Tham dự sự kiện long trọng này có Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành trung ương, lãnh đạo địa phương, các trường đại học, cao đẳng, tập đoàn, doanh nghiệp; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, các thế hệ sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân.
Sự khác biệt giữa đại học và trường đại học
Chúc mừng Đại học Kinh tế quốc dân hoàn thành việc chuyển đổi từ trường đại học sang mô hình đại học và chúc mừng các thầy cô trong ban lãnh đạo đảm nhiệm cương vị, định danh lãnh đạo mới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Ngày hôm nay sẽ đi vào lịch sử phát triển của nhà trường như một dấu mốc đậm nét trong lịch trình phát triển, lịch trình đổi mới và thể hiện vai trò của nhà trường trong nền giáo dục và với toàn thể xã hội, với người dân, người học và đất nước.
Từ nay, cái tên Đại học Kinh tế quốc dân sẽ thay thế cho Trường Đại học Kinh tế quốc dân, sự khác biệt chỉ ở chỗ bớt đi một từ đầu tiên trong cái tên, nhưng mở đường cho chữ Đại lên đầu và giúp trường hướng tới “cái đại” trên mọi phương diện”.
Theo Bộ trưởng, vấn đề then chốt không phải ở chỗ to hay nhỏ. Đại học quan trọng ở chỗ nó là một thực thể lớn với cấu trúc bên trong đòi hỏi khả năng và trình độ quản trị đại học cao, hướng tới sự phát triển, thể hiện khát vọng phát triển và lớn mạnh. Đại học cho phép phát huy quyền tự chủ và sự năng động. Quyền tự chủ có thể thực hiện tới tận đơn vị cấp thấp nhất và tới các các nhóm chuyên môn, các nhà khoa học. Nếu thiết kế mô hình tổ chức không hướng tới được sự giải phóng năng lực sáng tạo từ bên trong của cơ sở giáo dục, thì sự chuyển đổi mô hình không đem lại mấy giá trị. Mô hình tổ chức và quản trị nội bộ mới mà nhà trường lựa chọn tạo khả năng lớn hơn, cho phép giải phóng từ bên trong, khai phóng ở chiều sâu, đưa tự chủ đại học đi tới hiệu quả cao hơn.
“Mô hình đại học là mô hình quản trị nội bộ hướng tới phát triển đa ngành, vậy nên trong định hướng phát triển thời gian tới, Đại học Kinh tế quốc dân cần hướng tới cơ cấu đa ngành một cách hợp lý, đa ngành nhưng vẫn phát huy được lợi thế, được sở trường và sức mạnh truyền thống. Cần đứng vững trên thế mạnh truyền thống, sở trường và đặc sắc, mở rộng theo hướng các ngành có liên quan và hỗ trợ nhau thành hệ thống, đa ngành một cách hợp lý nhất trên cơ sở vẫn giữ được bản sắc và uy tín. Đa ngành không có nghĩa là tất cả những gì người khác làm thì mình cũng làm. Không nên xa rời mục tiêu và sứ mệnh chính của mình. Bản sắc và thương hiệu của nhà trường cần nối tiếp và phát huy trong mô hình tổ chức và quản trị mới”, Bộ trưởng gợi mở.
Nhận định, để có niềm tin và đoán định được triển vọng, tương lai phát triển của một cơ sở giáo dục có thể nhìn vào quá khứ, bề dầy thành tựu, quy mô, chất lượng, uy tín của hiện tại, nhưng theo Bộ trưởng, quan trọng nhất, quyết định cả tốc độ phát triển và chất lượng phát triển trong tương lai lại phụ thuộc nhiều vào tầm nhìn phát triển và khát vọng phát triển của người đương thời.
Gánh vác trách nhiệm đào tạo đội ngũ doanh nhân mới có khát vọng vươn ra thế giới
Chia sẻ về bối cảnh đất nước hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Đất nước đang rất khẩn trương, tích cực và quyết tâm phát triển các ngành công nghệ và kỹ thuật mũi nhọn, công nghệ mới, mong sao theo kịp các nước tiên tiến. Nhưng công nghệ phát triển, sản xuất phát triển mà các lĩnh vực về quản trị, về kinh doanh, về các chính sách điều hành kinh tế từ vĩ mô tới vi mô mà không tiên tiến, không theo kịp thế giới thì hiệu lực hiệu quả của những nỗ lực trong công nghệ và kỹ thuật cũng sẽ không đem lại hiệu quả phát triển cho đất nước, thậm chí rủi ro về kinh tế còn gia tăng. Cũng giống như người vụng mà dùng công cụ quá sắc bén.
“Sứ mệnh của chúng ta trong thời đại mới, trong kỷ nguyên mới chắc chắn khác với những gì chúng ta đã từng làm trong truyền thống. Với các trường đại học khác, sản phẩm khoa học là các phát minh sáng chế, là sản phẩm khoa học và công nghệ chuyển giao, là các công bố khoa học uy tín và ảnh hưởng tầm nhân loại. Với Đại học Kinh tế quốc dân, sản phẩm rất quan trọng chính là tư vấn chính sách, là giải pháp về chính sách, là mô hình, là phương pháp quản lý tầm quốc gia với các thành tố của nền kinh tế, từ trung ương tới địa phương và doanh nghiệp”, nêu vấn đề này Bộ trưởng cũng cho rằng, chưa cần nói tới các phát minh mới, việc học tập các nước tới nơi, tới chốn và vận dụng sáng tạo cho sự phát triển của Việt Nam đã là mảnh đất cho Đại học Kinh tế quốc dân thể hiện, khẳng định và phát triển.
Nhắc tới quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta trong thời gian và việc cần xây dựng một tầng lớp doanh nhân Việt Nam mới, Bộ trưởng cho rằng, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta trong thời gian vừa qua đã tạo được những bước phát triển lớn về kinh tế – xã hội. Trong thực tế, đã dần hình thành ngày càng đông đảo lực lượng doanh nhân. Kinh tế càng phát triển, đội ngũ doanh nhân ngày càng phát triển theo. Trước đây, nước ta vốn là nước nông nghiệp với truyền thống trọng nông ức thương, ở đó, tầng lớp thương nhân không mấy được trọng dụng nhưng hiện nay trong bối cảnh mới và tầng lớp thương nhân ngày càng phát triển, chúng ta cần phải thay đổi quan niệm của xã hội với tầng lớp doanh nhân, thương nhân.
“Chúng ta phát triển nền văn hóa và con người xã hội chủ nghĩa, nhưng phẩm chất của con người mới xã hội chủ nghĩa áp dụng cho doanh nhân là việc khó. Cần phát huy truyền thống văn hóa, đề xuất tinh thần và các giá trị văn hóa doanh nhân mới của người Việt. Làm thế nào để vẫn có lợi ích, lợi nhuận, nhưng vẫn yêu nước, trách nhiệm dân tộc, trách nhiệm xã hội; kinh doanh giữ tín, không lợi mình hại người; có quan điểm giá trị lành mạnh bền vững, có khát vọng lớn vươn ra thế giới; biết đem tinh thần “kiến lợi tư nghĩa”, thấy lợi không đạt tới bằng mọi cách, nghĩ tới người khác, tới môi trường, tới sự bền vững, không chộp giật, không nhìn ngắn, không dễ thỏa mãn, không manh mún;…
Đấy là những điều cần đào tạo cho đội ngũ doanh nhân mới ngay từ khi còn ở trong môi trường đại học. Và điều đó không phải ở nơi này thì nơi đâu? Không phải các thầy đang ngồi đây thì sẽ là ai? các Giáo sư kinh tế học cần gánh vác điều này. Làm được điều đó là thêm tầm tư tưởng cho sự phát triển nhân lực chất lượng cao thực sự cho tương lai trong lĩnh vực kinh tế. Đó cũng là phát triển Đại học Kinh tế cho đúng tầm quốc dân, mà quốc dân cũng là quốc gia trong chiều nội hàm”, Bộ trưởng chia sẻ.
Phát huy hết lợi thế để trưởng thành nhanh chóng trong mô hình quản trị mới
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, một trong những việc cần làm ngay của nhà trường là rà soát và hoàn thiện chiến lược phát triển dựa trên cơ sở các chủ trương, định hướng, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và của ngành Giáo dục; phát huy hết lợi thế để trưởng thành nhanh chóng trong một mô hình quản trị mới.
Về công tác tổ chức, Đại học Kinh tế quốc dân cần xác lập cơ chế phân cấp theo hướng phát huy quyền tự chủ nhiều hơn, thực chất hơn cho các đơn vị bên dưới, làm thế nào để tinh thần tự chủ được phát huy đến từng cán bộ, từng cấp thấp nhất.
“Đối với các Ban lãnh đạo sự thay đổi tên gọi từ Hiệu trưởng sang Giám đốc cũng không nên chỉ là thay đổi trên danh nghĩa mà cần thiết thay đổi cả tầm nhìn, năng lực, trình độ quản trị để thích nghi với mô hình quản trị mới, đáp ứng được kỳ vọng, mong đợi của toàn thể cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên trong việc chuyển đổi mô hình. Và làm được như vậy thì sự chuyển đổi mô hình mới đem lại những giá trị gia tăng”, Bộ trưởng gửi gắm.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng cho biết sẽ có cơ chế hỗ trợ và giám sát phù hợp để tạo điều kiện tốt nhất cho Đại học Kinh tế quốc dân phát triển.
Đại học Kinh tế quốc dân là một trong những cơ sở giáo dục đại học hàng đầu của Việt Nam nghiên cứu và đào tạo chuyên sâu về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh. Với tư cách là đơn vị trọng điểm quốc gia, Đại học Kinh tế quốc dân được Chính phủ và ngành Giáo dục ưu tiên đầu tư để phát triển thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục đại học.
Đại học Kinh tế quốc dân đã đạt được nhiều kết quả quan trọng với quy mô và chất lượng đào tạo hàng đầu trong khối ngành kinh tế tại Việt Nam. Với 88 ngành ở trình độ đại học, 70 ngành trình độ sau đại học, hàng năm, trường đào tạo hơn 40.000 sinh viên và học viên; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, bao gồm các chuyên gia, nhà quản lý và nhà khoa học, phục vụ cho sự phát triển kinh tế – xã hội từ Trung ương đến địa phương, cũng như đáp ứng nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây cũng là trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu của cả nước với nhiều đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp bộ và cấp cơ sở. Hàng năm, trường tổ chức nhiều hội thảo khoa học uy tín, trong đó có nhiều hội thảo quốc tế có chất lượng được đánh giá cao.
Bên cạnh đó, Đại học Kinh tế quốc dân còn là một trung tâm nghiên cứu lớn, góp phần xây dựng các chính sách kinh tế, cải thiện mô hình quản lý và thúc đẩy phát triển khoa học kỹ thuật chất lượng cao cho đất nước. Với uy tín và vị thế của mình, Đại học Kinh tế quốc dân đã trở thành địa chỉ đáng tin cậy cho các mối quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế sâu rộng trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn. Trường cũng đóng vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy hội nhập quốc tế trong giáo dục, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ giáo dục toàn cầu.
Đại học Kinh tế Quốc dân đã được Nhà nước và quốc tế ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý
Trải qua gần 70 năm xây dựng và phát triển, Đại học Kinh tế quốc dân đã từng bước khẳng định vị thế và uy tín của mình như một trung tâm nghiên cứu, đào tạo hàng đầu về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh tại Việt Nam.
Được biết, Đại học Kinh tế Quốc dân được thành lập ngày 25/1/1956, đánh dấu bước khởi đầu cho một chặng đường với những khát vọng to lớn và những đóng góp quan trọng cho nền giáo dục của đất nước. Nhìn lại lịch sử phát triển của Đại học Kinh tế Quốc dân, được thành lập vào năm 1956, trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam chuyên đào tạo về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh. Sự ra đời của nhà trường đáp ứng nhu cầu cấp bách về việc đào tạo đội ngũ chuyên gia kinh tế phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh hậu kháng chiến chống Pháp.
Giai đoạn 1956-1986, đất nước đi vào cuộc kháng chiến chống Mỹ và khôi phục nền kinh tế sau khi kết thúc chiến tranh vào năm 1975, Đại học Kinh tế Quốc dân đã góp phần quan trọng vào việc đào tạo nhân lực phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền kinh tế kế hoạch tại miền Bắc. Bên cạnh đó, nhiều cán bộ, giảng viên và sinh viên của Nhà trường đã “xếp bút nghiêng”, lên đường tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, đã có những người vĩnh viễn nằm lại chiến trường cho sự độc lập tự do của tổ quốc và những người lính từng là giảng viên, sinh viên lại trở về giảng đường, tiếp tục đi dạy, đi học, phẩm chất yêu nước, kiên cường, dũng cảm của họ được tôi rèn trong chiến trường đã tạo nên “chất thép” giúp họ thêm vững vàng trên trận tuyến mới.
Từ năm 1986 đến nay, cùng với sự đổi mới toàn diện của đất nước, Đại học Kinh tế Quốc dân đã có vai trò quan trọng trong việc truyền đạt kiến thức và tư tưởng về kinh tế thị trường vào nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh đổi mới và cải cách sâu rộng, trường đã đóng góp chủ yếu trong việc đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường của đất nước.
Và trong suốt quá trình phát triển ấy, Đại học Kinh tế Quốc dân đã được Nhà nước và quốc tế ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân Chương Hồ Chí Minh (2001, 2011); Danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới (2000); Huân chương Độc lập Hạng Nhất (1996); Huân chương Độc lập Hạng Nhì (1991); Huân chương Độc lập Hạng Ba (1986); Huân chương Lao động hạng Nhất (1983, 2016); Huân chương Lao động hạng Nhì (1978); 02 Huân chương Lao động hạng Ba (1961, 1972); 01 Huy chương Hữu nghị của Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Linh An