Sinh viên bức xúc vì điều chỉnh kế hoạch học tập học phần Giáo dục thể chất
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của nhiều sinh viên năm 2, năm 3 hiện đang theo học tại Học viện Tài chính bức xúc về cách sắp xếp lịch học học phần Giáo dục thể chất của nhà trường.
Cụ thể, nhiều sinh viên cho biết, nhà trường điều chỉnh kế hoạch học tập học phần Giáo dục thể chất (học phần 2) bao gồm 2 tuần học ở Hòa Lạc và 2 tuần học ở cơ sở chính đối với nhóm học phần tự chọn, gồm: Bóng bàn, Bóng chuyền, Bóng rổ, Cầu lông, Taekwondo.
Trước đó, sinh viên vẫn được học học phần 1 Giáo dục thể chất với nội dung chạy cự ly ngắn toàn bộ thời gian ở cơ sở chính.
Kế hoạch này không có từ đầu năm học mà tới ngày 6/12 nhà trường mới thông báo khiến sinh viên không kịp sắp xếp, điều chỉnh kế hoạch học tập các chứng chỉ chuẩn đầu ra cũng như việc thực tập, làm thêm.
Cũng theo sinh viên nhà trường, cơ sở 58 Lê Văn Hiến của trường có sân bóng rổ, cầu lông, sinh viên cho rằng vẫn đáp ứng đủ điều kiện học tập vì các khóa trước và học phần trước đều được học tại đây.
Đáng chú ý, trong 2 tuần học Giáo dục thể chất ở cơ sở Hòa Lạc, sinh viên vẫn phải học các môn chuyên ngành, cơ sở ngành như: Kế toán tài chính 2, Tài chính doanh nghiệp 1, Nguyên lý thống kê, Kinh tế môi trường… Tuy nhiên, các môn này lại được chuyển từ hình thức học trực tiếp sang hình thức học online.
Điều này khiến sinh viên băn khoăn về chất lượng giảng dạy khi không được tương tác trực tiếp với giảng viên cũng như việc thực hành sẽ gián đoạn trong thời gian học Giáo dục thể chất. Trong khi đó đây là các môn học phục vụ trực tiếp cho công việc của các em sau này.
“Điều chỉnh hình thức học học phần/môn học khác (trừ môn Giáo dục thể chất) của các khóa/chuyên ngành: CQ60/21; 60/31; 60/32; 60/41; 60/51; CQ61/21; CQ61/31+32; CQ61/06CLC; CQ61/09CLC; 61/11CLC; 61/21CLC; 61/22CLC từ trực tiếp sang trực tuyến (Môn học Giáo dục thể chất học chéo buổi với lịch học chính khóa)”, thông báo của trường nêu.
Bên cạnh đó, nhiều sinh viên khác cũng thắc mắc về khoản chi phí ăn ở, sinh hoạt khi học 2 tuần môn Giáo dục thể chất ở cơ sở Hòa Lạc. Chi phí này nhà trường cũng chưa thông báo nên sinh viên chưa nắm được cụ thể để có kế hoạch sắp xếp trong thời gian ngắn (gần 1 tháng theo thông báo của trường). Một số bạn có hoàn cảnh khó khăn lo ngại khó đáp ứng chi phí này.
Đặc biệt, sinh viên nhà trường phản ánh đã có thắc mắc về vấn đề này nhưng chưa nhận được phản hồi từ phía nhà trường. Thay vào đó, những bình luận phản ánh của sinh viên trên fanpage chính thức của trường lại bị xóa.
“Học thể chất là một phần của chương trình đào tạo, không ai phủ nhận điều đó nhưng lịch học không có kế hoạch trước, lịch học các môn chuyên ngành đổi sang phương án học online thì liệu chất lượng học có thật sự xứng đáng với số tiền chúng em bỏ ra?”, một sinh viên bày tỏ.
“Thông báo được đưa ra gấp gáp, trong khi chỉ còn chưa đầy 1 tháng để chuẩn bị. Rất nhiều sinh viên, đặc biệt là sinh viên năm 2, 3 như chúng em đã có công việc thực tập, mà phải dừng lại tất cả, nghỉ ngang 2 tuần chỉ để đi học Giáo dục thể chất thì em thấy rất khó hiểu. Không những vậy, chi phí đi lại, ăn ở trong 2 tuần cũng là gánh nặng với nhiều gia đình. Sinh viên chúng em bị đặt vào tình huống bị ép chuẩn bị trong chưa đầy 1 tháng, giữa lúc lịch học dày đặc và còn phải xoay xở tiền bạc? Nhà trường dường như quên mất rằng, sinh viên không phải ai cũng có điều kiện dư dả”, một sinh viên bức xúc chia sẻ.
Học viện Tài chính nói gì?
Để có thông tin khách quan về các nội dung phản ánh trên, ngày 10/12 phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Minh Sơn, Phó trưởng ban phụ trách Ban Công tác Chính trị và Sinh viên, Học viện Tài chính.
Thông tin về việc thay đổi kế hoạch giảng dạy học phần Giáo dục thể chất, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Minh Sơn cho biết: Những năm học trước sinh viên học viện được học Giáo dục thể chất đan xen, lệch buổi so với học chính khoá tại trụ sở chính.
Tuy nhiên năm 2024, Học viện Tài chính được bố trí thêm cơ sở vật chất mới tại khu công nghiệp công nghệ cao Hòa Lạc, cơ sở mới rất khang trang, hiện đại, đặc biệt có hệ thống phục vụ việc giảng dạy học phần giáo dục thể chất đầy đủ trang thiết bị hiện đại.
Hiện tại, Học viện Tài chính đang triển khai sửa chữa cơ sở vật chất tại cơ sở 58 Lê Văn Hiến, chuẩn bị khởi công xây dựng dự án tại khu 69 Đức Thắng, nên điều kiện sân bãi chưa tốt như tại cơ sở Hòa Lạc cho việc học Giáo dục thể chất trong giai đoạn này.
Với các bạn sinh viên có kế hoạch riêng không sắp xếp được có thể không đăng ký học giai đoạn này, trong trường hợp này, sinh viên cần chủ động đăng ký khi có lớp học tương ứng ở giai đoạn sau.
Cũng theo thầy Sơn, Học viện Tài chính luôn quan tâm đến tâm tư nguyện vọng của sinh viên, qua nắm bắt và được biết đại đa số sinh viên rất hào hứng với việc được học tập tại cơ sở mới này, tuy nhiên còn một số em vì chưa kịp sắp xếp, điều chỉnh kế hoạch cá nhân.
Nhà trường đã tuyên truyền thông tin tới các sinh viên để sinh viên nắm bắt được kế hoạch học tập Giáo dục thể chất học kỳ 2 (năm học 2024-2025) tại Hoà Lạc. Tuy nhiên, nếu trường hợp sinh viên không sắp xếp được kế hoạch cá nhân để đăng ký học Giáo dục thể chất kỳ này thì sinh viên sẽ chủ động đăng ký học bù vào các kỳ tiếp theo cùng các khoá sau. Trong thông báo ngày 06/12/2024 của Học viện Tài chính đã có lưu ý về nội dung này.
Về việc các môn chuyên ngành, cơ sở ngành của sinh viên năm 2, năm 3 phải chuyển sang hình thức học trực tuyến, thầy Sơn khẳng định nhà trường đảm bảo chất lượng giảng dạy các học phần này.
“Trong xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và học tập, trên cơ sở quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng thời đã được cụ thể hóa tại quy định đào tạo trình độ đại học của Học viện Tài chính, học viện đã, đang và tiếp tục kết hợp giữa các phương thức giảng dạy trực tiếp và giảng dạy trực tuyến (online).
Cách thức tổ chức này đảm bảo khối lượng, chất lượng giảng dạy của giảng viên cũng như chất lượng học tập của sinh viên.
Trong điều kiện Học viện Tài chính bố trí lịch học Giáo dục thể chất kết hợp với các môn học chính khóa tại cơ sở Hòa Lạc, học viện đã có nhiều phương án như: Bố trí phòng học online tập trung nên giảng viên và sinh viên có thể dễ dàng tương tác và thực hiện các yêu cầu của môn học, đảm bảo sự tương tác giữa thầy và trò; Một số môn học chuyên ngành học viện bố trí lớp học trực tiếp đan xen tại cơ sở Hòa Lạc.
Phó trưởng ban phụ trách Ban Công tác Chính trị và Sinh viên, Học viện Tài chính cũng cho biết thêm chi phí học tập (học phí) đối với học phần Giáo dục thể chất học ở cơ sở Hòa Lạc không phát sinh thêm. Chi phí đi lại học viện bố trí xe miễn phí đưa đón sinh viên, sinh viên không phải trả phí.
“Sinh viên chỉ phải thanh toán các khoản chi phí theo nhu cầu cá nhân trực tiếp sử dụng như: tiền điện, nước, ăn uống…; Thông tin chính thức sẽ được Học viện Tài chính công bố công khai trước ngày ngày 25/12/2024”, thầy Sơn cho hay.
Trước những thắc mắc của sinh viên về việc nhà trường chưa phản hồi nguyện vọng của sinh viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Minh Sơn khẳng định việc đối thoại trực tiếp giữa nhà trường và sinh viên được triển khai thường xuyên hàng năm.
Thực tế nhà trường đã thực hiện đối thoại qua nhiều kênh, sẵn sàng thực hiện đối thoại trực tiếp để lắng nghe ý kiến phản hồi của sinh viên trước những thắc mắc này và đã có kế hoạch trao đổi trực tiếp để lắng nghe, hướng dẫn sinh viên trước khi đi học tại cơ sở Hòa Lạc, dự kiến thực hiện trước ngày 25/12/2024.
Nhật Lệ