Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non hiện đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến. Dự thảo này có nhiều điểm mới đáng chú ý, đặc biệt là quy định về chỉ tiêu xét tuyển sớm.
Cụ thể dự thảo nêu “cơ sở đào tạo có thể tổ chức xét tuyển sớm theo phương thức phù hợp để tuyển chọn những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội. Chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo; bảo đảm điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm (sau khi quy đổi tương đương) không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung”.
Theo lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục, việc giới hạn chỉ tiêu xét tuyển sớm được đưa ra nhằm khắc phục những bất cập trong công tác tuyển sinh, hướng tới việc xây dựng một môi trường giáo dục minh bạch và công bằng hơn giữa các trường đại học cũng như giữa các thí sinh.
Giới hạn chỉ tiêu xét tuyển sớm giúp học sinh không chạy đua xét tuyển
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Lê Kim Anh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, năm 2025 là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong hệ thống giáo dục.
Vì vậy, việc điều chỉnh quy chế tuyển sinh đại học cùng các quy định và hướng dẫn liên quan là cần thiết để thích ứng với sự thay đổi này.
“Vào tháng 10 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố đề thi tham khảo cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 với tính phân hóa cao, nhằm tăng cường độ chính xác và độ tin cậy của kết quả kỳ thi. Sự thay đổi này không chỉ giúp thí sinh đánh giá rõ ràng hơn năng lực bản thân mà còn hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học trong việc tuyển chọn, đảm bảo lựa chọn được những học sinh có thành tích tốt nhất.
Trong bối cảnh này, việc giới hạn 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm được xem là một bước đi hợp lý, giúp đảm bảo công bằng giữa các thí sinh, đồng thời ổn định hệ thống tuyển sinh và nâng cao chất lượng đầu vào, đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục bền vững”, cô Kim Anh nhận định.
Theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong bối cảnh tuyển sinh hiện nay, nhà trường đang tiến hành khảo sát và nghiên cứu để điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh cho phù hợp. Những điều chỉnh này tuân thủ theo các quy định nhằm duy trì chất lượng đầu vào, bảo đảm tính công bằng, khách quan, tin cậy và phù hợp với yêu cầu đặc thù của từng ngành đào tạo.
Ngoài ra, với quy định mới về tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển sớm, nhà trường cũng cần điều chỉnh lại các tiêu chí và đối tượng xét tuyển để tiếp cận những thí sinh có năng lực và thành tích học tập xuất sắc. Mục tiêu cuối cùng là bảo đảm quyền lợi tối đa cho thí sinh, luôn đặt lợi ích của thí sinh lên hàng đầu.
Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Phạm Kim Thư – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu nghị cho rằng, việc giới hạn chỉ tiêu xét tuyển sớm có thể mang lại lợi ích trong việc nâng cao chất lượng tuyển sinh. Tuy nhiên, điều này cần được xem xét kỹ lưỡng để tránh gây ra tác động đến thí sinh và các cơ sở giáo dục đại học.
Theo thầy Thư, việc giới hạn chỉ tiêu xét tuyển sớm mang lại nhiều lợi ích, trong đó nổi bật là sự công bằng giữa các thí sinh. Điều này giúp thí sinh tập trung vào việc học tập và ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tránh tình trạng chạy đua nộp hồ sơ xét tuyển sớm gây xao nhãng việc học. Đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng tuyển sinh, bởi khi đã giới hạn chỉ tiêu, các trường sẽ dễ thu hút những thí sinh có năng lực và thành tích học tập xuất sắc, từ đó cải thiện chất lượng đầu vào.
Tuy nhiên, việc giới hạn chỉ tiêu xét tuyển sớm cũng có thể ảnh hưởng đến quyền tự chủ trong tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là các trường có nhu cầu tuyển sinh sớm cao. Những trường này có thể gặp khó khăn trong việc điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh để đáp ứng đủ chỉ tiêu và giữ vững chất lượng đầu vào, đồng thời cũng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng để không làm giảm cơ hội tiếp cận của thí sinh có năng lực.
Hiện nay, Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu nghị đang trong quá trình xây dựng đề án tuyển sinh năm 2025. Theo nhận định của lãnh đạo nhà trường, việc quy định giới hạn chỉ tiêu xét tuyển sớm sẽ không tác động quá lớn đến kế hoạch tuyển sinh của trường.
Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trung Cang – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang nhận định, việc giới hạn chỉ tiêu xét tuyển sớm góp phần ngăn chặn tình trạng các trường đại học dành phần lớn chỉ tiêu cho các phương thức như xét tuyển học bạ, điểm thi đánh giá năng lực hoặc những phương thức tuyển sinh riêng lẻ khác.
Tuy nhiên, việc giới hạn chỉ tiêu 20% xét tuyển sớm cũng tác động không nhỏ tới các thí sinh và cơ sở giáo dục đại học. Trong bối cảnh các trường đại học ngày càng đa dạng hóa phương thức tuyển sinh nhằm thu hút thí sinh, quy định này có thể khiến một số trường gặp khó khăn trong việc tối đa hóa số lượng thí sinh phù hợp với ngành hoặc nhóm ngành.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang cho biết: “Với 20% chỉ tiêu dành cho xét tuyển sớm, các trường đại học thường ưu tiên chọn thí sinh xuất sắc. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến việc nhiều thí sinh trong diện xét tuyển sớm được nhiều trường chấp nhận, nhưng thực tế chỉ một trường tuyển được chính thức. Hệ quả là thí sinh xét tuyển sớm ở các trường còn lại trở thành thí sinh “ảo”, làm cho quá trình lọc ảo trở nên phức tạp và khó kiểm soát.
Quy định giới hạn chỉ tiêu xét tuyển sớm ở mức 20% là hợp lý nhưng cần được điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với tình hình thực tế, nhu cầu tuyển sinh và đặc thù của từng ngành, nhóm ngành.
Đồng thời, để thực hiện theo quy định giới hạn 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm trong dự thảo, Trường Đại học Kiên Giang sẽ linh hoạt điều chỉnh chiến lược tuyển sinh, từ việc phân bổ lại chỉ tiêu giữa các phương thức xét tuyển đến việc tăng cường tư vấn hỗ trợ thí sinh và điều chỉnh thời gian, cách thức xét tuyển. Mục tiêu cuối cùng là tạo ra một môi trường tuyển sinh minh bạch, công bằng, đồng thời duy trì chất lượng đầu vào của nhà trường”.
Quy đổi điểm chuẩn về một thang điểm chung liệu có khả thi?
Bên cạnh những quy định mới về việc “siết” chỉ tiêu xét tuyển sớm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng quy định trong dự thảo các điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo.
Theo Tiến sĩ Phạm Kim Thư, nếu có thể quy đổi điểm xét tuyển từ các phương thức khác nhau về một thang điểm chung, đây sẽ là một bước tiến quan trọng, góp phần nâng cao tính công bằng giữa các thí sinh và các phương thức xét tuyển. Tuy nhiên, việc thực hiện quy đổi điểm không đơn giản, bởi mỗi kỳ thi hoặc phương thức xét tuyển lại có độ khó và tiêu chí đánh giá khác nhau.
“Vì vậy, điều nhà trường mong muốn nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành quy chế tuyển sinh chính thức, tạo cơ sở vững chắc để nhà trường triển khai công tác tuyển sinh một cách hiệu quả và chuẩn bị tốt nhất cho năm học mới.
Điều này không chỉ giúp hệ thống tuyển sinh trở nên ổn định mà còn tạo sự yên tâm cho các thí sinh khi lựa chọn phương thức xét tuyển phù hợp với năng lực của mình”, Tiến sĩ Phạm Kim Thư bày tỏ.
Thúy Hiền