Xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc chính là một trong những mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển của đất nước. Điều này cũng đặt ra yêu cầu về nguồn nhân lực của ngành văn hóa, phải đảm bảo đủ chất lượng và số lượng.
Tuy nhiên, những năm gần đây, việc tuyển sinh ngành Quản lý văn hóa hệ đại học chính quy tại các trường đại học gặp không ít khó khăn do nhiều bạn trẻ chưa hiểu hết về vai trò cũng như vị trí việc làm của ngành này.
Sinh viên chưa hiểu rõ vai trò cũng như vị trí việc làm của ngành
Trao đổi với Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Công Dụng, Trưởng khoa Văn hóa – Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cho hay, ngành Quản lý văn hóa là ngành đào tạo truyền thống của trường, chỉ sau ngành Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mỹ thuật.
Chương trình đào tạo của ngành được thiết kế, xây dựng trên cơ sở nghiên cứu, kế thừa các chương trình đào tạo trong nước và một số nước trên thế giới, phát huy thế mạnh về đào tạo lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.
Chương trình đào tạo cử nhân ngành Quản lý văn hóa bao gồm 132 tín chỉ, phân bổ theo tính chất, yêu cầu của các học phần, đi từ khối kiến thức chung nhất đến kiến thức chuyên môn hóa, đáp ứng mục tiêu đào tạo và chuẩn đầu ra.
Cũng theo thầy Dụng, ngoài đào tạo đại học chính quy, nhà trường còn liên kết với các cơ sở giáo dục của các tỉnh, thành phố đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp, cao đẳng lên đại học, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác văn hóa của địa phương.
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh, Phó trưởng Khoa Du lịch và Công tác xã hội, Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Vinh cho biết, năm 2016, Trường Đại học Vinh đã xây dựng và phát triển chương trình đào tạo đại học chính quy theo tiếp cận CDIO (hình thành ý tưởng, thiết kế ý tưởng, thực hiện, và vận hành), trong đó có ngành Quản lý văn hóa.
Chương trình đào tạo của ngành Quản lý văn hóa tại trường được định hướng đẩy mạnh năng lực CDIO của người học, tăng cường trải nghiệm nghề nghiệp, nâng cao chuẩn công nghệ thông tin và ngoại ngữ; chú trọng dạy học dựa trên dự án, triển khai triệt để đánh giá dựa trên chuẩn đầu ra gắn với thực tiễn và đổi mới sáng tạo.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh, những năm gần đây, quá trình tuyển sinh ngành Quản lý văn hóa gặp một số khó khăn. Nguyên nhân là do ngành học này chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của xã hội. Đồng thời các bạn trẻ chưa hiểu hết tầm quan trọng cũng như các vị trí việc làm sau khi ra trường của ngành này.
Ngoài ra, các vị trí việc làm trong Nhà nước ngành Quản lý văn hóa số lượng tuyển rất ít, thu nhập thấp hơn so với nhiều ngành “hot” cũng là một nguyên nhân khiến ngành này khó tuyển sinh hệ chính quy.
Tuy nhiên, theo cô Vinh, với hệ đào tạo vừa học vừa làm và hệ đào tạo từ xa, ngành Quản lý văn hóa có xu hướng tuyển sinh khá tốt. Sinh viên hai hệ này có chất lượng đầu vào cao vì đã có kiến thức thực tiễn.
“Các sinh viên hệ vừa học vừa làm và hệ đào tạo từ xa đa số đã có việc làm. Trong quá trình công tác, nhiều cơ quan yêu cầu người lao động phải có kiến thức chuyên sâu, bài bản về quản lý văn hóa hay để thăng tiến trong công việc, vì thế nhiều người quyết định đi học để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cũng như đáp ứng yêu cầu về bằng cấp”, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh thông tin.
Cô Vinh cũng cho biết thêm, thực tế, học ngành Quản lý văn hóa sinh viên hoàn có thể công tác tại các công ty, doanh nghiệp ngoài nhà nước. Cơ hội việc làm của ngành này tương đối rộng mở.
Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tại những cơ quan quản lý thiết chế văn hoá các cấp từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã như: thư viện, bảo tàng, sở văn hoá và thể thao, phòng văn hoá – thông tin, trung tâm văn hóa, thể thao và truyền thông, trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật, nhà hát (dân ca, kịch, chèo, tuồng, cải lương, múa rối…), ban quản lý di tích, khu di tích, các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý Nhà nước có nhu cầu tuyển dụng cán bộ văn hóa…
Tiến sĩ Hoàng Công Dụng cũng cho biết, việc tuyển sinh ngành Quản lý văn hóa hàng năm tại trường gặp một số khó khăn. Điểm khó khăn lớn nhất là do nhà trường được xã hội biết đến chủ yếu với hai ngành Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mỹ thuật, các ngành khác trong đó có ngành Quản lý văn hóa chưa được biết đến nhiều.
Ngoài ra, nhiều người vẫn nghĩ học ngành Quản lý văn hóa là để làm công tác quản lý văn hóa nhà nước. Trong khi đó, sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể đảm nhiệm nhiều vị trí việc làm ở các doanh nghiệp tư nhân như: các công ty liên quan đến tổ chức sự kiện, truyền thông, du lịch, các đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật, các điểm vui chơi, giải trí, trung tâm triển lãm…
Cử nhân tốt nghiệp ngành Quản lý văn hóa còn có thể lập dự án, đề án về văn hóa xã hội, hội chợ; Nghiên cứu và giảng dạy tại các tổ chức, cơ quan quản lý, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực văn hóa học, quản lý văn hóa; Cán bộ trong các cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội có nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực am hiểu kiến thức về văn hóa, nghệ thuật.
Những kỹ năng mà cử nhân ngành Quản lý văn hóa không thể thiếu
Chia sẻ về vị trí việc làm của cử nhân ngành Quản lý văn hóa, ông Nguyễn Hưng – Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ Vic Production (công ty làm việc trong lĩnh vực tổ chức sự kiện) cho hay, công ty có nhiều vị trí việc làm cho các bạn cử nhân tốt nghiệp ngành Quản lý văn hóa như: Backstage, Creator (sáng tạo nội dung trên các nền tảng như Facebook, Tiktok, Youtube,…), Event planner (lên kế hoạch tổ chức sự kiện), Account, …
Doanh nghiệp làm về sự kiện có những đặc thù riêng, vì vậy với các vị trí trên công ty cũng sử dụng rất nhiều nguồn nhân lực từ các chuyên ngành khác nhau, trong đó có ngành Quản lý văn hóa.
Cũng theo Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ Vic Production, cử nhân tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý văn hóa sẽ có lợi thế về khả năng bao quát, xử lý vấn đề tốt. Tuy nhiên, các bạn cần liên tục học hỏi, trau dồi chuyên môn và tìm tòi, sáng tạo những điều mới để bắt kịp xu hướng.
“Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên hãy chủ động bổ sung đầy đủ các kiến thức cơ bản, cần thiết để phục vụ cho công việc như kĩ năng tin học văn phòng, ngoại ngữ,… hay các kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, tạo tiền đề vững chắc cho bản thân sau khi tốt nghiệp, phát triển công việc, sự nghiệp”, ông Hưng nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Chí Thanh – Trưởng phòng Tổ chức biểu diễn – Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam cho rằng, để có thể làm việc trong các cơ quan Nhà nước hay các doanh nghiệp tư nhân, sinh viên ngành Quản lý văn hóa cần phải học thêm những kỹ năng mềm, tìm kiếm thêm các cơ hội được trải nghiệm nghề để tích lũy kinh nghiệm, năng động hơn, tư duy không ngại việc.
Ông Thanh cũng thông tin thêm, nhân sự trong đơn vị chủ yếu tốt nghiệp ngành Quản lý văn hóa và những ngành liên quan đến biểu diễn nghệ thuật.
Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam thường xuyên nhận sinh viên ngành Quản lý văn hóa và những ngành liên quan đến biểu diễn nghệ thuật của một số trường như: Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương,… vào thực tập. Các sinh viên sẽ được hướng dẫn quy trình thực hiện một chương trình, trực tiếp xây dựng sản xuất một chương trình.
Đánh giá về chất lượng sinh viên ngành này, ông Thanh khẳng định, các bạn có ưu thế thế hơn sinh viên các ngành khác về chuyên môn và những kiến thức về văn hoá. Tuy nhiên, khi thực tập xong, các bạn vẫn không đủ điều kiện để được giữ lại làm việc luôn. Có nhiều nguyên nhân được Trưởng phòng Tổ chức biểu diễn – Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam chỉ ra.
Thứ nhất, các bạn vẫn còn là sinh viên chưa tốt nghiệp, vẫn phải dành thời gian để hoàn thành chương trình học trên trường.
Thứ hai, khi ngồi trên giảng đường, sinh viên mới chỉ được cung cấp hệ thống những khái niệm, lý thuyết nhưng vẫn còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Quá trình thực tập tại các cơ quan, doanh nghiệp chỉ kéo dài 2-3 tháng, sinh viên chỉ được thực hành và biết cách làm việc. Do đó, các bạn chưa đủ thời gian để “va chạm” và rút ra nhiều kinh nghiệm cho bản thân.
Bên cạnh đó, ông Thanh cũng cho biết thêm, học ngành Quản lý văn hóa ra trường không đảm bảo sinh viên sẽ ngay lập tức trở thành nhà quản lý hay được nhận vào vị trí quản lý.
Khi mới ra trường, sinh viên nên tích lũy thêm kinh nghiệm trong lĩnh vực văn hóa và xây dựng giá trị thực tiễn từ việc đảm nhiệm nhiều vị trí và môi trường khác nhau.
Chị Nguyễn Bích Mai, cựu sinh viên khoa Quản lý văn hóa – Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, hiện đang công tác tại Phòng văn hoá Ủy ban phường Văn Quán, quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội chia sẻ: Học ngành Quản lý văn hóa là một lợi thế để ứng tuyển vào các cơ quan địa phương.
Tuy nhiên, không phải ai học ngành Quản lý văn hoá ra trường đều trúng tuyển vào làm vì ngoài bằng cấp, các cơ quan còn yêu cầu về kỹ năng và kinh nghiệm.
Bằng trải nghiệm thực tiễn của bản thân, chị Mai đưa ra lời khuyên cho các bạn sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường nếu xác định vào làm tại các cơ quan địa phương thì cần lên kế hoạch từ sớm và có lộ trình để bản thân thực hiện.
“Như bản thân tôi, ngay từ lớp 9 tôi tham gia các hoạt động của đoàn thanh niên tại phường, xã. Quá trình hoạt động tại đoàn thanh niên địa phương đã giúp tôi định hướng con đường phát triển sau này và đây cũng là một nguyên nhân khiến tôi lựa chọn theo học ngành Quản lý văn hoá.
Khi lên đại học, nhờ học tập tốt và hoạt động ngoại khóa tích cực, tôi được kết nạp Đảng. Đây cũng là yếu tố giúp tôi được nhận vào Phòng văn hoá Ủy ban phường Văn Quán.
Mức lương hiện tại của tôi dao động từ 12-15 triệu đồng/tháng. Mức lương này tuy không quá cao nhưng công việc ổn định, đặc biệt là có thể phát triển năng lực của bản thân trong tương lai”, chị Mai thông tin.
Chị Mai cũng cho rằng, các bạn sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường nên có kế hoạch học tập và làm việc cụ thể, tích cực tham gia các hoạt động văn hóa trong và ngoài trường để tích lũy kinh nghiệm cho bản thân và giúp ích cho con đường phát triển trong tương lai.
Thùy Trang