Cho phép thi lại một kỹ năng IELTS, thí sinh cần lưu ý những gì?

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép Hội đồng Anh và Tổ chức giáo dục IDP được tổ chức bài thi lại một kỹ năng IELTS. Theo một số chuyên gia, việc này sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho các thí sinh Việt Nam nhưng vẫn còn một số điểm hạn chế cần phải lưu ý.

Tạo thêm nhiều cơ hội cho thí sinh

Trước vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Hải Yến – Nghiên cứu sinh chương trình tiến sĩ Giáo dục tại Mỹ bày tỏ:

“Mỗi chính sách đều có những ưu và nhược điểm riêng, tuy nhiên, cá nhân tôi ủng hộ việc cho phép thi lại một kỹ năng IELTS bởi đó là cơ hội giúp thí sinh nhận ra giá trị nhân văn của việc học. Giáo dục không chỉ là về điểm số, mà còn tạo điều kiện cho người học được phát triển trí tuệ, nỗ lực hết mình và tự đánh giá được năng lực của bản thân, giảm thiểu cảm giác tiếc nuối hoặc thắc mắc, mơ hồ”.

picture2.png
Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Đảng Cộng sản Việt Nam).

Cô Yến cho rằng, với bài thi lại một kỹ năng – IELTS One Skill Retake, thí sinh chỉ cần tập trung vào kỹ năng duy nhất mà mình muốn cải thiện, giúp tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả ôn luyện. Bên cạnh đó, lệ phí thi lại một kỹ năng cũng chỉ bằng khoảng 60% so với lệ phí của một bài thi 4 kỹ năng tiêu chuẩn, chính vì vậy, quyết định giảm áp lực tài chính này của Hội đồng thi đang tạo điều kiện cho nhiều thí sinh có cơ hội phát triển tối đa tiềm năng cũng như cải thiện điểm số cho bản thân.

Cùng bày tỏ quan điểm về vấn đề trên, Thạc sỹ Vĩnh Huy, giảng viên đào tạo IELTS cho rằng, việc cho phép thi lại một kỹ năng IELTS như vậy là rất phù hợp, đáp ứng nhu cầu thực tế của nhiều thí sinh cũng như giảm gánh nặng cho nhiều thí sinh và phụ huynh, cụ thể là tiết kiệm thời gian.

Bên cạnh đó, trước nhiều tranh cãi cho rằng lệ phí cho bài thi lại một kỹ năng IELTS này có phần chưa thực sự tiết kiệm cho thí sinh, thầy Huy bày tỏ, thoạt nhìn có vẻ đó là chi phí đắt vì chỉ thi một kỹ năng nhưng lại bằng tới hơn phân nửa chi phí cho bài thi cả 4 kỹ năng IELTS tiêu chuẩn.

Tuy nhiên, nếu phân tích cụ thể sẽ nhận thấy, có sự tiết kiệm không hề nhỏ mà bài thi này đã mang lại. Bởi, nếu không có bài thi lại một kỹ năng mà bắt buộc các thí sinh phải thi lại cả 4 kỹ năng, tức là phải đóng toàn bộ chi phí chứ không phải chỉ 60% chi phí như vậy. Bên cạnh chi phí thi, để có được điểm số tốt hơn, thí sinh có thể phải đăng ký ôn luyện lại IELTS nên còn tốn thêm học phí cũng như các chi phí đi kèm khác cho việc ôn luyện như việc di chuyển, ăn uống, …

Ngoài ra, thầy Huy cũng đưa ra lời khuyên rằng, khi ôn luyện IELTS, người học nên chuyên tâm luyện từng kỹ năng riêng biệt cho thật tốt để nếu cần thi lại, lúc đó việc ôn luyện sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn nhiều so với việc ôn luyện chung cả 4 kỹ năng cùng lúc.

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh – giảng viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Quốc tế (Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng) cho hay, việc thi lại một kỹ năng IELTS cho phép thí sinh có cơ hội để cải thiện điểm số của một trong bốn kỹ năng đã không đạt được kết quả như mong muốn trong lần thi trước.

Không những vậy, việc thi lại một kỹ năng IELTS có thể giúp thí sinh giảm bớt áp lực so với thi lại toàn bộ bốn kỹ năng. Như vậy, thí sinh có thể dành nhiều thời gian và nỗ lực hơn để cải thiện những điểm yếu nhất của mình.

Hơn nữa, quyền thi lại một kỹ năng này chỉ dành cho thí sinh đã thi lần một không quá 60 ngày, không nói đến những thí sinh thi cầu may, những thí sinh quyết định thi lại chỉ một kỹ năng trong khoảng 2 tháng kể từ lần thi đầu tiên đều là những em có hiểu biết về năng lực và điểm yếu của mình cũng như có đủ sự tự tin rằng lần thi thứ hai điểm số của kỹ năng đã chọn sẽ tốt hơn lần một.

Như vậy, đối với các trường đại học sử dụng chứng chỉ IELTS để xét tuyển thậm chí còn được lợi hơn bởi nếu kết quả thi lại lần hai cao hơn lần một tức là thí sinh có năng lực tốt hơn những gì đã phản ánh trong kỳ thi trước và nếu không có bài thi lại một kỹ năng này, nhà trường có thể đã loại đi những thí sinh có đủ năng lực để học tập trường.

Một số điểm hạn chế mà thí sinh cần lưu ý

Cũng theo Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, hạn chế duy nhất của bài thi lại một kỹ năng IELTS này là thí sinh có thể bị tốn tiền thi lại nhưng điểm kết quả vẫn không cải thiện. Điều này sẽ xảy ra khi thí sinh không hiểu rõ điểm yếu của mình hoặc hiểu rõ nhưng không có chiến lược đúng đắn để cải thiện.

“Theo tôi, việc thi lại một kỹ năng IELTS sẽ mang lại nhiều lợi ích cho thí sinh với điều kiện duy nhất là thí sinh hiểu rõ năng lực cùng điểm yếu đối với kỹ năng được chọn để tập trung cải thiện điểm số nhằm đạt mục tiêu.

Tuy nhiên, thí sinh cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định thi lại và có kế hoạch ôn luyện cụ thể để đạt được kết quả mong đợi và chỉ nên đăng ký thi lại khi chắc chắn về khả năng cải thiện điểm số, đơn cử như khi thi lần đầu có những trục trặc khách quan khiến điểm không phản ánh đúng năng lực. Bên cạnh đó, thí sinh vẫn cần tập trung luyện kỹ năng làm bài thi, nếu không, khả năng tăng điểm sẽ không cao ”, bà Phương Anh nói.

GDVN (36).JPG
Ảnh minh họa: Ngọc Mai.

Hơn nữa, việc thi lại này có thực sự tiết kiệm chi phí hay không còn phụ thuộc vào mục đích và mục tiêu của từng thí sinh. Nếu việc thi lại một kỹ năng giúp thí sinh đạt được mục tiêu nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu về hồ sơ mà không cần đăng ký toàn bộ kỳ thi, đây có thể được xem là một cách tiết kiệm chi phí. Còn nếu việc thi lại không có mục tiêu cụ thể, thì có thể không thực sự hiệu quả.

Còn theo cô Nguyễn Thị Hải Yến, rủi ro tiềm tàng liên quan đến việc thi lại một kỹ năng này là bảng mô tả thang điểm IELTS có thể sẽ mất dần đi tính công bằng bởi bảng mô tả điểm hiện nay dựa theo nghiên cứu về điểm số trung bình của 4 kỹ năng. Như vậy, ngoài kiến thức về Anh ngữ, thí sinh còn thể hiện khả năng chịu áp lực về thời gian (trong khoảng gần 4 tiếng đồng hồ thi liên tục) và kiểm soát cảm xúc (như cảm giác lo lắng, mệt mỏi…). Trong khi đó, những thí sinh đăng ký thi lại một kỹ năng có thể sẽ tránh được những áp lực nêu trên.

Một hạn chế khác của vấn đề này là phần nào đã tác động tới xu hướng “học lệch”, đặc biệt là khi điểm kỹ năng nói – IELTS Speaking của người Việt Nam vốn đã thấp hơn 3 kỹ năng còn lại (điểm trung bình là 5.8, theo ielts.org). Nếu được chọn thi lại một kỹ năng để gỡ cho tổng điểm bài thi IELTS, thí sinh có lẽ sẽ càng tập trung luyện Nghe, Đọc, Viết nhiều hơn.

Với việc thi lại một kỹ năng IELTS, cô Yến cũng bày tỏ sự lo ngại khi điểm thi IELTS tiêu chuẩn đầu vào của các trường trên thế giới có thể sẽ thay đổi ít nhiều do điểm trung bình của các thí sinh sẽ ngày càng tăng cao. Tất nhiên, điều này không hẳn là có lợi cho các thí sinh Việt Nam.

Ngoài ra, cô Yến cũng cho rằng, việc cho phép thi lại một kỹ năng IELTS chắc chắn sẽ làm tăng sự cạnh tranh giữa các ứng viên nộp hồ sơ vào các cơ sở giáo dục đại học trong nước và du học. Tuy nhiên, cô Yến băn khoăn rằng, liệu giữa 2 thí sinh có điểm IELTS bằng nhau, học bạ có điểm tương đương nhau, nhà trường có ưu tiên chọn thí sinh có điểm thi đạt yêu cầu ngay từ lần đầu tiên vì năng lực Anh ngữ, khả năng chịu áp lực thời gian, kiểm soát cảm xúc…. hay ưu tiên chọn thí sinh có điểm đã thi lại vì đánh giá cao sự kiên trì và quyết tâm thay đổi?

Vậy nên, việc sử dụng IELTS để xét tuyển đầu vào cũng đòi hỏi các trường cần có chính sách minh bạch, công bằng và bền vững để học sinh có định hướng phát triển lâu dài. Ngoài điểm IELTS, Hội đồng xét tuyển có thể xem xét các yếu tố khác như thành tích học tập, các hoạt động ngoại khoá và hỗ trợ cộng đồng…, mỗi tiêu chí nên có thang điểm và tỷ trọng cụ thể để tránh mọi bất cập có thể xảy ra.

Tường San

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *