Chỉ còn hơn tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, một số địa phương đã công bố lịch nghỉ Tết cho học sinh phổ thông. Có nơi, học sinh được nghỉ Tết 9 ngày, có nơi lại được nghỉ đến 14 ngày.
Thời gian nghỉ tết của nhiều địa phương không giống nhau, đang trở thành đề tài bàn luận trên các diễn đàn xã hội. Người cho rằng, nghỉ Tết 9 ngày là quá ít, thời gian hạn hẹp như thế sẽ ảnh hưởng đến chuyến đi chơi của gia đình, đặc biệt là những gia đình xa quê, Tết muốn về đoàn tụ.
Người thắc mắc, sinh viên các trường đại học được nghỉ tới cả tháng nhưng sao học sinh phổ thông lại nghỉ quá ít như vậy?
Về phần giáo viên, nhiều thầy cô giáo không muốn nghỉ Tết nhiều mà nghỉ đúng quy định như lịch nghỉ chung của người lao động 9 ngày, không nên kéo dài (nghỉ 14 ngày) như một số địa phương khác. Vì khung thời gian năm học Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ấn định ngày kết thúc học kỳ 1, kết thúc năm học…nếu nghỉ Tết dài ngày sẽ khó đảm bảo thời gian quy định mà việc bố trí dạy bù cũng khá bất cập.
Khung thời gian còn ít khoảng trống
Khung thời gian năm học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành vào đầu năm học 2024-2025 quy định: Kết thúc học kỳ I trước ngày 18/1/2025; hoàn thành chương trình và kết thúc năm học trước ngày 31/5/2025.
Xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở trước ngày 30/6/2025.[1]
Thời gian năm học của học sinh là 35 tuần thực học (học kỳ I có 18 tuần, học kỳ II có 17 tuần). Học sinh vào học ngày 5/9 thì kết thúc học kỳ I sẽ vào ngày 17/1/2025. Các em chỉ còn một tuần dự trữ (thường gọi là tuần 18B) để giải quyết khá nhiều công việc tồn đọng.
Ví dụ như: Bố trí dạy bù một số tiết chưa hoàn thành; Tổ chức ôn tập và kiểm tra lại cho học sinh chưa hoàn thành; Sơ kết học kỳ I; Tổ chức một số phong trào học tập như giao lưu viết chữ đẹp; Ngày hội Stem; Hội xuân…
Nếu là nghỉ Tết 9 ngày thì ngày 03/02/2025 đúng vào thứ Hai. Học sinh sẽ vào học tuần 19 và sẽ kết thúc 17 tuần học theo đúng thời gian quy định theo khung kế hoạch năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nếu học sinh nghỉ Tết 14 ngày sẽ khó khăn cho việc bố trí dạy bù
Nếu học sinh được bố trí nghỉ Tết khoảng 14 ngày (thêm 5 ngày so với lịch nghỉ chung của người lao động) như một số nơi đang thực hiện, nhà trường buộc phải xếp lịch dạy bù thì mới đảm bảo tiến độ về thời gian theo quy định. Thực tế, những ngày được nghỉ (ngay cả những ngày nghỉ theo quy định như giỗ Tổ Hùng Vương, quốc tế Lao động, ngày giải phóng Miền Nam…học sinh nghỉ xong, giáo viên vẫn phải dạy bù những tiết học trong những ngày nghỉ ấy.
Nay, nếu học sinh được cho nghỉ Tết thêm 5 ngày (1 tuần) mỗi giáo viên tiểu học mất 23 tiết dạy định mức/tuần, giáo viên trung học cơ sở mất 19 tiết/tuần giáo viên trung học phổ thông mất 17 tiết/tuần. Số tiết này phải được bố trí dạy bù. Tuy nhiên, việc bố trí dạy bù cũng xảy ra nhiều chuyện đáng bàn. Học sinh đang học 2 buổi/ngày sẽ phải dạy bù vào lúc nào? Dạy vào thứ Bảy sẽ (vi phạm vào ngày nghỉ của học sinh tiểu học, dạy bù vào Chủ nhật là vi phạm vào ngày nghỉ của học sinh trung học.
Nếu không bố trí được dạy bù thì giáo viên sẽ bị thiếu tiết theo quy định (một năm, giáo viên tiểu học phải dạy 805 tiết, giáo viên trung học cơ sở là 665 tiết…). Điều này dẫn đến việc, nếu thầy cô giáo nào có dạy tăng tiết trong thời gian trước sẽ bị cấn trừ vào số tiết thiếu hụt do những ngày nghỉ Tết kéo dài.
Năm học 2023-2024, có 4 ngày nghỉ là Tết dương lịch, giỗ tổ Hùng Vương, ngày 30/4 và 1/5, người viết đã bị mất gần 20 tiết dạy. Do không bố trí được dạy bù nên cuối năm đã bị âm khoảng 20 tiết.
Ngoài việc giảng dạy, người viết có kiêm nhiệm thêm thư ký hội đồng (một tuần được giảm trừ định mức 2 tiết) nên cả năm dư 70 tiết. Nhà trường đã lấy 70 tiết được hưởng theo tiêu chuẩn làm thêm trừ đi 20 tiết còn âm. Tổng số tiết tiết thêm giờ thực nhận còn 50 tiết.
Một nghịch lý cho thấy, người có tiết dư sẽ bị trừ tiết âm do những ngày nghỉ (dù là ngày được nghỉ trong quy định) nhưng người không có tiết dư do dạy tăng giờ sẽ không bị sao. Vì thế, ngày quy định được nghỉ thì một số giáo viên vẫn phải mất tiền.
Ngoài bị trừ số tiết âm do ngày nghỉ lễ trùng với ngày dạy thì việc giáo viên phải dạy bù sau đó cũng gây cảm giác mệt mỏi cho học sinh vì đi học cả tuần còn phải học cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật.
Từ thực tế trên, nhiều thầy cô giáo không mong học sinh được nghỉ nhiều, đặc biệt là thời gian nghỉ Tết.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/khung-ke-hoach-thoi-gian-nam-hoc-2024-2025-119240806090213723.htm(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Ngân Hoa