Theo đó, đề kiểm tra định kỳ của các môn đánh giá bằng điểm số cấp Trung học phổ thông sẽ có ma trận mới, gồm 2 phần: trắc nghiệm khách quan (chiếm 7/10 điểm) và tự luận (chiếm 3/10 điểm).
Phần trắc nghiệm khách quan với dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn, trắc nghiệm đúng – sai và trả lời ngắn. Với những môn học không có dạng câu hỏi “trả lời ngắn”, toàn bộ số điểm của phần này sẽ chuyển sang cho dạng “đúng – sai”.
Mức độ nhận thức đề kiểm tra sẽ có 40% câu hỏi ở mức độ nhận biết, 30% câu hỏi ở mức độ thông hiểu và 30% câu hỏi ở mức độ vận dụng.
Thầy Trần Song Hào – giáo viên Trường Trung học phổ thông Võ Thị Sáu. Ảnh: giaoduc.net.vn
Thầy Trần Song Hào – giáo viên Trường Trung học phổ thông Võ Thị Sáu, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ: “Để thực hiện theo chỉ đạo của Bộ, chúng tôi đã được Sở tập huấn.
Ma trận đề kiểm tra phải đạt được các yêu cầu cơ bản như: Đề kiểm tra có sự kết hợp giữa trắc nghiệm và tự luận với tỉ lệ phù hợp (70% – 30% đối với lớp 10, 11) và (80% – 20% đối với lớp 12).
Đề kiểm tra có 3 mức độ nhận thức theo tỉ lệ: 40% nhận biết, 30% thông hiểu, 30% vận dụng.
Với dạng thức câu hỏi trắc nghiệm dạng đúng/sai, mỗi câu hỏi có 04 ý (a, b, c, d). Mỗi ý đúng được 0,25 điểm.
Nội dung kiểm tra, đánh giá không được vượt quá các yêu cầu cần đạt trong chương trình. Trong bảng đặc tả cần xác định rõ các chỉ báo.
Biên soạn câu hỏi đáp ứng các yêu cầu đánh giá năng lực học sinh; sử dụng bối cảnh có ý nghĩa, có tác dụng, có giá trị khoa học hoặc thực tiễn. Hạn chế xây dựng câu hỏi dựa trên việc chấp nhận nhiều giả sử, giả định, giả thiết không có ý nghĩa thực tế. Xây dựng câu hỏi/bài tập dựa trên ngữ liệu từ thực nghiệm, dẫn chứng khoa học, thực tiễn.
Tỉ lệ điểm: Căn cứ vào tỉ lệ số tiết trong chủ đề để phù hợp với tỉ lệ điểm, tùy vào khối lượng kiến thức sẽ tương ứng với % điểm.
Việc thay đổi ma trận đề cũng có thể làm cho giáo viên phải vất vả hơn khi phải làm ma trận mới, cấu trúc mới, câu hỏi theo định dạng mới, định hướng theo đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Các em học sinh được kiểm tra định kì theo cấu trúc mới sẽ thuận lợi hơn khi thi tốt nghiệp phổ thông”.
Thầy giáo Nguyễn Trung Duẩn, công tác tại Trường Trung học phổ thông Châu Thành, thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ: “Bộ thay đổi cấu trúc đề kiểm tra định kì ở trung học cơ sở, trung học phổ thông là hợp tình, hợp lý, đáp ứng nguyện vọng của giáo viên và học sinh.
Cấu trúc đề kiểm tra định kì lần này có sự kế thừa và gần với cấu trúc đề minh họa thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng từ năm 2025.
Việc thay đổi này giúp phát triển kỹ năng tự đánh giá, nâng cao ý thức tự học và cải thiện kết quả học tập. Khích lệ học tập tích cực, giúp học sinh cảm nhận được quá trình học tập. Khả năng học tập toàn diện giúp học sinh phát triển không chỉ về kiến thức mà còn về phẩm chất, thái độ học tập.
Tất nhiên, sự thay đổi này sẽ ít nhiều có thể khiến các em bối rối do chưa quen với cấu trúc định dạng đề kiểm tra theo ma trận mới. Tuy nhiên, giáo viên trong quá trình dạy học đã cho học sinh làm quen các dạng đề trắc nghiệm theo cấu trúc mới, học sinh cũng nhanh chóng khắc phục”.
Trước băn khoăn về đề kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn có áp dụng cấu trúc trắc nghiệm khách quan (chiếm 7/10 điểm) và tự luận (chiếm 3/10 điểm), cô giáo Đỗ Thị Thúy Dương – giáo viên Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: “Với bài kiểm tra định kì môn Ngữ văn vẫn ổn định như trước đây, thực hiện theo hình thức tự luận, không chịu chi phối của văn bản số 7991/BGDĐT-GDTrH”.
Tài liệu tham khảo:
https://luatvietnam.vn/giao-duc/cong-van-7991-bgddt-gdtrh-cua-bo-giao-duc-va-dao-tao-ve-viec-thuc-hien-kiem-tra-danh-gia-doi-voi-cap-trung-hoc-co-so-trung-hoc-pho-thong-380717-d6.html
Sơn Quang Huyến