Học sinh vô ý sử dụng ngôn từ không chuẩn mực, nhưng cảm giác khó chịu mang lại là thật
Gần 10 năm giảng dạy, thầy giáo Nguyễn Đức Lân, giáo viên môn Ngữ Văn, Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội không ít lần chứng kiến hiện tượng học sinh nói tục, chửi bậy trong khuôn viên trường học.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lân nhớ lại sự việc bản thân gặp phải khi mới vào nghề.
“Trong một lần, khi đang dạo quanh sân trường, tôi tình cờ nghe thấy một nhóm học sinh đang trò chuyện với nhau. Câu chuyện của các em xoay quanh trường lớp, cuộc sống, những mối quan hệ bạn bè hay thông tin trên mạng xã hội. Với tôi, đó là những câu chuyện vui vẻ, đôi khi tôi cũng sẽ tham gia và cho lời khuyên khi các em cần.
Nhưng rồi, tiếng cười đùa vui vẻ bỗng chốc bị ngắt quãng bởi những câu từ thiếu chuẩn mực, nếu không muốn nói là có phần rất thô tục và nhức tai.
Tôi quyết định can thiệp một cách nhẹ nhàng. Tôi bước lại gần và nói: “Các bạn ơi, thầy thấy những từ ngữ vừa rồi không thật sự phù hợp với không gian trường học. Hãy cố gắng sử dụng những từ ngữ lịch sự hơn nhé!”, thầy Lân kể lại.
Nói thêm về cảm nhận khi nghe những câu nói tục, chửi bậy đó, thầy Lân cho biết bản thân cảm thấy vô cùng khó chịu. Những từ ngữ mà các em sử dụng vang lên rất to, rõ ràng, và không phù hợp, đặc biệt trong môi trường học đường, nơi mà mọi người đều cần giữ gìn sự tôn trọng lẫn nhau.
Thầy Lân hiểu rằng ở độ tuổi này, các em có thể chưa ý thức được hết những điều mình nói: “Trong cuộc trò chuyện giữa học sinh và giáo viên, tôi nhận thấy rằng các em chưa sử dụng những từ ngữ nào quá mức. Đôi khi, một số em lỡ ‘văng’ ra câu từ không được chuẩn mực thì ngay lập tức các em nhận ra và xin lỗi. Tôi thường khuyến khích các em: “Sau này hãy để ý hơn nhé!”.
Theo thầy, giáo viên không nên vội quát mắng mà nên chấn chỉnh, nhắc nhở học sinh trong những trường hợp tương tự. Thầy, cô giáo sẽ là người giúp học sinh hiểu rằng, những từ ngữ mà các bạn vừa nói ra không phù hợp với môi trường giáo dục, và điều đó cần được thay đổi.
“Tôi hy vọng rằng những lời nhắc nhở nhẹ nhàng của mình sẽ giúp các em suy nghĩ lại về cách giao tiếp, không chỉ trong trường học mà còn trong cuộc sống hàng ngày. Đối với giáo dục, đôi khi những bài học nhỏ lại mang đến những thay đổi lớn trong hành vi và nhận thức của học sinh”, thầy Lân nói.
Lỡ lời vì là “thói quen”
Cô giáo Phan Hoàng Yến, giáo viên môn Ngữ Văn tại Trường Trung học phổ thông Chuyên Đại học Sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng từng trải qua tình huống tương tự như thầy Lân. Cô cảm thấy bất ngờ khi nghe các bạn học sinh nói tục, chửi bậy.
“Câu chuyện diễn ra trong giờ nghỉ giữa tiết. Thông thường, thời gian nghỉ giữa tiết khoảng 10 phút, các em học sinh sẽ dành để nghỉ ngơi và tụ tập thành từng nhóm trò chuyện, cười đùa rất vui vẻ.
Tôi có để ý đến một nhóm các em học sinh, trong đó có nam sinh đang kể lại cho bạn bè xung quanh những câu chuyện khá hài hước. Nhưng trong lúc phấn khích, em ấy đã thốt ra vài từ ngữ chưa phù hợp. Tôi nghĩ đó chỉ là từ “đệm” mà em học sinh bột phát theo thói quen để mở đầu câu nói.
Vì ý thức được có sự xuất hiện của giáo viên trong lớp nên không khí vui vẻ bị chững lại. Một số bạn trong nhóm nhìn nhau, ánh mắt có phần lúng túng, còn tôi thì quan sát các em. Sau đó, cả nhóm đã ngay lập tức xin lỗi tôi vì sự lỡ lời của mình”, cô Yến cho biết.
Tiếp xúc với nhiều học sinh, nhất là độ tuổi thanh thiếu niên, cô Yến nhận định rằng thường học sinh đều rất ngoan và không bao giờ nói bậy khi có thầy cô giáo. Tuy nhiên, thi thoảng, trong giao tiếp thông thường giữa các bạn cùng trang lứa, học sinh sẽ dễ nói tục, chửi bậy hơn.
Về nguyên nhân, cô Yến cho rằng có ba yếu tố chính là gia đình, bạn bè, và môi trường xã hội.
“Trong thời đại của công nghệ thông tin, những nội dung trên các trang mạng xã hội được đăng tải tràn lan, thiếu kiểm soát. Nhiều gia đình, bố mẹ bận việc, khó sát sao để quản lý con em mình.
Ngoài ra, hiện nay còn có một số video, clip các bạn trẻ nói tục chửi bậy nơi công cộng hay dạy người nước ngoài nói những câu từ thiếu chuẩn mực. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các em học sinh” cô Yến nêu quan điểm.
Đôi khi, học sinh, các bạn trẻ coi việc nói tục, chửi bậy là một cách để giao tiếp vui vẻ và kết nối bạn bè. Để thay đổi vấn đề này, điều cần làm không phải là áp dụng hình thức trách mắng nặng nề, mà nên tìm cách truyền đạt nhẹ nhàng dựa trên sự thấu hiểu tâm lý lứa tuổi.
“Khi đã hiểu được điều đó, các bạn trẻ nói chung và các bạn học sinh nói riêng sẽ thấy ngại ngùng nếu có lỡ miệng ‘văng’ tục, và cố gắng tinh tế, lịch sự hơn trong cách ứng xử với bạn bè trong và ngoài lớp học”, cô Yến cho hay.
Học sinh tiểu học bắt chước nói tục chửi bậy dù không hiểu ý nghĩa
Giảng dạy bậc tiểu học, cô giáo Hoàng Hà Phương, giáo viên khối 3 tại Trường Tiểu học Dịch Vọng B (Cầu Giấy, Hà Nội) tiếp xúc và đồng hành cùng học sinh của mình trong hầu hết thời gian học tập tại trường.
Theo cô Phương, việc sử dụng ngôn từ chưa chuẩn mực, nói tục, chửi bậy của học sinh bậc tiểu học không nhiều và phổ biến như tại các bậc học cao hơn nhưng vẫn tồn tại và có những điểm khác biệt.
Cô Hà Phương cho biết: “Đôi khi, tôi vẫn thường nghe các em sử dụng 1 số từ ngữ chưa phù hợp và có phần ngây ngô khi nói chuyện với nhau, để trêu ghẹo hay gọi bạn bè trong những lúc giải lao, vui chơi sau giờ học.
Việc sử dụng những từ chưa chuẩn mực này phần lớn xuất phát từ nguyên nhân các em bắt chước theo cha mẹ, ông bà và chưa hiểu rõ ý nghĩa. Khi nói ra các em thường chưa nhận thức được đầy đủ về tác động của từ ngữ đến cảm xúc của người khác”.
Để giảm thiểu hiện tượng này, cô Phương đã đề xuất và thực hiện một số biện pháp như lồng ghép thông điệp về đạo đức, về văn hóa ứng xử với bạn bè vào những bài học. Dần dần, học sinh sẽ biết và nhận thức được điều gì nên và không nên nói và hiểu rằng những lời nói tục tĩu không chỉ ảnh hưởng đến môi trường học tập mà còn làm tổn thương cảm xúc của những người xung quanh.
“Trong trường hợp học sinh tiếp tục tái phạm, thầy, cô giáo và nhà trường sẽ có những hình thức xử phạt nghiêm khắc hơn. Đồng thời, giáo viên cũng cần khen ngợi và động viên những học sinh đã cố gắng thay đổi cách cư xử chưa phù hợp. Giáo dục bằng tình yêu thương sẽ đạt được kết quả tốt hơn”, cô Phương nói thêm.
Việc học sinh vô ý sử dụng ngôn từ không chuẩn mực không chỉ phản ánh thói quen giao tiếp mà còn là dấu hiệu cho thấy sự thiếu nhận thức về tác động của ngôn ngữ đến môi trường học tập và những người xung quanh. Những câu chuyện từ các thầy, cô giáo cho thấy rằng, thay vì quát mắng, giáo viên cần nhẹ nhàng nhắc nhở và hướng dẫn học sinh nhận thức đúng đắn về cách giao tiếp văn minh.
Giáo dục không chỉ là việc truyền đạt kiến thức mà còn là việc hình thành nhân cách và văn hóa ứng xử. Qua những lời khuyên và sự thấu hiểu, học sinh sẽ dần dần nhận ra giá trị của ngôn từ, từ đó xây dựng một môi trường học tập tích cực và tôn trọng lẫn nhau. Chỉ khi mỗi cá nhân biết trân trọng lời nói của mình mới có thể tạo ra một cộng đồng học đường lành mạnh và văn minh.
Ngọc Trâm