Bảo hiểm y tế là chính sách an sinh xã hội nhân văn nhằm chăm lo sức khỏe cho người dân. Nhờ tham gia Bảo hiểm y tế, nhiều trường hợp không may bị ốm đau dài ngày, bị tai nạn hiểm nghèo cần chi số tiền lớn cũng đã được bảo hiểm hỗ trợ và vượt qua.
Có rất nhiều phụ huynh tình nguyện mua Bảo hiểm y tế cho con nhưng vẫn còn không ít cha mẹ thờ ơ, từ chối mua bảo hiểm với khá nhiều nguyên nhân.
Người lấy lý do gia đình khó khăn nên không thể tham gia. Người lại quá tự tin: “Con mình có bệnh thì ra ngoài khám tư cho nhanh. Gia đình mình đủ sức để lo cho con nên không cần mua”.
Phụ huynh ít đồng tình thì giáo viên chủ nhiệm càng vất vả. Sẽ có những thắc mắc, mua bảo hiểm cũng là quyền lợi của học sinh. Phụ huynh không mua cho con sẽ mất đi những quyền lợi ấy.
Tuy nhiên trong thực tế, có khá nhiều ràng buộc để mỗi giáo viên chủ nhiệm phải nỗ lực hết mình. Nếu như các lớp không hoàn thành việc thu bảo hiểm, lớp, giáo viên ấy có thể bị ảnh hưởng.
Nhà trường không hoàn thành chỉ tiêu 100% học sinh trong trường tham gia đầy đủ bảo hiểm y tế, không thu đạt, xã phường cũng ảnh hưởng và ngay cả ngành giáo dục địa phương cũng bị nhắc nhở.
Vì điều này, một số trường học đã đưa việc thu bảo hiểm vào công tác thi đua. Lớp nào phụ huynh không tham gia đủ, xem như công tác làm chủ nhiệm của giáo viên ấy chưa tốt. Cũng đã có giáo viên bức xúc vì bị hạ loại thi đua do vận động học sinh tham gia bảo hiểm y tế không đạt yêu cầu.
Cả một năm thầy cô giáo nỗ lực phấn đấu trong việc giảng dạy, kèm cặp và giáo dục học sinh, nên không thầy cô giáo nào muốn chỉ vì còn vài em chưa tham gia bảo hiểm lại bị hạ loại thi đua. Vì thế, giáo viên nào cũng phải nỗ lực để lớp mình hoàn thành chỉ tiêu về bảo hiểm.
Có hiệu trưởng cũng đã chia sẻ thật lòng, ban giám hiệu không muốn làm khó giáo viên. Tuy nhiên, trường mà thu không đạt trong những cuộc họp giao ban của ngành, của huyện thì nhà trường cũng bị nhắc nhở.
Vì thế, một số giáo viên, sau khi đã nỗ lực hết mình trong việc vận động phụ huynh mua Bảo hiểm y tế nhưng không thành để đạt 100% có thể sẽ bỏ tiền túi ra để mua hộ hoặc vận động nhà hảo tâm mua tặng học sinh thẻ bảo hiểm y tế với các trường hợp gia đình còn khó khăn.
Vừa qua (ngày 31/10), Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Qua thông tin báo chí, người viết đọc được ý kiến của Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) cũng nêu một thực tế, nhiều giáo viên được giao nhiệm vụ thu tiền bảo hiểm, thật sự là một áp lực lớn. Nhiều lúc phải năn nỉ phụ huynh đóng bảo hiểm y tế cho con, ảnh hưởng rất lớn đến thời gian, tâm trí cho công tác giảng dạy.
Chưa kể đến việc không đạt được chỉ tiêu, ảnh hưởng đến việc đánh giá, phân loại thi đua khen thưởng. Đã có những xung đột không đáng có giữa giáo viên và phụ huynh. Hoặc phụ huynh chậm đóng tiền bảo hiểm, dẫn đến việc không kịp thời trong việc mua Bảo hiểm y tế, ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh.
Còn nhiều phụ huynh chưa rõ các quy định của Bảo hiểm y tế, cứ nghĩ nhà trường bán có lợi hoa hồng.
Bà cũng đề xuất nghiên cứu học sinh được tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình; nâng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các em.
Là giáo viên, người viết cho rằng đề xuất này là hợp lý và rất ủng hộ kiến nghị này. Giáo viên chỉ cần truyền tải kiến thức cho học sinh. Việc của giáo viên là giảng dạy, không nên tạo áp lực cho giáo viên bằng những việc không trực tiếp liên quan. Những việc không liên quan đến chuyên môn giáo dục và đào tạo hãy để những người có chức năng họ làm.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://dantri.com.vn/xa-hoi/giao-vien-ap-luc-phai-nan-ni-phu-huynh-dong-bao-hiem-y-te-cho-hoc-sinh-20241031152913940.htm(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Ngân Hoa