Bộ GDĐT tập huấn nâng cao năng lực khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu, ứng dụng AI

Sáng ngày 3/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu, ứng dụng AI phục vụ công việc cho công chức, viên chức các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các chuyên gia về công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết: “Đất nước ta đang đứng trước bối cảnh thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác lãnh đạo, quản lý nhà nước.

Đặc biệt, trên tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước về việc sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhiệm vụ nâng cao năng lực khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu càng trở nên cấp thiết và đóng vai trò quan trọng hàng đầu.

Tuy nhiên, trước bối cảnh đó, khối lượng công việc sẽ ngày càng tăng, yêu cầu về thời gian hoàn thành nhiệm vụ gấp rút hơn, chất lượng công việc cao hơn và phạm vi quản lý mở rộng, việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trở thành giải pháp thiết yếu. Điều này không chỉ giúp mỗi cán bộ nâng cao năng suất lao động mà còn đảm bảo chất lượng công việc, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe”.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn.JPG
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu khai mạc hội nghị.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đánh giá, Bộ Giáo dục và Đào tạo là một trong những đơn vị sở hữu hệ thống cơ sở dữ liệu ngành rộng lớn và hoạt động hiệu quả. Thứ trưởng kỳ vọng rằng, với lợi thế này, mỗi cán bộ quản lý, chuyên viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tận dụng, khai thác tối đa dữ liệu hiện có để không ngừng cải thiện hiệu năng quản lý Nhà nước, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác giáo dục và đào tạo.

Đồng thời, bên cạnh hệ thống cơ sở dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI) đang nổi lên như một công cụ hữu ích, giúp tăng năng suất làm việc lên gấp nhiều lần. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, mỗi cán bộ cần nhanh chóng nắm bắt, sử dụng hợp lý và khai thác tối đa tiềm năng của AI, đồng thời cần hành động để thúc đẩy hiệu quả công việc, đáp ứng yêu cầu trong thời gian tới.

Tại hội nghị, các chuyên gia về công nghệ thông tin của Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã tập huấn, hướng dẫn các nội dung liên quan đến việc khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục đại học; khai thác, sử dụng chức năng ký số di động trên app mobile của hệ thống E-Office.

Theo Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Nguyễn Sơn Hải, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng toàn bộ cơ sở dữ liệu từ cấp mầm non đến đại học. Trong đó, hệ thống đã thu thập thông tin từ 100% trường học trên cả nước, bao gồm khoảng 54.000 trường mầm non, phổ thông và 447 cơ sở đào tạo đại học.

Cuc truong cuc CNTT.JPG
Ông Nguyễn Sơn Hải – Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Đồng thời, bên cạnh việc triển khai các dịch vụ trực tuyến như dịch vụ đăng ký thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét tuyển vào đại học, Cục trưởng Nguyễn Sơn Hải nhấn mạnh rằng, việc thử nghiệm học bạ số, văn bằng số là một bước hiện đại hóa quan trọng trong cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý ngành giáo dục.

Theo đó, học bạ số và văn bằng số được tạo lập, lưu trữ, quản lý và sử dụng trên môi trường số, có giá trị pháp lý khi sử dụng; học bạ số sử dụng được cả trên môi trường số và môi trường thực (giấy).

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư quy định quản lý, vận hành, cập nhật và khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu ngành giáo dục (Thông tư số 42/2021/TT-BGDĐT), trong đó quy định rõ về danh mục, nội dung cơ sở dữ liệu trong ngành giáo dục và trách nhiệm của các bên trong quản lý, vận hành, báo cáo (cập nhật dữ liệu) và khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu.

TS Đinh Viết Sang ĐHBKHN.JPG
Tiến sĩ Đinh Viết Sang – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Trí tuệ Nhân tạo, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Cũng tại hội nghị, Tiến sĩ Đinh Viết Sang – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Trí tuệ Nhân tạo, Đại học Bách khoa Hà Nội đã trình bày những thông tin quan trọng về trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích sâu sắc về tác động của AI trong lĩnh vực giáo dục.

“Những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo (AI) đang đưa nhân loại gần hơn đến trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI), với khả năng tiệm cận trí tuệ con người. Trong giáo dục, AI mang lại nhiều lợi ích, từ tự động hóa công việc như chấm bài, quản lý dữ liệu, đến cá nhân hóa nội dung học tập, giúp giáo viên và học sinh có thêm thời gian cho các hoạt động sáng tạo và tư duy.

Tuy nhiên, AI cũng đặt ra thách thức về tính đạo đức, bảo mật và sự lệ thuộc vào công nghệ. Việc khai thác hiệu quả AI đòi hỏi giáo viên và các cơ sở giáo dục phải chủ động học hỏi, ứng dụng công nghệ phù hợp, vừa nâng cao chất lượng dạy và học, vừa giữ vững giá trị nhân văn của giáo dục”, Tiến sĩ Đinh Viết Sang cho hay.

_DSC8698.JPG
Toàn cảnh buổi hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu, ứng dụng AI phục vụ công việc cho công chức, viên chức các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Thúy Hiền

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *