Quy định xét thăng hạng mới: GV có thành tích cũng không thể “bình chân như vại”

Ngày 15/12/2024 tới đây, Thông tư 13/2024/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập và giáo viên dự bị đại học có hiệu lực.

Theo đó, sẽ không còn hình thức thi thăng hạng, các tiêu chuẩn xét theo đánh giá là chi tiết, cụ thể giúp giáo viên dễ đối chiếu.

z5673183114904-6a40e36a28a7a065ffa0510860dd5680-615.jpg
Ảnh minh họa

Tại địa phương người viết công tác, theo tìm hiểu cho tới thời điểm này chưa có một giáo viên ở cả 3 cấp học ( mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) đạt giáo viên hạng I. Vì thế, không ít thầy cô giáo đang rất quan tâm đến hạng chức danh này.

Ở bài viết này, người viết là giáo viên tiểu học xin chia sẻ chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện để giáo viên tiểu học hạng II được thăng hạng chức danh giáo viên tiểu học hạng I.

Thông tư 13/2024/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng I

Điều 6. Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng I (mã số V.07.03.27)

Giáo viên tiểu học được đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng I (mã số V.07.03.27) khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

1. Đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.28).

2. Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II và tương đương, có 05 năm công tác liền kề trước năm dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong đó có ít nhất 02 năm được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật; không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Đảng và của pháp luật.

3. Đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng I theo quy định tại khoản 2, khoản 5 Điều 2 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT.

4. Đáp ứng tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng I theo quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm e khoản 4 Điều 5 Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT và khoản 3 Điều 2 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT. Trong đó, các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng theo quy định tại điểm e khoản 4 Điều 5 Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT phải là các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng đạt được trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II và tương đương.

Thông tư mới đã ghi nhận sự nỗ lực của giáo viên và khuyến khích các thầy cô phấn đấu không ngừng

Thông tư 13/2024/TT-BGDĐT yêu cầu “Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II và tương đương, có 05 năm công tác liền kề trước năm dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong đó có ít nhất 02 năm được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ…”.

Điều này buộc các thầy cô giáo phải liên tục phấn đấu, kể cả những năm trước đó thầy cô đã có rất nhiều thành tích.

Thực tế, ở nhiều trường học hiện nay, giáo viên được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ luôn là những người có năng lực chuyên môn vững vàng, nhiệt tình trong các hoạt động phong trào ở lớp, ở trường.

Thường thì mỗi trường học, số lượng giáo viên được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không nhiều.

Theo Nghị định 48/2023/NĐCP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP, giáo viên là viên chức được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không quá 20% viên chức hoàn thành nhiệm vụ tương ứng quy định không quá tỷ lệ đảng viên được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” theo quy định của Đảng.

Thông tư mới về xét thăng hạng còn quy định, 1 danh hiệu thi đua và thành tích không được sử dụng đồng thời ở hai lần dự thăng hạng từ hạng III lên hạng II và từ hạng II lên hạng I.

Với yêu cầu này, giáo viên muốn được thăng hạng I cũng phải luôn nỗ lực và phấn đấu không ngừng để đạt được thành tích mới. Tránh tình trạng, một số thầy cô đã có thành tích thì “bình chân như vại”, xem những thành tích đã đạt được là “vốn để dành” để tham gia các lần thăng hạng tiếp theo.

Một người đồng nghiệp của tôi giảng dạy tại một trường tiểu học ở địa phương chia sẻ, cô là giáo viên, tổ trưởng chuyên môn có năng lực vượt trội so với nhiều đồng nghiệp khác.

Những thành tích cô đạt được trong giáo dục luôn là niềm mơ ước của nhiều giáo viên. Theo đó, cô giáo này cả chục năm là chiến sĩ thi đua cơ sở. Nhiều năm liền được xếp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều năm đạt công đoàn viên xuất sắc.

Cô có nhiều sáng kiến kinh nghiệm đạt cấp thị xã, cấp tỉnh, là giáo viên có 3 kỳ liên tiếp đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

Với những thành tích vừa nêu trên, căn cứ vào Thông tư số 34/2021/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng thì giáo viên này thừa khả năng để được thăng lên giáo viên tiểu học hạng I.

Nhưng do địa phương người viết từ lâu chưa tổ chức thi hoặc xét chức danh giáo viên hạng I nên đến thời điểm này người đồng nghiệp vẫn đang là giáo viên tiểu học hạng II.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, người đồng nghiệp này dừng lại không đăng ký các danh hiệu thi đua (mặc dù vẫn giảng dạy các hoạt động nhiệt tình như trước) và “nhường sân” cho lớp trẻ vì các thành tích bản thân đạt được cũng đã nhiều rồi.

Từ khi cô giáo này không đăng ký thi đua, xếp loại cuối năm của cô luôn đạt mức hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thế nên nếu ngay thời điểm này, địa phương nơi người viết công tổ chức xét thăng hạng I cho những thầy cô giáo đang ở hạng II thì đồng nghiệp này của người viết dù có bề dày thành tích hơn nhiều đồng nghiệp khác vẫn không đủ điều kiện dự xét.

Bởi, 5 năm trở lại đây, em chỉ được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ và thiếu hẳn 2 năm xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ theo quy định.

Để đạt được giáo viên tiểu học hạng I có khó không?

Nếu chỉ cần đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện để thăng hạng chức danh như quy định trong Thông tư 13/2024/TT-BGDĐT thì cũng không khó đối với một số thầy cô giáo.

Bởi vì hàng năm, mỗi trường học đều có khoảng 20% giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhiều giáo viên trong số đó, có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để dự xét thăng hạng I. Tuy nhiên, Công văn số 64/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ về việc xác định cơ cấu ngạch công chức và cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

Theo đó, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 3, 4 thì chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng I không quá 10%.

Ví như một trường học đã có đủ 10% giáo viên hạng I thì những thầy cô giáo hạng II sẽ khó có cơ hội được tham gia xét tuyển mặc dù theo các tiêu chuẩn, các quy định thì những giáo viên này đã đủ hoặc thừa. Điều này có thể khiến nhiều thầy cô tâm tư và giảm đi nhiệt huyết phấn đấu để được thăng hạng lên giáo viên hạng 1.

Tài liệu tham khảo:

https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-thong-tu-quy-dinh-tieu-chuan-dieu-kien-xet-thang-hang-chuc-danh-nghe-nghiep-giao-vien-119241102102807133.htm

Đỗ Quyên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *