Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện nghiên cứu LCOMS, Trường Đại học Lorraine, Cộng hòa Pháp tổ chức Hội thảo quốc tế về Toán ứng dụng và Khoa học máy tính – International Conference on Applied Mathematics and Computer Science (ICAMCS 2024). Hội thảo được phối hợp tổ chức cùng Đại học Bách Khoa Hà Nội, Hội toán học Việt Nam, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), Viện Tối ưu CTOPTIMAL và diễn ra trong 2 ngày 20 – 21/12/2024.
Theo đó, Hội thảo được tổ chức nhằm vinh danh Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Đình Tảo và Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hoài An nhân dịp kỷ niệm 40 năm ra đời của lý thuyết Quy hoạch hiệu hai hàm lồi (DC Programming) và thuật toán DCA (DC Algorithm).
Hội thảo có sự tham dự của Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hoài An – Trường Đại Học Loraine (Cộng hòa Pháp); Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Đình Tảo – Viện Quốc gia về khoa học ứng dụng INSA Rouen (Cộng hòa Pháp); ông Vũ Hồng Quang – Phó Chủ tịch tập đoàn CT Group.
Về phía Viện Toán học, có Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lê Dũng Mưu; Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đông Yên; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Phượng.
Về phía Trường Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), có sự tham dự của Giáo sư, Tiến sĩ Lê Trung Thành – Hiệu trưởng Nhà trường cùng 2 Phó Hiệu trưởng là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Định và Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuận.
Đặc biệt, ICAMCS 2024 còn quy tụ nhiều nhà khoa học nổi tiếng thế giới, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Toán ứng dụng và Tin học nhằm tạo ra một diễn đàn cho các nhà khoa học, những người làm ứng dụng trình bày các kết quả nghiên cứu, thảo luận thực trạng, thách thức và triển vọng trong ngành tin học, toán ứng dụng và các ứng dụng thực tiễn.
Được biết, lý thuyết Quy hoạch hiệu hai hàm lồi (DC Programming và DC Algorithm) đã được Giáo sư Phạm Đình Tảo sáng lập vào năm 1985. Đến năm 1994, với những đóng góp của Giáo sư Lê Thị Hoài An, các công trình nghiên cứu nền tảng và chuyên sâu ra đời đã tạo ra những bước phát triển quyết định, trở thành công cụ kinh điển, ngày càng phổ biến trên thế giới.
Với bề dày lịch sử 40 năm, lý thuyết Quy hoạch hiệu hai hàm lồi và Thuật toán DCA đã trở thành công cụ kinh điển trong giới khoa học ngày nay. Nhiều trường đại học danh tiếng (Berkeley, MIT, Princeton, Stanford, New York) và hãng công nghệ/công nghiệp lớn (Microsoft, Google, Ndivia, Alibaba, Nasa, Fujitsu, NAVAL Group, RTE,…) đã sử dụng công cụ này để giải quyết các bài toán trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: khoa học dữ liệu, đặc biệt là học máy, hệ thống truyền tin, vận tải – hậu cần, quản lý sản xuất, năng lượng, môi trường, tài chính, sinh học, cơ khí, an toàn tin học, người máy, y học…
Cầu nối cho các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu thế giới và trong nước
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Định – Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) bày tỏ, việc tổ chức các hội nghị quốc tế như hôm nay là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển của Nhà trường. Qua đó, nhằm thúc đẩy năng lực nghiên cứu của trường và nâng cao vị thế học thuật toàn cầu của trường.
Trường Quốc tế đã luôn cam kết cung cấp nền giáo dục chất lượng cao phù hợp với nhu cầu ngày càng thay đổi của cả thị trường việc làm trong nước và quốc tế. Từ năm 2015 (khi là Khoa Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), Nhà trường đã công bố hơn 1.000 bài báo khoa học, trong đó có hơn 800 bài trên các tạp chí quốc tế uy tín được lập chỉ mục trong WoS và Scopus. Nhà trường luôn được xếp hạng trong số 3 đơn vị hàng đầu tại Đại học Quốc gia Hà Nội về các ấn phẩm quốc tế và các nhà nghiên cứu tiếp tục có những đóng góp đáng kể cho cộng đồng khoa học toàn cầu.
Trước thực tế đó, Trường Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tổ chức Hội thảo quốc tế về Toán ứng dụng và Khoa học máy tính – ICAMCS 2024. Đây một nền tảng vô giá dành cho các nhà khoa học và chuyên gia trao đổi kiến thức, khám phá các xu hướng mới nổi và thúc đẩy sự hợp tác.
Đặc biệt, Hội thảo này còn đóng vai trò là cầu nối giữa các nhà khoa học, học giả và nhà nghiên cứu trên toàn thế giới, nhằm thúc đẩy các cuộc đối thoại và hợp tác. Cụ thể, Hội thảo đã quy tụ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Khoa học máy tính, Toán ứng dụng và các ứng dụng thực tế của chúng. Sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu là cơ hội để ICAMCS 2024 trở nên rất quan trọng đối với cộng đồng khoa học ở cả Việt Nam và quốc tế.
Cũng theo Phó Giáo sư Nguyễn Văn Định, chúng ta đang chứng kiến những tác động sâu sắc của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), Trí tuệ nhân tạo (AI), Big Data và robot. Có thể thấy rằng, trọng tâm của sự chuyển đổi này là đổi mới kỹ thuật số, trong đó Khoa học máy tính và Toán ứng dụng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các thách thức và nắm bắt các cơ hội của kỷ nguyên số.
Thông tin thêm, thầy Định bày tỏ niềm tự hào khi hội thảo chào đón hơn 100 đại biểu từ gần 20 quốc gia tham dự bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Đặc biệt, có 81 bài báo đã được chấp nhận từ 158 bài nộp cho hội thảo, bao gồm bốn bài thuyết trình quan trọng của các giáo sư hàng đầu trong và ngoài nước trong lĩnh vực này.
Đặc biệt, Hội thảo cũng là dịp kỷ niệm 40 năm lập trình DC (sự khác biệt của hàm số lồi ) và thuật toán DCA. Đồng thời, vinh danh những đóng góp vô giá của Giáo sư Phạm Đình Tạo và Giáo sư Lê Thị Hoài An cho lĩnh vực này. Có thể thấy, sự tâm tận lực và nỗ lực của họ là nguồn cảm hứng để cho các nhà nghiên cứu làm việc với thuật toán DC và DCA , cũng như cộng đồng khoa học nói chung.
Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia, đại biểu tham dự đã thể hiện lòng biết ơn và cảm ơn sâu sắc tới Giáo sư Phạm Đình Tạo và Giáo sư Lê Thị Hoài An.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Vũ Hồng Quang – Phó Chủ tịch Tập đoàn CT Group bày tỏ niềm vinh dự khi có mặt tại đây để tri ân, vinh danh Giáo sư Phạm Đình Tạo và Giáo sư Lê Thị Hoài An.
Ông Quang cho rằng, 2 vị Giáo sư không chỉ là những người tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học về toán học và còn là những nhà nghiên cứu mang tinh thần sáng tạo, cống hiến không ngừng. Từ đó, góp phần đặt một nền móng vững chắc, một hướng đi mới, đầy hiện đại cho nền khoa học quốc tế và trong nước, để lại ấn tượng sâu rộng trong cộng đồng khoa học toàn cầu.
Và Tập đoàn CT Group đã rất tự hào khi đã nhận thấy được tiềm năng to lớn từ những nghiên cứu của Giáo sư Lê Thị Hoài An thông qua việc đầu tư viện nghiên cứu tại tập đoàn – nơi Giáo sư Hoài An trực tiếp ứng dụng, làm việc. Nhờ đó, Tập đoàn đã biến những nghiên cứu mang tính chất học thuật thành các giải pháp thực tiễn, áp dụng hiệu quả trong các data, AI, …
Có thể thấy, những thành quả nghiên cứu đầy giá trị không chỉ là niềm tự hào cá nhân của 2 Giáo sư mà còn là động lực mạnh mẽ để các thế hệ trẻ Việt Nam tiếp bước vào con đường nghiên cứu, khám phá và sáng tạo. Vậy nên, ông Quang mong muốn, 2 Giáo sư sẽ ngày càng có những đóng góp, nghiên cứu giá trị hơn nữa để tiếp tục là nguồn cảm hứng bất tận cho nền khoa học nước nhà.
Là “cha đẻ” của lập trình DC và DCA, Giáo sư Phạm Đình Tạo đã gửi lời cảm ơn đến các đơn vị tổ chức, đặc biệt là Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo ý nghĩa này.
Từ lập trình lồi đến lập trình phi lồi
Cũng tại Hội thảo, Giáo sư Lê Thị Hoài An đã trình bày báo cáo với chủ đề “40 years of developments of DC programming and DCA”. Theo đó, cô An đã chia sẻ tóm tắt về Lập trình DC và DCA, dấu mốc phát triển của lập trình này cũng như những tiến bộ gần đây và các vấn đề mở quan trọng có liên quan.
Lập trình DC và DCA là một phương pháp tối ưu hóa phi lồi liên tục, được Giáo sư Phạm Đình Tạo sáng lập vào năm 1985 và sau đó được phát triển rộng rãi từ các công trình chung từ năm 1993 dựa trên các công cụ phân tích lồi. Một số công trình về cực đại lồi (cực tiểu lõm) đã mở đường cho sự ra đời của lập trình DC và DCA.
Lập trình lồi vốn đã được nghiên cứu từ lâu trong giai đoạn 1960-1985 với các đặc điểm là mang điểm giải pháp cục bộ; sự tồn tại của các điều kiện tối ưu có thể kiểm chứng được thuật toán giải pháp lặp và không có khoảng cách đối ngẫu Lagrangian.
Tuy nhiên, khi chuyển từ lập trình lồi sang lập trình phi lồi là rất phức tạp. Thách thức đặt ra là làm sao mở rộng lập trình lồi để giải quyết các vấn đề thực tế bằng các công cụ phân tích lồi và tối ưu hóa lồi. Và Lập trình DC chính là một phần mở rộng của lập trình lồi. Lập trình này cho phép sử dụng các công cụ mạnh mẽ trong phân tích lồi và tối ưu hóa lồi.
Bên cạnh đó, cô An thông tin thêm, DCA có các thuộc tính chính như tính linh hoạt (có bao nhiêu DCA thì có bấy nhiêu phân tích DC). DCA có thể giải quyết bất kỳ vấn đề không lồi nào bằng một trong các kỹ thuật: Áp dụng trực tiếp DCA vào bài toán DC; xây dựng lại vấn đề được xem xét thành một vấn đề DC, sau đó áp dụng DCA (không phải lúc nào cũng khả thi), …
Trên thực tế, DCA đã giải quyết được nhiều vấn đề thực tế trong nhiều lĩnh vực như học máy và khai thác dữ liệu; Phân tích hình ảnh; Sinh học, Tin sinh học; Hệ thống thông tin liên lạc; An ninh, An toàn; Tối ưu hóa danh mục đầu tư; Chuỗi cung ứng, …
Ngoài ra, DCA còn mang đến giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp như giảm chi phí, tăng lợi nhuận, cải thiện dịch vụ khách hàng; Tiếp thị thông minh, phân bổ nguồn lực và lập kế hoạch sứ mệnh, chuỗi cung ứng và quản lý sản xuất,… Có thể thấy, Lập trình DC và DCA giúp tối ưu hóa tổ hợp, đồng thời giảm thiểu lõm trên các tập hiệu quả/hiệu quả yếu.
Trong tương lai, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục mở rộng thư viện giải pháp với các thuật toán mới để giải quyết những thách thức tối ưu hóa mới nổi. Bên cạnh đó, tăng cường hỗ trợ các vấn đề học máy quy mô lớn và tối ưu hóa học sâu. Cải thiện các công cụ trực quan hóa để phân tích kết quả tối ưu hóa; Tích hợp với các nền tảng lập trình phổ biến.
Giáo sư Lê Thị Hoài An cũng bày tỏ lòng cảm ơn đến người sáng lập ra Lập trình DC và DCA – Giáo sư Phạm Đình Tạo. Đây là công cụ lý thuyết và thuật toán có giá trị cao, tác động mạnh mẽ đến khoa học và nhiều lĩnh vực khoa học ứng dụng. Từ đó, tạo nên xương sống của lập trình phi lồi và tối ưu hóa toàn cục, làm phong phú thêm mặt lý thuyết và thuật toán nhờ vào ứng dụng của chúng.
Ngoài ra, một số chính được thảo luận, báo cáo tại Hội thảo như Lập trình và tối ưu hóa toán học: lý thuyết, phương pháp và phần mềm; Lập trình DC và DCA; Nghiên cứu hoạt động và ra quyết định; Kiểm soát tối ưu; Khoa học dữ liệu; Trí tuệ tính toán; Thị giác máy tính và xử lý hình ảnh; Xử lý ngôn ngữ tự nhiên; Phân tích số; Học máy: lý thuyết, hệ thống và ứng dụng; Bảo mật thông tin.
Trường Quốc tế với tiền thân là Khoa Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội được thành lập vào ngày 01/12/2021. Theo đó, Trường có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế trên cơ sở áp dụng sáng tạo các thành tựu giáo dục, khoa học và công nghệ tiên tiến vào môi trường văn hóa Việt Nam, thực hiện đào tạo toàn bộ các chương trình bằng ngoại ngữ.
Đồng thời, Trường còn là địa chỉ uy tín về tổ chức các diễn đàn khoa học quốc tế. Các hội nghị, hội thảo khoa học lớn về quản lí giáo dục, về các lĩnh vực chuyên môn như kinh tế, tài chính, ngân hàng… đã thu hút sự quan tâm và tham gia của hàng trăm học giả, nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài từ hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới.
Bên cạnh đó, các hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên được diễn ra đều đặn thường niên đã thu hút trên 500 sinh viên tham gia với nhiều sản phẩm sáng tạo, có tính thực tiễn, đạt nhiều thành tích cao ở cấp Trường, cấp Đại học Quốc gia Hà Nội và toàn quốc. Sinh viên của Trường cũng tham gia báo cáo tại các hội nghị hội thảo khoa học, công bố khoa học chung với giảng viên trên các tạp chí khoa học chuyên ngành uy tín trong nước và quốc tế. Đây là thành quả của những chính sách ưu đãi hấp dẫn được Trường xây dựng và triển khai nhằm khuyến khích hoạt động nghiên cứu trong cán bộ, sinh viên.
Tường San