Mấy năm nay, hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp được thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT nên giáo viên dự thi đã giảm đi rất nhiều áp lực. Nếu như trước năm 2019, giáo viên dự thi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh đều phải thi lí thuyết; thi sáng kiến kinh nghiệm; thi dạy thực hành 2 tiết tại đơn vị bạn thì hiện nay hội thi được giản đơn hơn rất nhiều.
Giáo viên chỉ còn phải viết một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy của cá nhân vài trang giấy và thi dạy thực hành 1 tiết tại đơn vị mình công tác nên mọi thứ giáo viên dự thi đều có thể chủ động được, không lạ lẫm, không bị lệ thuộc.
Chính vì không còn thi lí thuyết và sáng kiến kinh nghiệm như trước đây nên tỉ lệ giáo viên rớt rất ít. Nhiều nơi, những giáo viên rớt là những thầy cô đăng ký dự thi nhưng đến ngày thi do bị bệnh hoặc một nguyên nhân bất khả kháng nào đó phải bỏ thi.
Những thầy cô tham dự kỳ thi, gần như đều đậu hết. Vì thế, tạo động lực cho những giáo viên tham dự hội thi khi đến chu kỳ tổ chức.
Kỳ thi giáo viên dạy giỏi trở nên nhẹ nhàng cho giáo viên
Theo hướng dẫn hiện nay, hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện cứ 2 năm tổ chức 1 lần; thi cấp tỉnh thì 4 năm tổ chức 1 lần. Đối với cấp Tiểu học; Trung học cơ sở sẽ được 3 cấp: trường, huyện, tỉnh tổ chức nhưng cấp Trung học phổ thông chỉ có cấp trường và cấp tỉnh.
Hội thi ở cấp trường thì số lượng giáo viên tham dự khá đông đảo vì họ xem đây như một tiết dự giờ thông thường và phần lớn là giáo viên chấm qua lại cho nhau nên ai thi cũng đậu hết.
Đến thi cấp huyện, cấp tỉnh thì mức độ khó sẽ nhiều hơn vì giám khảo không còn là giáo viên trong trường nữa. Tuy nhiên, đối với những giáo viên có nhiều năm công tác thì cũng không quá áp lực vì giám khảo cũng đều là người quen biết nhau cả- nhất là đối với thi cấp huyện.
Nhưng, những giáo viên có tuổi nghề ít thường áp lực hơn vì tâm lí và khi thấy những giám khảo phần nhiều là những thầy cô có kinh nghiệm hoặc là thành viên hội đồng cốt cán, thành viên Ban giám hiệu ở các nhà trường nên có phần e ngại.
Song, lợi thế lớn nhất của giáo viên tham gia hội thi thi giáo viên giỏi hiện nay là được thi ở “sân nhà” nên đã quen với cơ sở vật chất; thiết bị dạy học mà lại dạy ở lớp mình đang dạy lâu nay nên gần như không gặp khó khăn gì. Việc giao nhiệm vụ cho học sinh thực hiện cũng rất thuận lợi.
Vì thế, ngày thi thực hành, phần nhiều các hoạt động dạy và học của thầy trò thường diễn ra tương đối suôn sẻ, nhịp nhàng. Học sinh chuẩn bị bài tốt, phát biểu xây dựng bài nhiều, chỉ cần giáo viên vững tâm lí để thực hiện các hoạt động là thành công.
Giám khảo đều là giáo viên ở trường khác đến nên thông thường Ban giám hiệu nhà trường hoặc tổ chuyên môn, giáo viên dự thi cũng khá niềm nở đón tiếp, tạo không khí thân tình để cho giáo viên dự thi không quá căng thẳng.
Về cơ bản, giáo viên nào dự thi đầy đủ (có biện pháp góp phần nâng cao chất lượng và thực hành 1 tiết dạy) là đạt giáo viên giỏi. Không giải A, giải B thì cũng giải C, chứ hiếm có trường hợp không đạt giải.
Một phần, giáo viên dự thi cấp huyện, cấp tỉnh thường là những người vững chuyên môn và có một tiết dạy nên họ đầu tư cho kế hoạch bài dạy (giáo án) và giảng dạy trên lớp khá tốt; một phần giám khảo phần nhiều đều là chỗ quen biết mà lại đến trường người dự thi để chấm nên rất khó để đánh rớt- cho dù tiết dạy đó chưa thật sự đảm bảo.
Giáo viên dự thi giáo viên dạy giỏi có quyền lợi gì?
Bản thân người viết bài đã nhiều lần tham gia làm giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh cảm nhận hội thi những năm gần đây tương đối nhẹ nhàng. Việc được thi tại đơn vị giúp cho giáo viên không áp lực và chủ động được mọi tình huống trong quá trình chuẩn bị và diễn ra tiết dạy.
Phương châm của nhiều lãnh lãnh đạo phòng, sở đều quán triệt trước khi hội thi diễn ra là giám khảo không được tạo áp lực cho người dự thi. Ngay cả việc góp ý cũng phải tế nhị, khéo léo để giáo viên dự thi có động lực tiếp tục dự thi ở các lần tổ chức sau nên giám khảo góp ý sau tiết dạy thường ngắn gọn, trọng tâm và tìm những ưu điểm của giáo viên để động viên tinh thần.
Những hạn chế phải thật khéo léo để giáo viên dự thi thấy được hoạt động dạy học của mình chỗ nào chưa được sẽ rút kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy sau này.
Hơn nữa, hội thi hiện nay về cơ bản là giáo viên tham dự trên tinh thần tự nguyện, chỉ có rất ít trường còn giao chỉ tiêu cho tổ chuyên môn nên những giáo viên dự thi cấp huyện, cấp tỉnh là những thầy cô bản lĩnh, có chuyên môn tương đối vững vàng.
Những giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh không chỉ đơn thuần là có danh hiệu, được cấp tổ chức tôn vinh sau hội thi mà có nhiều quyền lợi đi kèm. Giáo viên sẽ được nhận giấy khen hoặc giấy chứng nhận, tiền thưởng và cuối năm khi đánh giá, xếp loại viên chức; xét thi đua cuối năm học cũng được ưu tiên hơn.
Nhiều người vẫn cho rằng việc dự thi 1 tiết mà được công nhận là giáo viên dạy giỏi sẽ rất khập khiễng. Giáo viên giỏi là những người cho dù họ không cần dự thi nhưng được học sinh, phụ huynh yêu mến, đánh giá cao.
Nhưng, suy cho cùng danh hiệu nào cũng chỉ là tương đối mà thôi. Và tất nhiên, nếu giáo viên dự thi giáo viên giỏi các cấp đều đạt, có danh hiệu và những thầy cô này cũng được học sinh, phụ huynh yêu mến, đánh giá cao thì còn gì tuyệt vời hơn.
Vì thế, dù có thừa nhận hay không thừa nhận thì mọi người cũng không thể phủ nhận được những thầy cô tham dự kỳ thi giáo viên dạy giỏi- nhất là cấp huyện, cấp tỉnh phần đa số là những thầy cô tiêu biểu, có bản lĩnh- họ dám dấn thân, dám thử thách để khẳng định mình.
Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn cho nhà trường, cho ngành và hội thi do các cấp hiện nay đã và đang tổ chức được thành công. Thành tích họ đạt được là minh chứng cụ thể, phù hợp nhất để đánh giá, xếp loại tay nghề giáo viên.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
NGUYỄN THẾ TRUNG