Nhạc sĩ Hoài An là một tên tuổi không còn xa lạ với những người yêu âm nhạc Việt Nam. Anh tiết lộ về niềm đam mê với thể loại âm nhạc dân gian là sau khi được nghe cố nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo đánh đàn. Còn cảm hứng sáng tác đề tài sử ca là nhờ ba anh đã truyền tình yêu sử Việt cho anh…
Nhạc sĩ Hoài An và MC Minh Đức trong một talkshow về âm nhạc dân gian
Từng thỉnh giáo cố nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo
Trong giai đoạn Làn sóng xanh, những sáng tác của nhạc sĩ Hoài An luôn nằm trong top thịnh hành và có sức sống mãnh liệt đến ngày hôm nay như Tình thơ, Tình khúc vàng, Nếu phôi pha ngày mai, Tình yêu diệu kỳ… Thời gian qua, nhạc sĩ Hoài An dần mở rộng lĩnh vực sáng tác khi chuyển sang viết nhạc sử ca và đưa chất liệu dân gian vào trong âm nhạc của mình. Bằng cách học nhạc cụ dân tộc và đưa chất liệu dân gian vào âm nhạc, nam nhạc sĩ đã mở ra một chương mới đầy màu sắc trong sự nghiệp của mình và gặt hái được nhiều thành công.
Chia sẻ về sức hút thú vị của chất liệu âm nhạc dân gian, nhạc sĩ Hoài An cho biết: “Âm nhạc dân gian có sức hút vô cùng mãnh liệt đối với tôi, nhưng cách thể hiện của mỗi người mỗi khác. Tôi cũng học hỏi rất nhiều, đa phần là tự học và may mắn gặp được rất nhiều thầy giỏi như cố nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo. Tiếc là thời gian gặp không được nhiều nhưng thầy thương nên có đánh cho tôi nghe tiếng đàn kìm, đàn tranh”.
Khi nghe ngón đàn của cố nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, nhạc sĩ Hoài An cảm thấy trái tim đầy thổn thức theo từng nhịp. Anh nhớ lại khoảnh khắc rung động khi cố nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo gảy đàn. Ở tuổi 102-103, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo vẫn giữ được tinh thần minh mẫn và chơi đàn điêu luyện. Chính những giai điệu từ cây đàn của cố nhạc sư đã khơi dậy trong anh một niềm đam mê và cảm hứng mạnh mẽ đối với âm nhạc dân gian.
Nhạc sĩ Hoài An
Nhạc sĩ Hoài An thổ lộ: “Tay mình đánh đàn còn đau nhưng ngón đàn của thầy tạo ra những rung động rất lớn. Có thể suốt cuộc đời tôi cũng không học được ngón đàn đó nhưng tôi học được ý nhỏ trong đó. Những chất liệu như luyến láy, nốt rung này có thể đưa vào ca khúc mới sao cho phù hợp hoặc tôi có thể kiệu ca, hướng dẫn cho ca sĩ rung nhấn với những bài hát mang âm hưởng dân ca đúng như chất đó”.
Nhạc sĩ Hoài An còn tiết lộ chất liệu âm nhạc dân gian tại Việt Nam rất đa dạng. Mỗi vùng miền của Việt Nam đều có những chất liệu âm nhạc dân gian khác nhau. Từ Tây Bắc đến miền Trung với nhạc lễ, nhạc cung đình, hay Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long với nhạc Chăm, nhạc Khmer đều có giai điệu đặc trưng. Theo nam nhạc sĩ, chất liệu âm nhạc dân gian ở Việt Nam phong phú và độc đáo, tuy nhiên điều quan trọng là phải tìm hiểu và chọn lọc để phù hợp với chủ đề sáng tác.
Có thể thấy Hoài An là một nhạc sĩ tâm huyết với nghệ thuật, đặc biệt đối với âm nhạc dân gian và sử ca. Bằng cách không ngừng học hỏi và sáng tạo, nam nhạc sĩ mang đến những tuyệt phẩm đậm chất truyền thống cũng như cống hiến vào kho tàng âm nhạc đương đại của nước nhà. |
Nhạc sĩ Hoài An lấy ví dụ khi sáng tác về đề tài các chúa Mường hỗ trợ triều đình chống quân xâm lược, nam nhạc sĩ phải tìm hiểu âm nhạc Mường. Tuy nhiên, anh không chỉ dừng lại ở việc học hỏi và tái hiện âm nhạc dân gian theo cách truyền thống. Anh chọn cách kết hợp giữa chất liệu dân gian, tinh thần dân tộc ấy với tiết tấu hiện đại để tạo ra sản phẩm âm nhạc vừa mang tính truyền thống vừa hợp thời.
Sáng tác nhạc sử ca rất khó
Nhạc sĩ Hoài An không chỉ sở hữu loạt ca khúc hit dành cho giới trẻ mà anh còn có một “gia tài” nhạc sử ca đồ sộ như Trương Chi – Mỵ Nương, Tiếng trống Mê Linh (Hai Bà Trưng), Ngọn cờ lau (Đinh Bộ Lĩnh)… Trong đó, không thể không kể đến ca khúc Chuyện thành Cổ Loa của nam nhạc sĩ khi viết về chuyện tình bi thương của Mỵ Châu và Trọng Thủy.
Tiết lộ cảm hứng sáng tác đề tài lịch sử, nhạc sĩ Hoài An cho biết ba anh – cố nhà giáo Võ Đại Mau đã truyền tình yêu sử Việt cho anh. Ba anh vốn là giảng viên dạy toán nhưng từng có vài năm kinh nghiệm dạy văn, do đó khắp nhà của anh không có gì ngoài sách. Từ nhỏ, nam nhạc sĩ đã say mê những quyển sách chính sử cho đến huyền sử. Với niềm yêu thích sử Việt cùng lời căn dặn của ba, nhạc sĩ Hoài An đã sáng tác ra nhiều ca khúc khơi dậy tinh thần hào hùng với đề tài lịch sử.
Ca sĩ Đan Trường trình bày nhiều ca khúc sử ca của nhạc sĩ Hoài An
Ca khúc Chuyện thành Cổ Loa được nam nhạc sĩ viết vào năm 2001. Khi ấy, nhạc sĩ Hoài An về nhà vào tối muộn thì phát hiện quyển sách Việt Nam sử lược của tác giả Trần Trọng Kim mà ba anh để trên tủ. Khi nam nhạc sĩ đọc những dòng mà ba anh gạch chân trong sách liền cảm thấy xúc động và quyết định sáng tác ngay ca khúc sử Việt đầu tay trong đêm. “Đó là chủ quan vô ý chí vì tôi chưa làm nhưng nghĩ rằng tôi sẽ cố gắng làm xong trong đêm đó. Kết quả là từ 1 giờ đến 5 giờ sáng thì tôi đã viết xong ba phần của bài Chuyện thành Cổ Loa. Viết xong thì tôi không sửa chữ nào cả”, nam nhạc sĩ chia sẻ.
Bên cạnh đó, để viết những ca khúc sử Việt đòi hỏi sự cẩn trọng. Nam nhạc sĩ phải nghiên cứu kỹ lưỡng các tài liệu lịch sử và thi thoảng tự suy luận để đảm bảo thông tin chính xác. Bên cạnh bài hát về truyền thuyết Mỵ Châu – Trọng Thủy, nhạc sĩ Hoài An còn sáng tác nhiều ca khúc về cột mốc son trong lịch sử nước nhà như sự kiện 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông của nhà Trần. Với chủ đề này, nam nhạc sĩ sáng tác ca khúc Hào khí Thăng Long, Bạch Đằng giang, Đức Thánh Trần… Trong đó, ca khúc Tinh thần Đông A được nam nhạc sĩ lấy cảm hứng từ tinh thần luyện võ cường thân, bảo vệ gia đình, Tổ quốc của nhà Trần. Vì vậy, nam nhạc sĩ sử dụng nhiều từ ngữ liên quan võ thuật như quyền cước hay đưa chi tiết về ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) vào trong ca khúc này. Như vậy, với cùng một chủ đề, nhạc sĩ Hoài An có thể sáng tác nhiều bài hát khác nhau mà không “đóng khung” trong một đề tài.
ThS. Nguyễn Hiếu Tín