Ghi nhận của phóng viên từ ý kiến của những đối tượng được thụ hưởng lợi ích của các giải pháp này cho thấy, hiệu quả đảm bảo an toàn giảm thiểu ùn tắc khu vực trường học rõ rệt.
Bên cạnh đó, phụ huynh, học sinh cũng nhiệt tình ủng hộ vì sau khi đưa vào áp dụng, việc đến trường của con thuận tiện, an toàn hơn. Nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn mô hình này sẽ được nhân rộng hơn không chỉ trong phạm vi của thành phố Hà Nội mà đến các thành phố khác trong cả nước.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Quang Thắng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sài Sơn A (huyện Quốc Oai) – một trong những trường học tham gia mô hình thí điểm an toàn giao thông khu vực trường học bày tỏ sự vui mừng vì “mỗi ngày đến trường của học sinh là một ngày vui, an toàn”.
Thầy Thắng cho biết thêm: “Trường Tiểu học Sài Sơn A nằm ở vị trí ngã ba đường, cả hai hướng đều dẫn vào khu di tích Chùa Thầy nên mật độ lưu thông qua đây khá lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông đối với học sinh.
Với đối tượng học sinh tiểu học, các em chưa có nhiều kỹ năng để sang đường an toàn qua các vị trí giao nhau, việc không có những giải pháp đảm bảo an toàn cho các em khu vực cổng trường thì khả năng va chạm giao thông lúc đầu giờ đến trường và lúc tan trường là luôn hiện hữu.
Qua thời gian thực hiện mô hình thí điểm giải pháp an toàn giao thông khu vực trường học tôi nhận thấy những hiệu quả rõ rệt, giảm thiểu hẳn va chạm giao thông, phụ huynh cũng an lòng mỗi khi cho trẻ tự đi xe đạp đến trường”.
Cũng theo vị lãnh đạo Trường Tiểu học Sài Sơn A, trong quá trình thực hiện thí điểm các giải pháp ban đầu nhiều phụ huynh cũng ý kiến vì phải tuân thủ theo các yêu cầu của các giải pháp. Trong đó có việc để xe máy tại khu vực quy định sẵn hoặc xe máy, xe đạp phải đi theo các luồng nhất định được bố trí bằng cột dẻo.
Theo thầy Thắng, trước đây khi chưa được bố trí phân luồng lối đi, khu vực đưa đón học sinh thì các phụ huynh có tâm lý chỗ nào trống thì chen vào. Vì thế, lúc tan trường luôn tạo ra cảnh ùn tắc khu vực cổng trường vì phụ huynh đỗ xe tràn xuống lòng đường.
“Cổng trường gần ngã ba nên nếu có xảy ra va chạm giao thông thì hậu quả sẽ rất lớn. Nếu không có các giải pháp thí điểm thì không biết đến bao giờ khu vực cổng trường mới hết cảnh ùn tắc, chen lấn.
Đến hiện tại hầu hết các phụ huynh đều đồng lòng hưởng ứng, mọi việc diễn ra trơn tru, nhà trường và các lực lượng của địa phương không phải căng mình như trước nữa”, vị Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sài Sơn A chia sẻ thêm.
Cùng trao đổi về vấn đề này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Như Quỳnh – Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Xuân Đỉnh cho hay, hiệu quả tích cực từ mô hình thí điểm các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông khu vực trường học là thấy rõ.
Bên cạnh đó, vị này cũng mong muốn các trường học có vị trí tại khu vực có mật độ tham gia giao thông đông đúc nhưng đường sá nhỏ hẹp như Trường Trung học phổ thông Xuân Đỉnh sẽ tiếp tục là đối tượng được tham gia thí điểm.
“Qua thời gian thực hiện thí điểm tình trạng ùn tắc nhất là vào giờ tan học là thấy rõ rệt. Đặc thù của khu vực cổng trường của các trường tiểu học, trường trung học cơ sở và Trường trung học phổ thông Xuân Đỉnh là khá chật chội nên trước đây mỗi lần tắc đường các phương tiện hầu như chỉ nhích từng mét.
Sau khi áp dụng thí điểm các giải pháp thì hiện trạng cũng đã có nhiều cải thiện. Vì có phân ra các khu vực chờ đón học sinh nên xe cộ của phụ huynh đậu, đỗ khá quy cũ nên không ảnh hưởng nhiều đến các phương tiện đang lưu thông. Nếu có tắc đường thì cũng không đến mức tồi tệ như trước đây”, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Xuân Đỉnh cho biết thêm.
Cũng theo cô Quỳnh, từ khi triển khai thí điểm nhà trường nhận được sự ủng hộ khá lớn từ các phụ huynh nên việc thực hiện cũng suôn sẻ hơn. Ngoài ra, vị này cũng cho biết, chưa chứng kiến vụ tai nạn giao thông nào từ thời điểm thực hiện thí điểm các giải pháp cho đến nay.
Chia sẻ thêm về hiệu quả của mô hình thí điểm các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông khu vực trường học, chị Hoàng Mỹ Linh, chủ cửa hàng tạp hóa trước cổng Trường Tiểu học Xuân Đỉnh bày tỏ vui mừng vì từ lúc triển khai đường phố qua khu vực các trường đã thông thoáng và an toàn hơn.
Chị Linh cho biết thêm: “Chúng tôi cũng không ngờ việc thí điểm các giải pháp như trên lại hiệu quả như thế. Trước đây, những khi đường phố thông thoáng thì nhiều phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là xe máy chạy với tốc độ khá nhanh, gây ra nhiều nguy cơ va chạm giao thông.
Tuy nhiên, hiện nay trước khu vực trường học đã được làm các gờ giảm tốc kết hợp lối đi bộ sang đường cho học sinh cao hẳn hơn so với mặt đường nên buộc các phương tiện phải giảm tốc độ mỗi khi chạy qua. Việc này làm giảm hẳn các va chạm giao thông nghiêm trọng mà trước đây tháng nào chúng tôi cũng phải chứng kiến. Tôi thấy việc áp dụng các giải pháp như thế này là rất cần thiết tại khu vực trường học hoặc nơi có dân cư đông đúc”.
Cùng chung tâm trạng phấn khởi như chị Linh, bác Quang – nhà đối diện bên kia đường với Trường Tiểu học Sài Sơn A cho hay, việc thường xuyên cải tiến và nâng cao giải pháp đảm bảo an toàn giao thông khu vực trường học là điều cần thiết và cần được cơ quan chức năng quan tâm nhiều hơn.
Bác Quang cho hay: “Tôi có cháu trai thứ hai đang học tại Trường Tiểu học Sài Sơn A. Trước đây khi đưa cháu đến trường thì cần đi sớm và phải quan sát rất kỹ mỗi khi sang đường dù nhà gần ngay đó.
Vào thời điểm đó, có lúc phụ huynh đưa đón con đứng tràn hết khu vực cổng rồi xuống cả lòng đường, các thầy cô trong trường phát loa thông báo chỉ một lúc thì đâu lại vào đấy. Nhưng hiện tại việc này đã có những tín hiệu tốt hơn, đường sá trước cổng trường đã thông thoáng, các cháu học sinh nếu đi xe đạp cũng có lối riêng nên đảm bảo an toàn. Hiệu quả và lợi ích mà mô hình này mang lại là điều đã thấy rõ”.
Trung Dũng