Hà Lan là một trong những điểm đến học tập rất phổ biến với sinh viên quốc tế, trong đó, có sự thu hút với sinh viên Việt Nam.
Tuy nhiên, gần đây, Chính phủ mới của Hà Lan đang có kế hoạch “siết” tuyển sinh quốc tế và tăng cường dùng tiếng Hà Lan trong các chương trình đại học. Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Văn hóa và Khoa học Hà Lan, ông Eppo Bruins đề xuất tăng tỷ lệ bằng cấp được dạy bằng tiếng Hà Lan, giảm số lượng sinh viên quốc tế và khuyến khích du học sinh ở lại Hà Lan làm việc sau khi tốt nghiệp. [1]
“Siết” quy định tuyển sinh cũng là tăng cơ hội việc làm cho sinh viên quốc tế
Nam sinh Nguyễn Ngọc Hải (22 tuổi), cựu sinh viên Trường Đại học Ngoại thương, hiện đang học thạc sĩ ngành Tài chính tại Đại học Vrije Universiteit Amsterdam (Hà Lan) chia sẻ: “Đầu vào tại các trường đại học tại Hà Lan có khá nhiều tiêu chí như: GMAT, IELTS, thư giới thiệu, kinh nghiệm làm việc… Ngoài ra, nhà trường cũng rất gắt gao trong việc đảm bảo số lượng tín chỉ các môn học yêu cầu ở bậc đại học.
Lần đầu khi nộp đơn vào Trường Quản lý Rotterdam (Rotterdam School of Management), Đại học Erasmus Rotterdam, tôi đã bị từ chối hồ sơ do phía nhà trường đã nhận đủ 200 hồ sơ trong 7 ngày đầu mở đơn. Lần thứ hai, tôi đăng ký vào Trường Kinh tế Erasmus (Erasmus School of Economics), Đại học Erasmus Rotterdam, cũng bị từ chối với lý do bằng đại học không khớp với ngành đăng ký học”.
Nam sinh này cho biết, nguyên nhân bị từ chối là do việc “siết” tuyển sinh với sinh viên quốc tế ngày càng gắt gao.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Lý Phương Thúy – Giám đốc tuyển sinh thị trường châu Âu (Công ty trách nhiệm hữu hạn tư vấn giáo dục mạng lưới quốc tế – INEC) cho biết: “Trong dự luật mới mang tên “Cân bằng quốc tế hóa”, Chính phủ Hà Lan dự kiến sẽ giảm 293 triệu euro từ ngân sách cho việc tiếp nhận du học sinh và nêu ý định sẽ tăng học phí với những ai không đến từ Liên minh châu Âu (EU). Đồng thời, cũng sẽ giảm hỗ trợ tài chính với sinh viên đến từ Liên minh châu Âu.
Cũng theo dự luật, về phía nhà trường, quy định ít nhất 2/3 chương trình cử nhân phải được dạy bằng tiếng Hà Lan và các trường đại học chỉ được dạy một chương trình cử nhân hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài khi có sự đồng ý của Bộ Giáo dục, Văn hóa và Khoa học Hà Lan… Các trường được giữ quyền tự chủ tuyển sinh nhưng dự kiến “sẽ thực hiện các biện pháp thích hợp”, bắt đầu bằng việc hạn chế tuyển sinh chương trình không dạy bằng tiếng Hà Lan từ năm học tới.
Để chuẩn bị đáp ứng những quy định này, nhiều trường đại học Hà Lan thông báo các chương trình cử nhân bằng tiếng Anh của trường sẽ có chương trình tương đương bằng tiếng Hà Lan. Các chương trình hiện có không được chuyển đổi sang tiếng Hà Lan, sẽ có thêm một chương trình song song bằng ngôn ngữ này”.
Bà Lý Phương Thúy cũng nêu một số lý giải về những thay đổi trên: “Gần đây, việc tăng trưởng mạnh số lượng sinh viên quốc tế dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhà ở cho sinh viên, giảng đường đông đúc. Giới chức Hà Lan lo ngại về việc duy trì chất lượng giáo dục cũng như mong muốn ngày càng có nhiều nhân lực quốc tế có thể sử dụng tiếng Hà Lan ở lại làm việc sau khi học xong.
Việc giảm lượng sinh viên quốc tế với các biện pháp như hạn chế chương trình cử nhân bằng tiếng Anh, tăng giảng dạy bằng tiếng Hà Lan nhằm củng cố chất lượng giáo dục, giảm áp lực với các vấn đề an sinh, mở rộng thị trường nhân lực biết tiếng Hà Lan. Đây cũng là cơ hội nhằm tăng việc làm cho sinh viên quốc tế tại nước này.
Dự luật mới có thể làm dấy lên một số lo ngại với học sinh Việt Nam muốn du học Hà Lan. Tuy nhiên, chưa ảnh hưởng rõ rệt đến việc tuyển sinh, bởi, du học Hà Lan vẫn nghiêng về “cán cân” lợi ích nhiều hơn trở ngại”.
Đánh giá về tình hình du học tại Hà Lan trong thời gian tới, bà Diệp Nguyễn – Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Inspirdo Education cũng cho rằng: “Chất lượng giáo dục của Hà Lan rất tốt, môi trường sống và học tập an toàn văn minh. Việc tăng học phí không phải là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất, nên Hà Lan vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với du học sinh.
Năm 2024, có nhiều thay đổi chính sách đối với việc du học của hầu hết các quốc gia từ Úc, Canada, Mỹ, Đức, Ba Lan. Việc Hà Lan có những chính sách, dự luật mới, không phải điều quá ngạc nhiên với du học sinh quốc tế.
Lý do, nhiều trường muốn đẩy mạnh chương trình dạy học bằng tiếng Hà Lan với mong muốn đảm bảo được chất lượng đào tạo bậc cao, đẩy mạnh chất lượng nguồn lao động và đặc biệt là giữ chân lực lượng lao động quốc tế.
Theo Nuffic, số lượng sinh viên quốc tế tăng dần đều. Năm 2023-2024, số lượng sinh viên quốc tế nhập học tăng 5,4% so với năm 2022-2023, chiếm 25% trong tổng số lượng sinh viên nhập học bậc cao tại Hà Lan. Theo tôi dự đoán, trong tương lai Hà Lan sẽ có những chính sách cởi mở hơn về việc định cư, việc làm hay du học nhằm thu hút nhân tài quốc tế”.
Du học sinh cần chuẩn bị kỹ càng về kiến thức văn hóa, nên học tiếng Hà Lan từ sớm
Bên cạnh đó, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Inspirdo Education cũng chia sẻ thêm: “Theo thông tin chúng tôi được biết, trong vòng 2 năm tới, các trường đại học sẽ không được phép mở thêm chương trình tiếng Anh, chỉ mở thêm chương trình đào tạo tiếng Hà Lan.
Giáo dục Hà Lan khá toàn diện, hầu hết các ngành học hiện tại đều đáp ứng được nhu cầu và mong muốn theo học của du học sinh Việt Nam. Những kế hoạch, dự luật mới của Chính phủ Hà Lan chắc chắn sẽ có ảnh hưởng nhất định đến sự lựa chọn của học sinh, sinh viên Việt Nam, tuy nhiên sẽ không ảnh hưởng quá lớn.
Với những ngành học đặc thù liên quan đến sức khỏe, y tế… được đào tạo bằng tiếng Hà Lan, có điều kiện đầu vào rất khó. Chính vì vậy, cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng về mặt kiến thức văn hóa và du học sinh nên học tiếng Hà Lan từ sớm”.
Về vấn đề này, bà Lý Phương Thúy cũng phân tích thêm: “Dự luật vẫn đang được thảo luận, cân nhắc và chờ đợi các biện pháp chính thức từ Chính phủ và các trường đại học Hà Lan. Do đó, thách thức với học sinh Việt Nam muốn du học tại Hà Lan nằm ở việc định hướng sớm, lựa chọn chương trình phù hợp để có thể nhận được suất học thành công.
Việc học thêm tiếng Hà Lan trong thời gian du học mang lại khá nhiều lợi ích về mặt đời sống xã hội và triển vọng việc làm trong tương lai. Chính vì vậy, học sinh, sinh viên có thể xem đây là cơ hội hơn là thách thức”.
Giám đốc tuyển sinh thị trường châu Âu (Công ty trách nhiệm hữu hạn tư vấn giáo dục mạng lưới quốc tế) cũng nói thêm về sức hấp dẫn của giáo dục Hà Lan đến từ nhiều yếu tố: Xếp hạng cao, uy tín quốc tế, môi trường tuyệt vời cho học tập và cuộc sống, cơ hội việc làm…
“Việc tăng học phí với sinh viên quốc tế thực chất đã được thực hiện trong các năm qua, tùy thuộc vào các trường với các mức tăng khác nhau. Chưa có thông tin chính xác về mức học phí mới sẽ áp dụng cho sinh viên ngoài EU theo dự luật. Tuy nhiên, mức học phí hiện hành vẫn nằm trong khoảng hợp lý so với chất lượng và cơ hội mà sinh viên quốc tế nhận được” – bà Thúy chia sẻ.
Bà Lý Phương Thúy cũng chỉ ra, du học bất cứ quốc gia nào cũng cần có sự chuẩn bị kỹ càng về học vấn, ngoại ngữ, tài chính, khả năng tự lập. Để tăng cơ hội việc làm, ngoài việc học tập nghiêm túc, du học sinh Việt cần chủ động xây dựng các mối quan hệ cho lợi cho nghề nghiệp, kết nối với các nhà tuyển dụng, tìm kiếm các vị trí phù hợp với năng lực.
Chính sách mới về tuyển sinh quốc tế của Hà Lan không áp dụng với các ngành “hot” thiếu nhân lực như khoa học, kỹ thuật, các trường ở thành phố không đông dân cư, các chương trình quốc tế, chương trình chỉ được dạy tại một địa điểm. Do đó, học sinh, sinh viên cần định hướng rõ bản thân phù hợp với ngành nghề, phương pháp đào tạo nghiên cứu hay ứng dụng.
Để có sự chuẩn bị tốt và hiệu quả, cần theo dõi thông tin các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao tại Hà Lan, các trường có chương trình học và chính sách tuyển sinh phù hợp với năng lực học tập.
Nam sinh Nguyễn Ngọc Hải cũng đưa ra lời khuyên cho những học sinh, sinh viên đang có ý định du học Hà Lan: “Phải chuẩn bị tinh thần học tập tốt vì việc học tập ở Hà Lan vô cùng áp lực. Ngoài ra, để có thể học tập cũng như sinh hoạt thoải mái, cần phải chuẩn bị tài chính dư dả. Việc bị áp lực tài chính cùng những chính sách ngày càng siết chặt của Chính phủ Hà Lan có thể khiến việc học tập bị xao nhãng, không đạt được kết quả cao.
Với những kế hoạch, dự luật mới của Chính phủ Hà Lan, du học sinh Việt Nam nên học thêm tiếng Hà Lan từ sớm để có thể giao tiếp và học tập tại bất cứ nơi đâu trên vùng đất của họ. Việc học thêm ngôn ngữ chính của Hà Lan cũng sẽ giúp bản thân được đánh giá cao và thuận lợi hơn khi đi xin việc làm thêm”.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://thanhnien.vn/ha-lan-muon-giam-chuong-trinh-tieng-anh-tang-hoc-phi-voi-du-hoc-sinh-185241103094524566.htm
Khánh Hòa