Chất lượng là yếu tố then chốt để VSTEP vươn mình ra khu vực, quốc tế

Sau 10 năm ra mắt, chất lượng đề thi cùng quy trình tổ chức kỳ thi VSTEP – kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam ngày càng được nâng cao.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành dự thảo Thông tư mới thay thế Thông tư 23/2017/TT-BGDĐT về Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam để lấy ý kiến góp ý rộng rãi.

Trong đó, dự thảo Thông tư mới có nhiều điểm điều chỉnh theo hướng tăng cường các quy định về giải pháp để công tác tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ đảm bảo an toàn, tin cậy. Trước những nỗ lực hoàn thiện kỳ thi, không ít người đặt kỳ vọng vào sự “vươn mình” của chứng chỉ VSTEP.

Nhiều điểm mới tại dự thảo là điểm quan trọng giúp chứng chỉ “nội” vượt qua các rào cản “niềm tin”

Chuyên gia giáo dục Ngô Huy Tâm (bên trái). Ảnh: NVCC
Chuyên gia giáo dục Ngô Huy Tâm (bên trái). Ảnh: NVCC

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Ngô Huy Tâm – chuyên gia phân tích chính sách giáo dục quốc tế với chứng chỉ giảng dạy cao học và quản trị lãnh đạo giáo dục từ Đại học Harvard đánh giá, các điểm mới của dự thảo hướng tới việc các đơn vị tổ chức cấp chứng chỉ VSTEP sẽ có chi phí hợp lý, tổ chức được ở quy mô toàn quốc, với mục tiêu giảm bớt gánh nặng kinh tế cho phụ huynh khi so với chi phí học, thi các chứng chỉ quốc tế khác.

Tôi đánh giá cao việc dự thảo mới trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các đơn vị tổ chức thi hoặc liên kết tổ chức thi, song song với việc nhấn mạnh công tác hậu kiểm, thay vì quản lý tập trung như trước đây”, thầy Ngô Huy Tâm nêu ý kiến.

Cũng theo vị chuyên gia, điểm yếu cố hữu với chứng chỉ VSTEP của nước ta vốn nằm ở 3 vấn đề cốt lõi: Vấn đề nhân lực triển khai (bao gồm quy chuẩn, nguồn nhân lực để chấm, đánh giá kỹ năng ngôn ngữ); vấn đề yếu tố công nghệ, chuyển đổi số (bao gồm hệ thống quản lý người thi, điểm số); và vấn đề yếu tố chỉ số tin cậy của chứng chỉ (bao gồm chất lượng, số lượng ngân hàng đề thi, độ phủ công nhận chứng chỉ,…).

Theo đó, việc dự thảo mới yêu cầu chặt chẽ hơn về định danh và kiểm soát người thi qua các thông tin chứng thực và công nghệ là điểm quan trọng để chứng chỉ nội địa của Việt Nam vượt qua các rào cản “niềm tin” của các đơn vị công nhận chứng chỉ.

Trên thực tế, hiện nay chứng chỉ VSTEP của Việt Nam mới chỉ được sử dụng trong phạm vi trong nước. Do vậy, với những người dù đã có chứng chỉ VSTEP, nhưng nếu ra nước ngoài học tập, công tác,… cần chứng chỉ minh chứng trình độ ngoại ngữ thì vẫn buộc phải thi các chứng chỉ quốc tế. Nhiều ý kiến cho rằng điều này đang tạo ra không ít lãng phí về thời gian và chi phí đối với người học.

Bàn về vấn đề này, thầy Ngô Huy Tâm nhận định, các chứng chỉ quốc tế đã được khẳng định về độ uy tín, tin cậy và giá trị xuyên quốc gia, do vậy việc các chứng chỉ này được nhiều quốc gia sử dụng hơn là điều dễ hiểu.

Dù vậy, chúng ta cũng có lợi thế của người đi sau là có thể vận dụng kinh nghiệm xây dựng và vận hành của các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để nâng cao chất lượng cho chứng chỉ nội địa, từng bước tiến tới được khu vực, quốc tế công nhận.

DSC_9758.JPG
Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Chuyên gia nhấn mạnh, trong lộ trình để được công nhận ở trên trường quốc tế, chất lượng của kỳ thi là yếu tố then chốt để đi ra “biển lớn”. Trong đó, việc giải quyết được vấn đề công nghệ, chuyển đổi số là yếu tố cốt lõi thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế.

Cần đầu tư nhiều hơn vào khâu biên soạn đề thi và đào tạo đội ngũ chấm thi

Cũng bàn về vấn đề này, thầy Bùi Thế Phương – một giáo viên dạy tiếng Anh ở Hà Nội đánh giá, chứng chỉ VSTEP là một chứng chỉ tốt với giá thành ôn luyện và chi phí thi ở mức vừa phải. Tuy vậy, VSTEP vẫn là một chứng chỉ nội bộ của Việt Nam, với độ phủ chưa rộng. Do đó, thầy Phương cho rằng Việt Nam vẫn cần nỗ lực nhiều hơn nữa, cả về chuyên môn trong đề thi, về tổ chức thi và chấm thi, cũng như truyền thông để có thể đưa chứng chỉ VSTEP ra quốc tế.

Theo thầy Phương, nếu chứng chỉ VSTEP được chấp nhận rộng rãi ở các nước trên thế giới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người học thay vì phải học và thi các chứng chỉ quốc tế với giá “đắt đỏ” thì hoàn toàn có thể thi chứng chỉ “nội” VSTEP với chi phí học và thi phải chăng.

Để hướng tới nâng cao chất lượng kỳ thi, thầy Bùi Thế Phương đề xuất, cần tiếp tục nâng cao chất lượng đề thi, hướng đến làm sao để đề thi VSTEP có thể so sánh tương đương với các đề thi của các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế uy tín đang có như IELTS, TOEFL…

Cũng theo thầy Phương, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đang giao cho các trường tổ chức thi và tự chấm bằng nguồn giảng viên của mình. Vì vậy, thầy Phương đề xuất cần thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, nâng cao chất lượng đội ngũ chấm thi ở các đơn vị.

Cuối cùng, theo thầy Phương, một yếu tố mà có thể chưa nhiều người để ý đến, là cơ sở vật chất của địa điểm tổ chức kỳ thi hiện nay vẫn chưa đồng bộ và thống nhất.

Vì vậy, thầy giáo Bùi Thế Phương đề xuất cần phải rà soát và nâng cấp đồng bộ cơ sở vật chất ở các hội đồng tổ chức thi để kỳ thi chuyên nghiệp, thống nhất.

Thầy Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc trung tâm ngoại ngữ English Right Now. Ảnh: NVCC
Thầy Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc trung tâm ngoại ngữ English Right Now. Ảnh: NVCC

Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc trung tâm ngoại ngữ English Right Now cũng cho rằng, để tiếp tục nâng cao chất lượng chứng chỉ VSTEP và từng bước vươn mình ra khu vực, quốc tế, các yếu tố cần tiếp tục được quan tâm tối ưu là về chi phí, tính học thuật và tính ứng dụng.

Cũng theo thầy Nguyên, các quy định mới về tổ chức thi theo dự thông Thông tư mới là những giải pháp khả thi giúp nâng cao hiệu quả chất lượng kỳ thi VSTEP. Theo đó, nếu các giải pháp tại dự thảo được thông qua và triển khai nghiêm túc, quyết liệt, chứng chỉ VSTEP hoàn toàn có thể trở thành chứng chỉ phổ biến nhất được sử dụng trong nước, từ đó từng bước khẳng định uy tín, vị thế của chứng chỉ VSTEP trên trường quốc tế.

Doãn Nhàn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *