Bài luận về bão giúp chàng trai Bắc Giang giành học bổng TS 6,7 tỷ đồng tại Mỹ

Bài luận là yếu tố quan trọng giúp ghi điểm trong quá trình “săn” học bổng

Lương Minh Khánh (24 tuổi, quê Bắc Giang) xuất sắc giành được học bổng toàn phần chương trình tiến sĩ ngành Khoa học khí tượng, Đại học Indiana (Mỹ). Theo đó, học bổng của Khánh trị giá khoảng hơn 1,5 tỷ đồng/năm, bao gồm học phí, sinh hoạt phí và bảo hiểm. Minh Khánh sẽ làm nghiên cứu sinh trong 4,5 năm.

436668985_365311572569686_8659691114564930684_n.jpg
Với Lương Minh Khánh, hành trình du học tiến sĩ ở Mỹ sẽ giúp cậu học hỏi thêm những kiến thức chuyên sâu và có những trải nghiệm đáng nhớ. Ảnh: NVCC

“Các giáo sư ở Mỹ rất coi trọng bài luận thể hiện mục đích học tập, nghiên cứu. Ứng viên càng thể hiện động lực và sự cam kết thì càng ghi điểm. Tôi đã dành nhiều thời gian, chuẩn bị kỹ lưỡng cho bài luận. Trong các buổi phỏng vấn, điều quan trọng nhất là phải thể hiện được mục tiêu cá nhân và chứng minh cho giáo sư, hội đồng học bổng thấy kế hoạch, quyết tâm cao độ để đạt được mục tiêu đó. Tôi chỉ nộp hồ sơ học bổng chương trình tiến sĩ vào duy nhất Đại học Indiana. May mắn đến cuối cùng tôi đã hoàn thành được mục tiêu của mình”, Minh Khánh chia sẻ.

Minh Khánh cho biết thêm, bài luận của cậu “ăn điểm” bởi sự thành thật và thể hiện mục tiêu nghiên cứu để cống hiến cho quốc gia. Khánh bộc bạch: “Quê ngoại tôi ở Nghệ An – nơi hàng năm đều phải chịu thiệt hại bởi những cơn bão. Tôi mong muốn được nghiên cứu về bão, về khí tượng để sau này có thể ứng dụng những kiến thức khoa học giúp đỡ quê hương, đất nước. Đó cũng chính là lý do khiến tôi quyết tâm theo đuổi, nghiên cứu sâu về ngành Khoa học khí tượng. Tôi đã thể hiện rõ quyết tâm đó trong bài luận cũng như trong vòng phỏng vấn.

Ngoài ra, trong hồ sơ xin học bổng, tôi có thêm bảng điểm, thư giới thiệu từ giáo sư nên đến vòng phỏng vấn mọi thứ cũng có phần đỡ áp lực hơn. Hội đồng sẽ hỏi về động lực và những hoạt động mà ứng viên mong muốn thực hiện. Từ khi tôi nộp hồ sơ cho đến lúc nhận tin trúng tuyển chương trình tiến sĩ với học bổng toàn phần là khoảng 2 tuần”.

Đưa ra lời khuyên với những bạn trẻ muốn xin học bổng du học, đặc biệt là học bổng du học bậc tiến sĩ, Lương Minh Khánh nhấn mạnh, việc chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng và tìm hiểu thông tin về học bổng để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu để đăng ký chương trình tiến sĩ vào ngôi trường mong muốn là điều cần thiết.

Trước đó, Khánh học ngành Khoa học Vũ trụ và Công nghệ Vệ tinh, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Cậu tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi và học tiếp lên thạc sĩ tại trường. Khi chưa hoàn thành chương trình thạc sĩ, Khánh đã xuất sắc giành học bổng toàn phần tiến sĩ.

“Chương trình ngành Khoa học Vũ trụ và Công nghệ Vệ tinh đòi hỏi người học cần có một nền tảng tốt về toán học và vật lý. Đồng thời, ngành này cũng trang bị cho người học hàm lượng kiến thức, kỹ năng chuyên môn thông qua các dự án nghiên cứu, thí nghiệm thực tiễn. Vì thế tôi có thể tự tin trong lĩnh vực vũ trụ và những ngành khoa học liên quan. Mặt khác, ngành học này cũng có cơ hội thăng tiến trong học thuật là không biên giới, vì quốc gia nào cũng cần nhân lực ngành này.

Khi theo học tại Mỹ, tôi vẫn ứng dụng các kiến thức đã được trang bị ở Việt Nam để hoàn thành tốt các môn học trong mảng Khoa học khí quyển. Bên cạnh đó, kiến thức về lập trình python cũng giúp tôi nhanh chóng thích ứng với công việc nghiên cứu”, chàng trai Việt cho biết thêm.

Bên cạnh đó, theo Khánh, trong suốt quá trình học đại học và cao học, cậu tích cực trao đổi với thầy cô và học cách ghi nhớ kiến thức ngay trên lớp. Khi có kiến thức nào chưa nắm rõ, chưa hiểu rõ, Khánh sẽ hỏi lại để nhớ sâu hơn. Ngoài ra, cậu cũng chú ý đến cách mọi người trong lớp đặt câu hỏi, sau đó phân tích, đánh giá vấn đề theo hướng mới, từ đó có thể cải thiện tư duy. Trước mỗi buổi học, Khánh thường đọc tài liệu, xem trước nội dung và ghi chép lại những phần cần chú ý. Nhờ cách học này mà cậu có thể hệ thống kiến thức nhanh và chắc chắn hơn.

Mong muốn trở về cống hiến cho quê hương sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ

Minh Khánh cho rằng: “Học tiến sĩ không đơn thuần là một cấp bậc học, vì tôi xác định bản thân mong muốn theo đuổi lĩnh vực nghiên cứu giảng dạy. Và tôi cũng luôn tâm niệm, để bắt đầu hành trình trau dồi kinh nghiệm nghiên cứu thì theo học chương trình tiến sĩ là bước đệm đầu tiên”.

436678853_1820842018390829_6918723805281162359_n.jpg
Khánh cho rằng, vượt qua những khó khăn, thử thách là cách để mỗi người tự rèn luyện, hướng đến phiên bản hoàn hảo nhất của chính mình. Ảnh: NVCC.

Là nghiên cứu sinh tại Đại học Indiana, Khánh tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về bão thông qua việc sử dụng các thuật toán học máy. Theo chàng trai này, đây là một lĩnh vực khá đặc thù, đòi hỏi người học phải thật sự đam mê, kiên trì bền bỉ. Ngoài ra, Khánh cũng chia sẻ, ngành này cũng áp dụng trí tuệ nhân tạo để dự đoán, quản lý hướng đi của bão, dự đoán khi nào có bão. Đây là một điểm hấp dẫn khiến cậu nghiên cứu miệt mài và thích thú khi phát hiện ra những kiến thức mới.

“Dù chúng ta ở đâu, miễn là chúng ta có năng lực và có đam mê thì vẫn có thể giành được những cơ hội tốt. Trước mắt bản thân sẽ cố gắng hoàn thành chương trình học tiến sĩ thật tốt cũng như có thêm nhiều cơ hội kết nối với những giáo sư đầu ngành và đồng nghiệp để học hỏi, trau dồi thêm những kiến thức và kỹ năng cần thiết. Tôi mong sau khi hoàn thành sự nghiệp học tập, nghiên cứu ở Mỹ sẽ trở về cống hiến cho quê hương, đất nước”, Khánh tâm sự thêm.

Nhìn lại hành trình đã qua, Minh Khánh cảm thấy biết ơn những trải nghiệm giúp cậu có thêm sự tự tin và kỹ năng.

“Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã được bố mẹ dạy cách sống tự lập và tự chịu trách nhiệm với những hành động của bản thân. Có lẽ vì thế nên dù sống xa nhà, tôi cũng không gặp quá nhiều khó khăn. Những ngày đầu mới sang Mỹ, tôi nhớ đồ ăn Việt Nam và đôi khi thấy mất thời gian vì khoản làm giấy tờ, thủ tục. Tuy nhiên, ngay sau đó tôi đã học cách thích nghi và vượt qua những rào cản ban đầu để có thể theo đuổi mục tiêu của riêng mình”, Khánh khẳng định.

Chàng trai Việt cũng chia sẻ về một số khoản chi phí học tập, sinh hoạt ở Mỹ.

Về nhà ở: Chi phí thuê nhà khoảng từ 400 – 1.200 USD/ tháng (khoảng từ 10 – 30 triệu đồng). Chi phí này đã bao gồm tiền điện, nước, mạng internet. Nếu chọn các trường trong “College town” – thị trấn đại học thì tiền thuê nhà sẽ rẻ hơn.

Về sinh hoạt, Khánh đánh giá, sinh hoạt phí tại đây khá cao, do đó cậu thường tự nấu ăn với chi phí khoảng từ 70 – 80 USD/tuần (khoảng 1,7 – 2 triệu đồng). Có những tuần, Khánh chỉ mất khoảng 40 USD (khoảng 1 triệu đồng) để mua đồ ăn.

“Ở Mỹ có văn hóa tiền tip nên khi mua đồ gì cũng cần tip từ 10-20% giá trị món hàng. Ngoài ra cũng cần tìm hiểu kỹ về thuế hàng hóa nơi mình sinh sống để có kế hoạch chi tiêu hợp lý hơn”, Minh Khánh đưa ra lời khuyên.

Về chi phí đi lại, theo Khánh, đa số các viện/đại học lớn đều bảo đảm miễn phí cho sinh viên khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng như xe buýt. Nếu đi taxi thì mất khoảng 10 USD (250.000 đồng) cho chặng đường dưới 5 km.

Với Minh Khánh, dù bản thân giành được học bổng có giá trị, được hỗ trợ về mặt tài chính trong quá trình nghiên cứu nhưng việc biết cách lập kế hoạch chi tiêu hợp lý là điều cần thiết.

Minh Khánh nhắn gửi đến các bạn trẻ đang ấp ủ ước mơ giành học bổng du học Mỹ: “Nghiêm túc chuẩn bị và luôn có sự tin tưởng vào bản thân là những yếu tố quan trọng để biến một ước mơ thành mục tiêu cụ thể, từ đó vạch ra những kế hoạch để chinh phục chúng. Bên cạnh đó, đừng bao giờ ngại khó, ngại tìm tòi và ngại học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước. Thông qua những bài học thực tế bạn sẽ có những góc nhìn mới, tìm hướng đi đúng cho chính mình, từ việc chọn ngành học cho đến học lên các bậc cao hơn”.

Nhi Anh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *