Cần tăng cường hợp tác các bên, có cơ chế huy động người dân tố giác sách giả

Thời gian gần đây, lực lượng chức năng cả nước liên tiếp phát hiện, thu giữ lượng lớn sách giáo khoa tại nhiều địa phương. Vấn nạn sách giả, sách lậu tồn tại gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực.

Gian thương coi sách giả, sách lậumiếng mồi béo bở khi mức xử phạt chưa tương xứng

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đoàn Văn Ninh – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản – Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC) cho biết: “Sách giáo khoa mới được in nhiều màu, nhiều hình, giấy tốt và thường được các công ty phát hành cung ứng đến cơ sở giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, vấn nạn sách giáo khoa và các xuất bản phẩm liên quan bị in giả, in lậu hoặc “mượn” thương hiệu của các đơn vị làm sách đã xảy ra ở một số nơi trong những năm học vừa qua, trong đó vở bài tập, vở tập viết và một số sách tham khảo khác bị in giả, in lậu chiếm số lượng lớn so với sách giáo khoa giả.

z5620186163941_248346e1ebc4e49c690cf1837b568817.jpg
Ông Đoàn Văn Ninh – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản – Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC). Ảnh: NVCC.

Sách giả không đảm bảo chính xác, kiến thức bị thiếu, bị sót, bị sai,… dẫn đến việc học sinh tiếp thu sai lệch kiến thức hoặc không thực hiện được yêu cầu rèn luyện kĩ năng so với chương trình môn học. Về lâu dài, học sinh dùng sách giả sẽ bị ảnh hưởng trong cả giai đoạn giáo dục phổ thông 12 lớp, đặc biệt là thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Mặt khác, giấy in, mực in sách giả kém chất lượng sẽ làm hỏng thị lực và ảnh hưởng đến phát triển thể chất của học sinh. Phụ huynh học sinh khi mua phải sách giả sẽ phải mua lại sách, gây lãng phí tiền bạc cho xã hội.

Đối với các đơn vị xuất bản, liên kết xuất bản, sách giả, sách lậu gây thiệt hại về kinh tế do giảm số lượng phát hành so với kế hoạch, doanh thu, lợi nhuận giảm, sách tồn kho tăng làm phát sinh nhiều chi phí, gây khó khăn trong chiến lược đầu tư biên soạn, xuất bản. Đội ngũ tác giả không được hưởng nhuận bút đối với sách giả, sách lậu và nhà nước cũng thất thu khoản thuế từ các tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán sách lậu, sách giả.

Bên cạnh những thiệt hại về kinh tế có thể đo đếm bằng con số, sách giả, sách lậu còn để lại hậu quả về tinh thần. Học sinh, phụ huynh học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên và người tiêu dùng khi mua phải sách giả sẽ bức xúc, hoang mang, thậm chí nghi ngờ về chất lượng các sản phẩm giáo dục”.

Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản – Thiết bị Giáo dục Việt Nam, để dẫn đến tình trạng sách lậu, sách giả hoành hành như thời gian qua, nguyên nhân đầu tiên luôn luôn là lợi nhuận.

“Do nhu cầu thị trường cao nên những gian thương coi đây là “miếng mồi” béo bở không thể bỏ qua. Một bộ phận người dân khó khăn, ham rẻ càng tạo môi trường cho kẻ xấu lợi dụng.

Mặt khác, hầu hết người dùng sách chưa được giới thiệu, phổ biến những kiến thức tối thiểu để phân biệt sách thật, sách giả. Lợi dụng những tiến bộ trong công nghệ in ấn, sự phát triển mạnh mẽ của internet và các trang mạng xã hội, các đối tượng làm giả sách có thể dễ dàng bán, phân phối, phát tán sách giả (sách đã in thành phẩm và file sách) một cách dễ dàng.

Nhà xuất bản dù đã rất cố gắng cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, địa chỉ mua sách, cách nhận biết sách thật, nhưng vì nhiều lý do, thông tin chưa đến được với đông đảo người dân. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nạn sách lậu vẫn tồn tại và phát triển với quy mô lớn hơn, thủ đoạn tinh vi hơn.

Một nguyên nhân nữa, Nhà nước tuy đã có chế tài xử phạt hành chính và xử lý hình sự các hành vi làm sách giả, sách lậu nhưng mức xử phạt chưa tương xứng với lợi nhuận khủng do sản xuất, buôn bán sách giả, sách lậu mang lại, do đó tính răn đe không cao” – ông Đoàn Văn Ninh phân tích thêm.

Thiết kế chưa có tên.png
Hướng dẫn kiểm tra sách thật/sách giả (bộ sách giáo khoa Cánh Diều). Ảnh chụp màn hình.

Từ góc độ cơ sở đào tạo, Tiến sĩ Thái Thu Hoài – Phó Trưởng khoa, Khoa Xuất bản, Phát hành (Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh) cũng có một số chia sẻ liên quan đến vấn nạn sách giả, sách lậu này.

“Trước tiên, từ góc độ đào tạo nguồn nhân lực xuất bản, có thể khẳng định rằng, đây là nguồn nhân lực đặc biệt, bởi nguồn lực tri thức thông qua công tác xuất bản, được thực hiện bởi nguồn nhân lực xuất bản sẽ được nhân rộng rất nhanh, quy mô rất lớn so với những nguồn lực tri thức khi còn nằm trong sở hữu cá nhân.

Vì thế, để ngăn chặn vấn nạn sách lậu, sách giả, trước hết phải đào tạo và quản lý nguồn nhân lực xuất bản thật chuyên nghiệp, có chuyên môn cao, ý thức chính trị tốt và nắm vững kiến thức pháp luật. Có được 3 khâu đó, thì mọi ấn phẩm qua tay nguồn nhân lực xuất bản sẽ hạn chế tối đa vấn nạn sách lậu, sách giả trên thị trường hiện nay” – cô Hoài khẳng định.

Theo Tiến sĩ Thái Thu Hoài, thực tế hiện nay, mức độ xử lý của các hành vi này chủ yếu là chỉ dừng lại ở mức độ xử phạt hành chính, mà chưa có những biện pháp răn đe mạnh mẽ.

Cụ thể, cô Hoài chỉ ra: “Số tiền phạt chỉ vài chục triệu đồng cho hành vi in lậu, tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in lậu, in nối bản trái phép. Trong khi đó, lợi nhuận từ việc làm sách giả, sách lậu là hàng chục tỷ đồng, thậm chí lên đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Số tiền phạt quá nhỏ so với lợi nhuận thu về. Chính vì vậy, vấn nạn này vẫn cứ tiếp diễn, những trường hợp bị phát hiện vừa qua là một ví dụ điển hình”.

Đề nghị thành lập các đội đặc nhiệm chuyên trách chống sách giả

Chia sẻ thêm về những biện pháp ngăn chặn việc in ấn, buôn bán sách giả (đối với bộ sách giáo khoa Cánh Diều), Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản – Thiết bị Giáo dục Việt Nam cho biết: “Để phòng, chống vấn nạn sách giả, sách lậu, các đơn vị liên kết xuất bản bộ sách Cánh Diều đã và đang triển khai thực hiện một số biện pháp như: Dán tem chống giả cho mỗi xuất bản phẩm Cánh Diều, dưới mỗi con tem chống giả đều có mã số truy cập vào tài khoản học liệu, người mua chỉ cần cào nhẹ lớp bạc, mã số sẽ hiện ra, người dùng sẽ truy cập được vào tài khoản học liệu.

Bên cạnh đó, sách Cánh Diều sử dụng giấy in chất lượng tốt, 100% bột giấy, khi đặt dưới ánh đèn không gây lóa mắt; đảm bảo chất lượng in và gia công sách không bị bong tróc, long gáy; công bố rộng rãi danh mục cửa hàng trên toàn quốc bán các xuất bản phẩm Cánh Diều; phát hành các sản phẩm bộ sách Cánh Diều trên sàn thương mại điện tử sachcanhdieu.vn;…”.

“Tuy nhiên, để chống nạn sách giả, sách lậu, rất cần có sự phối hợp của học sinh, phụ huynh học sinh và các cơ quan chức năng. Trước khi mua sách, phụ huynh và học sinh nên hỏi ý kiến các thầy cô; tìm đọc thông tin về địa chỉ mua sách và cách nhận biết sách thật đã được các đơn vị làm sách công bố.

Với các cơ quan chức năng, chúng tôi đề nghị tiếp tục xử lý kịp thời, nghiêm minh và công khai thông tin xử lý vi phạm. Đồng thời, tăng cường hợp tác giữa các cơ quan liên quan, thành lập các đội đặc nhiệm chuyên trách chống sách giả để điều tra và xử lý nhanh chóng các vụ sản xuất, buôn bán sách giả, sách lậu,…” – ông Đoàn Văn Ninh kiến nghị.

Từ góc độ cơ sở đào tạo, Phó Trưởng khoa, Khoa Xuất bản, Phát hành (Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ: “Trước những vấn đề tồn tại trong thời gian qua, theo tôi, các cơ quan quản lý cần phải mạnh tay hơn với vấn nạn sách giả, sách lậu bằng những chế tài mạnh mẽ và những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn nữa.

Bên cạnh đó, để ngăn chặn vấn nạn sách giả, sách lậu đòi hỏi có sự phối hợp của 3 nhà:

1- Nhà sáng tạo (gồm nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội, nhà sáng tác văn học, nghệ thuật… những người có tác phẩm đủ điều kiện xuất bản).

2- Nhà quản lý xã hội, bao gồm chính quyền sở tại, các tổ chức chính trị, xã hội,…

3- Nhà doanh nghiệp (nhà xuất bản, chủ thể in ấn và phát hành xuất bản phẩm)

Nếu có sự phối hợp giữa các lực lượng này hạn chế được vấn nạn sách lậu, sách giả hiện nay.

Trước hết, nhà sáng tạo không cung cấp nguồn tài nguyên xuất bản một cách tùy tiện mà phải thông qua hệ thống xuất bản. Thứ hai, nhà quản lý, bao gồm chính quyền địa phương, cơ quan quản lý chuyên ngành như Thanh tra Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Cục Xuất bản, In và Phát hành… cần phải phát hiện, nắm bắt và xử lý kịp thời, kiên quyết triệt phá các dấu hiệu có khả năng dẫn đến việc in ấn và phát hành sách lậu, sách giả. Thứ ba, các đơn vị doanh nghiệp không vì lợi nhuận mà hợp tác với những đối tượng làm sách không chính thống”.

Tiến sĩ Thái Thu Hoài - Phó Trưởng khoa, Khoa Xuất bản, Phát hành (Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Thái Thu Hoài – Phó Trưởng khoa, Khoa Xuất bản, Phát hành (Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Thái Thu Hoài cũng cho rằng: “Việc phát động để người dân tăng cường phản ánh, tố giác khi nhận thấy dấu hiệu của sách giả, sách lậu là một việc làm đúng hướng và có hiệu quả.

Nhưng cũng cần lưu ý rằng, những đối tượng hoạt động in ấn và phát hành sách lậu, sách giả có rất nhiều mánh khóe để che đậy việc làm phi pháp này. Vì thế, nếu quần chúng nhân dân mà không có sự hợp tác, phối hợp, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn như các ngành thông tin và truyền thông, văn hóa, công an, không có sự giúp sức của nguồn nhân lực được đào tạo nghiệp vụ xuất bản, thì việc phát hiện, tố giác sẽ rất khó khăn. Do đó, điều kiện tiên quyết là phải tiến hành đồng bộ và phải có sự trợ giúp của lực lượng có chuyên môn”.

Cần có chế tài bảo vệ người tố giác, phản ánh về sách giả, sách lậu

Có ý kiến cho rằng, nên có cuộc phát động để người dân tăng cường phản ánh, tố giác khi nhận thấy dấu hiệu của hành vi sản xuất, tàng trữ, buôn bán sách giả, sách lậu.

Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản – Thiết bị Giáo dục Việt Nam, đây là một đề nghị hay, thiết thực song cần phải có nhiều chế tài bảo vệ người tố giác, phản ánh như công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa điểm, nơi nhận thông tin tố giác, phản ánh, trang bị cho người dân các kiến thức nhận biết sách thật, sách giả,…

“Nếu người tiêu dùng có sự hiểu biết nhất định và luôn có ý thức cảnh giác, đồng thời được tạo điều kiện thuận lợi, an toàn khi phản ánh, tố giác sách lậu, sách giả, thì những hành vi sản xuất, buôn bán sách giả sẽ bị phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, thị trường sách nói chung và sách giáo giáo dục (sách giáo khoa, sách bài tập, sách tham khảo) nói riêng được trong sạch, lành mạnh,… Như thế, trước hết người tiêu dùng và con em họ yên tâm sử dụng sách thật, dù mua ở bất cứ đâu” – ông Đoàn Văn Ninh cho hay.

Quản lý chặt chẽ, áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, công nghệ

Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Trần Chí Đạt – Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông cũng có một số chia sẻ về giải pháp, nhìn từ kinh nghiệm của đơn vị.

Theo đó, Tiến sĩ Trần Chí Đạt cho biết: Cuộc chiến với sách lậu, sách giả trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn. Để có thể thành công, rất cần thay đổi nhận thức và chung tay hành động của cả các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các địa phương, các nhà xuất bản, đơn vị phát hành và sự góp sức của toàn xã hội, trong đó người dân – độc giả giữ vai trò vô cùng quan trọng.

z5618833958835_a797a3a6b1526ed2463d0ea67169e528.jpg
Tiến sĩ Trần Chí Đạt – Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông. Ảnh: NVCC.

Thứ nhất, các cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục nâng cao nhận thức về phòng, chống sản xuất, kinh doanh xuất bản phẩm lậu, xuất bản phẩm giả dưới mọi hình thức; tiếp tục ban hành, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, lấp đầy những khoảng trống pháp lý – nơi sách lậu, sách giả có điều kiện “sinh sôi, nảy nở”. Tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, phát hiện hành vi vi phạm, tăng nặng hơn nữa khung hình phạt đối với hành vi sản xuất, kinh doanh, lan truyền sách lậu, sách giả để không chỉ dừng lại ở việc xử phạt hành chính, xử phạt hình sự với tính răn đe còn hạn chế như hiện nay.

Thứ hai, quản lý chặt chẽ hoạt động liên kết xuất bản: Việc nhiều thành phần tham gia hoạt động xuất bản dưới hình thức liên kết, bên cạnh mặt tích cực là huy động được nguồn lực xã hội cho hoạt động của ngành Xuất bản; tuy nhiên, hoạt động liên kết cũng bộ lộ nhiều mặt trái, bất cập, là điều kiện, cơ hội cho phát sinh việc in, phát hành, lan truyền sách lậu. Vì vậy, các Nhà xuất bản cần phải quản lý chặt chẽ quá trình thực hiện liên kết xuất bản:

+ Đối với sách in: Thực hiện kiểm soát chặt chẽ từ việc ký quyết định xuất bản, ký hợp đồng in, số lượng in, quyết định phát hành sách và số lượng phát hành sách. Cần có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng, kiểm tra, giám sát thường xuyên hoạt động của các đơn vị liên kết xuất bản, các cơ sở in, cơ sở phát hành, nhằm ngăn chặn kịp thời việc các đối tượng này câu kết, thông đồng với nhau thực hiện hành vi in và phát hành sách lậu.

+ Đối với sách điện tử: Thực hiện kiểm soát chặt chẽ từ việc ký quyết định xuất bản, hình thức xuất bản sách điện tử, hình thức/địa chỉ website phát hành sách điện tử, quyết định phát hành. Tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản với các nhà xuất bản, cơ quan quản lý nhà nước về đảm bảo an toàn, an ninh mạng và các lực lượng chức năng khác để có giải pháp phát hiện, ngăn chặn việc phát tán sách điện tử lậu trên các nền tảng, website không được quy định trong quyết định xuất bản.

Thứ ba, áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, công nghệ: Cơ quan quản lý xuất bản, các nhà xuất bản nên thống nhất sử dụng mẫu tem chống giả, gắn mã định danh cho từng cuốn sách tương ứng với số lượng sách được in và phát hành. Theo đó, chỉ bằng thiết bị thông dụng như máy quét mã hay điện thoại thông minh, cơ quan chức năng, độc giả hay bất kỳ ai có thể truy xuất được thông tin định danh, xác nhận sách đó là thật hay giả. Cơ quan quản lý thị trường, thuế, tài chính có cơ chế, công nghệ kiểm tra, liên thông dữ liệu về các chứng từ, tài liệu liên quan đến số lượng được phép in và phát hành, từ nhà xuất bản/đơn vị liên kết, đến cơ sở in, cơ sở phát hành.

Đối với sách điện tử, sử dụng công nghệ bảo vệ bản quyền, chống tải xuống, sao chép, chỉnh sửa, cắt ghép và có giải pháp công nghệ đòi hỏi các website, nền tảng phát hành sách điện tử phải được đăng ký với cơ quan chức năng, sách điện tử phải được gán mã xác nhận bản quyền, liên thông theo cơ chế quản lý với cơ quan quản lý nhà nước về không gian mạng, đủ điều kiện mới được đăng tải, phát hành.

Hiện tại, Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông đang áp dụng:

+ Tem dán trên sách in:

Từ năm 2021 đến nay, Nhà xuất bản sử dụng giải pháp dán tem xác thực điện tử của Công ty Cổ phần VNet. Đây là tem có sử dụng Dịch vụ xác thực điện tử Vtrue, được dán lên bìa 4 của cuốn sách (song song với việc sử dụng mã số, mã vạch). Trên tem có Mã xác thực và hướng dẫn tra cứu Mã xác thực. Khách hàng cào tem để lấy mã số và tra cứu qua điện thoại trên xacthuc.chinhphu.vn, hoặc VTrue.vn. Hệ thống xác thực sẽ trả kết quả tức thời, cho biết sản phẩm này có đúng nguồn gốc hay không.

+ Sách điện tử:

Nhà xuất bản xây dựng hệ thống xuất bản điện tử, trong đó chú trọng giải pháp bảo vệ nội dung và quyền tác giả (DRM) tiên tiến, hiện đại. Giải pháp DRM có thể bảo vệ bản quyền ở các mức độ: không cho phép download file sách điện tử về thiết bị; chỉ cho phép truy cập và giải mã nội dung sách thông qua phần mềm đọc được cài đặt trên thiết bị đọc; thiết lập chế độ cho phép in hoặc không cho phép in; file sách trước khi đăng tải lên hệ thống phát hành đều được mã hóa, vì vậy ngay cả khi máy chủ bị truy cập trái phép cũng không thể lấy nguyên vẹn file sách. Khi mua sách, độc giả phải đăng ký tài khoản, cài đặt phần mềm đọc và tải sách, hệ thống sẽ xác thực tài khoản đăng ký với tài khoản trên thiết bị đọc, nếu khớp thông tin mới cho truy cập và giải mã file sách điện tử.

Thứ tư, tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về tôn trọng bản quyền, từ chối, “tẩy chay” việc sử dụng – tiếp tay cho sách lậu, sách giả. Đẩy mạnh phổ biến các quy định của pháp luật về xuất bản, phòng, chống in lậu, phát hành, lan truyền sách lậu, sách giả; cung cấp thông tin để người dân có năng lực tự nhận diện được sách thật và sách lậu, sách giả… Bên cạnh tuyên truyền, các cơ quan, tổ chức, trường học cần có quan điểm, chế tài nhằm ngăn chặn cán bộ, nhân viên, học sinh, sinh sử dụng sách lậu, sách giả.

Mộc Trà

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *