Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 12/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18/01/2022 quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.
Theo đó, đối với quy định giảng viên trong điều kiện mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ, bên cạnh yêu cầu có ít nhất 1 hoặc 2 phó giáo sư và 3 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu thì Thông tư 12 bổ sung 2 nội dung về điều kiện giảng viên.
Một là “có kinh nghiệm trong tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học liên quan tới ngành đào tạo, đáp ứng một trong các điều kiện: Ngành đào tạo trình độ tiến sĩ là ngành phù hợp đối với một ngành đã đào tạo và cấp bằng ở trình độ thạc sĩ hoặc trong 5 năm gần nhất đã tham gia hướng dẫn 5 luận án tiến sĩ thuộc ngành đào tạo được bảo vệ thành công (tại một cơ sở đào tạo khác). Đồng thời, các giảng viên phải đã công bố tổng số ít nhất 50 bài báo, báo cáo khoa học trên các tạp chí khoa học được Hội đồng Giáo sư nhà nước tính điểm cho ngành đào tạo, với vai trò là tác giả đứng đầu hoặc tác giả liên hệ.
Hai là phải đạt các tiêu chí của chuẩn áp dụng cho các trường đào tạo trình độ tiến sĩ bao gồm: tỉ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ, tỉ trọng thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ (trừ các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) và số lượng công bố khoa học và công nghệ tính bình quân trên một giảng viên toàn thời gian.
Là điều tất yếu, phù hợp với bối cảnh hội nhập sâu rộng
Đánh giá về điểm mới này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thanh Tùng – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế) bày tỏ, trong bối cảnh hội nhập khu vực và thế giới ngày càng sâu rộng, nguồn nhân lực được đào tạo phải tương thích với thế giới thì mới có thể cạnh tranh được trên thị trường lao động. Vậy nên, việc nâng cao chất lượng đào tạo bậc tiến sĩ tiếp cận dần với chuẩn quốc tế, khu vực là rất cần thiết và tất yếu.
Theo đó, điểm mới này nhằm nâng cao chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học tham gia mở ngành đào tạo tiến sĩ. Thực tế hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang thực hiện đồng bộ những giải pháp như hoàn thiện hệ thống chính sách bảo đảm chất lượng đào tạo, tăng cường sự minh bạch, gia tăng vai trò giám sát của các bên liên quan trong đào tạo tiến sĩ.
Thầy Tùng cho hay, đội ngũ tham gia hướng dẫn luận án là yếu tố hàng đầu để nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động đào tạo tiến sĩ. Vì vậy, cần xây dựng, quy hoạch và đào tạo đội ngũ cán bộ giảng dạy, cán bộ khoa học, đảm bảo chuẩn quy định.
Thông qua đào tạo tiến sĩ sẽ đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, từ đó tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ , tăng cường công bố quốc tế và nâng cao thứ hạng, uy tín, vị thế của nhà trường.
Mặt khác, với yêu cầu về tiêu chí cán bộ tham gia đào tạo trình độ tiến sĩ như vậy sẽ góp phần hình thành đội ngũ các nhà giáo, nhà khoa học tận tình, tâm huyết với giảng dạy, nghiên cứu khoa học với chuyên môn sâu.
Trên thực tế, đặc thù của bậc đào tạo trình độ tiến sĩ là nghiên cứu chuyên sâu. Do đó, chương trình đào tạo nghiên cứu sinh đòi hỏi hàm lượng nghiên cứu khoa học cao hơn so với chương trình đào tạo bậc thạc sỹ. Nghiên cứu sinh học tiến sĩ, nghiên cứu đề tài thực chất là gắn liền việc học tập với nghiên cứu khoa học, dưới sự dẫn dắt của giảng viên hướng dẫn.
Nếu người thầy không đủ giỏi, không đủ tốt, không có năng lực về nghiên cứu sẽ không thể định hướng tốt cho nghiên cứu sinh trong quá trình nghiên cứu. Các chương trình đào tạo tiến sĩ và đề tài luận án của nghiên cứu sinh phải vừa có tính chất cơ bản, hiện đại và thực tiễn, đồng thời gắn kết chặt chẽ hoạt động đào tạo sau đại học thông qua các nhóm nghiên cứu, các đề tài/dự án nghiên cứu để có bước thay đổi thực sự trong năng lực tư duy và tự nghiên cứu của nghiên cứu sinh.
Thực hiện quy định mới này, công tác mở ngành và triển khai đào tạo trình độ tiến sĩ của các cơ sở giáo dục đại học sẽ được nâng cao về chất lượng, tạo môi trường học thuật nghiêm túc, cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở đào tạo tiến sĩ trong bối cảnh tự chủ diễn ra mạnh mẽ.
Tuy nhiên, để đảm bảo tiêu chí mới này, đòi hỏi các cơ sở đào tạo cũng phải có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên. Cùng với đó, việc gắn đào tạo nghiên cứu sinh với khoa học và chuyển giao công nghệ được thực hiện thường xuyên, giúp người học có cơ hội nghiên cứu khoa học trong quá trình học tập và nghiên cứu.
Cũng theo thầy Tùng, bên cạnh những thuận lợi, cần lưu ý, xem xét lại để quá trình thực hiện điểm mới trên mang đến tác dụng tích cực, theo đúng mục đích đã đặt ra.
Trước hết, về công bố các bài báo khoa học, yêu cầu 50 bài cho 5 năm gần nhất và đối với ít nhất 1 giáo sư hoặc 2 phó giáo sư và 3 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu, chỉ nên trung bình mỗi năm một giảng viên cơ hữu công bố khoảng 2 bài trên tạp chí là phù hợp.
Mặt khác, trên thực tế, tạp chí được tính điểm lại rất đa dạng, có nhiều tạp chí chỉ được tính từ 0 đến 0,25 điểm, một số khác được tính từ 0 đến 1 hay 1,5 điểm. Khả năng đăng bài lệ thuộc vào mức điểm của tạp chí, để đối phó, giảng viên có thể sẽ lựa chọn tạp chí với mức tính điểm thấp để đạt yêu cầu. Do vậy trong thời gian tới có thể từng bước xây dựng tiêu chí cao hơn như chỉ chấp nhận những bài báo trên tạp chí được tính từ 0,5 điểm trở lên.
Bên cạnh đó, đối với người chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo, nên có đòi hỏi cao hơn giảng viên thông thường trong việc công bố, nhất là trong công bố quốc tế.
Việc nâng số lượng các công bố khoa học “50 bài báo khoa học” đối với tổng số tiến sĩ giảng dạy mở ngành đối với các ngành đặc thù đối với giảng viên có thói quen không nghiên cứu, chỉ tập trung vào giảng dạy sau khi có bằng tiến sĩ sẽ gặp khó khăn, buộc những thầy cô này sẽ đầu tư vào việc nghiên cứu nhiều hơn.
Ngoài ra, thực hiện quy định mới này, một số cơ sở giáo dục đại học có thể sẽ gặp khó khăn trong vấn đề mở ngành đào tạo sau đại học, đặc biệt là mã ngành đào tạo trình độ tiến sĩ khi có đội ngũ giảng viên trình độ tiến sĩ, phó giáo sư và giáo sư “mỏng”. Vì vậy, để mở ngành đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ, đòi hỏi các trường cần có thời gian, lộ trình và có kế hoạch phát triển đội ngũ tương ứng với chương trình đào tạo, đồng thời thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và công bố kết quả nghiên cứu.
“Thông tư mới là động lực thúc đẩy giảng viên nghiên cứu, cải thiện kiến thức để từ đó nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên việc thay đổi đột ngột các quy định có thể ảnh hưởng rất lớn đến quá trình đào tạo của các trường, chính vì vậy nên có lộ trình thực hiện sẽ phù hợp hơn”, thầy Tùng nói.
Điểm mới góp phần nâng cao uy tín của cơ sở giáo dục đại học
Cùng bàn về điểm mới trên, Tiến sĩ Tô Văn Phương – Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Nha Trang cho rằng, điểm mới này được đánh giá là có tính đến yếu tố định lượng về quá trình công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học của giảng viên. Việc quy định rõ về yêu cầu chuẩn chất lượng cao trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, từ đó góp phần nâng cao uy tín của cơ sở giáo dục đại học muốn mở ngành trình độ tiến sĩ. Đồng thời nâng cao chất lượng chương trình đào tạo ngành được mở.
Các yêu cầu định lượng này sẽ có cả mặt tích cực và mặt khó khăn thách thức đối với những trường đặt mục tiêu mở ngành để duy trì phát triển cũng như gia tăng chất lượng đào tạo đối với ngành đào tạo trình độ tiến sĩ.
Theo thầy Phương, về mặt tích cực, việc quy định rõ yêu cầu tối thiểu về hướng dẫn luận án tiến sĩ và công bố khoa học (5 luận án tiến sĩ và công bố ít nhất 50 bài báo khoa học đối với tổng số giảng viên giảng dạy mở ngành) giúp cơ sở giáo dục đại học muốn mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ có thể khẳng định với xã hội về đội ngũ giảng viên của họ có đủ năng lực và kinh nghiệm trong nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Đặc biệt, việc công bố tối thiểu 50 bài báo được tính điểm có vai trò trong việc thúc đẩy giảng viên tích cực hơn trong hoạt động nghiên cứu khoa học và lĩnh hội tri thức mới.
Ngoài ra, với kinh nghiệm hướng dẫn luận án tiến sĩ sẽ giúp giảng viên chủ trì và tham gia đào tạo có khả năng định hướng tốt hơn cho nghiên cứu sinh cả về chủ đề nghiên cứu, cách thức và phương pháp triển khai sao cho người học đạt được trình độ cao nhất trong hệ thống giáo dục quốc dân theo kế hoạch đào tạo, hạn chế việc nghiên cứu sinh “bỏ cuộc” giữa chừng.
Về mặt khó khăn, thách thức, theo thầy Phương, thời gian đầu khi thực hiện điểm mới này các trường đại học có thể gặp khó khăn trong việc làm hồ sơ mở ngành vì Thông tư có hiệu lực thi hành từ 05/01/2025.
Không những vậy, điểm mới này cũng có thể gây áp lực cho các trường đã mở và đang tổ chức đào tạo phải hoàn thiện các điều kiện theo quy định mới cho đến ngày 01/06/2026. Thực tế, trong tất cả các điều kiện mở ngành thì cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, thực hành có thể đầu tư trong thời gian ngắn; nhưng điều kiện về đội ngũ thì không thể một sớm, một chiều. Đặc biệt là trong vấn đề công bố khoa học, giảng viên cần phải có tích lũy đủ về chất thì mới đảm bảo về lượng như quy định.
Ngoài ra, các trường cần có thời gian để bổ sung đội ngũ nếu đang thiếu. Trong khi tuyển mới một cán bộ có học vị tiến sĩ là rất khó khăn, thông thường phải phát triển từ chính đội ngũ của trường trong việc nâng cao trình độ dần dần.
Trong khi đó, theo Tiến sĩ Nguyễn Quang Hợp – Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh (Đại học Thái Nguyên), điểm mới trên giúp các trường được linh hoạt hơn khi tìm tiến sĩ để mở ngành thay vì đòi hỏi cứng là ngành tốt nghiệp là ngành đúng hay ngành phù hợp. Trên thực tế, trong vòng vài năm để cử một người đi học tiến sĩ đúng ngành mình muốn mở vốn không phải đơn giản, đặc biệt là các ngành mới theo xu hướng.
Trong khi đó, nếu việc chuẩn bị đội ngũ giảng dạy với ngành dự định mở được thực hiện thông qua các hoạt động nghiên cứu, hoạt động hướng dẫn sẽ phù hợp hơn.
Hơn nữa, giảng viên khi đã chuyên tâm vào hướng dẫn, nghiên cứu của ngành nào như vậy thì tất yếu chuyên môn giảng dạy ngành đó cũng tốt hơn, chất lượng giảng dạy sẽ được gắn với kết quả nghiên cứu thực tiễn của họ.Thực tế đã chỉ ra rằng, hầu hết các tiến sĩ trong quá trình học nghiên cứu sinh chỉ chuyên nghiên cứu một hướng nghiên cứu chính. Tuy nhiên sau khi tốt nghiệp không phải tiến sĩ nào cũng tiếp tục theo đuổi hướng nghiên cứu đó của mình bởi phải xem xét đến tính phù hợp với xu hướng thực tế của xã hội, phù hợp với mục tiêu khác trong tương lai.
Hơn nữa, điểm mới này sẽ là điểm mở, tạo động lực để giảng viên gắn nhiệm vụ nghiên cứu với chất lượng đào tạo, giảng dạy của mình. Đồng thời, giúp các cơ sở giáo dục đại học có tầm nhìn tốt hơn trong việc quy hoạch đội ngũ giảng viên gắn với định hướng phát triển đào tạo của mình trong tương lai.
Tường San