Vừa qua, Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì nghiên cứu, xây dựng đề án xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu và làm việc ở các cơ sở giáo dục Việt Nam.
Theo các cơ sở giáo dục, giảng viên nước ngoài có vai trò quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, quy trình tuyển dụng hiện nay vẫn gặp nhiều thách thức.
Vì vậy, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng đề án này sẽ tạo ra được bước tiến quan trọng, đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quy trình tuyển dụng giảng viên người nước ngoài như hiện nay.
Cần tuân thủ nhiều yêu cầu về giấy tờ, thủ tục hành chính và pháp lý
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, việc có được đội ngũ giảng viên nước ngoài giúp các trường đại học thêm cơ hội mở rộng quan hệ hợp tác, trao đổi, tiếp cận các đối tác quốc tế, đa quốc gia cũng như thu hút nhiều sinh viên tài năng.
Trong bối cảnh hội nhập, các trường đại học ở Việt Nam ngày càng chú trọng việc tuyển dụng giảng viên nước ngoài để nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, hiện nay việc tiếp nhận giảng viên người nước ngoài vào Việt Nam giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Thêm vào đó, sự khác biệt về văn hóa cũng như hệ thống pháp luật đặc thù của từng quốc gia cũng tạo nên những thách thức đáng kể trong việc tuyển dụng giảng viên nước ngoài.
Bên cạnh thủ tục hành chính, thu hút giảng viên nước ngoài yêu cầu các trường phải chi trả mức lương, đãi ngộ hấp dẫn để cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Theo thầy Thắng, tại Trường Đại học An Giang, trường tự chủ ở nhóm 3 nên hiện nay chế độ thu hút của trường còn thấp hơn so với các trường ở mức tự chủ nhóm 1 và 2. Tất nhiên, mỗi trường sẽ có chiến lược và chế độ đãi ngộ, thu hút riêng tùy theo điều kiện của trường để có thể đảm bảo mức lương và các điều kiện để phục vụ nghiên cứu của các giảng viên nước ngoài.
Bên cạnh đó, việc tuyển dụng giảng viên người nước ngoài còn vướng mắc nằm ở các quy định pháp luật liên quan đến việc xin giấy phép lao động, tuyển dụng, ký kết hợp đồng lao động đối với người nước ngoài.
“Đơn cử, một giáo sư người Hàn Quốc đến làm việc và nghiên cứu tại trường. Tuy nhiên do phải đối mặt với các yêu cầu về visa phức tạp. Khi hết hạn, giảng viên buộc phải quay về nước để gia hạn visa và lại quay trở lại Việt Nam để tiếp tục tham gia nghiên cứu, giảng dạy. Điều này gây thêm lực cho cả giảng viên và nhà trường”, thầy Thắng chia sẻ.
Đồng thời, việc làm thủ tục nhập cảnh cho đội ngũ giảng viên người nước ngoài vào dạy tại trường phải thực hiện tại Cục Xuất nhập cảnh Việt Nam ở Hà Nội nên phải thường xuyên di chuyển nhiều lần dẫn đến việc mất nhiều thời gian và phát sinh chi phí.
Cùng bàn về vấn đề này, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn – Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, cơ sở giáo dục đại học có được thêm nguồn lực là đội ngũ giảng viên người nước ngoài sẽ góp phần trang bị cho sinh viên Việt Nam đạt được yêu cầu về kỹ năng trở thành công dân toàn cầu.
Việc tuyển dụng giảng viên nước ngoài trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục.
Tuy nhiên, việc tuyển dụng giảng viên nước ngoài tại Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh gặp một số khó khăn, nhất là trong việc thực hiện các quy định liên quan đến lao động nước ngoài còn khá nghiêm ngặt, nhiều khâu phải thực hiện trong thời gian dài, gây khó khăn cho việc thu hút lực lượng này về công tác.
Bởi, việc sử dụng lao động là người nước ngoài tại các trường đại học theo quy định của Luật Lao động; Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và hàng loạt văn bản dưới luật khác. Những yêu cầu này đôi khi kéo dài và làm các cơ sở giáo dục có thể bị ảnh hưởng đến tiến độ tuyển dụng.
Bên cạnh đó, một trong những yếu tố then chốt khiến nhiều cơ sở giáo dục gặp trở ngại trong việc tuyển dụng giảng viên nước ngoài là vấn đề kinh phí.
Hiện nay mức lương, chiêu mộ và tuyển dụng giảng viên người nước ngoài phải cạnh tranh về chế độ đãi ngộ so với với các trường đại học tư hoặc các trường trên thế giới.. Bởi mức đãi ngộ tại các trường công lập thường bị giới hạn bởi quy định của Nhà nước. Điều này có thể gây áp lực tài chính cho các trường đại học công lập có nguồn kinh phí hạn chế. Do đó, việc đảm bảo chi phí chi trả cho giảng viên nước ngoài là một bài toán khó.
Chưa kể là khó khăn trong quản lý, việc giảng viên nước ngoài cần phải có người bảo lãnh về mặt pháp lý, đặc biệt khi có các vấn đề phát sinh về visa hoặc giấy phép lao động, cũng tạo ra thách thức cho bộ phận nhân sự và quản lý của nhà trường.
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, trong bối cảnh tự chủ đại học, với các trường tự chủ cao, có cơ chế và nhiều chính sách, thu hút thì kinh phí không phải vấn đề quá lớn.
Bên cạnh đó, nhiều giảng viên người nước ngoài không quá đặt nặng vấn đề về mức lương và đãi ngộ mà muốn đến để chia sẻ kiến thức, truyền đạt kinh nghiệm nhiều hơn. Giảng viên nước ngoài không chỉ giới hạn ở việc truyền đạt kiến thức, mà còn tạo ra sự kết nối, hợp tác giữa các nền văn hóa và môi trường học thuật khác nhau.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất mà các trường đại học Việt Nam đang gặp phải khi tuyển dụng giảng viên nước ngoài là thủ tục nhập cảnh và xin cấp giấy phép lao động. Ngoài ra, để xin chỉ tiêu lao động cho giảng viên nước ngoài, các trường phải giải trình chi tiết về lý do và sự cần thiết của từng vị trí.
“Nhìn một cách thực tế, nếu môi trường đại học có giảng viên nước ngoài sẽ tạo một không khí đa quốc gia rất rõ cho các cơ sở giáo dục đại học. Đặc biệt là đối với những ngành đào tạo về ngôn ngữ nếu có được chính giảng viên bản xứ tất yếu sẽ nâng cao được chất lượng đào tạo cũng như chất lượng đầu ra của người học, thu hút sinh viên quốc tế đến học tập tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước”, thầy Nhân chia sẻ.
Đề án sẽ “cởi trói”, gỡ khó trong tuyển dụng giảng viên người nước ngoài
Theo quan điểm của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Thắng, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng đề án xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài là tín hiệu đáng mừng và cần thiết.
Để thu hút giảng viên nước ngoài tới Việt Nam làm việc trước hết cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính, một trong số đó là việc cấp visa cho các giảng viên quốc tế tham gia giảng dạy dài hạn, điều này giúp hạn chế một số thủ tục và còn khuyến khích sự gắn bó lâu dài và cống hiến của họ cho giáo dục Việt Nam.
Đồng thời, ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết về quy trình và yêu cầu tuyển dụng giảng viên nước ngoài. Theo đó, các trường có thể dễ dàng thu hút những giảng viên nước ngoài tài năng mà không mất nhiều thời gian hoặc gặp trở ngại trong việc làm thủ tục rườm rà, giúp tối ưu hóa chất lượng đào tạo và nghiên cứu.
Còn theo Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình hội nhập quốc tế nâng cao chất lượng, các trường đại học cần được tự chủ trong việc tuyển dụng giảng viên người nước ngoài. Sau khi có kết quả tuyển dụng, các trường báo cáo cho cơ quan chức năng thực hiện hậu kiểm, kiểm tra, giám sát.
Đồng thời, các thủ tục nên theo hướng tạo điều kiện và rút ngắn thời gian hơn, việc giảm bớt một số thủ tục hành chính sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các trường đại học trong việc tuyển dụng giảng viên cơ hữu người nước ngoài.
Đồng tình với những quan điểm trên, theo thầy Nhân, nếu có đề án, các quy định, thủ tục về cấp giấy phép lao động, cần có sự mềm dẻo, linh hoạt để các trường dễ dàng, thuận lợi hơn khi tuyển dụng đội ngũ giảng viên người nước ngoài nhằm xây dựng nhà trường ngày càng phát triển.
Bên cạnh đó, cần ban hành thêm các quy định và văn bản hướng dẫn dưới luật để tạo ra một khung pháp lý rõ ràng, minh bạch cho quá trình tuyển dụng giảng viên nước ngoài.
Việc “đơn giản hóa” thủ tục hành chính sẽ giúp các trường đại học tối ưu hóa thời gian và tiết kiệm chi phí, nguồn lực và vẫn đảm bảo đúng quy định, không ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Đồng thời, đề án sẽ giúp giúp hệ thống hóa quy trình, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học tiếp nhận được thêm các chuyên gia, nhà khoa học có chất lượng.
Thanh Thúy