Những trang viết từ chất liệu thật về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng hay những vấn nạn, góc khuất về thân phận con người luôn có giá trị đặc biệt. Qua đó, người đọc cũng cảm nhận được sự dấn thân trong lao động sáng tạo và tài năng của người cầm bút.
25 độ âm và những số phận bi thương
25 độ âm vừa được Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phát hành là tác phẩm mới nhất của nhà văn Thảo Trang – tác giả của tiểu thuyết Tết ở làng Địa Ngục đã được chuyển thể thành phim truyền hình ăn khách vào năm ngoái. 25 độ âm viết về bi kịch của những người Việt ở châu Âu, vượt biên từ nước này sang nước khác để tìm kiếm cuộc sống tốt hơn. Thảo Trang đã dành hơn 4 năm đi tìm sự thật phía sau những thân phận. Cô gặp thân nhân những người vượt biên, thực hiện 200 cuộc phỏng vấn, nghiên cứu số tư liệu nặng hơn 23kg để đưa những chất liệu thật ấy lên trang viết.
Tiểu thuyết 25 độ âm của nhà văn Thảo Trang là cuộc lần dấu của tác giả về thân phận của những nạn nhân vượt biên ở châu Âu. Nguồn ảnh: Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam
25 độ âm là hành trình sinh tử của nhân vật Lam – cô gái vượt biên từ Nga sang Pháp và kết thúc ở Anh. Đồng hành với Lam là Đức, bà Loan, ông Sang, Phượng, Duy Anh… Trên mỗi cung đường đi tìm “giấc mơ mới” ở xứ người, họ đều gặp đồng bào mình và những người không cùng màu da, sắc tộc. Tất cả ra đi vì nhiều lý do nhưng có người đã phải trả giá bằng sinh mạng. Tác phẩm tái hiện những gì mà người vượt biên phải đối mặt, trải qua, là câu trả lời cho sự lựa chọn của những số phận. 25 độ âm có rất nhiều sự thật được miêu tả rúng động và bi thương trên hành trình vượt biên của Lam và cả lời trăn trối xót xa của người còn sống: “Ngộ nhỡ chúng tôi không qua khỏi, xin hãy hỏa táng để tôi được về với đất mẹ”.
Giải Nobel văn chương cho tác phẩm phi hư cấu
Một trong những tác phẩm phi hư cấu từng được trao giải Nobel là Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ của nhà văn người Belarus Svetlana Alexievich. Tác giả đã gặp gỡ và trò chuyện với hàng ngàn phụ nữ Liên Xô đã tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc để viết nên tác phẩm này. Nhà văn Murakami Haruki (Nhật Bản) cũng từng có tác phẩm Ngầm đầy tính báo chí, viết về cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học làm rung chuyển thủ đô Tokyo vào năm 1995. Nhà văn đã phỏng vấn hàng chục nạn nhân lẫn thành viên phía tấn công thuộc giáo phái Aum. Tác phẩm phi hư cấu hiếm hoi của ông nhanh chóng tạo tiếng vang, nhận được đánh giá cao của giới phê bình trong và ngoài nước. |
Sau Tết ở làng Địa Ngục và Kẻ ăn hồn đẫm chất liệu văn hóa dân gian, nhà văn trẻ Thảo Trang đã trở lại với một tác phẩm đầy tính hiện thực. Tác phẩm ấn tượng về đề tài vượt biên, nạn buôn người từng có tiểu thuyết Quyên (nhà văn Nguyễn Văn Thọ), Hoa bay (Chu Thanh Hương). Nay, 25 độ âm với sức nặng của sự thật cũng là một trong những tác phẩm hứa hẹn để lại dấu ấn sâu đậm cho văn đàn.
Đi tìm sự thật từ những thảm họa, biến cố của lịch sử và thân phận con người để viết là cách mà nhiều nhà văn trong và ngoài nước từng làm và thành công. 25 độ âm cũng cho thấy sự lao động văn chương nghiêm túc và dấn thân của cây bút 9X giàu nội lực.
Giá trị đặc biệt của văn chương phi hư cấu
Mới đây, Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM cho ra mắt sách Đôi bờ giới tuyến của phó giáo sư, tiến sĩ Hoàng Chí Hiếu. 21 năm chiến đấu trên “mặt trận không tiếng súng” nhưng đầy căng thẳng, khốc liệt ở đôi bờ Hiền Lương được tác giả tái hiện sống động trên trang viết. Để viết tác phẩm này, tác giả đã dành nhiều năm nghiên cứu tư liệu, ghi chép từ những cuộc gặp gỡ, trò chuyện với nhân chứng.
Một số tác phẩm văn chương có giá trị và sức nặng từ sự thật
Tìm kiếm sự thật và tái hiện lịch sử, những góc khuất của thân phận trên trang viết là tấm lòng và tài năng của mỗi người cầm bút. Một trong những người vẫn miệt mài trên hành trình “đi tìm sự thật” để làm chất liệu viết văn là nhà văn Trầm Hương. Tiếp cận các đề tài chiến tranh cách mạng ở góc độ của hậu thế, chị luôn tìm đến các chứng nhân, một mình rong ruổi từ Nam ra Bắc. Chuyện năm 1968, Đêm Sài Gòn không ngủ, Huyền thoại 1C – Những bờ vai con gái, Khoảng lặng nước mắt… là những tác phẩm có giá trị được viết từ sự dấn thân không ngừng nghỉ của nhà văn Trầm Hương. Hiện chị đang viết tiếp bản thảo Cái giá của hòa bình, với những câu chuyện ghi được từ các cựu binh Mỹ sau nhiều chuyến đi đến các vùng đất của Mỹ.
Nhà văn Võ Diệu Thanh cũng từng tìm đến các nhân chứng, phỏng vấn và nghiên cứu tư liệu để tái hiện sự thật ám ảnh về cuộc thảm sát của Pol Pot đối với người dân Ba Chúc (tỉnh An Giang) trong cuốn sách dày hơn 300 trang Về từ hành tinh ký ức. Từ tác phẩm này, Đài Truyền hình Việt Nam đã thực hiện bộ phim tài liệu Từ nơi tận cùng và nhà văn Võ Diệu Thanh là người dẫn chuyện. Cuộc lần dấu về thời chiến tranh của chị còn có câu chuyện về cha – người trở thành nhân vật trong tiểu thuyết Viên đạn về trời, cũng là chứng nhân duy nhất sống sót sau trận dội bom B52 của Mỹ ở rừng U Minh.
Tác phẩm văn học phi hư cấu luôn cho người đọc sự hình dung chân thật về không gian lịch sử, bối cảnh văn hóa, hành trình số phận của các nhân vật. Những tác phẩm dạng này luôn có giá trị cao, thể hiện qua các giải thưởng văn học. Có thể kể đến các tác phẩm Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 (Trần Mai Hạnh), Mùa chinh chiến ấy (Đoàn Tuấn), Hồi ức lính (Vũ Công Chiến), Rừng khộp mùa thay lá (Nguyễn Vũ Điền)…
Theo Lục Diệp/PNO