Gần đây, có nhiều tác phẩm văn chương Việt được chuyển ngữ và có những thành công nhất định trên thị trường sách thế giới. Đây là tín hiệu đáng mừng cho nền văn học nước nhà.
Xuất hiện ngày càng nhiều hơn
Cuối tháng Sáu vừa qua, tập truyện Longings (tạm dịch: Khát vọng) của 22 nhà văn nữ Việt Nam như Trần Thùy Mai, Dạ Ngân, Nguyễn Ngọc Tư, Võ Diệu Thanh, Nguyễn Phan Quế Mai… đã được dịch sang tiếng Anh và ra mắt ở Mỹ. Tác phẩm này được giáo sư Hà Mạnh Quân và tiến sĩ Võ Hương Quỳnh chuyển ngữ trong gần 3 năm. Các truyện ngắn trong ấn phẩm này khắc họa tâm tư, trăn trở, khát vọng của phụ nữ Việt Nam ở nhiều giai đoạn qua ngòi bút của những tên tuổi từ quen thuộc đến tương đối mới.
Trước Longings, giáo sư Hà Mạnh Quân (Đại học Montana, Mỹ) đã dịch sang tiếng Anh và giới thiệu tập truyện ngắn Hanoi at Midnight (tạm dịch: Hà Nội lúc 0 giờ) của nhà văn Bảo Ninh, Other Moons (tạm dịch: Những vầng trăng khác) gồm các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư, Lại Văn Long, Sương Nguyệt Minh…
Các tác phẩm văn học Việt Nam được dịch sang tiếng Anh và phát hành ở các nước ngày càng nhiều
Giáo sư Hà Mạnh Quân chia sẻ: “Trong tất cả những tác phẩm mà tôi đã dịch, Tắt đèn là khó dịch nhất bởi tác giả dùng nhiều phương ngữ đồng bằng Bắc Bộ thời Pháp thuộc, ngôn ngữ hội thoại của các chức sắc trong làng cũng không giống cách nói của người Việt ngày nay và những phức tạp khác về ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử nước nhà giai đoạn đầu thế kỷ XX. Do vậy, chúng tôi phải dịch sao cho tất cả sống động trở lại với độc giả thế kỷ XXI”.
Trước đó, Paul Christiansen đã làm việc cùng Miami Book Fair, Arts Big Read và Tạp chí Saigoneer để cho ra mắt bộ 3 ấn phẩm In my ear, your voice still flickering (tạm dịch: Bên tai tôi, giọng người vẫn chờn vờn) gồm các bài thơ và truyện song ngữ của nhiều tác giả trong nước nổi bật như Khải Đơn, Nhã Thuyên, Thu Uyên, Linh San… Bên cạnh có sự góp mặt của nhiều dịch giả uy tín, tác phẩm còn được các họa sĩ minh họa bằng tranh độc đáo, sinh động.
Paul cho biết, Light Out and Modern Vietnamese Stories 1930-1954 được kỳ vọng sẽ giúp độc giả trong và ngoài nước “phần nào hiểu hơn về mạch nguồn sáng tạo đang cuồn cuộn chảy cả trong và ngoài Việt Nam, qua đó thúc đẩy họ khám phá nhiều hơn nữa về thế giới văn học và nghệ thuật Việt”.
Những dấu ấn đầu tiên
Không chỉ xuất hiện ngày càng nhiều hơn, các tác phẩm văn học Việt được chuyển ngữ cũng được đánh giá tương đối tích cực khi ra mắt. Vào tháng 5/2020, chuyên mục Văn học năm châu của tờ The New York Times (Mỹ) đã giới thiệu Other Moons trong danh mục những cuốn sách sẽ xuất bản trong năm 2020 mà độc giả nên tìm đọc, trong khi phải đến tháng Bảy cùng năm, nó mới được ra mắt. The New York Times là tờ báo lớn và có uy tín trong việc giới thiệu tác phẩm văn chương, nên việc giới thiệu tập truyện này cho thấy sự nhìn nhận giá trị của tác phẩm.
\
Những người đang miệt mài đưa văn chương Việt ra thế giới. Từ trái qua: giáo sư Hà Mạnh Quân, tiến sĩ Võ Hương Quỳnh, dịch giả Nguyễn An Lý, nhà văn kiêm nhà phê bình văn học Paul Christiansen
Bản dịch tiếng Anh Chinatown (tựa Việt: Phố Tàu) của nhà văn Thuận cũng được các báo uy tín như The New York Times, Lit Hub đưa vào danh sách những tựa sách hay nhất trong năm 2023. Dịch giả Nguyễn An Lý – người chuyển ngữ tác phẩm này sang tiếng Anh – cũng được trao giải thưởng dịch thuật uy tín nhất nước Mỹ là National Translation Award của Hiệp hội Dịch giả Mỹ (ALTA) ở hạng mục văn xuôi cùng năm. Đây là lần đầu tiên có một đại diện và một tác phẩm đến từ Việt Nam nhận được giải này. Mới đây, Nguyễn An Lý tiếp tục được gọi tên ở giải PEN Translates cho bản tiếng Anh Water: A Chronicle (tựa Việt: Biên sử nước) của Nguyễn Ngọc Tư và Elevator in Saigon (tựa Việt: Thang máy Sài Gòn) của Thuận. Được biết, đây là 2 trong 16 tác phẩm đoạt giải đến từ 11 khu vực và được dịch sang tiếng Anh từ 10 ngôn ngữ.
Water: A Chronicle sẽ được nhà xuất bản độc lập Major Books phát hành vào tháng 10/2024. Chia sẻ với Báo Phụ nữ TPHCM, bà Trần Thủy Thiên Kim – nhà đồng sáng lập Major Books và San Hô Books – cho biết: “Major là một tính từ chỉ sự lớn lao, quan trọng, được chúng tôi chọn nhằm phản đối cái nhìn mặc định của phương Tây về tính thiểu số, nhỏ nhoi, thiếu quan trọng của các nền văn học thuộc “vùng trũng”. Với thương hiệu này, chúng tôi muốn tôn vinh các tài năng gồm những nhà văn, dịch giả là người nói tiếng Việt bản xứ đến các họa sĩ và nhà in Việt”.
Sắp tới, Major Books sẽ giới thiệu ra quốc tế các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, Vũ Đình Giang. San Hô Books cũng tổ chức giải thưởng văn học Sáng tác mới San Hô nhằm tìm kiếm, phát hiện và ghi nhận những tài năng văn chương mới. Những tác phẩm đoạt giải không chỉ được phát hành rộng rãi trong nước mà sẽ được chuyển ngữ và giới thiệu ra thị trường quốc tế. Hy vọng chất lượng dịch thuật các tác phẩm này sẽ góp phần giúp văn học Việt Nam hội nhập vào dòng chảy văn chương thế giới.
Theo Thuận Phát/PNO