TPHCM: Lắng nghe tiếng nói của học sinh qua từng suất ăn bán trú hàng ngày

Học sinh được lấy ý kiến về suất ăn bán trú

Bắt đầu từ tháng 10/2024, Trường tiểu học Trần Thị Bưởi (thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) chính thức triển khai phiếu “Ghi nhận bữa ăn bán trú” nhằm thu thập ý kiến phản hồi, lắng nghe từng ý kiến nhận xét của học sinh.

Các em học sinh tham gia bán trú ở trường có thể đánh giá suất ăn bán trú theo 3 mức độ là: Thích, bình thường, không thích.

gdvn_suatanTTB.jpg
Phiếu ghi nhận bữa ăn bán trú của học sinh Trường Trần Thị Bưởi vào ngày 25/11 (ảnh: V.D)

Cụ thể, sau khi ăn xong bữa trưa của mình tại trường, học sinh có thể điền tên hoặc số thứ tự hoặc ẩn danh, rồi sau đó nộp lại cho các cô bảo mẫu

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Phan Thị Thu Hiền – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, việc này nhằm cho nhà trường thu thập thêm thông tin về chất lượng suất ăn bán trú của học sinh; tạo cơ hội cho các em học sinh có thêm kỹ năng thực hành bày tỏ ý kiến cá nhân, phát triển sự chủ động và tinh thần trách nhiệm của bản thân.

Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Thị Bưởi Phan Thị Thu Hiền nhấn mạnh: “Năm học này, trường có hơn 1.300 học sinh tham gia bán trú ở trường. Những ý kiến đánh giá của học sinh sẽ được tổng hợp, chuyển đến bộ phận nhà bếp của trường, giúp cho việc điều chỉnh thực đơn sao cho phù hợp với khẩu vị, nhu cầu dinh dưỡng của từng học sinh”.

Trong năm học này, nhà trường vẫn tiếp tục giữ mức thu 35.000 đồng/suất ăn bán trú của học sinh. Thực đơn được nhà trường công khai rõ ràng qua hệ thống sổ liên lạc điện tử, bảng thông báo tại trường sẽ giúp cho phụ huynh đồng hành, giám sát chất lượng suất ăn bán trú của học sinh.

Cũng theo cô Phan Thị Thu Hiền, nhà trường luôn hoan nghênh việc cha mẹ học sinh thực hiện việc giám sát các khâu trong việc thực hiện suất ăn bán trú, từ việc tiếp phẩm cho đến phân chia khẩu phần ăn của từng học sinh.

gdvn_suatanTTBb.jpg
Học sinh Trường tiểu học Trần Thị Buổi trong giờ ăn trưa ngày 26/11 (ảnh: V.D)

“Trong ban đại diện cha mẹ học sinh có một nhóm phụ huynh sẽ phụ trách công tác này, còn ngoài ra thì phụ huynh ở các lớp cũng có thể thực hiện việc giám sát những cần đăng ký, báo trước với ban đại diện cha mẹ học sinh của các lớp, rồi báo về cho trường để nắm trước thông tin” – cô Phan Thị Thu Hiền khẳng định.

Theo cô Phan Thị Thu Hiền, khi mà các suất ăn bán trú của học sinh, nguồn gốc của thực phẩm được công khai, giám sát thì chắc chắn quý vị phụ huynh sẽ yên tâm hơn về ngôi trường mà trẻ đến học hàng ngày.

Cô Phan Thị Thu Hiền nói: “Phụ huynh đồng hành cùng với nhà trường sẽ góp phần cho học sinh có được những suất ăn ngon, chất lượng, góp phần xây dựng nên một ngôi trường hạnh phúc như mong muốn của tất cả mọi người”.

Trưng bày suất ăn thực tế ở ngay sảnh của trường

Nhiều năm trở lại đây, nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức ngày “Open house” như tiết học mở, giờ ăn mở, phụ huynh vào trường ăn và chơi cùng con, quan sát các bếp ăn bán trú có đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm hay không.

Nhiều phụ huynh cho rằng, đây là cách tốt nhất để các trường công khai chất lượng giáo dục, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm các suất ăn bán trú của học sinh để phụ huynh có thể yên tâm.

Tại Trường Mầm non 19/5 Thành phố hồi cuối tháng 10 vừa qua đã tổ chức “Ngày hội buffet” nhiều màu sắc cho trẻ. Tại ngày hội này, phụ huynh có thể trực tiếp tham gia và quan sát bữa ăn của trẻ, giúp cho ba mẹ hiểu rõ hơn về bữa ăn bán trú hàng ngày của trẻ, tận mắt chứng kiến giờ ăn sáng của trẻ được tổ chức ở sân trường, các loại thực phẩm được trưng bày công khai, cách mà giáo viên có thể hỗ trợ trẻ trong việc ăn uống.

Cô Mai Yến Hằng – Hiệu trưởng của nhà trường cho hay, suất ăn bán trú của trẻ học tại trường được công khai dưới nhiều hình thức khác nhau: Trên ứng dụng điện tử thường hay được sử dụng liên lạc giữa gia đình và nhà trường, bảng tin của trường, website nhà trường.

Đặc biệt, nhà trường còn có tủ trưng bày các suất ăn thực tế của trẻ (chứ không phải tủ lưu mẫu thức ăn) được đặt ở ngay sảnh của trường. Ngoài ra, mỗi sáng đưa con đến trường, phụ huynh hoàn toàn có thể quan sát giờ ăn sáng của trẻ ở trên các lớp học.

gdvn_suatanDTCon.jpg
Cô Phạm Thúy Hà – Hiệu trưởng Trường tiểu học Đặng Trần Côn quan tâm, hỏi thăm học sinh chất lượng suất ăn (ảnh: V.D)

Còn tại Trường tiểu học Đặng Trần Côn (Quận 4), cô Phạm Thúy Hà – Hiệu trưởng nhà trường thông tin, năm học này, trường chỉ có gần 450 học sinh bán trú tại trường.

Hàng tuần, nhà trường đều đảm bảo việc công khai thực đơn nguyên tuần cho phụ huynh, học sinh biết. Trong mỗi bữa ăn trưa, các thành viên lãnh đạo nhà trường thường xuyên thay phiên nhau quan sát, giám sát các suất ăn của học sinh.

Cũng theo cô Phạm Thúy Hà, trường đặt suất ăn công nghiệp của đối tác bên ngoài, nhưng lãnh đạo trường và các thầy cô giáo luôn quan tâm sâu sát đến việc ăn uống của học sinh, như đến tận từng học sinh hỏi thích hay không thích món ăn nào, để có thể yêu cầu điều chỉnh thực đơn cho những ngày kế đến.

Việt Dũng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *