Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm Thành phố Hải Phòng, toàn thành phố Hải Phòng hiện có khoảng 24.796 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong đó có 5.549 cơ sở kinh doanh thực phẩm; 10.115 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trong nhóm kinh doanh dịch vụ ăn uống có 7.865 cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ và kinh doanh thức ăn đường phố, 264 bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp và các doanh nghiệp, trên 700 bếp ăn tập thể tại các trường học. [1]
Hiện nay, tại Hải Phòng dịch vụ ăn uống thức ăn đường phố đang phát triển rất mạnh mẽ. Thời gian gần đây food tour với các quầy hàng kinh doanh thức ăn đường phố trở thành hoạt động như một sản phẩm du lịch của thành phố Hải Phòng. Điều này cũng khiến các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thức ăn đường phố đáp ứng nhu cầu sử dụng của đại đa số người dân thành phố. Với Hải Phòng và Việt Nam nói chung, thức ăn đường phố như một nét đẹp văn hóa rất gần gũi, phù hợp với mọi tầng lớp nhân dân đặc biệt với người lao động có thu nhập thấp, người làm công ăn lương, học sinh, sinh viên, du khách…
Bên cạnh đó, thức ăn đường phố có ở khắp mọi nơi, đặc biệt là những nơi đông dân cư, nơi công cộng, thuận tiện cho mọi người sử dụng, ở mọi thời điểm, giá cả phù hợp, tiết kiệm thời gian. Sản phẩm dịch vụ thức ăn đường phố đa dạng, nhiều món ăn món ăn đường phố của Hải Phòng đã được cả nước và du khách quốc tế biết đến và muốn được thưởng thức như: Bánh đa cua, bánh mì que, nem hải sản…
Tuy nhiên, thức ăn đường phố cũng tồn tại không ít hạn chế cần khắc phục như: Thức ăn đường phố thường có diện tích khu vực kinh doanh, dịch vụ hẹp, phần lớn vừa là nhà ở, vừa dùng để kinh doanh hoặc thuê lại những vị trí tạm thời, không ổn định, hoặc không có địa điểm cố định; phần lớn cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố không được bố trí theo nguyên tắc một chiều, vừa chế biến, nấu nướng, vừa chia thức ăn, thiếu diện tích để kê đủ các bàn theo yêu cầu chế biến.
Do đặc điểm phục vụ ở nơi đông người qua lại như các đầu mối giao thông, chợ, trường học, bệnh viện…nên không khí, môi trường xung quanh thường bị nhiễm bụi bẩn, cống rãnh ứ đọng nước bẩn nơi hè phố, rác thải ở các khu chợ, bến tàu, bến xe thường không được giải quyết ngay đã tạo điều kiện côn trùng gây hại phát triển nhanh dễ gây ô nhiễm thức ăn, nhất là các món ăn chế biến sẵn với khối lượng lớn, thời gian bán ở nhiệt độ bình thường kéo dài.
Do lợi nhuận kinh doanh nên người kinh doanh thức ăn đường phố chưa thực hiện tốt một số quy định: Dùng chung dao thớt sống, chín, để thực phẩm tươi sống gần cạnh thực phẩm chế biến ăn ngay gây nguy cơ ô nhiễm chéo, vẫn còn tình trạng sử dụng phụ gia thực phẩm tùy tiện, không theo quy định, bàn tay người chế biến không được rửa sạch thường xuyên, không đủ nước sạch chế biến…; còn dùng dụng cụ chứa đựng, tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không đảm bảm như: giấy báo, giấy qua sử dụng để gói thực phẩm, túi, khay xốp không rõ nguồn gốc đựng thực phẩm, xô, thùng, chậu không rõ nguồn gốc, tái sử dụng để đựng thực phẩm…
Đáng chú ý, thực phẩm đường phố lại được rất nhiều học sinh, sinh viên ưa chuộng. Dù biết có nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng nhiều học sinh, sinh viên vẫn rất yêu thích những món ăn này.
Bạn Ngô Thảo My, sinh viên năm 2 Trường Đại học Hải Phòng cho biết: “Bánh tráng trộn, cóc dầm, xoài dầm, xiên nướng, bánh bao chiên… thường là các món ăn vặt đường phố được em và các bạn yêu thích. Thông thường sau mỗi buổi làm bài tập nhóm chúng em thường tụ tập ăn vặt ở gần trường.
Mặc dù biết các món ăn đường phố có nguy cơ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng đó lại là các món giá rẻ, phù hợp với kinh phí của sinh viên. Em và các bạn cũng chỉ có một số quán ruột thường xuyên ăn, còn những quán khác khi ăn 1 lần thấy đau bụng thì lần sau chúng em sẽ không ăn nữa”.
Không chỉ học sinh, sinh viên nhiều phụ huynh cũng rất yêu thích các món ăn đường phố, thường lựa chọn làm bữa xế cho con. Chị Hà Trần, phụ huynh có con học lớp 6 trên địa bàn quận Lê Chân, Hải Phòng cho hay: Thỉnh thoảng khi đón con tan học chị thường mua xúc xích và thịt xiên nướng gần cổng trường cho con ăn. Có những hôm con đi học thêm bố mẹ chưa kịp chuẩn bị đồ ăn tối con sẽ được ăn tạm bánh mì que hoặc bánh mì thịt xiên nướng.
“Theo tôi thì bất cứ ăn uống ở đâu cũng không đảm bảo bằng ở nhà nhưng đồ ăn đường phố có sự tiện lợi nên thỉnh thoảng tôi vẫn mua cho con. Nhưng có lẽ thời gian tới tôi sẽ hạn chế hơn vì thời gian gần đây tôi cũng đọc được nhiều vụ việc về ngộ độc thực phẩm của học sinh do ăn các món ăn vặt ở cổng trường.
Tuy nhiên, tôi mong muốn cơ quan chức năng có thể kiểm soát chặt chẽ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm với các thức ăn đường phố. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng có thể lựa chọn hàng quán uy tín, có thương hiệu lâu đời thì vẫn có thể yên tâm cho con sử dụng”.
Anh Mai Đình Tứ, hiện đang sinh sống tại phố Phạm Phú Thứ, phường Hạ Lý (quận Hồng Bàng, Thành phố Hải Phòng) cho hay: “Ở khu vực tôi sống, mọi người thường xuyên ăn sáng ở các quán hàng vỉa hè. Nhiều lúc khi ăn tôi thấy giấy ăn sau khi sử dụng, đồ ăn thừa rải khắp chân bàn, nước cống cạnh hàng ăn dềnh rất mất vệ sinh nhưng vì ít có sự lựa chọn, tôi đành “tặc lưỡi cho qua”.
Thậm chí, nhiều hàng quán ban đầu mới mở rất sạch sẽ, vệ sinh nhưng sau một thời gian đông khách hơn, nhân viên cũng lơ là việc dọn dẹp. Có những ống đũa bám đầy dầu mỡ, tương ớt rơi vãi khắp bàn, nhất là rau sống còn nguyên đất cát. Tôi mong muốn các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với các thức ăn đường phố. Như vậy các cơ sở kinh doanh sẽ có ý thức chấp hành tốt hơn”.
Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Nguyễn Văn Toản, thành phố đang tập trung nguồn lực triển khai Nghị quyết số 17 năm 2018 của Hội đồng nhân dân thành phố về nhiệm vụ, giải pháp tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030, có nội dung bao phủ tất cả loại hình kinh doanh thực phẩm, trong đó có thức ăn đường phố. Nghị quyết quy định rõ: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp phải chịu trách nhiệm toàn diện đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn; công chức văn hóa – xã hội kiêm nhiệm theo dõi, là đầu mối về công tác an toàn thực phẩm ở các xã, phường, thị trấn.
Tại Hội nghị tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm thức ăn đường phố được tổ chức vào đầu tháng 6 vừa qua, Phó Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng Phan Huy Thục cũng đề nghị các sở, ngành, đơn vị và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng đối với bảo đảm an toàn thực phẩm đường phố; thường xuyên tổ chức đào tạo tập huấn, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, tuyên truyền theo các nhóm đối tượng phù hợp… Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả liên ngành để kiểm soát nguồn gốc thực phẩm tiêu thụ trên địa bàn thành phố…
Mục 5 Luật An toàn thực phẩm quy định điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố như sau:
Điều 31. Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nơi bày bán thức ăn đường phố
1. Phải cách biệt nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm.
2. Phải được bày bán trên bàn, giá, kệ, phương tiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ quan đường phố.
Điều 32. Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu, dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm và người kinh doanh thức ăn đường phố
1. Nguyên liệu để chế biến thức ăn đường phố phải bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
2. Dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm phải bảo đảm an toàn vệ sinh.
3. Bao gói và các vật liệu tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không được gây ô nhiễm và thôi nhiễm vào thực phẩm.
4. Có dụng cụ che nắng, mưa, bụi bẩn, côn trùng và động vật gây hại.
5. Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh.
6. Tuân thủ quy định về sức khỏe, kiến thức và thực hành đối với người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://suckhoedoisong.vn/5-thang-dau-nam-2024-hai-phong-khong-xay-ra-vu-ngo-doc-thuc-pham-169240521181432295.htm
LÃ TIẾN