Theo dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, dự thảo Luật Nhà giáo sẽ được đưa ra thảo luận tại nghị trường vào ngày 20/11. Dự án luật này đang nhận được rất nhiều kỳ vọng, mong chờ từ đội ngũ nhà giáo trên cả nước.
Xin được trích lược các điểm mới nhất của dự thảo Luật Nhà giáo được Bộ Giáo dục và Đào tạo công khai cho ý kiến tại Kỳ họp này.
Thứ nhất, không công khai sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận hoặc lan truyền, phát tán thông tin không chính xác về nhà giáo
Theo dự thảo mới nhất, tại điểm c khoản 3 Điều 11 quy định về những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo “không công khai thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm khi chưa có kết luận chính thức hoặc lan truyền, phát tán thông tin không chính xác về nhà giáo“.
Thứ hai, phân hạng chức danh nhà giáo
Tại dự thảo mới nhất, tại Điều 12. Chức danh nhà giáo
1. Chức danh nhà giáo là tên gọi thể hiện trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo tương ứng với từng cấp học, trình độ đào tạo.
2. Căn cứ mức độ phức tạp trong hoạt động nghề nghiệp, chức danh nhà giáo được xếp hạng theo từng cấp học, trình độ đào tạo.
3. Việc bổ nhiệm, thăng hạng chức danh nhà giáo được thực hiện căn cứ vào loại hình cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
4. Các hạng chức danh nhà giáo ở từng cấp học, trình độ đào tạo được xác định tương đương khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.
5. Chức danh nhà giáo trong trường của lực lượng vũ trang nhân dân thực hiện theo quy định của Luật này.
6. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này.
Việc bổ nhiệm, phân hạng, thăng hạng sẽ được cụ thể trong các quy định của Chính phủ.
Thứ ba, thực hành sư phạm là nội dung bắt buộc trong tuyển dụng nhà giáo
Tại Điều 16. Tuyển dụng nhà giáo
Tại khoản 1 dự kiến về Nội dung và phương thức tuyển dụng
a) Nội dung tuyển dụng căn cứ vào chuẩn nghề nghiệp nhà giáo;
b) Phương thức tuyển dụng thông qua xét tuyển hoặc thi tuyển, trong đó phải có thực hành sư phạm.
Tại khoản 2 dự kiến về thẩm quyền tuyển dụng
a) Nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tuyển dụng hoặc phân cấp, ủy quyền. Đối với cơ sở giáo dục được giao quyền tự chủ, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng;
b) Nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập do cơ sở giáo dục chủ trì tuyển dụng theo quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục.
Thứ tư, nhà giáo được nghỉ hè 08 tuần
Tại Điều 20. Chế độ làm việc của nhà giáo
1. Chế độ làm việc của nhà giáo bao gồm thời gian làm việc và thời gian nghỉ, được quy định theo năm học và quy đổi thành giờ dạy, tiết dạy trên năm hoặc trên tuần theo từng cấp học, trình độ đào tạo.
2. Thời gian nghỉ hè hằng năm của nhà giáo tối đa là 08 tuần và được bố trí phù hợp đối với nhà giáo từng cấp học, trình độ đào tạo và loại hình cơ sở giáo dục.
3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về chế độ làm việc đối với nhà giáo theo từng cấp học, trình độ đào tạo.
4. Căn cứ quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về chế độ làm việc đối với nhà giáo, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cơ quan có thẩm quyền của Đảng quy định cụ thể về chế độ làm việc của nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý.
5. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này.
Thứ năm, nhà giáo tiếp tục hưởng phụ cấp thâm niên đến khi thực hiện lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW
Tại Điều 27. Tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo
1. Tiền lương nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập như sau:
a) Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp;
b) Phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật;
c) Nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; nhà giáo trường chuyên biệt, trường chuyên biệt khác; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác;
d) Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 01 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
2. Tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập bảo đảm không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập có cùng trình độ đào tạo, cùng chức danh trừ khi có thỏa thuận khác.
3. Nhà giáo công tác ở các ngành, lĩnh vực có chế độ đặc thù thì được hưởng chế độ đặc thù theo quy định và chỉ được hưởng ở một mức cao nhất nếu chính sách đó trùng với chính sách dành cho nhà giáo.
4. Chính phủ quy định chi tiết tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo.
Dự thảo mới không còn nội dung nhà giáo được hưởng phụ cấp thâm niên, tuy nhiên tại khoản 2 Điều 50. Quy định chuyển tiếp nêu:
“2. Nhà giáo tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.”
Tài liệu tham khảo:
[1] Dự thảo Luật Nhà giáo lần 5(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Bùi Nam