Theo đánh giá của nhiều cơ sở giáo dục đại học, hiện nay tỷ lệ sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh người dân tộc thiểu số còn thấp so với tỷ lệ chung của cả nước. Đặc biệt, nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số còn hạn chế, thiếu sinh viên trình đại học trở lên nhất là các ngành/nhóm ngành/lĩnh vực Sức khỏe, Công nghệ thông tin, Nông nghiệp, Tài chính – Ngân hàng, đào tạo giáo viên.
Tiếp cận giáo dục chất lượng cao của người dân tộc thiểu số còn hạn chế
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đậu Bá Thìn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức chia sẻ, Trường Đại học Hồng Đức là trường đại học công lập, đào tạo đa ngành, trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa và chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vì vậy, người học có hộ khẩu thường trú tại Thanh Hóa là chủ yếu, chiếm khoảng trên 90%, sinh viên là người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 10%.
Tỷ lệ người học là người dân tộc thiểu số ở các ngành học cũng rất khác nhau. Đối với các ngành Công nghệ thông tin, Nông Nghiệp, Tài chính – Ngân hàng, tỷ lệ người học là người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 3-5%, các ngành đào tạo giáo viên chiếm khoảng 10-15%.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong việc phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số.
Thứ nhất, chất lượng giáo dục phổ thông, công tác hướng nghiệp trong vùng dân tộc thiểu số còn chưa cao nên đa số các em khi học tập gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận kiến thức ở chương trình đào tạo đại học, kết quả đầu ra còn thấp, nhiều em chưa đáp ứng được yêu cầu công việc khi mới ra trường.
Thứ hai, công tác phối hợp và phát huy tốt vai trò các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh khi tham gia quá trình đào tạo nguồn nhân lực dân tộc thiểu số gắn với việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp chưa nhiều.
Bên cạnh đó số lượng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên các địa bàn có người dân tộc thiểu số sinh sống còn rất hạn chế.
Thứ ba, chỉ tiêu biên chế, nhu cầu vị trí việc làm tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp gần như đã bão hòa, do đó việc giải quyết, bố trí việc làm cho sinh viên người dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Thứ tư, cơ sở vật chất, hỗ trợ kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, người học là người dân tộc thiểu số còn chưa đáp ứng được nhu cầu. Đồng thời, công tác phát triển nguồn nhân lực từ sự nghiệp giáo dục – đào tạo ở miền núi còn hạn chế.
Cùng bàn về vấn đề này, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thục – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa, thể thao, du lịch Thanh Hóa, tỷ lệ sinh viên người dân tộc thiểu số tại trường tập trung phần lớn vào các ngành đào tạo giáo viên.
Chia sẻ về một số khó khăn trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số, cô Thục cho biết, học sinh dân tộc thiểu số còn gặp khó trong việc tiếp cận chương trình phổ thông. So với các khu vực đồng bằng hay đô thị, điều kiện để các em tham gia học tập gặp nhiều trở ngại hơn. Chẳng hạn, ngay cả việc đến trường cũng đã là một thách thức lớn hơn so với học sinh ở vùng đồng bằng hoặc đô thị.
Vấn đề ngôn ngữ cũng là một rào cản đối với con em người dân tộc thiểu số. Do phần lớn các em lớn lên trong môi trường giao tiếp chủ yếu bằng tiếng dân tộc với bố mẹ và ông bà, việc chuyển sang học chương trình phổ thông chuẩn bằng tiếng Việt trở nên khó khăn hơn, khiến các em không thể hiểu sâu về tiếng Việt như học sinh ở các khu vực khác, dẫn đến kết quả học tập thấp hơn.
Đồng thời, về điều kiện học tập, các em cũng khó tiếp cận, làm quen được với môi trường học tập, giáo dục hiện đại. Một hạn chế nữa là định hướng nghề nghiệp của học sinh dân tộc thiểu số còn khó khăn khiến các em không quá mặn mà với việc học tập ở những trình độ cao hơn.
Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế của bà con người dân tộc thiểu số còn khó khăn, mức thu nhập của người dân ở miền núi so với thành thị vẫn còn một khoảng cách khá xa. Điều kiện sống của người dân còn thiếu thốn nên gia đình không dám nghĩ đến việc đầu tư cho con em học tập dài hạn.
Vì vậy, việc chuyển đến một nơi khác để theo học đại học hay học cao hơn nữa trở thành thách thức rất lớn đối bởi chi phí học tập, bao gồm học phí và sinh hoạt thường vượt xa khả năng thu nhập họ.
Hơn nữa, đối với đồng bào dân tộc thiểu số họ thường quan niệm là chỉ cần học hết trung học phổ thông là có thể xin làm công nhân, đi xuất khẩu lao động để có lương phụ giúp gia đình trang trải cuộc sống, vì những công việc này có thể mang lại thu nhập ngay.
Trong khi đó, việc đầu tư cho con học đại học lại không đảm bảo chắc chắn rằng các em sẽ có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Cần có những chính sách thu hút, tuyển dụng sinh viên sau tốt nghiệp
Theo thầy Thìn, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số đã có sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.
Các cơ sở giáo dục đại học cũng xây dựng và ban hành nhiều chính sách để khuyến khích, thu hút thí sinh dân tộc thiểu số tham gia học tập, nâng cao trình độ.
Sinh viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có trình độ cao thuận lợi hơn trong tiếp cận việc làm sau khi tốt nghiệp hoặc có tinh thần khởi nghiệp, mạnh dạn đầu tư vào sản xuất kinh doanh góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế địa phương.
Do đó, để nâng cao hiệu quả đào tạo nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số, cần tiếp tục thực hiện các chính sách ưu tiên tuyển sinh, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí, hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt, chỗ ở, tín dụng giáo dục và chính sách hỗ trợ học tập khác đối với người học người dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, cần có những chính sách đãi ngộ đủ mạnh để khuyến khích cả những cán bộ dân tộc tham gia học tập nâng cao trình độ.
Một số chính sách cần được cụ thể hóa hơn trong yêu cầu mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng, như: đào tạo tại chỗ, đào tạo nguồn nhân lực theo đặc thù phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương…
Đồng thời, bổ sung có cơ chế, chính sách trong việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên để đào tạo đội ngũ cán bộ dân tộc cũng như chính sách đầu tư về cơ sở vật chất phục vụ cho quá trình đào tạo, bồi dưỡng.
Đối với Trường Đại học Hồng Đức, tất cả các chính sách dành cho sinh viên, bao gồm cả sinh viên người dân tộc thiểu số được thực hiện đúng theo các quy định. Thực hiện giảm học phí đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hỗ trợ đột xuất, hỗ trợ chỗ ở trong các khu nội trú.
Tương tự tại Trường Đại học Văn hóa, thể thao, du lịch Thanh Hóa, nhà trường cũng có những chính sách hỗ trợ theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào Tạo.
Bên cạnh đó, trường cũng ưu tiên hỗ trợ cho đối tượng người dân tộc thiểu số và sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Theo cô Thục, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung, nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số nói riêng là một nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Vì vậy, để nâng cao hiệu quả đào tạo nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số, không thể thiếu sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để từng bước thay đổi nhận thức. Cần đẩy mạnh công tác định hướng, hướng nghiệp ở các địa phương hơn nữa để các em học sinh có thể hiểu rõ đặc thù và triển vọng của từng ngành nghề.
Bên cạnh đó, có thể nghiên cứu thêm các chính sách khác không chỉ về đào tạo mà còn về cơ hội việc làm, ưu tiên tuyển dụng tại địa phương để các em có thể về công tác sau khi ra trường.
Thu Trang