Vừa tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành Đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Studies) với điểm GPA tuyệt đối 4.3/4.3 của Đại học Toyo, Nhật Bản vào tháng 3 năm 2024, Nguyễn Vân Thiên (sinh năm 1999, Ba Vì, Hà Nội) đã tiếp tục xuất sắc trúng tuyển chương trình thạc sĩ Khoa học Bền Vững (Sustainability Science) tại Trường Graduate School of Friontier Sciences (trường đào tạo sau đại học của Đại học Tokyo) và sẽ theo học chương trình này vào tháng 10 năm nay.
Hiện tại, Vân Thiên đang là thực tập sinh về Sustainability Research and Consulting (chuyên gia tư vấn và nghiên cứu về phát triển bền vững) tại một công ty khởi nghiệp về công nghệ khí hậu ở Nhật Bản.
Từng nhận phải sự phản đối dữ dội của gia đình về việc đi du học
Kể lại về hành trình chạm tới ước mơ du học của mình với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Vân Thiên cho hay, từ khi còn nhỏ chỉ có mình mẹ nuôi em và em trai ăn học nên điều kiện kinh tế gia đình khá hạn chế; họ hàng xung quanh cũng chưa có ai từng đi du học. Vậy nên, ở bậc phổ thông, em chưa bao giờ suy nghĩ đến mình việc sẽ đi du học.
Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, bản thân nữ sinh cũng từng nghĩ rằng mình sẽ cố gắng đi theo con đường mà những người xung quanh cho là thành công và an phận là tham gia học tại Trường Đại học Ngoại thương (Hà Nội) và ra trường kiếm một công việc tốt, sau đó khoảng 1-2 năm sẽ lập gia đình. Thế nhưng, đến đầu năm 2 đại học, Vân Thiên nhận ra rằng, định hướng như vậy không thực sự phù hợp với bản thân.
Năm 2019, em tình cờ biết đến chương trình du học hệ cử nhân của Đại học Toyo khi đang sử dụng mạng xã hội. Qua đây, nữ sinh nhận thấy rằng, chương trình này tập trung vào việc phát triển nguồn nhân lực có có tư duy đổi mới sáng tạo và thái độ cởi mở (open-mindedness) để giải quyết các vấn đề trong xã hội toàn cầu hoá.
Tại thời điểm đó, chưa có trường đại học nào ở Việt Nam có chương trình đào tạo tương tự và bản thân em cũng có hứng thú với design thinking (quá trình tư duy nhằm tiếp cận và giải quyết vấn đề dựa trên tư duy hình ảnh để hữu hình hóa giải pháp) và đổi mới sáng tạo.
Hơn nữa, Vân Thiên cũng thấy rằng hệ sinh thái khởi nghiệp tạo tác động ở Việt Nam đang ngày càng được quan tâm nhiều hơn lại cộng thêm chương trình học này có gói hỗ trợ tài chính khá “hào phóng”, chính vì vậy, em đã quyết định sẽ thử sức với chương trình này.
Tuy nhiên, trong quá trình nộp hồ sơ để đạt học bổng du học hệ cử nhân này, nữ sinh cũng phải đối mặt với một số khó khăn.
Thứ nhất là do thời gian chuẩn bị hồ sơ khá hạn chế. Vân Thiên cho biết, khoảng thời gian em bắt đầu biết đến học bổng đến hạn nộp chỉ vỏn vẹn 1 tháng nên quyết định nộp hồ sơ ở thời điểm đó với em là khá gấp. Trong vòng một tháng, em phải gấp rút thi chứng chỉ tiếng Anh cũng như dịch và công chứng hồ sơ sang tiếng Anh.
Bên cạnh đó, em còn gặp khó khăn trong việc viết luận xin học bổng. Cụ thể, trường yêu cầu ứng viên viết về bản thân, cách hiểu của cá nhân về đổi mới sáng tạo và toàn cầu hoá cùng với động lực theo học chương trình này, do vậy, Vân Thiên tin rằng cốt lõi cho một bài luận “thành công” là đem được tính cá nhân của mình vào trong đó.
Thế nhưng, tại thời điểm bắt đầu viết, Vân Thiên đã bị “khựng lại” ngay lập tức vì nhận ra mình chưa hiểu bản thân nhiều như em nghĩ. Chính vì vậy, em đã hẹn gặp và trò chuyện với những người bạn và anh chị đã hoặc đang học tập, làm việc cùng em để có cơ hội nhìn bản thân trong một lăng kính khác. Hơn nữa, em cũng nhận được sự trợ giúp của một vài người bạn và học hỏi kinh nghiệm viết luận từ họ. Vân Thiên cho hay, may mắn là mọi người đều nhiệt tình hỗ trợ cho em rất nhiều trong việc hệ thống ý tưởng và trau chuốt cho bài luận xin học bổng.
Ngoài ra, trong thời gian gần 2 năm học đại học ở Việt Nam, nữ sinh cũng tham gia khá nhiều các dự án tình nguyện và dự án xã hội. Và một trong những dự án đó đã trở thành nguồn cảm hứng chính trong bài luận xin học bổng của em. Trong khi phỏng vấn học bổng em cũng được hỏi rất nhiều về kinh nghiệm và bài học em rút ra được từ trải nghiệm đó.
Không chỉ gặp khó khăn trong việc chuẩn bị hồ sơ, nữ sinh còn gặp phải nhiều thách thức khi gia đình không ủng hộ quyết định đi du học này . Phần vì mọi người nghĩ đang học một trong những trường đại học nổi tiếng của Việt Nam là đã rất tốt rồi, phần vì mọi người lo cho em. Mọi người không tin là có chương trình học nào tài trợ học phí và cả sinh hoạt phí. Tuy nhiên, nữ sinh vẫn quyết định tiếp tục con đường mà bản thân đã lựa chọn bởi em cho rằng khi mình vẫn còn trẻ nếu không thử thì biết chờ đến bao giờ.
Với những nỗ lực và cố gắng không ngừng nghỉ của bản thân, cuối cùng, Vân Thiên đã đạt được học bổng du học hệ cử nhân của Trường Đại học Toyo. Với học bổng này, em được miễn toàn bộ phí nhập học, học phí (khoảng 5,3 triệu yên, tương đương gần 868 triệu đồng) và chi phí sinh hoạt hàng tháng suốt 4 năm (khoảng 7,2 triệu yên, tương đương gần 1,2 tỷ đồng).
Chỉ nên lựa chọn chương trình học bổng du học phù hợp với bản thân
Nói về kinh nghiệm để đạt được học bổng du học này, Vân Thiên cho hay, mỗi hội đồng xét duyệt học bổng sẽ lựa chọn những cá nhân phù hợp nhất với tiêu chí của họ. Đơn cử như khi có sinh viên này, môi trường học thuật của chương trình sẽ có sự khác biệt thế nào? Và sinh viên đó có thể đóng góp gì cho xã hội và cộng đồng cũng như làm đẹp cho danh tiếng của trường và danh tiếng của bên trao học bổng ra sao?
Theo nữ sinh, nhiều bạn ứng viên luôn cố gắng phác hoạ bản thân sao cho phù hợp với những gì một chương trình kiếm tìm dù trên sự thật lại không như vậy.
Trong khi đó, Vân Thiên chỉ lựa chọn những chương trình em thấy phù hợp với bản thân bởi nó giúp em có thể tập trung và tâm huyết để chuẩn bị kỹ càng và “ăn chắc” được mục tiêu của mình hơn. Vậy nên, em cũng chỉ nộp một đến hai chương trình thạc sĩ sau khi tốt nghiệp đại học.
Theo Thiêm, để hòa nhập với môi trường du học vốn không phải điều dễ dàng nhưng so với du học ở châu Âu hay châu Mỹ, việc hoà nhập với môi trường ở cùng một nước châu Á như Nhật Bản tất yếu cũng thuận lợi hơn.
Vân Thiên chia sẻ, Chính phủ Nhật Bản có nhiều chính sách quan tâm cho cả học sinh trong nước và du học sinh. Thời điểm tham gia học vào đúng đợt dịch COVID-19, những du học sinh như Thiên cũng nhận được các gói trợ cấp như dành cho người dân của quốc gia này. Khi thực hiện những thủ tục hành chính ở các quận dù đôi lúc có chút rào cản về ngôn ngữ, nữ sinh cũng luôn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình.
Bên cạnh đó, nhờ có học bổng du học toàn phần, nữ sinh cũng có nhiều cơ hội tập trung vào học tập phát triển bản thân hơn thay vì phải lo lắng kiếm tiền trang trải.
Hơn nữa, với hệ thống giao thông phát triển, việc đi lại và du lịch trong Nhật cũng rất thuận tiện. Vậy nên, trong các kỳ nghỉ xuân, nghỉ hè hoặc các ngày lễ, Vân Thiên cũng tranh thủ đi du lịch để khám phá đất nước xinh đẹp này. Những trải nghiệm ấy đã giúp cho việc du học của em trở nên thú vị hơn rất nhiều.
Mặt khác, nữ sinh cũng thông tin, chương trình học 4 năm của Nhật Bản không quá nặng, nếu biết sắp xếp một cách thông minh, các bạn du học sinh có thể hoàn thành đa số tín chỉ trong 2 năm đầu. Và Vân Thiên cũng lên kế hoạch tương tự nên thời gian rảnh vào năm 3 và năm 4, em đã có thể đi làm và tham gia các hoạt động ngoại khoá như tổ chức workshop dạy các em học sinh trung học phổ thông Nhật Bản về công lý khí hậu (Climate Justice) và tham gia những chương trình quốc tế ở các nước như Ai Cập, Rwanda, Hàn Quốc.
Nhờ sự chuẩn bị, lên kế hoạch và chiến lược học tập kỹ lưỡng, Vân Thiên đã đạt được Giải Khoá luận xuất sắc nhất, Toyo Global Leader GOLD Award, đồng thời em cũng tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành Đổi mới sáng tạo của Đại học Toyo với điểm tốt nghiệp trung bình GPA đạt 4.3/4.3.
Chia sẻ về phương pháp học tập để đạt được kết quả cao khi tham gia du học tại Nhật Bản, Vân Thiên bày tỏ, để học tập hiệu quả, việc đặt mục tiêu rõ ràng và lên kế hoạch phù hợp là rất quan trọng.
Trước hết, đối với việc đặt mục tiêu, nữ sinh chia sẻ, ở Nhật trước khi đăng ký môn, sinh viên sẽ được tiếp cận trước về thông tin của môn học gồm có nội dung môn học, mục tiêu đầu ra, điều kiện cần để được vào lớp, hình thức thi và tính điểm, cùng với thông tin của giảng viên.
Điều này thật sự rất có ích trong việc chọn các lớp phù hợp và đảm bảo tính minh bạch. Nhờ có thông tin trước như vậy, Vân Thiên thường sẽ đặt ra một mục tiêu phù hợp để không học quá nhiều môn “khó” cùng lúc và em thường sẽ đăng ký đan xen những môn làm bài thi cùng những môn nộp bài luận khi kết thúc học phần với nhau.
Đối với việc lên kế hoạch, nữ sinh cho biết, em luôn muốn bản thân phải thật sự hứng thú khi học tập. Do đó, kế hoạch của em thường đảm bảo sẽ dàn đều việc học trong các tuần để tránh bị quá tải.
Ngoài ra, Vân Thiên thông tin thêm, để đạt được điểm tốp cao trong tất cả các môn học cũng đòi hỏi sinh viên phải hiểu được phong cách của từng giáo sư bởi có những thầy, cô không thích những câu trả lời mang tính “sách giáo khoa” mà thay vào đó là những ý tưởng sáng tạo. Hơn nữa, khi học trên lớp, em cũng thường lựa chọn ngồi bàn đầu để khi có câu hỏi thắc mắc cũng dễ dàng được thầy cô nhìn thấy và giải đáp luôn.
Đối với các bài luận và bài kiểm tra chưa được điểm cao, em cũng thường xin nhận xét, đánh giá của các giáo sư xem cần bổ sung những gì cũng như cần thay đổi tư duy như thế nào để làm tốt hơn.
Việc chịu khó quan sát và lên kế hoạch, có cách tiếp cận phù hợp cho mỗi môn học đã giúp Vân Thiên rất nhiều trong việc đạt kết quả cao trong thời gian du học bậc cử nhân ở Đại học Toyo.
Với những thành tích học tập cao như vậy, ngay sau khi tốt nghiệp hệ cử nhân, Vân Thiên đã trúng tuyển vào chương trình đào tạo thạc sỹ của Đại học Tokyo (Nhật Bản). Được biết, Đại học Tokyo nằm trong tốp 30 trường đại học tốt nhất thế giới (theo Times higher education) [1] và là trường đại học tốp 1 ở Nhật Bản (theo US News) [2].
Thông tin về chương trình đào tạo thạc sĩ này, nữ sinh cho biết, em vẫn quan tâm đến vấn đề đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, với xu thế hiện nay, đổi mới sáng tạo phải đi kèm với yếu tố bền vững. Vậy nên, khi học lên bậc cao hơn, em muốn thử sức ở một lĩnh vực mới là Khoa học Bền vững.
Vân Thiên bày tỏ, em muốn qua lăng kính của ngành học này để phần nào hiểu được mối quan hệ, sự tương tác giữa xã hội và tự nhiên để đưa ra các chiến lược nhằm nâng cao phúc lợi lâu dài cho con người mà không làm cạn kiệt tài nguyên của hành tinh. Cụ thể hơn, trong quá trình học thạc sĩ, em muốn nghiên cứu sâu thêm về tác động của doanh nghiệp đến môi trường, xã hội và ngược lại.
Chương trình đào tạo hệ thạc sỹ của Đại học Tokyo mà nữ sinh đã lựa chọn còn mang tính xuyên ngành (Transdisciplinary). Với tính chất này, học viên sẽ có cơ hội được làm việc với nhiều bên liên quan và hợp tác với các giáo sư từ nhiều ngành khoa học khác nhau trong các dự án. Không những vậy, chương trình này còn cam kết tạo ra nguồn nhân lực có thể tạo ra sự thay đổi từ những lợi ích vật chất ngắn hạn, mang tính cá nhân sang những giá trị mang tính bền vững cho xã hội.
Trong tương lai gần, Vân Thiên cho biết, em mong muốn trở thành một chuyên gia tư vấn về tính bền vững để có thể đưa ra những chiến lược phù hợp cho doanh nghiệp và các tổ chức, từ đó giảm thiểu tác động tiêu cực và hướng đến tạo ra những tác động tích cực đến môi trường, xã hội và kinh tế.
Hơn nữa, đây cũng là một lĩnh vực chưa được quan tâm nhiều ở Việt Nam. Chính vì vậy, nữ sinh hi vọng rằng, với những kiến thức mình học được từ chương trình thạc sĩ về Khoa học Bền Vững và những trải nghiệm của bản thân khi làm trong các tổ chức và doanh nghiệp tại Nhật bản thân sẽ có cơ hội được áp dụng một cách có ích vào những dự án thực tế ở Việt Nam sau này. Không những vậy, nữ sinh cũng mong muốn trở thành một trong những cá nhân hoạt động tích cực để đưa sự bền vững và kinh doanh có trách nhiệm trở thành xu hướng chủ đạo trong kinh doanh ở nước ta trong tương lai.
Trong quá trình du học tại Nhật Bản, Vân Thiên đã đạt được nhiều thành tích tiêu biểu như:
Đồng tác giả Báo cáo Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu, đạt Giải Nhất cuộc thi Young Digital Citizen Challenge 2021 của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP in Vietnam);
Đồng sáng lập nhóm Công tác Thanh niên về Chính sách Khí hậu (YPWG);
Đại biểu Việt Nam được tài trợ toàn phần tham dự ROK-Mekong Youth Group workshop tại Seoul, Hàn Quốc, Đại biểu Việt Nam được tài trợ toàn phần tham dự COP28 Simulation Model tại Cairo, Ai Cập;
Được tài trợ toàn phần để tham dự UNLEASH Innovation Lab tại Kigali, Rwanda, Học bổng toàn phần tham dự chương trình trường hè về Nghiên cứu Phát triển Quốc tế tại Oslo, Na Uy.
Tài liệu tham khảo:
[1]: https://www.timeshighereducation.com/world-university-rankings/2024/world-ranking [2]: https://www.usnews.com/education/best-global-universities/university-of-tokyo
Tường San