Cần nguồn nhân lực về quy hoạch phát triển du lịch chuyên nghiệp, có chuyên môn

Ngày 14/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Câu lạc bộ Khối đào tạo du lịch thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Đào tạo và nghiên cứu du lịch trong kỷ nguyên mới”.

Đến tham dự hội thảo có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hữu Tuấn – Hiệu trưởng Trường Du lịch (Đại học Huế), Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khối đào tạo du lịch cùng với đại diện các trường đại học thành viên trong câu lạc bộ này.

Việt Nam có 278 cơ sở đào tạo có đào tạo du lịch

Phát biểu chào mừng hội thảo, Tiến sĩ Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, du lịch là một ngành công nghiệp mũi nhọn của nền kinh tế cũng đã có những thay đổi mạnh mẽ dưới tác động của Trí tuệ nhân tạo và những xu hướng toàn cầu.

Những ứng dụng của Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data) và internet vạn vật (IoT) đang mở ra những cơ hội mới cho ngành du lịch, đồng thời cũng đặt ra những thách thức mới.

Trong bối cảnh đó, việc đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực du lịch cũng cần phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu của thời đại.

Hội thảo là diễn đàn học thuật để chúng ta thảo luận, phân tích những xu hướng, thách thức và cơ hội mới nhằm tìm kiếm những giải pháp sáng tạo, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu du lịch.

gdvn_hoithao.jpg
Tiến sĩ Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành phát biểu chào mừng hội thảo (ảnh: V.D)

Chắc chắn sự hợp tác giữa các trường đại học, các viện nghiên cứu và doanh nghiệp du lịch sẽ là nền tảng vững chắc để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế của ngành du lịch Việt Nam.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho hay, Việt Nam hiện có 278 cơ sở đào tạo có đào tạo lĩnh vực du lịch, trong đó có 101 trường đại học có khoa du lịch. Song song đó còn có các trường cao đẳng, trung cấp.

Hiện các trường đã có đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ chuyên về du lịch. Như vậy, việc đào tạo nhân lực cho ngành du lịch đã có phát triển xuyên suốt từ sơ cấp cho đến tiến sĩ.

“Đây là bước đột phá để phát triển được ngành du lịch” – Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn khẳng định.

lathoithao-633.jpg
Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn phát biểu tại hội thảo (ảnh: NTTU)

Đối với nghiên cứu khoa học, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin, nhiều đề tài khoa học cấp nhà nước, cấp Bộ, cấp địa phương cũng đã được triển khai. Nhiều nhà khoa học đã đăng tải những nghiên cứu của mình về du lịch lên các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới có chỉ số ISI, Scopus, đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của ngành.

Cũng theo Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn, trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi như hiện nay, thì vấn đề đào tạo và phát triển du lịch trong thời gian tới cũng cần có nhiều thay đổi, nhất là đối với các vấn đề có liên quan đến đào tạo và nghiên cứu khoa học.

LAThoithaob.jpg
Ông Lê Trương Hiền Hòa – Phó giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo (ảnh: NTTU)

Là một địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch của cả nước, ông Lê Trương Hiền Hòa – Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, ngành du lịch tiếp tục được thành phố xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy cho nền kinh tế của thành phố phát triển.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Lê Trương Hiền Hòa nhấn mạnh: “Công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch của thành phố là rất quan trọng, hỗ trợ rất nhiều cho việc phục hồi và phát triển ngành du lịch sau đại dịch như ngày hôm nay”.

Xây dựng khung chương trình đào tạo cần tính đến yếu tố hội nhập

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Lê Thị Thanh Thủy– Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, hiện nay, việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trở thành định hướng chiến lược quan trọng tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Quy hoạch du lịch là quy hoạch ngành, và du lịch được xác định là ngành kinh tế tổng hợp, quan trọng, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Đối với các cấp quản lý, quy hoạch du lịch là rất quan trọng, để có thể quản lý và thành công trong sự phát triển của ngành du lịch.

Tiến sĩ Lê Thị Thanh Thủy nêu: “Qua thực tế tại nhiều địa phương, việc đầu tư và phát triển du lịch không tuân thủ đúng theo quy hoạch, công tác quy hoạch còn thiếu tính hệ thống, thiếu tính liên ngành, thiếu tính thống nhất với những quy hoạch của các ngành khác như Xây dựng, Giao thông Vận tải, Giáo dục…”

gdvn_hoithao4.jpg
Tiến sĩ Lê Thị Thanh Thủy – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu (ảnh: V.D)

Theo Tiến sĩ Lê Thị Thanh Thúy, nút thắt ở đây chính là vấn đề chất lượng quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch. Do vậy, cần có một nguồn nhân lực để quản lý và quy hoạch phát triển du lịch chuyên nghiệp, có chuyên môn.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu và toàn diện, xu hướng chuyển đổi số, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, trong đó nhóm nhân lực quản lý nhà nước về du lịch, quy hoạch phát triển du lịch cần được nghiên cứu đào tạo chuyên sâu ở bậc đại học và sau đại học.

Để có thể xây dựng được chuyên ngành này, giúp sinh viên có đủ kiến thức, kỹ năng, thái độ, và quan trọng là khi ra trường, sinh viên có thể tự tin áp dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn, các đơn vị đào tạo khi xây dựng chương trình cần chú ý những nội dung của công tác quản lý nhà nước về du lịch, quy hoạch du lịch.

Tiến sĩ Lê Thị Thanh Thủy cho rằng, việc xây dựng khung chương trình đào tạo cần tính đến yếu tố hội nhập, để đảm bảo chương trình phù hợp với chuẩn đào tạo của khu vực và quốc tế.

Các chương trình đào tạo nên thiết kế các học phần theo module kiến thức, để các học phần không bị trùng lắp nhau trong quá trình giảng dạy các học phần khác.

Các cơ sở đào tạo cũng cần mời các chuyên gia quốc tế về du lịch, các giảng viên có kinh nghiệm ở các cơ sở đào tạo du lịch ở các nước có ngành du lịch phát triển tham gia vào việc giảng dạy, nhất là đối với những học phần mới, hoặc là những học phần mà Việt Nam còn ít có giảng viên, chuyên gia có trình độ cao.

Ngoài ra, du lịch là ngành mang tính thực tiễn cao, vì vậy hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật dành cho việc đào tạo cần được đảm bảo tốt cho công tác giảng dạy và học tập.

Cụ thể là phòng học và các trang thiết bị để dạy và học lý thuyết, thực hành nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học…phải được xây dựng và nâng cấp kịp thời, đáp ứng được nhu cầu đào tạo theo yêu cầu của xã hội.

Dịp này, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã trao tặng bằng khen cho Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khối đào tạo du lịch.

Đồng thời, Hiệp hội cũng đã trao kỷ niệm chương cho các cá nhân có nhiều thành tích đóng góp cho câu lạc bộ, và trao giấy chứng nhận cho các trường mới tham gia vào Câu lạc bộ Khối đào tạo du lịch.

Việt Dũng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *