Bột ngọt không rõ nguồn gốc xuất xứ: Địa chỉ trên bao bì “đỏ mắt” tìm không ra

Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có bài viết thông tin về những lo lắng, băn khoăn của bạn đọc về các sản phẩm bột ngọt (mì chính) trên bao bì vẫn có thương hiệu và công ty đóng gói nhưng lại không ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ để người tiêu dùng có thể biết. Điều này dấy lên nhiều lo ngại về vấn đề an toàn sức khoẻ của người tiêu dùng khi sử dụng các sản phẩm như vậy.

Hàng nhập khẩu 100% nhưng thông tin trên bao bì không ghi nguồn gốc xuất xứ

Để có thêm thông tin cung cấp cho bạn đọc và cũng là giải đáp chính thắc mắc của người viết về việc không rõ các địa chỉ ghi trên bao bì các sản phẩm bột ngọt này có chính xác không? Cơ sở vật chất thực tế tại các địa chỉ này ra sao? Phóng viên đã đến nhiều địa điểm ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh được ghi trên bao bì của một số sản phẩm.

Theo đó, sản phẩm “Bột ngọt (mì chính) Kimochi” có ghi trên bao bì của mặt sau sản phẩm dòng chữ: Sản xuất và đóng gói tại “Công ty Cổ phần dịch vụ TM & XNK Thực phẩm Đông Tây”.

Cùng với đó là dòng chữ: PPĐQ (phân phối độc quyền – PV) bởi “Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ xuất nhập khẩu Đông Tây”.

Địa chỉ: 12/180 Hoàng Quốc Việt, phường Cổ Nhuế, Hà Nội.

Qua quan sát trên bao bì, mặt trước sản phẩm ghi tên sản phẩm “Kimochi” đồng thời có dòng chữ in đậm “Sản xuất theo công nghệ Nhật Bản”; “Nhập khẩu 100%”; “Đạt chuẩn quốc tế”.

Thành phần và tỉ lệ: Natri L – Glutamate 99%; Bột ngô; Mía đường và tinh bột khoai mì.

Ngày sản xuất và hạn sử dụng trên bao bì sản phẩm có. Tuy nhiên chỉ sau một vài lần chạm tay của phóng viên thì các con số này bị nhòe, lem nhem ra bao bì. Đồng thời, các con số không thể đọc đọc nữa.

GDVN_a2.png
Sản phẩm mỳ chính (bột ngọt) có tên KOMICHI. Trên bao bì không ghi thông tin về nguồn gốc, xuất xứ dù trên bao bì ghi “Nhập khẩu 100%”. Ảnh: Phúc Khang

Đáng nói, dù mặt trước của sản phẩm này ghi thông tin “Nhập khẩu 100%”, tuy nhiên tại mặt sau của bao bì, phóng viên không tìm thấy thông tin nào cho biết sản phẩm này được nhập khẩu từ đâu, cũng như không có bất kỳ thông tin nào về công ty sản xuất gốc trước khi được san chia, đóng gói tại Công ty Cổ phần dịch vụ TM & XNK Thực phẩm Đông Tây .

Về địa chỉ 12/180 Hoàng Quốc Việt, phường Cổ Nhuế, Hà Nội được ghi trên bao bì, bạn đọc phản ánh về Tạp chí cũng băn khoăn. Thông tin địa chỉ này chưa cần đến cũng biết là chưa đầy đủ vì thiếu tên quận. Ngoài ra, phường Cổ Nhuế đã được quận Bắc Từ Liêm chia tách thành 2 phường là Cổ Nhuế 1 và Cổ Nhuế 2 từ cuối năm 2013 nên không có phường nào tên gọi là Cổ Nhuế nữa.

Người viết đã tìm đến thực địa theo địa chỉ tại số 12/180 đường Hoàng Quốc Việt để kiểm chứng. Đáng chú ý, tại địa chỉ nói trên không có biển tên công ty nào như thông tin được ghi trên bao bì.

Tại nhà số 12, theo quan sát là một ngôi nhà 4 tầng, phía bên trái cửa ra vào có gắn biển tên của một bác sĩ tại một bệnh viện ở Hà Nội. Thời điểm người viết tìm đến, ngôi nhà này cửa cuốn vẫn đang đóng.

Tiếp tục tra cứu theo thông tin đăng ký doanh nghiệp, khi tìm thông tin về tên doanh nghiệp làm cơ sở đóng gói được ghi trên bao bì là “Công ty Cổ phần dịch vụ TM & XNK Thực phẩm Đông Tây” phóng viên tìm thấy thông tin công ty tên “Công ty Cổ phần dịch vụ, thương mại xuất nhập khẩu Đông Tây”.

Công ty này có địa chỉ được ghi theo đăng ký kinh doanh tại D2, ngõ 180 đường Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Tiếp tục tìm đến địa chỉ này trong con ngõ 180 Hoàng Quốc Việt, tuy nhiên cũng không tìm thấy biển bảng nào của doanh nghiệp này tại đây.

Để có thêm thông tin, phóng viên đã gọi điện đến hotline được ghi trên bao bì sản phẩm theo số 0888.xxx.808 và được một phụ nữ nghe máy.

Người phụ nữ này sau đó cũng đã gửi qua zalo cho phóng viên thông tin về “bản tự công bố sản phẩm” đối với tên sản phẩm là Mì chính (bột ngọt) KIMOCHI.

Theo thông tin ghi trong bản tự công bố sản phẩm, của người này gửi địa chỉ thể hiện tên “Công ty Cổ phần dịch vụ, thương mại xuất nhập khẩu Đông Tây” giống như tên phóng viên tra cứu trước đó.

Thông tin trong bản tự công bố cũng ghi rõ địa chỉ trụ sở chính tại D2, ngõ 180 đường Hoàng Quốc Việt.

Đồng thời trong bản tự công bố này có thêm địa chỉ làm cơ sở đóng gói được ghi lại là tại số 1, ngách 1, ngõ 142 Phú Viên, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội. Địa chỉ này không được thể hiện trên bao bì sản phẩm.

Phóng viên tìm đến địa chỉ nói trên thì thấy, các nhà nằm trong ngách 1 của ngõ 142 Phú Viên đều chưa được đánh số thứ tự. Khu vực này có khá nhiều nhà với diện tích lớn được các công ty thuê để làm kho, xưởng.

Hỏi tiếp một nhân viên chuyên giao hàng cho khu vực này, người này cho biết nhà số 1 nằm ở phía tay phải ngay đầu lối vào ngách 1 vì đã từng giao hàng cho công nhân sản xuất trong đó.

Nhân viên giao hàng này cho biết thêm: “Các nhà ở đây người dân “tự đánh số” nên trong địa chỉ giao hàng trên ứng dụng sẽ không thể hiện mà chỉ khi gọi cho người nhận hàng là công nhân làm việc trong đó, họ nói đó là nhà số 1, ngách 1, ngõ 142 Phú Viên thì mới biết”.

Khách cần số lượng bao nhiêu cũng có

Khi trao đổi qua điện thoại, người viết đề nghị đến cơ sở này để làm việc trực tiếp và tận mắt nhìn hàng hoá, người phụ nữ trực số hotline từ chối với lý do: “Bên em chỉ làm việc online, anh cũng có thể đặt hàng trực tuyến bên em sẽ cung cấp đầy đủ, có cả hoá đơn”.

Qua trao đổi, người phụ nữ này cho biết, khách hàng cần số lượng bao nhiêu cũng có thể cung cấp được. Chỉ cần báo trước, khách hàng sẽ nhận được hàng sau 72 giờ nếu cửa hàng thuộc địa phận thành phố Hà Nội.

Về mức giá chào bán cho khách hàng lấy số lượng lớn, người phụ nữ này cho hay: “Nếu anh lấy số lượng lớn thì em sẽ để với giá sỉ là 43 (43.000 đồng/ 1 túi/ 1kg). Các cửa hàng khác em vẫn đang để giá 45.

Giá đó là thấp nhất thị trường Hà Nội rồi, không thể để thấp hơn được với điều kiện là anh lấy một lần 50 thùng”.

Về quy cách đóng gói, người này cho biết, sản phẩm sẽ được đóng thành các túi có trọng lượng là 100gr, 300gr, 900g, 1kg và 2kg.

Tương ứng với đó, khi giao đến khách hàng, hàng hoá sẽ được đóng trong các thùng có số lượng là: 180 túi, 60 túi, 12 túi và 10 túi.

“Đỏ mắt” tìm địa chỉ ghi trên bao bì sản phẩm

Ngoài sản phẩm nói trên tại Hà Nội, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã có thêm những khảo sát tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh với một số sản phẩm bột ngọt (mì chính) có dấu hiệu thực hiện không đúng quy định về nhãn hàng hóa.

Cụ thể, với sản phẩm có tên “Bột ngọt Oji – Star” thông tin trên bao bì ghi: Công ty TNHH sản xuất – đóng gói – gia công – thương mại và dịch vụ Nam Phong, địa chỉ: 114 Lê Lợi, phường 4, quận Gò Vấp.

Qua quan sát trên bao bì, thông tin về xuất xứ hàng hóa phóng viên không tìm thấy.

GDVN_a1-2.png
Trên bao bì sản phẩm Bột ngọt Oji – Star không tìm thấy dòng chữ ghi xuất xứ hàng hóa. Địa chỉ ghi trên bao bì sản phẩm là 114 Lê Lợi, phường 4, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh.

Ghi nhận thực tế của phóng viên địa chỉ này cho thấy, có đến 3 cửa hàng, 1 nhà dân khác nhau trùng địa chỉ. Ba cửa hàng gồm: cửa hàng giặt ủi sấy, cửa hàng spa, cửa hàng dịch vụ nail và một nhà dân bình thường không có biển hiệu. Khi hỏi thông tin về công ty nói trên, những người sinh sống tại đây đều nói, không có công ty nào tên như vậy ở đây.

Từ thông tin tìm được, phóng viên liên hệ với số điện thoại trên bao bì, người này cho biết, doanh nghiệp vẫn đang sản xuất bình thường. Tuy nhiên theo người này, văn phòng công ty đã chuyển về một địa chỉ trên đường Yên Thế, phường 2, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.

gdvn-4ngoinhaleloi-1218.jpg
Tại địa chỉ 114 Lê Lợi, phường 4, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh phóng viên không tìm thấy biển tên Công ty TNHH sản xuất – đóng gói – gia công – thương mại và dịch vụ Nam Phong. Ảnh: Việt Dũng

Ngoài ra, với sản phẩm có tên “Bột ngọt (mì chính) Acook” được ghi thông tin trên bao bì: Sản phẩm của Công ty TNHH Asian VN Group, địa chỉ: 114/2A, khu phố 2, phường Tân Thới Hiệp, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh. Đóng gói tại nhà máy, địa chỉ: Thửa đất số 509, 515 tờ bản đồ số 211khu phố Hòa Lân 2, phường Thuận Giao, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Quan sát trên bao bì, phóng viên không tìm thấy thông tin Ghi cụm từ “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại”, “nước sản xuất”, “xuất xứ” hoặc “sản xuất bởi” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó theo quy định.

Khảo sát tiếp với địa chỉ Công ty TNHH Asian VN Group, tuy nhiên phóng viên lại không thể tìm thấy địa chỉ này trên thực tế. Từ số điện thoại hotline được ghi trên bao bì, phóng viên đã liên hệ và được người trực điện thoại nói hiện nay không còn sản xuất, bán loại bột ngọt này nữa.

Sản phẩm có tên “Bột ngọt (mì chính) Jamono” thông tin trên bao bì ghi: Sản phẩm của Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Bếp Việt, địa chỉ: Số 40 đường số 5, khu đô thị Lakeview City, phường An Phú, thành phố Thủ Đức. Đóng gói tại: Chi nhánh Công ty Cổ phần Công nghiệp Thực phẩm Quốc tế, địa chỉ: Lô B2-52, đường số 1, KCN Tân Đông Hiệp B, phường Tân Đông Hiệp, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

GDVN_a1-3.png
Thông tin trên bao bì sản phẩm “Bột ngọt (mì chính) Jamono” ghi tên Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Bếp Việt, địa chỉ: Số 40 đường số 5, khu đô thị Lakeview City, phường An Phú, thành phố Thủ Đức.

Quan sát trên bao bì đối với sản phẩm này, phóng viên cũng không tìm thấy thông tin Ghi cụm từ “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại”, “nước sản xuất”, “xuất xứ” hoặc “sản xuất bởi” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó theo quy định.

mi chinh.png
Dòng chữ Product of Vietnam được ghi dưới mép mặt sau bao bì. Trong khi quy định về cách ghi xuất xứ hàng hóa được quy định như sau: Ghi cụm từ “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại”, “nước sản xuất”, “xuất xứ” hoặc “sản xuất bởi” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó.

Khi phóng viên thực hiện khảo sát và tìm hiểu về địa chỉ của Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Bếp Việt thì có thông tin văn phòng công ty đã được chuyển đến địa chỉ khác ở phường An Phú, thành phố Thủ Đức chứ không còn đúng địa chỉ như thông tin ghi trên bao bì nữa.

Thông tin về xuất xứ hàng hóa thực hiện theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Điều 7 Nghị định số 111/2021/NĐ-CP như sau:

“1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình nhưng phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các Hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết.

2. Cách ghi xuất xứ hàng hóa được quy định như sau: Ghi cụm từ “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại”, “nước sản xuất”, “xuất xứ” hoặc “sản xuất bởi” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó.

Tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó không được viết tắt”.

Tư liệu tham khảo:

(1) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Nghi-dinh-43-2017-ND-CP-nhan-hang-hoa-346310.aspx

Phúc Khang – Việt Dũng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *