Khi phụ huynh giám sát, bữa ăn học đường sẽ tăng minh bạch, cải thiện chất lượng

Vệ sinh an toàn thực phẩm trong các bữa ăn học đường luôn là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các bậc phụ huynh, đặc biệt là vào mỗi dịp chuẩn bị cho năm học mới.

Mặc dù đã được phản ánh nhiều lần về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng những vụ việc học sinh bị ngộ độc thực phẩm khi ăn bán trú ở trường vẫn xảy ra. Đây là mối lo ngại lớn đối với các bậc phụ huynh khi cho con ăn bán trú tại trường học. Từ đó đặt ra những yêu cầu cần có sự tham gia của phụ huynh trong công tác tổ chức bữa ăn học đường tại các cơ sở giáo dục.

Theo Hướng dẫn công tác tổ chức bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt trong Quyết định số 2195/QĐ-BGDĐT ngày 10/8/2022 nêu rõ các nguyên tắc điều kiện tổ chức bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em. Trong đó, tại mục II, phần VI của văn bản hướng dẫn chỉ ra một trong những vai trò của nhà trường là: Xây dựng cơ chế, tạo điều kiện để cha mẹ, Ban đại diện cha mẹ học sinh tham gia kiểm tra, giám sát quy trình tổ chức bữa ăn bán trú tại trường học để tạo được sự tin tưởng của cha mẹ học sinh về chất lượng bữa ăn của học sinh.

Phụ huynh phối hợp với nhà trường sẽ giúp bữa ăn học đường được đảm bảo từ khâu đầu vào

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Đinh Thị Hương – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ, việc phụ huynh học sinh cùng tham gia vào giám sát bữa ăn học đường là một trong những nhiệm vụ phối hợp giữa nhà trường và cha mẹ học sinh trong việc đảm bảo an toàn cho học sinh khi ăn tại trường.

z5656271226446_252f879d6142cbb0ec6b48ff1a9a6f2a.jpg
Bà Đinh Thị Hương – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy. Ảnh: NVCC

“Xác định việc giám sát an toàn thực phẩm là một trong những khâu rất quan trọng trong quá trình tổ chức bữa ăn học đường. Do vậy, ngay từ đầu mỗi năm học, các cơ sở giáo dục đều thành lập Ban chỉ đạo công tác bán trú – an toàn thực phẩm; xây dựng quy trình giám sát, kiểm tra trên cơ sở quy định về kiểm thực 3 bước.

Cụ thể hóa từng bước, rõ người, rõ việc, rõ nội dung, rõ thời gian, rõ kết quả và phải ký vào các loại sổ theo nội dung giám sát đã được phân công. Để đảm bảo an toàn thì người không có nhiệm vụ, không được ra, vào khu vực bếp. Ban giám sát có thành phần của phụ huynh tham gia trực tiếp quy trình lựa chọn các nhà cung ứng, giám sát thực tế cơ sở cung ứng để truy xuất nguồn gốc thực phẩm, giám sát khâu giao, nhận thực phẩm; tổ chức bữa ăn cho học sinh.

Một trong những nhiệm vụ của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường là phối hợp với Ban giám hiệu nhà trường tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm học và các hoạt động giáo dục theo nội dung được thống nhất tại cuộc họp đầu năm học” – bà Hương nêu thực tế công tác triển khai bữa ăn học đường tại quận Cầu Giấy.

Cùng nêu quan điểm về vấn đề này, hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho rằng: “Vì công tác bán trú là vấn đề liên quan đến bữa ăn của học sinh, nên phụ huynh cần được quyền biết thông tin và được quyền cùng tham gia vào quá trình lựa chọn nhà cung cấp bữa ăn. Đó là việc các nhà trường phải làm”.

Cũng theo hiệu trưởng này, từ nhiều năm nay, công tác tổ chức bữa ăn học đường tại trường luôn có sự tham gia của đại diện cha mẹ học sinh. Trước khi bắt đầu năm học mới, ban giám hiệu nhà trường sẽ có một cuộc họp để xin ý kiến phụ huynh học sinh về việc lựa chọn đơn vị cung cấp bữa ăn học đường. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng trực tiếp tham gia vào giám sát công tác tổ chức bữa ăn học đường, buổi sáng phụ huynh nhận đầu vào thực phẩm cùng với ban giám hiệu, đại diện giáo viên nhà trường, nhằm đảm bảo chất lượng thực phẩm cho bữa ăn của các con.

Sự tham gia của phụ huynh tăng cường tính minh bạch

Nhiều ý kiến cho rằng, để phụ huynh tham gia vào công tác tổ chức bữa ăn học đường là điều rất cần thiết nhằm tăng cường tính giám sát, minh bạch về chất lượng của bữa ăn học đường.

Chị Hòa, phụ huynh sống tại huyện Đông Anh (Hà Nội) cho biết, tại ngôi trường con trai chị đang theo học, công tác tổ chức ăn bán trú cho học sinh có sự tham gia của đại diện phụ huynh cũng như mọi thông tin liên quan đến công tác ăn bán trú của học sinh đều được thông tin đầy đủ đến phụ huynh. Điều này giúp các phụ huynh yên tâm, tin tưởng hơn khi cho con theo học tại trường.

Về vấn đề này, bà Đinh Thị Hương – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy cho biết: “Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định 2195/QĐ-BGDĐT ngày 10/8/2022 về việc phê duyệt hướng dẫn công tác tổ chức bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học, phòng Giáo dục và Đào tạo Cầu Giấy đã triển khai kịp thời đến tất cả các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học trên địa bàn quận.

Đến nay, bữa ăn học đường đã được cải thiện, chất lượng nâng lên rõ rệt được thể hiện ở nhiều mặt. Cụ thể, bữa ăn cung cấp đủ năng lượng và các dưỡng chất cần thiết; đảm bảo tỷ lệ phân bổ năng lượng của các bữa ăn; xây dựng thực đơn khoa học, cân đối, hợp lý; đa dạng thực phẩm; chế biến hợp lý, đảm bảo dinh dưỡng, an toàn thực phẩm và phù hợp với điều kiện của từng cơ sở; sử dụng nguyên liệu sẵn có, theo mùa, phù hợp với khẩu vị của học sinh; thực đơn được bổ sung sữa tươi các chế phẩm từ sữa.

Đặc biệt là thực đơn đã cân đối được tỉ lệ các chất sinh năng lượng được khuyến nghị đối với học sinh tiểu học và trẻ mầm non. Các món ăn cũng được đổi mới cách chế biến, trở nên đa dạng hơn như: món xào, món mặn, món canh, món tráng miệng. Ngoài ra, các nhà trường cũng đổi mới các hình thức tổ chức bữa ăn cho trẻ, tạo cho học sinh không khí vui vẻ, thoải mái để học sinh ăn ngon, ăn hết suất, và thích ăn ở trường”.

Còn theo hiệu trưởng trường tiểu học ở quận Hoàn Kiếm cho rằng, để phụ huynh tham gia vào quá trình lựa chọn nhà cung cấp bữa ăn học đường và giám sát công tác tổ chức ăn bán trú là việc làm rất đúng đắn. Khi lựa chọn đơn vị cung cấp bữa ăn học đường mỗi trường sẽ có từng tiêu chí lựa chọn riêng.

Tuy nhiên, khi phụ huynh phối hợp cùng nhà trường thì cần lưu ý lựa chọn những đơn vị uy tín, kiểm tra căn cứ pháp lý đầy đủ, tham khảo đánh giá của những đơn vị đã sử dụng và một vấn đề quan trọng nữa đó là mức giá. Ngoài ra, vị hiệu trưởng này lưu ý, khi lựa chọn đơn vị cung cấp bữa ăn học đường, đại diện phụ huynh và ban giám hiệu cần phải cân nhắc mức giá đảm bảo theo quy định của thành phố cũng như phù hợp với thu nhập của số đông phụ huynh trong trường.

Thúy Quỳnh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *