Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn làm rõ định nghĩa về học tập số, năng lực số

Bộ Khoa học và Công nghệ có văn bản số 562/BKHCN-VCL hướng dẫn nội dung làm rõ định nghĩa, nội hàm, lượng hóa các khái niệm mới trong Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Văn bản này đã làm rõ các định nghĩa, nội hàm của các cụm từ có trong Nghị quyết số 57 như: Bản sao số của thành phố; Năng lực cạnh tranh số quốc gia; Kinh tế dữ liệu; Học tập số; Năng lực số; Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ngang tầm doanh nghiệp công nghệ của các nước tiên tiến.

Văn bản cũng đưa ra các đề xuất cách thức tổ chức thực hiện các nội dung trên cho các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp công nghệ số.

GDVN_ảnh MC.jpg
Ảnh minh họa: Mộc Trà.

Về Học tập số trong Nghị quyết số 57-NQ/TW, được hiểu là học tập kỹ năng số, là quá trình tiếp thu, phát triển và nâng cao kỹ năng, năng lực sử dụng công nghệ số một cách hiệu quả, phù hợp, an toàn và có trách nhiệm phục vụ cho mục đích cá nhân, học tập, nghề nghiệp hay tham gia xã hội trên môi trường số.

Nội hàm của học tập kỹ năng số bao gồm nhiều khía cạnh, từ kiến thức lý thuyết đến kỹ năng thực hành, từ cơ bản đến nâng cao liên quan đến:

Kiến thức, kỹ năng công nghệ cơ bản: các kiến thức, kỹ năng cần thiết về các thiết bị số, hệ điều hành, phần mềm và ứng dụng thông dụng, cách sử dụng các thiết bị này, như: khả năng sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng và các thiết bị số khác một cách hiệu quả, cài đặt và quản lý phần mềm, xử lý sự cố cơ bản, và hiểu biết về các thuật ngữ công nghệ…

Kiến thức, kỹ năng truy cập, tìm kiếm, khai thác thông tin, dữ liệu trên môi trường số như: khả năng sử dụng công cụ tìm kiếm, đánh giá độ tin cậy của thông tin, tổ chức và lưu trữ dữ liệu một cách hệ thống, phân tích và tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, và sử dụng dữ liệu để đưa ra quyết định…

Kiến thức, kỹ năng tương tác, giao tiếp và cộng tác trên môi trường Internet như: khả năng sử dụng email, mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin, nền tảng hội nghị trực tuyến, và các công cụ cộng tác, cũng như hiểu biết về quy tắc ứng xử trực tuyến, kỹ năng xây dựng mạng lưới quan hệ số, và khả năng thể hiện bản thân trên môi trường số…

Kiến thức, kỹ năng sáng tạo nội dung số như khả năng tạo và chỉnh sửa văn bản, hình ảnh, âm thanh, video và các định dạng đa phương tiện khác, hiểu biết về bản quyền, giấy phép, khả năng lập trình cơ bản, thiết kế trải nghiệm người dùng, và tạo ra các sản phẩm số như trang web, blog, hoặc ứng dụng…

Kiến thức, kỹ năng đảm bảo an toàn trên môi trường số như hiểu biết về các mối đe dọa trực tuyến, biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân, quản lý mật khẩu an toàn, nhận biết lừa đảo trực tuyến, bảo vệ danh tính số, và hiểu biết về quyền riêng tư trong môi trường số…

Kiến thức kỹ năng nhận diện và giải quyết vấn đề trên môi trường số như khả năng xác định và khắc phục sự cố kỹ thuật, sử dụng công nghệ để giải quyết vấn đề thực tế, tư duy phê phán và sáng tạo trong bối cảnh số, sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu và tự động hóa để nâng cao hiệu quả công việc.

Kỹ năng học tập liên tục và thích ứng: liên quan đến các kiến thức về công nghệ mới (như AI, blockchain,…), kỹ năng tự học và thích ứng với sự thay đổi công nghệ. Bao gồm khả năng theo dõi xu hướng công nghệ mới, sẵn sàng học hỏi và áp dụng các công cụ và phương pháp mới, tham gia các khóa học trực tuyến, cộng đồng học tập, và khả năng chuyển đổi kỹ năng để đáp ứng nhu cầu thay đổi của thị trường lao động số.

Việc đo lường, lượng hóa học tập số được thực hiện thông qua: Số lượng tiếp cận các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kỹ năng số; tỉ lệ học viên hoàn thành khóa học; tỉ lệ người dân có kỹ năng cơ bản về công nghệ thông tin và truyền thông.

Theo đó, đề xuất cách thức tổ chức thực hiện công tác học tập số:

Các bộ, ngành Trung ương: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành có liên quan xây dựng khung kỹ năng số, chuẩn kỹ năng số và kế hoạch triển khai các chương trình bồi dưỡng, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kỹ năng số phục vụ từng đối tượng thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành mình.

Các địa phương xây dựng kế hoạch, triển khai các chương trình bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kỹ năng số, phong trào “Bình dân học vụ số” phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn. Khuyến khích các địa phương triển khai các mô hình, cách làm sáng tạo, đạt kết quả và hiệu quả cao.

Một số hoạt động cụ thể như: Xác định rõ nhóm đối tượng ưu tiên: nông dân, người lao động tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, hợp tác xã, trẻ em, đối tượng yếu thế. Hỗ trợ thiết bị, mạng Internet để người dân ở các vùng khó khăn, hộ nghèo, có điều kiện tiếp cận. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng số, sử dụng các nguồn tài liệu chính thức đã được phát hành.

Đẩy mạnh hoạt động học tập số thông qua lồng ghép, đưa nội dung nâng cao kỹ năng số vào chương trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến, thúc đẩy hoạt động học tập số tại địa phương. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan, huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân để triển khai hiệu quả chương trình học tập số. Chia sẻ các cách làm hay và các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện với các địa phương, bộ ngành khác.

Đối với các doanh nghiệp công nghệ số: Cung cấp nền tảng đào tạo trực tuyến mở đại trà MOOC và nền tảng sát hạch kỹ năng số phục vụ phổ cập và nâng cao kỹ năng số theo các khung năng lực đã ban hành.

Đối với cụm từ “Năng lực số”, văn bản nêu rõ, năng lực số là khả năng sử dụng công nghệ số để hoàn thành nhiệm vụ cụ thể hoặc để giải quyết vấn đề trong thực tiễn.

Năng lực số cho các đối tượng khác nhau sẽ có thể có nội hàm khác nhau.

Ví dụ, năng lực số cho người học theo Thông tư số 02/2025/TTBGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định gồm 06 miền năng lực thành phần, bao gồm: Khai thác dữ liệu và thông tin; Giao tiếp và hợp tác trong môi trường số; Sáng tạo nội dung số; An toàn; Giải quyết vấn đề; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Đo lường theo Khung năng lực số cho từng đối tượng.

Ví dụ, khung năng lực số cho người học bao gồm 6 miền năng lực với 24 năng lực thành phần, được chia thành 4 trình độ từ cơ bản đến chuyên sâu theo 8 bậc. Khung năng lực số cho người học làm cơ sở để đánh giá yêu cầu, kết quả đạt được về năng lực số của người học trong các chương trình giáo dục; xây dựng tiêu chí trong kiểm tra, đánh giá, công nhận năng lực số của người học.

Đề xuất cách thức tổ chức thực hiện nâng cao năng lực số như sau:

Các bộ, ngành Trung ương: Nghiên cứu, ban hành khung năng lực số cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của bộ/ngành và tổ chức triển khai đồng bộ trên toàn quốc.

Các địa phương xây dựng kế hoạch, triển khai các chương trình bồi dưỡng, tập huấn nâng cao khả năng sử dụng công nghệ số cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để hoàn thành nhiệm vụ cụ thể, nâng cao khả năng sử dụng công nghệ số cho người dân để giải quyết những vấn đề liên quan trong thực tiễn.

Về “Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ngang tầm doanh nghiệp công nghệ số của các nước tiên tiến”, văn bản nêu rõ, đây là những doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực nghiên cứu làm chủ công nghệ lõi, công nghệ chiến lược; có quy mô và tầm ảnh hưởng sâu rộng trong và ngoài nước, cạnh tranh được với các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, khẳng định vị thế trên thị trường toàn cầu; có quy mô tương đương doanh nghiệp lớn của các nước tiên tiến; đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Nội hàm là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết; hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần do người Việt Nam nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Doanh nghiệp đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực công nghệ số, công nghệ thông tin.

Doanh nghiệp được xếp hạng trong bảng xếp hạng của một số tổ chức quốc tế có uy tín như Forbes Global 2000 hoặc Fortune Global 500; hoặc đáp ứng các tiêu chí sau: Có năng lực nghiên cứu, làm chủ các công nghệ lõi, công nghệ chiến lược: Có bằng sáng chế và phát minh đăng ký quốc tế; Cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số có khả năng cạnh tranh với các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới: sản phẩm, dịch vụ công nghệ số chiếm lĩnh thị trường trong nước và thị trường nước ngoài; Quy mô (doanh thu, xuất khẩu và lao động) tương đương doanh nghiệp lớn của các nước tiên tiến; Có hệ sinh thái sản xuất kinh doanh bền vững, mạng lưới phân phối đa dạng trong nước và quốc tế; Có hoạt động sản xuất kinh doanh tại nước ngoài; Đã có văn phòng đại diện/chi nhánh tại nước ngoài.

Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí để xác định doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ngang tầm doanh nghiệp công nghệ số của các nước tiên tiến.

Đối với những định nghĩa mà Việt Nam chưa có khái niệm như: Năng lực cạnh tranh quốc gia và kinh tế dữ liệu, văn bản hướng dẫn này đã tham chiếu trên thế giới.

Cụ thể, về Năng lực cạnh tranh số quốc gia, văn bản nêu rõ: Việt Nam chưa có khái niệm về năng lực cạnh tranh số quốc gia.

Hiện tại trên thế giới, có Trung tâm Cạnh tranh thế giới (WCC) thuộc Viện Quản lý phát triển quốc tế (IMD) thực hiện đánh giá và công bố xếp hạng năng lực cạnh tranh số thế giới từ năm 2017 đến nay (Việt Nam chưa tham gia đánh giá, xếp hạng).

Dựa trên Báo cáo xếp hạng năng lực cạnh tranh số thế giới năm 2024 của Trung tâm Cạnh tranh thế giới, năng lực cạnh tranh số được hiểu là: “Năng lực cạnh tranh số quốc gia (Digital competitiveness of nations) là khả năng của một quốc gia trong việc sử dụng và phát triển các công nghệ số để nâng cao năng lực cạnh tranh tổng thể của quốc gia đó”.

Về Kinh tế dữ liệu, hiện nay, Việt Nam chưa có khái niệm về kinh tế dữ liệu. Hướng dẫn đề cập đến kinh nghiệm về kinh tế dữ liệu của Liên minh châu Âu (EU) về định nghĩa: “Nền kinh tế dữ liệu” là một thuật ngữ tổng quát bao gồm việc tạo, thu thập, lưu trữ, xử lý, phân phối, phân tích, phân phối và khai thác dữ liệu được kích hoạt bởi công nghệ số.

Tại Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ giao Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nghiên cứu các mô hình đo lường kinh tế dữ liệu trên thế giới để đề xuất phương pháp đo lường kinh tế dữ liệu trong năm 2025-2026.

Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tổ chức thí điểm đo lường kinh tế dữ liệu tại một số địa phương để hoàn thiện phương pháp và tổ chức nhân rộng.

Ngoài ra, văn bản cũng có phụ lục tóm tắt về Bộ chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh số thế giới của Viện Phát triển Quản lý quốc tế (IMD) và đề xuất các nội dung tham gia chuẩn bị, triển khai các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh số của Việt Nam.

Mộc Trà

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *