Dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học đang nhận được sự quan tâm rất lớn của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý ở các cấp học.
Dự thảo Thông tư lần này đã có nhiều điểm mới so với quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông hiện nay.
Nhiều điểm mới về quy đổi tiết dạy dạy học trực tuyến theo kế hoạch giáo dục của nhà trường; dạy tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một; dạy liên trường; giáo viên được phân công làm ban giám khảo trong các cuộc thi hoặc hội thi của giáo viên cấp trường; giáo viên tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi …
Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi được quan tâm
Dự thảo Thông tư lần này đã quan tâm nhiều đến vấn đề dạy bồi dưỡng học sinh giỏi ở nhà trường. Dự thảo Thông tư nêu rõ: “Giáo viên tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi… 01 tiết dạy trực tiếp (hoặc trực tuyến) được quy đổi tối đa không quá 02 tiết định mức”.
Đây được xem là sự quan tâm lớn về chính sách đối với giáo viên đảm nhận công tác bồi dưỡng học sinh giỏi trong các trường phổ thông.
Bởi, từ trước đến nay, chế độ bồi dưỡng cho giáo viên dạy học sinh giỏi ở mỗi trường, mỗi địa phương vẫn còn bỏ ngỏ nên mỗi địa phương, mỗi trường học thường có một cách làm khác. Có nơi, thầy cô nói vui là vì học sinh nên “dạy vì đam mê là chính” , nhận thù lao “cho vui” vì mức bồi dưỡng nhận được chẳng đáng là bao.
Nay, dự thảo Thông tư quy định 01 tiết dạy trực tiếp (hoặc trực tuyến) sẽ được tính 02 tiết định mức. Việc trả thù lao xứng đáng cho giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi là hợp lý. Bởi, để những tiết dạy cho học sinh giỏi đạt được hiệu quả cao thì thầy cô phải đầu tư công sức, trí tuệ rất nhiều.
Băn khoăn công tác phụ đạo học sinh yếu, kém còn bỏ ngỏ
Bồi dưỡng học sinh giỏi và kèm cặp, phụ đạo học sinh yếu, kém là 2 công việc trọng tâm của giáo viên, của nhà trường cũng như của ngành. Bồi dưỡng học sinh giỏi giúp cho công tác khuyến tài ở mỗi trường học được phát triển bền vững.
Tuy nhiên ở bậc tiểu học hiện nay đã không còn kỳ thi dành cho học sinh giỏi do ngành giáo dục tổ chức như 2 bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Vì thế, việc bồi dưỡng học sinh giỏi không còn được tổ chức tập trung như trước đây mà chủ yếu do giáo viên dạy thêm kiến thức nâng cao trong các tiết dạy của mình.
Ở bậc tiểu học thì công tác phụ đạo, kèm cặp học sinh yếu, kém luôn đóng vai trò quan trọng nhất trong việc dạy học sinh. Việc kèm cặp, phụ đạo học sinh yếu kém mang lại một ý nghĩa lớn trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, không chỉ hạn chế mức thấp nhất học sinh ngồi nhầm lớp mà còn làm vơi đi gánh nặng lo toan cho gia đình.
Hiện nay, công tác phụ đạo, kèm cặp học sinh yếu kém ở bậc tiểu học chủ yếu giao cho giáo viên chủ nhiệm. Đa số các thầy cô đều có kế hoạch, kèm, phụ đạo cho các em trong mỗi giờ dạy. Những giáo viên nhiệt tình hơn thì kèm cặp thêm vào đầu giờ hoặc mỗi giờ ra chơi.
Tuy nhiên, do thời gian không cho phép (tiết học 35 phút phải dạy kiến thức cho nhiều đối tượng học sinh, giáo viên khó có thể dành nhiều thời gian cho những học sinh yếu, kém). Vào những giờ ra chơi, học sinh cũng mất tập trung khi xung quanh các bạn vui chơi còn mình phải ngồi học. Vì thế, chất lượng kèm cặp, phụ đạo những đối tượng học sinh này chưa thật sự hiệu quả.
Học sinh yếu kém cần được bồi dưỡng, kèm cặp thế nào mới có chất lượng?
Thường thì học sinh tiểu học yếu kém chủ yếu tập trung ở 2 môn Toán và tiếng Việt. Muốn kèm cặp, phụ đạo học sinh có kết quả, các em phải được kèm cặp riêng trong một nhóm có cùng lực học như nhau và thời gian kèm cặp lâu dài do sự tiến bộ của những học sinh có lực học yếu, kém thường rất chậm.
Ở một số địa phương cũng đã áp dụng giải pháp nêu trên để hỗ trợ học sinh yếu kém lấy lại kiến thức cơ bản. Đó là việc, mỗi lớp (trong cùng một khối lớp) đã cho những học sinh có lực học yếu 2 môn Toán, tiếng Việt để phụ đạo riêng.
Buổi sáng, các em vẫn học chung với lớp của mình. Buổi chiều, những học sinh này sẽ tập trung vào một lớp đã được giáo viên chọn trước đó. Căn cứ vào lịch giảng dạy của giáo viên trong tổ, nhà trường sẽ phân công các thầy cô kèm cặp xoay vòng, mỗi tuần học sinh được học thêm từ 2 đến 3 buổi.
Do không có quy định trả thù lao cho giáo viên giảng dạy, kèm cặp học sinh yếu kém nên một số trường học chủ yếu chỉ động viên giáo viên dạy hỗ trợ. Có trường lại không thể tổ chức phụ đạo, kèm cặp học sinh yếu kém theo hình thức dạy miễn phí như vậy vì giáo viên có thể hỗ trợ giảng dạy vài tuần lễ chứ không thể hỗ trợ miễn phí dạy cả năm học.
Vì thế, nhiều thầy cô dạy bậc tiểu học và các nhà quản lý cũng rất mong có thêm quy định về chế độ cho giáo viên đảm nhận thêm công tác phụ đạo, kèm cặp học sinh yếu kém cũng là tạo điều kiện cho các trường thực hiện tốt chất lượng giáo dục, giảm thiểu đến mức thấp nhất việc học sinh ngồi nhầm lớp nếu có.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Đỗ Quyên