Biên soạn SGK tiếng Nhật tới 15 công đoạn, dạy thử nghiệm ở 4 địa phương

Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tiếng Nhật cùng với 5 ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh được dạy với tư cách là môn Ngoại ngữ 1 từ lớp 3. Đồng thời, tiếng Nhật có thể trở thành môn Ngoại ngữ 2 bắt đầu từ lớp 6.

Phục vụ cho giảng dạy tiếng Nhật trong nhà trường, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã biên soạn 2 bộ sách giáo khoa tiếng Nhật, gồm bộ sách giáo khoa tiếng Nhật Ngoại ngữ 2 và bộ sách giáo khoa tiếng Nhật Ngoại ngữ 1.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Ngô Minh Thủy – Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục (CLEF); nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội); Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản là Tổng chủ biên của cả hai bộ sách.

Nhiều công đoạn công phu để cho ra mắt bộ sách giáo khoa

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Ngô Minh Thủy cho biết để biên soạn ra một cuốn sách giáo khoa cần rất nhiều công đoạn.

316278391_3421061081449474_1988854703802766251_n.jpg
Phó giáo sư, Tiến sĩ Ngô Minh Thủy – Tổng chủ biên 2 bộ sách giáo khoa tiếng Nhật. Ảnh: NVCC.

Theo quy định của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, sản xuất một cuốn sách giáo khoa cần qua 8 bước là Xác định chương trình giáo dục – Thành lập nhóm biên soạn – Biên soạn nội dung – Thẩm định nội dung – Sửa chữa và hoàn thiện – In ấn thử nghiệm và lấy ý kiến – Xuất bản và phát hành – Đánh giá và cập nhật.

Nhưng đối với một tác giả như cô Thủy, quy trình này phức tạp hơn rất nhiều. Đầu tiên, nhóm tác giả nghiên cứu khung chương trình giáo dục phổ thông nói chung và chương trình môn học tiếng Nhật trong khung chương trình này nói riêng.

Tiếp đó, nhóm tác giả làm đề cương chi tiết sơ bộ của sách giáo khoa cho cả bộ sách dựa trên chương trình tiếng Nhật đã được thông qua và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố.

“Ví dụ với sách tiếng Nhật Ngoại ngữ 2 thì lên đề cương cho cả 7 quyển sách, sách tiếng Nhật Ngoại ngữ 1 thì lên đề cương cho cả bộ 10 cuốn (10 lớp).

Trong đề cương chi tiết sơ bộ này, nhóm tác giả phân bố nội dung của sách về mục tiêu cần được của từng lớp/ từng cuốn sách, về kỹ năng giao tiếp, kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, chữ viết/chữ Hán), kiến thức văn hóa, chủ đề – chủ điểm” – cô Thủy chia sẻ.

316667408_3421061271449455_3257272515103592590_n.jpg
Nhóm tác giả sách giáo khoa trong cuộc họp với Hội đồng Quốc gia thẩm định sách. Ảnh: NVCC.

Sau khi có đề cương chi tiết, nhóm tác giả bắt đầu soạn cấu trúc. Cuốn sách gồm những phần nào, gồm bao nhiêu bài, mỗi bài học gồm những phần nào, biên soạn 1 bài học mẫu, tổ chức dạy thử và thu thập ý kiến đánh giá. Sau khi nhận được đánh giá về bài học mẫu, nhóm sẽ rút kinh nghiệm và biên soạn cả cuốn sách theo bài học mẫu đã chỉnh sửa.

Ngoài nội dung, nhóm tác giả tiếp tục làm việc với nhà xuất bản để nhóm họa sỹ, biên tập của Nhà xuất bản thiết kế, dàn trang, vẽ minh họa. Sau khi bản thảo được chỉnh sửa hoàn thiện, quá trình dạy thử nghiệm bắt đầu.

Cô Thủy cho biết: “Sách được thử nghiệm ở nhiều trường thuộc các địa phương khác nhau như Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng. Tùy theo cuốn sách và điều kiện thực hiện hàng năm, Viện CLEF (cơ quan đầu mối tổ chức hoạt động chuyên môn biên soạn sách) kết hợp với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đề nghị các trường phổ thông phối hợp tổ chức dạy thử nghiệm.

Ví dụ, với sách cho bậc tiểu học (Ngoại ngữ 1), việc dạy thử nghiệm được tiến hành ở Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương (thành phố Hải Phòng), Trường Tiểu học Chu Văn An (Hà Nội). Với sách cho bậc trung học cơ sở (Ngoại ngữ 1 và Ngoại ngữ 2), việc dạy thử nghiệm được tiến hành ở Trường Trung học cơ sở Hoàng Diệu, Trường Trung học cơ sở Tây Sơn (thành phố Đà Nẵng), Trường Trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương (thành phố Huế), Trường Trung học cơ sở Thực nghiệm Khoa học Giáo dục thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ thuộc Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội)”.

Sau khi có ý kiến góp ý qua các đợt dạy thử nghiệm, nhóm tác giả và các họa sĩ/ nhóm biên tập của Nhà xuất bản tiếp tục trao đổi để chỉnh sửa bản thảo để có bản thảo chuẩn mực nhất nộp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuẩn bị cho công tác thẩm định. Theo cô Thủy, từ khi nhóm tác giả gửi bản thảo đến Nhà xuất bản đến khi nộp được bản thảo cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị thẩm định, bản thảo thường qua 6-7 vòng sửa chữa.

Bản thảo được gọt giũa rất công phu, cẩn thận trước khi đến bước cuối cùng trong quy trình: thẩm định. Khi thẩm định, nhóm tác giả tiếp thu ý kiến của các chuyên gia trong Hội đồng thẩm định, hội ý, trao đổi với Hội đồng để có giải pháp tốt nhất về chuyên môn.

“Quá trình thẩm định diễn ra hai vòng thẩm định chính thức. Sau vòng thẩm định 2, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức lấy ý kiến của các địa phương, các trường phổ thông và các trường đại học.

Sau khi nhận được tập hợp ý kiến nhận xét, nhóm tác giả có bản phản hồi để gửi cho Hội đồng thẩm định. Sau khi Hội đồng thẩm định xem xét, sẽ có quyết định về việc có chỗ nào cần điều chỉnh hay chỉnh sửa không và thông báo cho nhóm tác giả.

Dựa trên ý kiến của của Hội đồng thẩm định, nhóm tác giả tiếp tục trao đổi để ra quyết định về việc chỉnh sửa để hoàn thành bản thảo. Sau khi bản thảo hoàn thành, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ làm các thủ tục để Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận sách giáo khoa. Tiếp theo đó sẽ là các thủ tục để xuất bản, do Nhà xuất bản và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm và thực hiện.

Như vậy, để có một cuốn sách giáo khoa, chỉ tính từ góc độ chuyên môn, nhóm tác giả trực tiếp thực hiện tới 15 công đoạn, chứ không phải là chỉ có 8 bước theo quy định” – Tổng chủ biên bày tỏ.

69e3e265-47e2-4c82-9e23-abf0e0126905.jpg
Viện CLEF và đại diện nhóm tác giả làm việc với Giám đốc Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, lãnh đạo Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản và Quỹ Kamenori. Ảnh: NVCC.

Trong suốt quá trình này, nhóm tác giả nhận được sự hỗ trợ rất lớn của các chuyên gia tại Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản. Tổng chủ biên còn tiết lộ, Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản hỗ trợ kinh phí, giúp giá sách giáo khoa tiếng Nhật được giảm một phần.

Khó khăn khi biên soạn một môn ngoại ngữ đặc thù

Cô Thủy tâm sự, các tác giả là các chuyên gia có uy tín cao, nhiều kinh nghiệm tại Việt Nam về tiếng Nhật – giáo dục tiếng Nhật của Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Trường Đại học Hà Nội, hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia của Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản. Nhóm tác giả cũng đã quen với hoạt động biên soạn chương trình và sách giáo khoa nên cũng không gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, cô Thủy với tư cách là người chịu trách nhiệm lớn nhất trong nhóm tác giả (tổng chủ biên/ chủ biên kiêm đồng tác giả), cũng được thử thách, trưởng thành trong việc biên soạn chương trình và sách giáo khoa phổ thông từ năm 2003, khi tiếng Nhật bắt đầu được đưa vào trường trung học cơ sở tại Việt Nam.

Tuy nhiên, khó khăn chung của nhóm tác giả là phản ứng của dư luận. Cô Thủy chia sẻ: “Năm 2021, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Chương trình tiếng Nhật Ngoại ngữ 1, một số người hiểu là các em học sinh bắt buộc phải học tiếng Nhật dù không muốn, hoặc có người hiểu là học sinh vừa phải học tiếng Anh vừa phải học tiếng Nhật, tiếng Hàn…, thế là cũng rất vất vả khi phải giải thích về môn học này.

Có một khó khăn khác là khi bản thảo đã hoàn thiện, do nhiều ý kiến cho rằng học sinh viết vào sách thì các em năm sau không dùng lại được, nên có yêu cầu hạn chế soạn những bài tập mà học sinh bắt buộc phải viết vào sách.

Nhưng môn ngoại ngữ có đặc thù rất riêng. Có những dạng bài tập, ví dụ như về chữ Hán, mà mình chỉ yêu cầu học sinh viết một hay vài nét vào một phần đã được viết sẵn là có thể luyện cho các em nhớ từ, nhớ chữ Hán mới đó. Làm như vậy khả thi hơn là bắt các em viết lại cái phần có sẵn của chữ Hán đó ra giấy rồi viết thêm các nét còn thiếu.

Ngoài ra, xu hướng các bài kiểm tra năng lực ngoại ngữ chủ yếu là dùng ở dạng thức khoanh/ chọn như hiện nay thì các bài luyện tập trong sách cũng nên có một phần bài luyện dạng đó. Nếu để “ngăn chặn việc viết vào sách” mà yêu cầu học sinh chép lại tất cả các phương án ra vở rồi mới khoanh phương án được chọn thì sẽ rất mất thời gian.

Tuy vậy, do dư luận xã hội và yêu cầu như vậy, chúng tôi cũng vẫn phải rà soát, chỉnh sửa lại sách, viết lại yêu cầu/ chỉ thị của các bài luyện tập, và thêm mấy dòng khuyến khích các em giữ gìn sách, viết bằng bút chì nếu cần”.

409188062_3685687088320204_5077818444670615986_n.jpg
Bộ sách giáo khoa Tiếng Nhật lớp 3 và lớp 4. Ảnh: NVCC.

Cũng theo cô Thủy, từ khi dạy thử nghiệm, phản ứng của học sinh và giáo viên đối với hai bộ sách rất tốt. Các em học sinh rất thích sách giáo khoa tiếng Nhật. Các em nhận xét là sách trình bày đẹp, dễ hiểu, dễ học, tạo hứng thú cho các em.

Giáo viên nhận xét là sách rất dễ sử dụng, nhiều dạng bài tập hay, các kiến thức đưa ra rất phù hợp, quan điểm biên soạn sách tiên tiến, bên cạnh đó các cuốn sách giáo viên đi kèm là những cuốn cẩm nang bổ trợ rất tốt cho giáo viên khi dạy học.

Sách giáo khoa tiếng Nhật có các điểm mới vượt trội

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Ngô Minh Thủy, bộ sách giáo khoa tiếng Nhật hiện hành có nhiều điểm nổi trội hơn bộ sách được biên soạn trong giai đoạn 2003 – 2013.

Sách được in màu; tăng cường bài tập luyện; có thêm sách bài tập; có thêm bài luyện chữ Hán; có thêm bài luyện nghe trong các bài ôn tập; tăng cường phần luyện kỹ năng viết và kỹ năng đọc trong các bài ôn tập; cấu trúc các bài học được xây dựng hợp lý hơn.

Đồng thời, sách có thêm phần giải thích cấu trúc ngữ pháp; thay đổi, cập nhật nội dung về văn hóa – xã hội (qua phần “Thư Nhật Bản”); thêm nhiều ảnh chụp nhằm giới thiệu văn hóa Nhật Bản kèm chú giải các ảnh (trong sách giáo viên); sách giáo viên có thêm phần hướng dẫn soạn đề kiểm tra, kèm 4 bài kiểm tra mẫu (45 phút và cuối học kỳ). Ngoài ra, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cung cấp kho ngữ liệu trực tuyến kèm theo sách giáo khoa để giáo viên và học sinh sử dụng.

“Điểm hay của hai bộ sách là xây dựng theo hệ thống kỹ năng giao tiếp, cụ thể là liệt kê ra những mục tiêu kỹ năng mà học sinh cần đạt trong từng bài (sau bài này các em có thể làm gì…) trong các ngữ cảnh, tình huống, chủ đề, chủ điểm phù hợp. Dựa vào hệ thống kỹ năng đó, các ngữ liệu như từ vựng, ngữ pháp, chữ Hán… được cung cấp để đạt được mục tiêu đề ra.

Sách được xây dựng không theo hướng áp đặt giáo dục một chiều, mà tạo điều kiện để học sinh suy nghĩ, tìm tòi, khám phá, từ đó khơi dậy sự hứng thú và tính chủ động, sáng tạo của học sinh. Vì vậy học sinh rất thích.

Một đặc điểm rất nổi trội nữa của sách là tính thống nhất/ nhất quán về cấu trúc của các bài học, tính liên kết, liên thông giữa các phần trong một bài học, giữa các bài học/ các phần trong một cuốn sách, giữa các cuốn sách trong một bộ sách.

Yếu tố văn hóa cũng được chú trọng trong sách, được đưa ra với quan điểm trang bị cho học sinh kiến thức và kỹ năng tiếp nhận các nền văn hóa khác nhau trong một môi trường đa văn hóa, trên cơ sở hiểu biết và trân trọng văn hóa Việt Nam” – cô Thủy cho hay.

Trần Trang

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *