụ cao cả là phát triển con người và phát triển nguồn nhân lực cho đất nước. Do đó, việc quản lý, sử dụng và tuyển dụng giáo viên cũng cần có cơ chế đặc thù, khác với các viên chức khác.

Hiện nay, việc tuyển dụng giáo viên áp dụng chung như viên chức các ngành nghề khác, dẫn đến nhiều bất cập như: thời gian tuyển dụng không phù hợp, nội dung tuyển dụng không bám sát đặc thù hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo,…

Chính vì vậy, việc giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo sẽ là cơ sở quan trọng giúp xây dựng được đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, hợp lý về quy mô và đảm bảo chất lượng, có đủ năng lực sư phạm và trình độ chuyên môn.

Doãn Nhàn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *