Với nhiều con em ngư dân nghèo dọc biển bãi ngang miền Trung, nhiều năm qua, sự sẻ chia của cán bộ, chiến sĩ Vùng 3 Hải quân là “bệ đỡ”, là điểm tựa giúp các em hiện thực hóa ước mơ đến trường.
Các chiến sĩ Vùng 3 Hải quân tặng quà, động viên Bảo Ngọc tiếp tục tự tin đến trường
“Phao cứu sinh” của học trò nghèo
Tròn 11 tuổi, em Võ Thị Bảo Ngọc (ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) đã chịu nỗi đau mồ côi cha suốt 8 năm qua. Đó là năm 2016, một vụ tai nạn lao động trên biển đã vĩnh viễn mang người cha thương yêu của Ngọc rời xa mãi mãi. Câu hỏi: “Mẹ ơi, cha đi đâu mãi chưa về?” luôn nhận được ánh mắt buồn bã, nhìn xa xăm về phía biển của người mẹ tảo tần. Dù chưa đủ lớn để hiểu được nỗi đau trong đôi mắt ấy nhưng Ngọc vẫn cảm nhận được phần nào nỗi buồn khi nhìn chúng bạn có cha đưa đón mỗi ngày khi tan học. Biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình Ngọc, bộ đội Lữ đoàn 172 (Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân) đã khảo sát, tìm hiểu và nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng, giúp đỡ Ngọc học hành. “Năm học tới con lên lớp 6 rồi. Năm trước, con được các chú bộ đội tặng dụng cụ học tập, mua sách vở mới. Không chỉ thế, ở lớp môn học nào khó thì về nhà con được các chú bộ đội dạy kèm, hướng dẫn con cách giải bài tập và ghi nhớ các bài học. Nhờ đó, con học hành tiến bộ hơn, không còn cảm thấy các môn học khó như trước. Con thích đến trường hơn, con sẽ nỗ lực học tập để sau này có việc làm, đỡ đần cho mẹ và bà ngoại”.
Suốt mấy năm nay, bố mẹ của em Lê Đức Chinh, học sinh lớp 8, Trường THCS Lý Tự Trọng (Đà Nẵng) không may mắc bệnh hiểm nghèo nên không còn đủ sức khỏe để mưu sinh trên biển. Đời người ngư dân gắn liền với biển, không ra được biển, kế mưu sinh vì thế cũng cạn dần. Gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Hôm Chinh được các chú bộ đội Vùng 3 Hải quân đến nhà thăm và nhận đỡ đầu, cậu vui suốt ngày. “Em cứ nghĩ mình sẽ phải nghỉ học vì ba mẹ không đủ điều kiện cho theo học tiếp. Rất may mắn, có các chú bộ đội đến hỗ trợ cho em tiếp tục theo học. Những ngày em buồn chán và thất vọng, các chú đã động viên, chia sẻ và giải thích cho em hiểu thêm về cuộc sống. Bây giờ, em thấy tự tin hơn và rất vui vì được tiếp tục đến trường. Sau này, tốt nghiệp lớp 12, em sẽ thi vào quân đội để trở thành người lính để chung tay cùng các chú bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Em cũng sẽ chia sẻ với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn để không ai phải nghỉ học”, Chinh bộc bạch.
Các chiến sĩ Vùng 3 Hải quân hướng dẫn em Võ Thị Bảo Ngọc học tập
Ngọc và Chinh là 2 trong số 13 học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi dọc 6 tỉnh miền Trung đang được Vùng 3 Hải quân nhận đỡ đầu. Với các em, sự hỗ trợ này giống như những chiếc “phao cứu sinh” trên hành trình đến trường học chữ.
Điểm tựa cho ngư dân vươn khơi
Từ bao đời nay, ngư dân dọc biển bãi ngang miền Trung sống dựa vào nghề biển. Biển cả mênh mông mang lại cho bao mảnh đời nguồn sống nhưng cũng tiềm ẩn không ít hiểm nguy mỗi lần sóng to, gió cả. Đóng quân ở trên địa bàn, hơn ai hết, các cán bộ, chiến sĩ Vùng 3 Hải quân hiểu rõ sự vất vả, chênh vênh của người dân xứ biển khó nghèo. Hỗ trợ con em ngư dân đến trường học chữ, nhìn xa hơn là để hướng về tương lai tươi đẹp cũng là cách để tiếp sức cho ngư dân an tâm vươn khơi bám biển phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của biển đảo.
Thiếu tướng Nguyễn Đăng Tiến cho biết thêm: “Thời gian tới, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân sẽ tiếp tục triển khai hoạt động thiết thực này một cách có hiệu quả hơn. Tiếp tục lên kế hoạch nhân rộng mô hình, đỡ đầu các cháu là con ngư dân có hoàn cảnh khó khăn từ tỉnh Quảng Bình đến tỉnh Bình Định. Thông qua hoạt động hỗ trợ này, chúng tôi mong muốn góp phần làm “cánh tay nối dài”, trao cho các em học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn một điểm tựa, làm “bệ đỡ” để các em có điều kiện đến trường học tập, vươn lên trong cuộc sống, thực hiện ước mơ, hoài bão của mình và trở thành công dân có ích cho xã hội”. |
Thiếu tướng Nguyễn Đăng Tiến, Chính ủy Vùng 3 Hải quân cho biết: “Sau khi có kế hoạch, đơn vị đã tiến hành khảo sát, tìm hiểu hoàn cảnh của các em học sinh để đưa ra phương án hỗ trợ phù hợp. Tính đến nay, các cơ quan, đơn vị trong toàn vùng đang nhận hỗ trợ và đỡ đầu 13 cháu học sinh ở 6 tỉnh thành miền Trung. Đây là các cháu đang học tiểu học đến trung học phổ thông, gia đình khó khăn, cha mẹ bệnh tật hoặc gặp tai nạn trong quá trình lao động, sản xuất trên biển. Hàng tháng, cán bộ, chiến sĩ tự nguyện trích một phần từ lương của chính mình để đóng góp kinh phí. Đồng thời, vận động các cơ quan, tổ chức trao tặng dụng cụ, sách vở, phương tiện tiếp sức cho các em đến trường. Giúp các em ổn định đời sống, quan tâm, chăm lo sức khỏe cho các em. Việc nhận đỡ đầu con em ngư dân hoàn cảnh khó khăn sẽ được các đơn vị thực hiện đến khi các em đủ 18 tuổi”.
Hàn Giang