Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, Lịch sử và Địa lí trở thành môn học tích hợp ở bậc trung học cơ sở. Nhu cầu giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lí trên toàn quốc tăng cao.
Nắm bắt tình hình thực tế, các trường đại học nhanh chóng mở ngành Sư phạm Lịch sử và Địa lí và thu hút một lượng thí sinh lớn.
Năm 2024, điểm chuẩn ngành học này theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông tại nhiều cơ sở giáo dục đại học khá cao. Theo đó, điểm chuẩn ngành Sư phạm Lịch sử và Địa lí của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2024 theo kết quả kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông là 28,83; tương tự điểm chuẩn ngành này của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh là 27,75; Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) là 27,43; Trường Đại học Giáo dục là 28,76; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 là 28,42….
Cơ hội làm việc rộng mở nhờ đáp ứng nhu cầu cấp bách
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành, Trưởng khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Sự thay đổi trong chương trình giáo dục phổ thông đã tạo ra một nhu cầu rất lớn về đội ngũ giáo viên có năng lực để giảng dạy môn học tích hợp Lịch sử và Địa lí trên toàn quốc, đặc biệt trong bối cảnh nhiều trường học còn thiếu giáo viên đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới.
Bên cạnh việc giảng dạy, sinh viên tốt nghiệp ngành này còn có nhiều lựa chọn nghề nghiệp khác. Các em có thể trở thành nghiên cứu viên trong các lĩnh vực liên quan như Lịch sử, Địa lí, Khoa học Giáo dục, và Khoa học xã hội tại các viện nghiên cứu. Cơ hội làm việc tại các trung tâm giáo dục STEM cũng là một hướng đi đầy triển vọng, khi nhu cầu tích hợp kiến thức liên ngành ngày càng được coi trọng.
Ngoài ra với lợi thế đào tạo trong một cơ sở giáo dục đại học đa ngành nên các em có thể học bằng kép để lấy bằng cử nhân một số ngành như: Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Địa lí hoặc Ngôn ngữ Anh.
Nhà trường cũng có các chương trình để sinh viên có thể học lên bậc cao hơn như: Thạc sĩ Lý luận phương pháp dạy học Lịch sử, Thạc sĩ Lý luận phương pháp dạy học các bộ môn tích hợp; hay bậc Tiến sĩ với chương trình Tiến sĩ Lý luận, Phương pháp và Công nghệ dạy học.
Như vậy, ngành Sư phạm Lịch sử và Địa lí không chỉ đáp ứng nhu cầu cấp bách về nhân lực giáo dục mà còn mở ra nhiều hướng đi linh hoạt cho sinh viên trong tương lai. Điều quan trọng là các em cần nắm bắt tốt những kỹ năng chuyên môn và nghiệp vụ trong quá trình học tập để tận dụng những cơ hội này”.
Để theo học một ngành còn rất mới mẻ, sinh viên cũng cần trang bị nhiều kiến thức mới. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành cho hay, chương trình đào tạo cử nhân Sư phạm Lịch sử và Địa lí tại Trường Đại học Giáo dục là chương trình đầu tiên đào tạo giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lí trong các cơ sở giáo dục đại học đào tạo giáo viên tại Việt Nam.
Đây là chương trình tiên phong, được xây dựng dựa trên việc cập nhật tình hình thực tiễn trong nước và tham khảo từ các chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là tại Hoa Kỳ.
Chương trình này hướng đến mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, với nền tảng kiến thức vững chắc về cả Lịch sử và Địa lí, đồng thời kết hợp với khoa học giáo dục hiện đại.
Một trong những chuẩn đầu ra quan trọng của chương trình là sinh viên có khả năng vận dụng kiến thức cơ bản và nâng cao về cả hai chuyên ngành để đáp ứng yêu cầu giảng dạy ở bậc học phổ thông. Bên cạnh đó, các em còn được trang bị kiến thức tích hợp liên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn trong dạy học.
Chương trình đào tạo được thiết kế với tổng cộng 140 tín chỉ, trong đó có 53 tín chỉ dành cho khối kiến thức theo nhóm ngành, tập trung vào các nội dung cơ bản của cả Lịch sử và Địa lí; 12 tín chỉ dành riêng cho các học phần tích hợp, xoay quanh 4 chủ đề tích hợp trọng tâm của chương trình Lịch sử và Địa lí cấp trung học cơ sở.
Ngoài ra, chương trình còn có các học phần độc đáo như Địa phương học và Các dự án STEAM trong dạy học liên môn Lịch sử và Địa lí, giúp sinh viên không chỉ nắm vững kiến thức chuyên ngành mà còn phát triển kỹ năng sáng tạo, giải quyết vấn đề thực tiễn.
Cùng đào tạo ngành Sư phạm Lịch sử và Địa lí, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 thu hút được số lượng lớn sinh viên đăng ký dự thi. Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng – Trưởng khoa Lịch sử của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 chia sẻ: “Năm 2023, ngành này có 65 thí sinh trúng tuyển nhập học, điểm trúng tuyển là 27,43 điểm; năm 2024 có 143 thí sinh trúng tuyển nhập học, điểm trúng tuyển là 28,42 điểm. Như vậy có thể thấy, sinh viên đầu vào có chất lượng rất tốt”.
Ở khu vực phía Nam, theo Tiến sĩ Nguyễn Thế Hồng – Trưởng bộ môn Lịch sử của Khoa Sư phạm Khoa học xã hội, Trường Đại học Đồng Tháp, nhà trường đã và đang tham gia phối hợp với nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo trên phạm vi cả nước tổ chức các khóa bồi dưỡng chương trình Lịch sử và Địa lí cho giáo viên bậc trung học cơ sở, nhằm đáp ứng trước mắt yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Trong tương lai, có rất nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ngành cử nhân Sư phạm Lịch sử và Địa lí.
Để có thể theo học ngành này, người học cần tiếp cận kiến thức tích hợp từ đơn môn sang liên môn. Trước tiên, người học cần phải bồi dưỡng kiến thức đơn môn sau đó trau dồi kiến thức tổng hợp lồng ghép và tích giữa 2 phân môn.
Đáp ứng yêu cầu đó, trong chương trình đào tạo ngành Sư phạm Lịch sử và Địa lí tại Trường Đại học Đồng Tháp được thiết kế các mạch kiến thức của Lịch sử và Địa lí tích hợp ở mức độ cơ bản, sắp xếp gần nhau nhằm soi sáng và hỗ trợ lẫn nhau, bám sát nội dung chính để đáp ứng chương trình phổ thông 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Về phân môn Lịch sử, giúp người học có kiến thức theo trục lịch đại, đó là các kiến thức về lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam và một số chuyên đề bổ trợ. Về phân môn Địa lí, giúp người học có kiến thức về địa lí kinh tế – xã hội Việt Nam và thế giới; kiến thức địa lý tự nhiên Việt Nam và thế giới và một số chuyên đề bổ trợ.
Về tích hợp lịch sử – địa lí, trong chương trình đào tạo là sự bổ sung lẫn nhau giữa tư duy lịch sử và tư duy địa lí. Theo đó, khi học Lịch sử, người học biết đặt các sự kiện lịch sử trong các bối cảnh địa lí, biết đánh giá tác động của các nhân tố địa lý đối với tiến trình lịch sử và ngược lại. Trong chương trình đào tạo có một số chủ đề tích hợp giữa kiến thức lịch sử và địa lí.
Bên cạnh đó, trong chương trình đào tạo có các học phần giúp trang bị cho người học các kỹ năng, phương pháp tổ chức dạy – học phù hợp sau khi tốt nghiệp.
Sinh viên có cơ hội thực hành nghề từ sớm
Ngành Sư phạm Lịch sử và Địa lí nhận được nhiều sự đầu tư của các cơ sở giáo dục đại học. Tiến sĩ Nguyễn Thế Hồng cho biết, tham gia chính đào tạo cử nhân ngành Sư phạm Lịch sử và Địa lí tại Trường Đại học Đồng Tháp là 2 bộ môn: Bộ môn Sư phạm Lịch sử gồm có 8 giảng viên (6 tiến sĩ, 2 thạc sĩ); Bộ môn Sư phạm Địa lý có 5 giảng viên (1 phó giáo sư; 3 tiến sĩ; 1 thạc sĩ), trong đó có nhiều giảng viên được đào tạo từ các cơ sở giáo dục nước ngoài.
Ngoài ra, hàng năm, Khoa Sư phạm Khoa học xã hội tiến hành thỉnh giảng giảng viên, giáo viên ngoài trường để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân ngành Sư phạm Lịch sử và Địa lí. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất, học liệu, môi trường học tập tại Trường Đại học Đồng Tháp thuận lợi và tiện nghi cũng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo các ngành học, trong đó có ngành Sư phạm Lịch sử và Địa lí.
Chia sẻ về ngành Sư phạm Lịch sử và Địa lí của Trường Đại học Giáo dục, thầy Thành cho hay, nhờ lợi thế từ mô hình liên kết A+B trong Đại học Quốc gia Hà Nội, chương trình đào tạo được xây dựng với sự phối hợp giữa Khoa Sư phạm cùng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên.
Điều này mang lại lợi thế vượt trội khi đội ngũ giảng viên giảng dạy các khối kiến thức cơ bản về Lịch sử và Địa lí đều là những chuyên gia đầu ngành, có trình độ chuyên môn sâu và uy tín hàng đầu cả nước trong lĩnh vực khoa học cơ bản.
Phương pháp giảng dạy tích cực như dạy học dự án, dạy học hợp tác được triển khai thông qua các hình thức hiện đại như học tập kết hợp (Blended Learning), lớp học đảo ngược (Flipped Classroom).
Chương trình đào tạo thiết kế theo hướng phát triển năng lực, đảm bảo sinh viên có nền tảng vững chắc về kiến thức Lịch sử và Địa lí; trang bị các phương pháp giảng dạy tiên tiến và khả năng thích ứng với chương trình giáo dục phổ thông mới; thành thạo kỹ năng nghề nghiệp và công nghệ thông tin.
Vì lẽ đó, sinh viên được tham gia thực tập sư phạm từ năm thứ hai tại các trường phổ thông chất lượng cao tại Hà Nội. Điều này giúp các em làm quen với thực tiễn giảng dạy và phát triển kỹ năng nghề nghiệp ngay từ sớm, có sự tương tác giữa các nội dung lí thuyết tại trường đại học và thực hành tại trường phổ thông.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành, trong mùa tuyển sinh năm 2025, ngành Sư phạm Lịch sử và Địa lí của Trường Đại học Giáo dục sẽ có một số điểm điều chỉnh để phù hợp với quy chế tuyển sinh mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như định hướng chiến lược của nhà trường. Dự kiến như sau:
Ngành tuyển sinh qua các phương thức: xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội, ưu tiên những học sinh đạt thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu khoa học, hoặc đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Về chương trình đào tạo: Các nội dung mới sẽ được đưa vào nhằm tăng cường kỹ năng liên môn, giúp sinh viên vận dụng linh hoạt kiến thức Lịch sử và Địa lí trong dạy học tích hợp, bổ sung các học phần liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin và các công cụ dạy học số, ví dụ như Ứng dụng AI; phân tích dữ liệu số thuộc lĩnh vực Lịch sử và Địa lí; Giáo dục bền vững.
Bên cạnh đó, mở rộng thời lượng và phạm vi thực tập và trải nghiệm nghề không chỉ tại các trường phổ thông chất lượng cao và quốc tế mà còn bổ sung các đợt thực tập trải nghiệm gắn với các học phần về nghiệp vụ chuyên môn tại các địa điểm, di tích lịch sử hay đa dạng địa lí giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng thực tiễn ngay từ năm thứ hai.
Theo thầy Nguyễn Văn Dũng, nội dung học tập ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 được giảng viên thiết kế với các hình thức, phương pháp giảng dạy hiện đại, cập nhật, tăng cường giờ học trải nghiệm thông qua dạy học dự án, hội thảo, câu lạc bộ, học tập thực tế… gắn lý thuyết với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp, kiểm tra đánh giá đối với giáo dục đại học, giáo dục phổ thông.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học lịch sử và địa lí được chú trọng, đặc biệt ứng dụng AI, công nghệ thực tế ảo (VR), công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR). Mô hình lớp học đảo ngược được thực hiện ở tất cả các học phần thông qua hệ thống quản lý học tập (LMS) giúp sinh viên nâng cao năng lực tự học.
Hiện tại đội ngũ giảng viên ngành Sư phạm Lịch sử và Địa lí có 21 giảng viên, trong đó có: 2 phó giáo sư, 16 tiến sĩ, 4 thạc sĩ. Đội ngũ giảng viên hầu hết còn trẻ, tâm huyết với nghề, sáng tạo, luôn tận tâm hỗ trợ sinh viên.
Ngoài ra, Khoa Lịch sử rất chú trọng tổ chức các hoạt động ngoại khoá theo mô hình câu lạc bộ chuyên môn (Câu lạc bộ Sử học sinh viên, Câu lạc bộ Địa lí, câu lạc bộ Nghiệp vụ sư phạm), tổ chức các chương trình “Sân chơi sử học”, “Người giáo viên tương lai”, “Hành trình di sản quê hương”, xuất bản “Nội san sinh viên nghiên cứu khoa học”,… nhằm tăng cường kiến thức, kĩ năng và niềm yêu thích môn Lịch sử và Địa lí.
“Về phương thức tuyển sinh năm 2025, ngoài những phương thức áp dụng năm 2024 thì sẽ có thêm phương thức tuyển sinh thông qua kỳ đánh giá năng lực riêng của trường. Các phương thức tuyển sinh chính thức sẽ có trong Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 công bố sớm trong thời gian tới” – thầy Dũng bày tỏ.
Trần Trang