Từ năm 2012 đến nay, qua 12 đợt ký duyệt, Việt Nam có 294 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Các bảo vật này hết sức đặc biệt, là những “hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học”, đang được lưu giữ tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước và được bảo quản, bảo vệ theo chế độ đặc biệt, với những phương pháp bảo quản đặc thù tùy thuộc vào đặc điểm chất liệu và niên đại của từng bảo vật.
Sách song ngữ Việt – Anh “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam”. Ảnh: NXB Chính trị Quốc gia Sự Thật
Cũng bởi có giá trị đặc biệt quý hiếm, nên việc công nhận bảo vật quốc gia được thực hiện theo trình tự, thủ tục rất chặt chẽ, nghiêm ngặt. Nhiều năm qua, việc tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các bảo vật đã được quan tâm, thực hiện bằng những hình thức khá đa dạng, từ tổ chức các cuộc trưng bày trong và ngoài nước cho đến giới thiệu qua các trang web, phương tiện truyền thông xã hội, số hóa, phát hành các bộ tem theo chủ đề về bảo vật quốc gia.
Tuy nhiên, các bảo vật quốc gia hiện thuộc quyền quản lý của nhiều địa phương, tổ chức khác nhau nên mỗi nơi có cách thức quảng bá, khai thác, cũng như tôn vinh các giá trị của các hiện vật, nhóm hiện vật khác nhau. Do vậy, công chúng còn gặp nhiều khó khăn khi muốn chiêm ngưỡng, tìm hiểu một cách hệ thống về các bảo vật quốc gia.
Cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu theo hành trình niên đại của các bảo vật quốc gia, bắt đầu từ giai đoạn trước Công nguyên cho đến thời kỳ chiến tranh cách mạng, đánh dấu bằng bước ngoặt vĩ đại là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch và NXB Chính trị Quốc gia Sự thật bày tỏ hy vọng cuốn sách sẽ giúp đông đảo công chúng trong và ngoài nước hiểu rõ hơn về những giá trị lịch sử, văn hóa được “dệt” nên bởi bàn tay và khối óc con người Việt Nam, được liên tục bồi đắp suốt hàng ngàn năm qua, để tạo nên một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Trong lần xuất bản đầu tiên, năm 2023, NXB đã giới thiệu 265 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia qua 11 đợt ký duyệt. Ở lần xuất bản thứ hai này, NXB giới thiệu bổ sung 29 bảo vật được công nhận là bảo vật quốc gia (đợt công nhận thứ 12) theo Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18-1-2024 của Thủ tướng Chính phủ.