Từ nay đến cuối năm 2024, CSGT TP.HCM sẽ triển khai kế hoạch kiểm tra rà soát việc quản lý, lắp đặt và sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên của xe được quyền ưu tiên trên địa bàn TP. Việc này nhằm tránh những trường hợp lạm dụng phát tín hiệu ưu tiên khi không phải đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, vi phạm Luật Giao thông.
CSGT lập biên bản một tài xế hú còi ưu tiên nhưng trên xe không cấp cứu người bệnh
Xử phạt nghiêm khắc
Dù có quy định đối với xe được lắp còi, đèn ưu tiên nhưng trong thời gian qua, trên địa bàn TP.HCM lại xuất hiện nhiều trường hợp tự lắp những thiết bị này hoặc lạm dụng phát tín hiệu ưu tiên dù không đi làm nhiệm vụ khẩn cấp. Việc này đã gây ra việc làm mất trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Trung tá Đinh Minh Vương (cán bộ Phòng CSGT Đường bộ – Đường sắt, Công an TP.HCM), các đối tượng xe được đề xuất lắp thiết bị phát tín hiệu ưu tiên bao gồm: Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ; xe quân sự đi làm nhiệm vụ khẩn cấp; xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp; xe CSGT dẫn đường; xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu; xe đi làm nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai, dịch bệnh; xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật. Ngoài những đối tượng xe trên, các phương tiện còn lại không được tự ý lắp đặt còi hú, đèn ưu tiên gây mất trật tự an toàn giao thông, ảnh hưởng đến những xe được quyền ưu tiên. “Nhằm lập lại trật tự, đảm bảo đúng quy định, đúng mục đích đối với công tác quản lý, lắp đặt và sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên của xe được quyền ưu tiên, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của xe được quyền ưu tiên, Phòng CSGT Đường bộ – Đường sắt, Công an TP.HCM triển khai kế hoạch kiểm tra, rà soát việc quản lý, lắp đặt và sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên”, Trung tá Vương cho biết.
Theo Trung tá Vương, lực lượng CSGT TP sẽ kiểm tra, xử lý vi phạm về sử dụng tín hiệu ưu tiên không đúng quy định. Các cán bộ, chiến sĩ CSGT sẽ tập trung xử lý các hành vi vi phạm như: Lắp đặt thiết bị phát tín hiệu ưu tiên không đúng theo quy định của giấy phép ưu tiên; lạm dụng sử dụng tín hiệu khi phương tiện không phải đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, không đi vận chuyển, cấp cứu người bệnh (đối với xe cứu thương); không đúng đối tượng xe ưu tiên nhưng vẫn lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên. Những trường hợp vi phạm sẽ bị tạm giữ, thu hồi giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên; yêu cầu tháo bỏ thiết bị ưu tiên đối với các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Kêu gọi người dân gửi thông tin phản ánh
Nhằm thực hiện tốt công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tạo động lực phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của TP.HCM với phương châm “Mỗi người dân là một chiến sĩ CSGT phát hiện hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông”, Công an TP.HCM đã phát động phong trào toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm về trật tự an toàn giao thông với mong muốn người dân đồng hành cùng với lực lượng CSGT hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần bảo đảm an toàn, tính mạng và tài sản của nhân dân.
Hành vi điều khiển xe không được quyền ưu tiên lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên sẽ bị xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm b khoản 3 và điểm b, điểm d khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể, phạt tiền từ 300-400 ngàn đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu thiết bị phát tín hiệu ưu tiên lắp đặt, sử dụng trái quy định; trường hợp vi phạm mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng. Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu thiết bị phát tín hiệu ưu tiên lắp đặt, sử dụng trái quy định; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng; trường hợp vi phạm mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng. |
Thông tin, hình ảnh của nhân dân cung cấp có thể gửi tới lực lượng CSGT bằng các hình thức: Trực tiếp đến trụ sở cơ quan, đơn vị; Thông qua hộp thư điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử, số điện thoại đường dây nóng; thông qua dịch vụ bưu chính. Thông tin, hình ảnh làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông phải đảm bảo các yếu tố: Rõ về biển số phương tiện, thời gian vi phạm, địa điểm, đối tượng, hành vi vi phạm và còn thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật (bản ảnh có giá trị pháp lý trong vòng 1 năm kể từ lúc phát hiện vi phạm). Cơ quan tiếp nhận sẽ chịu trách nhiệm trong việc bảo đảm bí mật các thông tin liên quan đến tổ chức, cá nhân đã cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm về trật tự an toàn giao thông.
Sau khi tiếp nhận các thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự an toàn giao thông, cán bộ CSGT sẽ tiến hành xem xét, phân loại, nếu các thông tin, hình ảnh này đảm bảo các quy định của pháp luật sẽ báo cáo thủ trưởng đơn vị có thẩm quyền để thực hiện các bước xử lý tiếp theo đúng quy định.
Khánh Kiều