Phát hiện và tố giác SGK giả sẽ giúp thị trường sách trong sạch

Theo thống kê sơ bộ của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, từ năm 2010 đến nay, đã có trên 37 triệu bản sách giáo dục và hơn 18 tấn bán thành phẩm sách giáo dục in lậu dở dang đã bị phát hiện và xử lý tại hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. Các cơ quan chức năng đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra và phát hiện các hành vi in lậu, phát hành sách giáo khoa giả nổi cộm trong cả nước. [1]

Việc buôn bán sách giả, sách in lậu xảy ra dưới nhiều hình thức tinh vi khác nhau nhằm qua mắt cơ quan quản lý, đồng thời, khâu thanh tra, xử lý còn tồn đọng nhiều vướng mắc.

13c6dfe848d99887c1c82.jpg
Ảnh minh họa: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Sách in lậu, sách giáo khoa giả – hệ lụy đối với thế hệ trẻ

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đào Thiện Hùng, Trưởng phòng phát hành – Nhà xuất bản Y học cho biết sách photo in lậu, sách scan hiện nay tồn tại dưới 2 dạng là sách giấy và sách điện tử.

“Sách giấy, sách lậu thường xuất hiện ở các quán photocopy xung quanh các trường hoặc trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều nhất là trên Facebook. Sách lậu thường được photo, scan từ sách gốc và thu nhỏ từ khổ A4 xuống khổ A5, có chất lượng rất kém. Các đối tượng rao bán sách photo in lậu thường sử dụng mạng xã hội là Facebook hoặc lập Page Facebook ảo, lập hội nhóm chạy quảng cáo, viết bài rao bán sách lậu, sử dụng hình ảnh sách thật nhưng khi giao hàng lại bán sách photo in lậu, scan.

Phương thức bán hàng chủ yếu dưới dạng cho người mua để lại số điện thoại hoặc thông tin liên lạc. Sau đó, các đối tượng này tự liên hệ và cho người mua sách lậu với hình thức giao hàng COD (thanh toán khi nhận hàng). Toàn bộ các tài khoản Facebook này đều không có địa cụ thể nhằm trốn tránh cơ quan chức năng và chối bỏ trách nhiệm khi người mua phát hiện ra mua phải sách lậu.

Trong thời gian qua, nhà xuất bản đã nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc mua nhầm phải sách lậu có chất lượng in kém, chữ bị mờ nhòe,…

Còn đối với sách điện tử, sách lậu thường được các đối tượng tự làm, cắt ghép file sách rồi tạo các hội nhóm trên Facebook, Zalo, Website lậu với hình thức bán là bắt người mua nạp thẻ thành viên mới được tham gia hội nhóm.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu, Nhà xuất bản Y học nhận thấy các đối tượng này chủ yếu là lừa đảo người mua nạp thẻ thành viên, file sách thường chỉ có vài phần đầu, phần giới thiệu của sách”- ông Đào Thiện Hùng thông tin thêm.

Bàn về hệ lụy của sách giáo khoa giả, ông Nguyễn Thiện Hùng cũng nhận định: “Nhiều sách giáo khoa giả có hình thức rất xấu, chữ in, hình ảnh trong sách nhòe bị vỡ nét chữ và hình, sử dụng một thời gian mực bị phai hết. Bìa sách bị làm giả có hình thức xấu, các “đầu nậu” có thể chuyển từ bìa gốc là bìa cứng xuống bìa thường photo. Nếu tình trạng này diễn ra lâu ngày có thể sẽ ảnh hưởng tới thị lực của học sinh.

Việc sử dụng sách giáo khoa giả năm này qua năm khác còn gây ra những hệ lụy xấu đối với thế hệ tương lai đất nước. Những quyển sách giáo khoa giả thường được in với số lượng khá lớn qua từng năm, kiến thức về chủ quyền, vấn đề biển đảo nhiều khi không được cập nhật, các đường nét biên giới lãnh thổ nhiều khi vì chất lượng in kém mà bị phai mờ. Từ đó có thể kéo theo hệ lụy, nhận thức của thế hệ trẻ không được đúng đắn, toàn diện”.

Từ những chia sẻ trên, vị này gợi ý các bậc phụ huynh, học sinh nên tìm mua sách giáo khoa ở những đơn vị phát hành uy tín của các nhà xuất bản, có địa chỉ rõ ràng hoặc truy cập vào các trang web chính thức của các nhà sách trên toàn quốc để chọn lọc cho con em những quyển sách giáo khoa từ nguồn chính thống. Điều này đảm bảo cho thế hệ tương lai của đất nước hành trang tri thức toàn diện, đầy đủ khi từng bước trưởng thành.

31-5-1.jpg
Sách giáo khoa giả có thể gây ra những hệ lụy xấu đối với thế hệ tương lai của đất nước. Ảnh minh họa: Cục Quản lý thị trường Đồng Nai.

Theo ý kiến chia sẻ từ một nhà xuất bản trên địa bàn Đà Nẵng cho biết, vấn nạn sách giả, sách lậu ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của tác giả.

“Mỗi cuốn sách được xem là đứa con tinh thần của tác giả, là sản phẩm tri thức đúc kết sau nhiều năm làm việc và cống hiến. Khi xuất bản một quyển sách, tác giả không chỉ muốn để lại một thành quả nghiên cứu khoa học cho thế hệ sau này mà cũng sẽ mong nhận được phần lợi nhuận xứng đáng với công sức mà mình đã bỏ ra. Do đó, việc in sách giả, sách lậu là một thiệt thòi lớn đối với tác giả.

Bên cạnh đó, vấn nạn buôn bán sách giả, sách lậu còn làm sai lệch con số thống kê tỉ lệ đọc sách của người Việt Nam. Theo thống kê, trung bình một người Việt Nam chỉ đọc 4 cuốn sách/năm, trong đó có đến 2,8 cuốn là sách giáo khoa, như vậy, trung bình một năm người dân Việt Nam đọc khoảng 1,2 cuốn/người/năm. Con số này có thể bị ảnh hưởng bởi thực chất nhiều người dân có nhu cầu đọc sách nhưng vì họ mua phải sách giả nên tỉ lệ người dân đọc sách theo thống kê có thể thấp hơn tỉ lệ đọc sách thực tế” – đại diện nhà xuất bản này chia sẻ.

Theo ông Phan Tân, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Khoa học xã hội, cần phải hiểu rõ sách lậu, sách giáo khoa giả hiện nay phần lớn là sách được in thêm, in nối bản từ bản sách chính, từ các file chính đã được cấp phép xuất bản; còn sách giả, sách lậu dưới dạng thay đổi nội dung, viết nội dung khác… hay in trên giấy giả, không được cấp phép là rất ít, thậm chí không có.

3_Phan Tân.jpg
Ông Phan Tân, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Khoa học xã hội nói về vấn nạn sách giả, sách in lậu. Ảnh: NVCC.

Chính vì vậy, ông Tân cho rằng, nguyên nhân khiến vấn nạn sách giả, sách lậu vẫn còn tồn tại là bắt nguồn từ sự siêu lợi nhuận: “Thứ nhất, sách giả, sách lậu, sách in nối bản có giá thành rẻ hơn nhiều so với sách thật bởi chúng không phải trả chi phí cho các loại phí quản lý, mua bản quyền, phí biên tập, chế bản, cấp phép…

Thứ hai, công nghệ in ấn ngày nay rất hiện đại, để in ấn một cuốn sách có mẫu mã, kiểu dáng giống nhau không có gì khó, thậm chí nhiều sách giả, sách lậu được in ấn từ nhà in hiện đại còn đẹp hơn sách thật.

Thứ ba, giá trị chính của sách là vật mang tri thức, nhiều loại sách giả, sách lậu hay sách được cấp phép được bán ra mang tri thức như nhau. Do đó, ở đâu bán sách có giá rẻ hơn thì người tiêu dùng sẽ tiếp cận lựa chọn ở đó. Người tiêu dùng ít khi đặt nhiệm vụ phải lựa chọn, phân biệt sách giả, sách lậu để khỏi ảnh hưởng đến cá nhân hay người thân…

Bên cạnh đó, công tác quản lý thị trường xuất bản hiện nay còn gặp nhiều vấn đề, kiểm soát chưa thực sự chặt chẽ, thanh tra chưa được tiến hành thường xuyên. Hiện nay, các nhà in rất nhiều, máy móc thiết bị in ngày càng hiện đại dẫn đến rất khó để thanh tra và phát hiện”.

Theo ông Đào Thiện Hùng, người đọc không nên có tâm lý lựa chọn sách in lậu sẽ rẻ hơn “sách gốc”, vì hiện nay các nhà xuất bản đều bán “sách gốc”, đặc biệt là sách giáo khoa với giá thành ưu đãi. Chưa kể, chất lượng, hình thức sách chắc chắn tốt hơn so với sách giả, sách in lậu.

“Vậy nên, người tiêu dùng cần chú ý nâng cao nhận thức về việc chọn mua sách đúng nhà xuất bản, có nguồn gốc rõ ràng, tránh bị dụ dỗ bởi những chiêu trò đánh vào tâm lý mua hàng giá rẻ của các “đầu nậu”, đồng thời không làm ảnh hưởng tới việc lĩnh hội tri thức” – ông Hùng nhấn mạnh.

Một hành động tố giác nhỏ bé, góp phần rất lớn trong việc chống lại sách giả, sách lậu

Không chỉ xuất hiện len lỏi trong các cửa hàng, tình trạng buôn bán sách giả hiện nay còn xảy ra trên các sàn thương mại điện tử.

Ông Đào Thiện Hùng thông tin thêm, những năm gần đây, các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki đã siết chặt việc được đăng bán sách và có liên hệ phối hợp với các nhà xuất bản, nên tình trạng bán sách photo in lậu, scan trên các sàn thương mại điện tử giảm đáng kể.

Tuy nhiên, việc quản lý trên mạng xã hội, đặc biệt là Facebook không thể kiểm soát được. Bản thân các nhà xuất bản phải đăng các bài viết cảnh báo về các đối tượng, địa chỉ bị phát giác là bán sách lậu, hoặc bị bạn đọc phản ánh, nhằm cảnh báo, tuyên truyền rộng rãi.

“Bên cạnh đó, theo tôi, các đơn vị cũng có thể cải tiến sản phẩm, đưa giá thành hợp lý, mở rộng các kênh bán sách, kênh phân phối trên cả nước để người đọc dễ dàng sở hữu được cuốn sách gốc chất lượng cao, đồng thời nên có kênh bán hàng có hợp đồng chính thức với nhà xuất bản trên sàn thương mại điện tử để người đọc mua sách chính hãng” – ông Hùng đề xuất.

Đại diện một nhà xuất bản cũng bổ sung thêm: “Các nhà xuất bản cần phải ký kết hợp đồng với sàn thương mại điện tử để chuyên bán sách của nhà xuất bản đó. Tuy nhiên, cần bổ sung QR code vào sau mỗi quyển sách để phục vụ cho việc xác minh sách giả – thật.

Bên cạnh đó, bằng cách gắn QR code, phụ huynh, học sinh khi mua sách giáo khoa mỗi mùa tựu trường có thể kiểm tra được nguồn gốc của sách để đảm bảo chất lượng giấy cũng như kiến thức cho con em”.

Để ngăn chặn tình trạng này, vị đại diện nhà xuất bản này cho hay: “Theo tôi, việc đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là nâng cao nhận thức người tiêu dùng. Họ cần ý thức được, đây là một vấn đề hết sức nghiêm trọng.

Một hành động tố giác nhỏ bé của mình đang góp phần rất lớn trong phong trào chung chống lại vấn nạn sách giáo khoa giả, sách in lậu gây nhức nhối bấy lâu nay”.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://baochinhphu.vn/sach-lau-sach-gia-anh-huong-nghiem-trong-toi-kien-thuc-hoc-sinh-10224081715573378.htm

Nguyễn Quỳnh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *