Khoản 2 Điều 30 dự thảo Luật Nhà giáo nêu: “Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi”.
Đề xuất này nhận được nhiều ủng hộ từ giáo viên mầm non, tuy nhiên để áp dụng quy định này vào thực tế thì vẫn còn một số điểm cần xem xét để quy định rõ hơn.
Đề xuất giáo viên mầm non được nghỉ hưu trước tuổi nhận được nhiều ủng hộ
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Phạm Thị Miên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Sữa (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Khoản 2, Điều 30 của dự thảo Luật Nhà giáo là phù hợp với đặc thù nghề nghiệp và điều kiện thực tế của giáo viên mầm non. Công việc tại các cơ sở giáo dục mầm non không chỉ yêu cầu sức khỏe tốt mà còn đòi hỏi sự linh hoạt, năng lượng và tính sáng tạo cao. Do đó, quy định cho phép nghỉ hưu sớm tạo điều kiện để các cô giáo có lựa chọn phù hợp với sức khỏe và nguyện vọng cá nhân sau nhiều năm gắn bó với nghề.
Hiện nay, quy định về tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non (nữ 60 tuổi) là chưa phù hợp với đặc thù nghề nghiệp. Giáo viên mầm non phải đảm nhiệm khối lượng công việc lớn và liên tục trong suốt thời gian ở trường. Trẻ em rất năng động và ưa khám phá nên các cô không được lơ là dù chỉ vài phút. Giáo viên mầm non còn phải “sắm” đủ nghề: vừa là người thầy dạy học, múa, hát, vẽ, vừa ứng dụng công nghệ thông tin và các phương pháp giáo dục tiên tiến, đồng thời đảm nhận cả những công việc lao động vệ sinh và chăm sóc trẻ ăn, ngủ.
Buổi sáng giáo viên phải có mặt ở trường từ 7 giờ 30 phút để đón học sinh, buổi chiều 17 giờ 30 phút các cô mới rời trường. Có những hôm phụ huynh có việc nhờ giáo viên trông con thêm, các cô phải ở lại thêm. Buổi trưa, các giáo viên phải thay phiên nhau trông nom giấc ngủ cho học sinh và hoàn thành một số công tác dọn dẹp, chuẩn bị cho giờ học. Như vậy, thời gian làm việc của các cô lên đến 10 tiếng/1 ngày và rất ít thời gian nghỉ ngơi.
Như vậy, việc duy trì công việc này đến tuổi 60 là một thách thức lớn đối với nhiều giáo viên. Do đó, đề xuất cho phép giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi so với quy định là hợp lý.
Việc cho phép giáo viên mầm non nghỉ hưu sớm không quá 5 tuổi nếu có nguyện vọng không gây ảnh hưởng đến số lượng giáo viên hay chất lượng giáo dục của nhà trường. Thay vào đó, cơ chế tuyển dụng giáo viên trẻ để thay thế sẽ mang lại nhiều lợi ích cho trường và học sinh. Đội ngũ giáo viên trẻ có khả năng thích ứng với xu thế đổi mới và hội nhập trong thời kỳ công nghệ số, dễ dàng tiếp cận các phương pháp giáo dục tiên tiến, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường”.
Cùng bàn về vấn đề này, cô Hoàng Thị Huyền Trang, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bế Triều (huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) cho rằng, việc ưu tiên cho giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm là hoàn toàn phù hợp với đặc thù công việc. Giáo viên mầm non phải đảm nhiệm đồng thời ba nhiệm vụ quan trọng: nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ. Với những giáo viên lớn tuổi, việc duy trì chất lượng thực hiện cả ba nhiệm vụ này sẽ gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, công việc của giáo viên mầm non không chỉ yêu cầu kiến thức chuyên môn mà còn đòi hỏi khả năng thẩm mỹ, nghệ thuật, thể lực và lao động cao, bao gồm việc bê đỡ, chăm sóc trẻ, tổ chức các hoạt động múa, vẽ, hát, hoạt động thể chất. Ở tuổi ngoài 50, nhiều giáo viên không còn đủ năng lượng và sự duyên dáng để thu hút trẻ. Trong khi đó, tâm lý trẻ nhỏ thường thích những giáo viên trẻ trung, năng động, bởi hoạt động học thông qua chơi là trọng tâm của giáo dục mầm non. Giáo viên lớn tuổi thường khó đáp ứng yêu cầu này, khiến trẻ giảm hứng thú trong các hoạt động học tập và vui chơi.
Bên cạnh đó, hiện nay, chế độ tiền lương chưa tương xứng với công sức mà giáo viên mầm non bỏ ra. Công việc nhiều áp lực, thời gian làm việc kéo dài vượt quá 8 tiếng/1 ngày, nhưng giáo viên lại không được hưởng chế độ thêm giờ khiến nhiều giáo viên dễ bỏ nghề. Việc giảm độ tuổi nghỉ hưu sẽ mang lại những tác động tích cực, giúp giảm gánh nặng cho giáo viên lớn tuổi và có thể làm giảm thiểu tình trạng giáo viên mầm non bỏ việc.
Trong khi đó, cô Đoàn Lan Anh, Hiệu trưởng Trường Mầm Non Phước Vĩnh (thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) cho hay: “Sau khi biết dự thảo Luật Nhà giáo có quy định giáo viên mầm non có thể nghỉ hưu sớm và không bị trừ vào tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi, các giáo viên Trường Mầm non Vĩnh Phước rất phấn khởi và mong chờ dự thảo được thông qua. Nghề giáo viên mầm non có đặc thù riêng, yêu cầu sự linh hoạt, nhanh nhẹn cùng sức khỏe tốt để chăm sóc và giáo dục trẻ nhỏ. Khi tuổi tác tăng cao, việc duy trì hiệu quả công việc trở nên khó khăn, đặc biệt là trong môi trường đòi hỏi nhiều năng lượng và sự sáng tạo.
Thực tế, nhà trường đã ghi nhận nhiều phụ huynh có tâm tư mong muốn con được học với giáo viên trẻ, thậm chí, một số phụ huynh xin chuyển lớp cho con để con được học tập tốt hơn. Phụ huynh cho rằng giáo viên trẻ tiếp cận kiến thức giáo dục mới, tư duy cởi mở và sẵn sàng tiếp thu góp ý từ phụ huynh. Bên cạnh đó, sự nhanh nhẹn, năng lượng tích cực và khả năng học hỏi tốt của các giáo viên trẻ sẽ tạo động lực cho học sinh, đồng thời xây dựng môi trường học tập hiện đại, năng động hơn.
Ngoài các yếu tố như chế độ tiền lương và áp lực công việc, độ tuổi nghỉ hưu cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều giáo viên mầm non lo lắng. Nếu độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non được điều chỉnh linh động theo nguyện vọng của nhà giáo để phù hợp hơn với đặc thù công việc sẽ giúp giáo viên mầm non yên tâm công tác hơn. Ngoài ra, điều này cũng giữ chân được đội ngũ giáo viên lâu năm, đồng thời thu hút nguồn nhân lực giáo viên trẻ chất lượng”.
Thủ tục hành chính cần được xem xét, làm rõ
Theo Hiệu trưởng Trường Mầm non Phước Vĩnh, hiện nay, cũng như viên chức trong các ngành nghề khác, việc nghỉ hưu trước tuổi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chế độ lương hưu của giáo viên mầm non. Theo khoản 3, Điều 56, Luật Bảo hiểm xã hội (Luật số: 58/2014/QH13) người lao động nghỉ hưu sớm nếu không đủ điều kiện theo quy định thì mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi mức lương hưu sẽ giảm 2%.
Khoản 3, Điều 66, Luật Bảo hiểm xã hội (Luật số: 41/2024/QH15) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025 cũng quy định: “Mức lương hưu hằng tháng của đối tượng đủ điều kiện quy định tại Điều 65 của Luật này được tính như quy định tại khoản 1 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%. Trường hợp thời gian nghỉ hưu trước tuổi dưới 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu, từ đủ 06 tháng đến dưới 12 tháng thì giảm 1%”.
Như vậy, nếu giáo viên nữ nghỉ hưu ở tuổi 55 (so với quy định là 60 tuổi), mức lương hưu sẽ bị giảm 10%. Đề xuất giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm nếu có nguyện vọng và không bị trừ vào tỉ lệ lương hưu rất hợp lý và nhân văn. Đề xuất này đáp ứng nguyện vọng chính đáng của đội ngũ giáo viên mầm non, đảm bảo quyền lợi của giáo viên mầm non khi nghỉ hưu sớm. Điều này sẽ mang lại sự phấn khởi và động lực cho nhiều giáo viên trong ngành Giáo dục mầm non.
Tuy nhiên, cô Lan Anh cũng bày tỏ thắc mắc liên quan đến thời gian giáo viên được thực lĩnh lương hưu. Cụ thể, nếu giáo viên phải chờ đến độ tuổi quy định mới được nhận lương hưu, điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tài chính, cuộc sống của giáo viên mầm non khi nghỉ việc mà chưa được hưởng lương hưu ngay.
Đồng tình với quan điểm trên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Sữa bày tỏ: “Nếu giáo viên mầm non nghỉ hưu trước tuổi phải chờ đến độ tuổi đúng quy định mới được nhận lương hưu là một bất cập cần được xem xét. Điều này có thể tác động tiêu cực đến một bộ phận giáo viên, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn hoặc cần nguồn thu nhập để duy trì cuộc sống sau khi nghỉ việc.
Giáo viên mầm non nói chung đã phải đối mặt với điều kiện làm việc khó khăn, mức lương thấp và thời gian công tác dài nên nếu phải chờ đến khi đạt đủ tuổi nghỉ hưu mới nhận lương hưu có thể tạo ra sự bấp bênh về tài chính cho giáo viên trong giai đoạn chuyển tiếp, đặc biệt đối với những người không có đủ tiền tiết kiệm hoặc các nguồn thu nhập khác.
Chính vì vậy, nếu áp dụng khoản 2, Điều 30 của dự thảo Luật Nhà giáo vào thực tế, chính sách cần linh hoạt, cụ thể và rõ ràng hơn để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên mầm non. Nếu không, dù được phép nghỉ hưu sớm nhưng nhiều giáo viên mầm non có nguyện vọng cũng không xin nghỉ bởi cuộc sống trong giai đoạn chờ hưởng lương hưu sẽ không được đảm bảo”.
Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bế Triều cho biết, thủ tục để được nghỉ hưu trước tuổi hiện nay người lao động cần phải đáp ứng các điều kiện cụ thể theo Điều 108 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về hồ sơ hưởng lương hưu và khoản 3 Điều 5 Thông tư 56/2017/TT-BYT được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Thông tư 18/2022/TT-BYT quy định về hồ sơ khám giám định để thực hiện chế độ hưu trí đối với người lao động. Các khó khăn chủ yếu đến từ các thủ tục hành chính liên quan đến bảo hiểm xã hội khá phức tạp vì cần nhiều giấy tờ.
Ngoài ra, nếu giáo viên mầm non được giữ nguyên tỷ lệ lương hưu khi nghỉ hưu sớm, đây sẽ là một quy định khác biệt so với các quy định hiện hành về bảo hiểm xã hội. Để thực hiện chính sách này, các chính sách về bảo hiểm xã hội hiện nay cũng cần nghiên cứu và điều chỉnh đồng thời để tránh gây khó hiểu, khó thực hiện cho người lao động.
Cô Trang mong muốn nếu dự thảo Luật Nhà giáo được thông qua, cần có hướng dẫn chi tiết và cụ thể về thủ tục được hưởng chế độ nghỉ hưu sớm của giáo viên mầm non, thời gian được nhận lương hưu. Bên cạnh đó, cần giảm bớt các thủ tục hành chính, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên trong thực tế.
Hồng Mai