Canada siết chính sách du học, sinh viên Việt Nam cần chuẩn bị gì?

Theo trung tâm đánh giá và xếp hạng các trường đại học trên thế giới (The Center for World University Ranking – CWUR), Canada sở hữu 32 trường đại học lọt top 1.000 các trường đại học tốt nhất thế giới. Canada là đất nước có chất lượng giáo dục hàng đầu và là mơ ước của nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam.

Tuy nhiên, vừa qua, Chính phủ Canada ra thông báo hủy bỏ chương trình du học diện không cần chứng minh tài chính. Theo quy định trước đây, sinh viên có IELTS 6.0 đăng ký vào chương trình cao đẳng trở lên chỉ cần nộp tiền chứng chỉ đầu tư đảm bảo (GIC) tại ngân hàng. Hiện tại, muốn du học Canada, tất cả học sinh, sinh viên bắt buộc phải chứng minh tài chính.

Hành trình sang Canada của du học sinh Việt gặp nhiều khó khăn hơn

Nam sinh N.L.Đ.H (một sinh viên tại Hà Nội) chia sẻ, bản thân đã phải cân nhắc giữa tạm dừng việc học hay xin chuyển sang kỳ học năm sau vì nhận thị thực muộn hơn dự kiến.

“Trước đây, với chương trình du học diện miễn chứng minh tài chính, việc nộp tiền và thủ tục khá nhanh. Theo dự kiến, tháng 01/2025 tôi nhập học, khoảng tháng 11/2024 tôi vẫn kịp xin visa. Tuy nhiên, chính sách mới bắt buộc phải chứng minh có đủ tài chính cho việc học và sinh hoạt phí trong 2 năm. Điều này gây nhiều khó khăn rất nhiều cho sinh viên.

Ngoài ra, các thủ tục chứng minh tài chính cũng khá phức tạp như: cần có sổ tiết kiệm nộp trong ngân hàng từ 1-3 tháng trước khi nộp visa, phải giải trình được nguồn tiền… Đối với trường hợp của tôi, dù có giải trình, có chứng minh tài chính, cũng cần phải gửi tiền vào ngân hàng trước đó 1 tháng. Đồng nghĩa với việc, đến giữa tháng 12/2024, tôi mới có thể xin được visa. Sau đó phải chờ thêm 11 tuần để có kết quả. Nhiều khả năng, kỳ học này, tôi sẽ không theo kịp” – nam sinh này lý giải.

Đây cũng là tình hình chung của nhiều du học sinh Canada trước những chính sách mới này.

Một trường hợp khác cũng chia sẻ: “Trước đây, du học sinh Việt Nam chỉ cần nộp chứng nhận đầu tư bảo đảm trị giá khoảng 374 triệu đồng, được cấp bởi các ngân hàng Canada. Tuy nhiên, từ ngày 08/11/2024, du học sinh Việt phải chứng minh tài chính theo các giấy giờ được quy định hiện hành.

Với những gia đình có nguồn thu nhập ngoài, không thông qua hình thức chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng, sẽ mất rất nhiều thời gian để có thể kê khai trên tài khoản. Trường hợp của tôi, gia đình là hộ kinh doanh, không có sổ tiết kiệm, không phát sinh giao dịch qua tài khoản ngân hàng nhiều. Việc chứng minh bố mẹ có kinh tế mạnh là rất khó khăn”.

Học sinh này cũng cho biết, nguyên nhân trượt visa là do việc chứng minh tài chính của gia đình mất quá nhiều thời gian.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Andy Lưu – Cố vấn di trú RCIC-IRB, chuyên gia tư vấn du học và định cư Canada nhìn nhận: “Việc thắt chặt các quy định du học Canada như hạn chế số lượng visa và yêu cầu chứng minh tài chính nghiêm ngặt… sẽ tác động mạnh mẽ đến các du học sinh quốc tế, đặc biệt là sinh viên Việt Nam.

Trước tiên, việc giảm số lượng visa sẽ tạo ra sự cạnh tranh gay gắt hơn giữa các sinh viên quốc tế khi xin visa, khiến cơ hội du học trở nên khó khăn hơn. Các sinh viên phải chuẩn bị hồ sơ tốt hơn, chứng minh tài chính và kế hoạch học tập rõ ràng hơn, để đáp ứng các yêu cầu mới. Điều này có thể làm giảm số lượng sinh viên Việt Nam và quốc tế lựa chọn Canada làm điểm đến du học”.

anh-1.jpg
Ông Andy Lưu – Cố vấn di trú RCIC-IRB, chuyên gia tư vấn du học và định cư Canada. Ảnh NVCC.

Lý giải thêm về nguyên nhân, ông Andy Lưu phân tích: “Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc từ chối visa là thiếu hụt hồ sơ chứng minh tài chính rõ ràng, kế hoạch học tập không thuyết phục, hoặc không đủ thuyết phục rằng sinh viên sẽ quay lại Việt Nam sau khi hoàn thành chương trình học.

Tỷ lệ visa Canada của du học sinh Việt Nam phụ thuộc vào từng năm và từng thời kỳ. Theo dữ liệu gần đây, tỷ lệ đậu visa vào khoảng 60-70%. Tỷ lệ này có sự thay đổi trong những năm qua, khi số lượng du học sinh Việt Nam tăng lên và các yêu cầu xét duyệt visa trở nên chặt chẽ hơn”.

Cùng bàn về vấn đề thắt chặt quy định đối với du học sinh tại Canada, bà Nguyễn Lê Vân – Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Du học Định cư DSS (DSS Group) chia sẻ: “Việc Canada dừng chính sách miễn chứng minh tài chính đối với du học sinh Việt Nam đã tạo ra nhiều thách thức đáng kể.

Về mặt tài chính, các gia đình phải chứng minh khả năng chi trả cho học phí, chi phí sinh hoạt, bảo hiểm y tế và các khoản phát sinh khác trong suốt thời gian học tập tại Canada. Điều này đặc biệt khó khăn đối với những gia đình có thu nhập không ổn định hoặc không có tài sản lớn. Nhiều trường hợp phải tìm kiếm các nguồn vay mượn hoặc từ bỏ ước mơ du học của con em.

Việc không thể chứng minh tài chính đầy đủ hoặc không đáp ứng yêu cầu của đại sứ quán sẽ làm tăng khả năng bị từ chối visa, gây áp lực tâm lý lớn cho cả học sinh và phụ huynh. Từ đó, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt hơn giữa các ứng viên du học. Những hồ sơ thực sự mạnh về cả học lực lẫn tài chính mới có cơ hội được chấp thuận.

Những thách thức này khiến nhiều học sinh phải điều chỉnh kế hoạch du học, hoặc chuyển hướng sang các quốc gia có chính sách dễ dàng hơn như Úc, New Zealand hay một số nước châu Âu”.

Đại diện DSS Group phân tích về một số nguyên nhân Chính phủ Canada có sự thắt chặt với du học sinh, cụ thể như sau:

Thứ nhất, Canada đang phải đối mặt với áp lực gia tăng về nhà ở và cơ sở hạ tầng do số lượng du học sinh tăng đột biến trong những năm gần đây. Điều này tạo ra những thách thức về việc đảm bảo chất lượng cuộc sống cho cả sinh viên quốc tế và người dân địa phương.

Thứ hai, có những lo ngại về việc một số trường hợp lợi dụng chính sách du học để nhập cư bất hợp pháp hoặc làm việc trái phép tại Canada.

Thứ ba, Chính phủ Canada muốn đảm bảo rằng những du học sinh đến đất nước này thực sự có đủ năng lực tài chính để duy trì cuộc sống và học tập, tránh tình trạng sinh viên gặp khó khăn về tài chính trong quá trình học.

Cần chuẩn bị kỹ lưỡng về tài chính và kế hoạch học tập rõ ràng

Đánh giá về tình hình du học tại Canada trong thời gian tới, ông Andy Lưu cho rằng: “Trong những năm tới, Canada có thể sẽ tiếp tục thắt chặt các quy định về visa du học để đảm bảo rằng chỉ những sinh viên thực sự có khả năng tài chính và có mục tiêu học tập rõ ràng mới được cấp visa.

Chính phủ Canada cũng có thể triển khai các chính sách khuyến khích sinh viên quốc tế học ở những ngành nghề mà Canada đang thiếu nhân lực như: công nghệ thông tin, y tế và kỹ thuật…

Ngoài ra, các chương trình học bổng và hỗ trợ tài chính có thể được mở rộng cho sinh viên quốc tế để giúp họ vượt qua các khó khăn tài chính, cũng như khuyến khích sinh viên tiếp tục cho Canada là điểm đến du học”.

Việc Canada sẽ tiếp tục điều chỉnh và thắt chặt các chính sách về tuyển sinh quốc tế, bao gồm du học sinh từ Việt Nam, cũng là nhận định của bà Nguyễn Lê Vân: “Trong tương lai, chính phủ Canada có thể tăng cường giới hạn chỉ tiêu visa du học để quản lý tốt hơn học sinh quốc tế. Dự kiến, mỗi năm, Canada sẽ cấp visa du học với số lượng hạn chế, đặc biệt là đối với các quốc gia có số lượng học sinh lớn như Việt Nam”.

Bà Nguyễn Lê Vân - Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Du học Định cư DSS. Ảnh NVCC.

Bà Nguyễn Lê Vân – Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Du học Định cư DSS. Ảnh NVCC.

Đại diện DSS Group cũng cho biết thêm: “Du học tại Canada là một quyết định quan trọng và đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng trên nhiều phương diện. Trước khi quyết định du học, cần xác định rõ ngành học. Canada có rất nhiều chương trình đào tạo đa dạng, từ các ngành học về công nghệ, khoa học xã hội, y tế, nghệ thuật, đến các ngành nghề kỹ thuật. Cần chọn ngành học phù hợp với sở thích, khả năng, và nhu cầu nghề nghiệp trong tương lai.

Bên cạnh đó, cần chuẩn bị hồ sơ đăng ký đầy đủ, bao gồm bảng điểm học bạ, chứng chỉ tiếng Anh (IELTS/TOEFL), thư giới thiệu, và các giấy tờ liên quan đến tài chính một cách đầy đủ.

Ngoài ra, du học sinh cần có thư mời nhập học từ một trường học tại Canada và chứng minh được khả năng tài chính. Việc xin visa du học là một bước quan trọng và đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng”.

Nam sinh Trương Đức Huy (sinh năm 2002), cựu sinh viên Trường Đại học Ngoại thương, hiện đang có kế hoạch theo học tại Đại học York (Toronto, Ontario, Canada) cũng đưa ra lời khuyên từ kinh nghiệm của bản thân: “Ngoài việc chứng minh tài chính, Tổng lãnh sự quán Canada còn quan tâm đến thư giải trình mục đích học tập (study plan) để đánh giá mục đích học tập tại Canada của đương đơn có trung thực hay không.

Tôi đã phải dành khá nhiều thời gian để chọn ngành và trường sao cho phù hợp với bằng cấp, kinh nghiệm tại Việt Nam. Ví dụ, học ngành Quản trị Kinh doanh ở Việt Nam nhưng đăng ký vào ngành Giáo dục trẻ em sẽ không hợp lý, rất dễ bị trượt hồ sơ”.

Theo nam sinh này, các tiêu chuẩn chứng minh tài chính cũng khá gắt gao. Ngoài việc có đủ nguồn lực tài chính, phải chứng minh được nguồn gốc của số tài sản đó như bảng lương, bảo hiểm xã hội, chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy tờ nộp thuế…

Khánh Hòa

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *