Kế hoạch nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các Sở, ngành, đơn vị liên quan trong công tác quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn Thành phố theo đúng quy định của pháp luật, góp phần thiết lập trật tự, kỷ cương trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Định hướng, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch; hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân kinh doanh trái cây tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm.
Đồng thời, tăng cường thanh kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo trái cây lưu thông trên địa bàn được kiểm soát về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, điều kiện an toàn thực phẩm; xóa bỏ các điểm kinh doanh trái cây tự phát không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và trật tự đô thị.
Qua đó, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các chủ thể kinh doanh trái cây trên địa bàn Thành phố và nhận thức của người tiêu dùng, tạo thói quen mua sắm tại các cửa hàng được cấp biển nhận diện, không mua trái cây tại các điểm kinh doanh không rõ nguồn gốc và không đảm bảo chất lượng.
Theo kế hoạch, Hà Nội đặt mục tiêu năm 2025, phấn đấu 100% cửa hàng kinh doanh trái cây thuộc đối tượng của Đề án có đăng ký kinh doanh; 100% người kinh doanh trái cây được đào tạo, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm;
100% cửa hàng kinh doanh thuộc đối tượng của Đề án được cấp biển nhận diện “cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn”, có biển hiệu và đầy đủ trang thiết bị, phương tiện bảo quản trái cây bảo đảm chất lượng, lưu giữ trái cây tươi theo quy định khi đến tay người tiêu dùng.
Trên cơ sở đó, kế hoạch đề ra 10 nhóm giải pháp thực hiện, trong đó, các cửa hàng kinh doanh trái cây đảm bảo điều kiện quy định tại Đề án sẽ được cấp biển nhận diện (logo). Công khai danh sách các cửa hàng đảm bảo an toàn thực phẩm được cấp biển nhận diện, các tổ chức, cá nhân, địa điểm kinh doanh trái cây vi phạm quy định.
Ngoài ra, thành phố Hà Nội cũng chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động kinh doanh; hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, hoạt động kinh doanh của các cửa hàng trái cây.
Thành phố Hà Nội có hơn 10 triệu người sinh sống, học tập, làm việc, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn rất lớn. Trong đó, trái cây là một trong những sản phẩm thiết yếu được người dân mua sắm và tiêu dùng hàng ngày.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn thành phố có 1.446 cửa hàng kinh doanh trái cây. Trong đó, có 1.220 cửa hàng đã được cấp đăng ký kinh doanh (đạt 84,4%); 1.388 đã cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, đạt tỷ lệ 96,0%; 1.227 cửa hàng có trang thiết bị bảo quản trái cây; 1.088 cửa hàng có trang thiết bị giám sát chất lượng trái cây; 1.272 cửa hàng có quầy, kệ trưng bày; 1.358 cửa hàng có trang thiết bị vận chuyển trái cây; 1.190 cửa hàng có giấy tờ chứng minh nguồn gốc trái cây; 1.108 cửa hàng có tem truy xuất nguồn gốc.
Minh Chi