Không công khai thông tin xử lý vi phạm GV khi chưa có kết luận: Nhiều băn khoăn

Dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV gồm 9 chương, 50 điều.

Theo đó, tại điểm b, Khoản 3, Điều 11 dự thảo Luật Nhà giáo nêu về một trong những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo: “Công khai thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền hoặc lan truyền, phát tán thông tin không chính xác về nhà giáo”.

Nội dung dự thảo trên thu hút sự quan tâm của dư luận, cũng có ý kiến không khỏi băn khoăn về việc cơ quan chức năng cần công khai những nội dung gì với dư luận, hay báo chí – truyền thông có thể đăng tải những thông tin sự việc ra sao?

Liên quan đến nội dung trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, luật sư Phùng Thị Huyền (Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) đồng tình với quan điểm cần có những quy định nhằm tăng tính bảo vệ đối với nhà giáo. Tuy nhiên, quy định như trên là khá “mơ hồ” và chưa rõ ràng, có thể gây ra sự không tương thích với các quy định khác của pháp luật và dẫn đến nhiều bất cập trong việc thực thi.

Cụ thể, theo quy định này, mọi thông tin, kể cả thông tin chính xác, có cơ sở về vi phạm của nhà giáo khi đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý đều không được công khai.

Tuy nhiên, đây hoàn toàn không phải là thông tin không được tiếp cận hoặc bị hạn chế tiếp cận theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin 2016, Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước 2018, Quyết định 531/QĐ-TTg 2023 quy định Danh mục bí mật Nhà nước lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

luat-su-phung-thi-huyen.jpg
Luật sư Phùng Thị Huyền (Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) (Ảnh: NVCC)

“Tôi cho rằng quy định này chỉ nên hướng đến việc bảo vệ những thông tin bí mật cá nhân, như thông tin nhân thân, hình ảnh của giáo viên, còn các thông tin liên quan đến việc sai phạm thì cần phải được công khai và làm rõ”, luật sư Phùng Thị Huyền chia sẻ.

Trước câu hỏi, phải chăng nếu quy định trên được đưa vào thực tế, người có liên quan sẽ không dám đứng ra phản ánh về sự việc cho các cơ quan như báo chí, truyền thông, luật sư Phùng Thị HUyền cho rằng, nếu giữ nguyên cách quy định quá rộng và mơ hồ như trên, không loại trừ có trường hợp không dám đứng ra phản ánh về các tiêu cực, vi phạm của nhà giáo.

Điều này không những không phù hợp với các quy định của pháp luật mà còn làm hạn chế quyền kiểm tra, giám sát của người dân và chức năng phản biện xã hội của báo chí. Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần cân nhắc quy định một cách rõ ràng và hợp lý hơn về phạm vi của các thông tin không được công khai nhằm bảo vệ nhà giáo.

Thêm giả thiết nữa, nếu nội dung dự thảo nêu trên đưa vào thực tế, khi có kết luận của cơ quan chức năng, dư luận mới được biết và lên tiếng. Vậy khi đó, kết luận chưa khách quan thì làm sao để phản biện?

Trả lời câu hỏi này, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+ cho rằng, đây cũng là một vấn đề rất đáng được lưu tâm, bởi lẽ các thông tin từ dư luận, báo chí cũng là một nguồn tham khảo của cơ quan chức năng trong quá trình giải quyết vụ việc.

Không những vậy, đây còn là một kênh kiểm tra, giám sát để các cơ quan phải xác minh, xử lý các vi phạm một cách nhanh chóng, khách quan, phù hợp quy định pháp luật.

Trong trường hợp kết luận chưa khách quan, pháp luật cũng đã có quy định về việc thanh tra lại (Điều 56 Luật Thanh tra 2022), hoặc thủ tục khiếu nại, khởi kiện kết luận của cơ quan chức năng.

“Tuy nhiên, điều này sẽ dẫn đến việc thời gian xử lý bị kéo dài, gây mất niềm tin trong quần chúng nhân dân. Vì vậy, ngay từ ban đầu, việc xác minh, xử lý vi phạm cần phải được công khai, minh bạch”, luật sư Huyền nhận định.

Theo nữ luật sư, tại Luật Thanh tra 2022, một trong những nguyên tắc của hoạt động thanh tra là công khai (khoản 1 Điều 4), tuy nhiên, hiện mới chỉ có kết luận thanh tra là được quy định rõ phải công khai toàn văn, trừ nội dung thuộc bí mật nhà nước hoặc bí mật khác theo quy định của luật (khoản 2 Điều 79).

Mặc dù thực tế các nội dung khác của hoạt động thanh tra vẫn có thể và nên được công khai (tùy từng trường hợp) như chương trình, kế hoạch, quyết định thanh tra, thành phần đoàn thanh tra,…, Tuy nhiên, cần luật hóa các quy định này, quy định rõ những nội dung nào cần được công khai, nội dung nào cần được giữ bí mật để đảm bảo hoạt động thanh tra hiệu quả, đúng pháp luật.

“Pháp luật hiện hành cũng đã quy định rõ hành vi lan truyền, phát tán những thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác thì tùy vào tính chất mức độ hành vi, có thể bị yêu cầu bồi thường, xin lỗi, cải chính, bị xử phạt vi phạm hành chính và nghiêm trọng hơn là chịu trách nhiệm hình sự về hành vi này”, luật sư Phùng Thị Huyền chia sẻ.

Cũng bàn về dự thảo quy định trên, luật sư Trần Hải Nam (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) cho hay, việc không công khai thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền nhằm mục đích bảo vệ danh dự và quyền riêng tư của nhà giáo, đảm bảo tính chính xác và tránh thông tin sai lệch.

“Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc công khai thông tin khi chưa có kết luận chính xác sẽ dễ dẫn đến tình trạng hiểu sai lệch về nội dung sự việc, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của nhà giáo.

Chỉ khi có kết luận cuối cùng, những sai phạm có hay không mới được làm sáng tỏ và đến lúc này mới có đầy đủ cơ sở để đăng thông tin”, luật sư Nam chia sẻ.

Tuy nhiên, luật sư Nam nhận định, khi phát hiện sự việc sai phạm của nhà giáo mà chưa có cơ quan nào giải quyết, người liên quan có quyền phản ánh, tố cáo đến các cơ quan có thẩm quyền cũng như cơ quan báo chí theo đúng quy định pháp luật. Điều này không hạn chế quyền phản ánh, kiến nghị, tố cáo của công dân.

Mặt khác, khi kết luận thanh tra không đảm bảo thì người liên quan có quyền kiến nghị, khiếu nại lên cơ quan cấp trên theo đúng quy định.

Quy định cấm lan truyền, phát tán thông tin không chính xác về nhà giáo cũng là điều cần thiết. Bất kỳ cá nhân, tổ chức nào công khai thông tin liên quan về nhà giáo thì phải chịu trách nhiệm về việc công khai thông tin đó.

Nếu công khai thông tin không chính xác cũng đã có đầy đủ chế tài hành chính, hình sự để xử lý vi phạm. Vì vậy, nhà giáo có quyền tự bảo vệ bản thân khi bị đưa thông tin sai sự thật.

Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội; Giảng viên Luật hình sự, Trường Đại học Thuỷ Lợi), thực tiễn thời gian qua không ít những vụ việc hình ảnh, thông tin tiêu cực chưa được kiểm chứng của cơ sở giáo dục, của giáo viên được tùy tiện đăng tải lên mạng xã hội với những nội dung bình luận thiếu tích cực, thậm chí ác ý, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, sức khỏe của giáo viên.

Khi thông tin chưa đầy đủ tạo ra dư luận xã hội thiếu tích cực cũng có thể ảnh hưởng không tốt đến quá trình giải quyết vụ việc, đặc biệt là sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý của những người trong cuộc.

Việc cộng đồng mạng luôn sẵn sàng “ném đá” xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của giáo viên khi tiếp nhận những thông tin chưa đầy đủ để trên mạng xã hội là một câu chuyện rất đáng buồn.

“Quy định không công khai thông tin sai phạm của giáo viên khi chưa có kết luận chính thức không phải là dung túng, tiếp tay cho sai phạm, cho vi phạm của giáo viên mà là bảo vệ bí mật thông tin trong quá trình xác minh, giải quyết khiếu nại tố cáo.

Đồng thời là bảo vệ quyền nhân thân, quyền hình ảnh, bảo vệ bí mật đời tư cá nhân và giảm bớt những hệ lụy tiêu cực từ những vấn đề xã hội, khi thông tin chưa rõ ràng, sai phạm chưa được cơ quan có thẩm quyền kết luận thì việc bảo vệ thông tin đó là phù hợp và cần thiết.

Ngay cả đối với các bị can, bị cáo trong vụ án hình sự, họ cũng chỉ được coi là có tội khi có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của tòa án. Khi chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền thì mọi phỏng đoán, phán đoán, quy kết của dư luận xã hội đều có thể mắc sai lầm và gây ra những tác động tiêu cực mà khó có thể sửa chữa được.

Xã hội và pháp luật đòi hỏi người thầy phải là tấm gương mẫu mực, phải có ý thức tôn trọng pháp luật, tôn trọng quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Bởi vậy nếu giáo viên vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước khi có kết luận cuối cùng có hiệu lực pháp luật, họ cần được bảo vệ, đó cũng chính là bảo vệ uy tín của ngành.

Còn khi đã có kết luận chính thức, đã xác định là có vi phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó theo quy định của pháp luật chứ không có ngoại lệ”, luật sư Đặng Văn Cường chia sẻ.

Mạnh Đoàn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *