Ngành Sinh dược học khác gì ngành Công nghệ sinh học?

Trước những thách thức đến từ biến đổi khí hậu, bệnh truyền nhiễm, thực phẩm không an toàn… con người càng đặc biệt lưu tâm đến vấn đề sức khỏe. Theo đó, ngành công nghiệp dược phẩm cũng đóng vai trò quan trọng và ngày càng đòi hỏi nguồn nhân lực ở trình độ cao.

Đứng trước yêu cầu trên, Đại học Quốc gia Hà Nội đã giao cho khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đào tạo thí điểm ngành Sinh dược học từ năm 2023, đây là ngành học có tính liên ngành giữa Dược học, Sinh học và Hóa học. Hiện Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng là đơn vị duy nhất đào tạo ngành này trên cả nước.

Ngành đào tạo thí điểm nhiều tiềm năng

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thế Hải, Trưởng khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Ngày 26/5/2023, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội ra quyết định số 1812/QĐ-ĐHQGHN về việc ban hành chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Sinh dược học và giao cho Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thí điểm đào tạo.

Theo lộ trình, sau hai năm đào tạo, khoa Sinh học sẽ đề nghị Nhà trường tổ chức hội thảo sơ kết đánh giá kết quả tuyển sinh và đào tạo ngành thí điểm này.

Từ đó tiến đến hội thảo đánh giá toàn diện công tác đào tạo ngành mới Sinh dược học sau khi có ít nhất một khóa tốt nghiệp, để có cơ sở đề nghị được đưa ngành Sinh dược học chính thức trở thành ngành đào tạo của giáo dục đại học Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành”.

z5657631447426_272d01027473f51257a1308d4655d524.jpg
Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thế Hải, Trưởng khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội (ảnh: NVCC)

Sau năm đầu tiên đào tạo ngành Sinh dược học, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thế Hải cho biết : “Trong năm đầu tiên, sinh viên tất cả các chương trình thuộc ba ngành đào tạo của khoa Sinh học (Sinh học, Công nghệ Sinh học và Sinh dược học) đều chủ yếu học tập các học phần thuộc các khối kiến thức sau: Khối kiến thức chung (của toàn bộ Đại học Quốc gia Hà Nội), khối kiến thức theo lĩnh vực (của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) và khối kiến thức theo khối ngành (các học phần liên quan đến Toán, Vật Lý, Hóa học phù hợp và cần thiết nhất đối với sinh viên của Khoa Sinh học).

Về các kiến thức nhóm ngành khoa học sự sống, hiện các sinh viên ngành Sinh dược học K68 đã tiếp cận các học phần Vi sinh vật học, Sinh học tế bào, Động vật không xương sống và ứng dụng.

Trong năm học 2024 – 2025, sinh viên ngành Sinh dược học tiếp tục hoàn thành các học phần thuộc khối kiến thức theo nhóm ngành để hoàn thiện khung kiến thức cơ bản và bắt đầu tiếp cận đến các học phần thuộc kiến thức ngành để tìm hiểu chuyên sâu về ngành Sinh dược học.

Tuy thời gian đào tạo chưa nhiều và là khóa đầu tiên của chương trình đào tạo ngành mới nhưng sinh viên ngành Sinh dược học luôn phát huy tinh thần tự giác học tập và tìm tòi kiến thức, thể hiện sự yêu thích và hào hứng với ngành học có tính liên ngành cao và tiềm năng ứng dụng thực tiễn to lớn”.

Chia sẻ về lý do chọn học ngành Sinh dược học, bạn Nguyễn Thị Thanh Tâm, K68 Sinh dược học cho biết: “Sinh dược học là ngành khoa học nghiên cứu về cách các phân tử sinh học có thể được thiết kế, sản xuất và sử dụng làm thuốc.

Trong điều kiện ngành công nghiệp dược ở Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu sử dụng tân dược thì đây chắc chắn là ngành có tương lai rộng mở.

Mặt khác, trình độ và chất lượng giảng dạy của giảng viên ở Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội được đảm bảo uy tín qua nhiều thế hệ nên em và gia đình rất yên tâm”.

Thanh Tâm nói thêm: “Trong năm học đầu tiên, em được học rất nhiều kiến thức mới. Ngoài những tài liệu sẵn có còn được hướng dẫn thêm từ tài liệu chuyên môn của nước ngoài, học hỏi những bài nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước.

Các môn học đều được đưa vào áp dụng thực tế, chất lượng phòng thí nghiệm của trường được đầu tư hiện đại, đáp ứng đủ điều kiện để sinh viên tiến hành nghiên cứu. Nhà trường và khoa cũng thường xuyên mở những workshop, talkshow liên quan đến chuyên ngành giải đáp thắc mắc cho sinh viên”.

Sinh viên ngành Sinh dược học được học gì, làm gì?

Có thể nhiều học sinh sẽ bỡ ngỡ khi nghe đến ngành Sinh dược học và quen thuộc hơn với ngành Công nghệ sinh học.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thế Hải cho hay: “Cả hai ngành học trên đều hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho việc nghiên cứu và sản xuất dược phẩm và các sản phẩm khác phục vụ nâng cao chất lượng sức khỏe, chất lượng cuộc sống của con người.

Ngành Sinh dược học tập trung vào giai đoạn sớm quá trình nghiên cứu khoa học, tìm kiếm, thiết kế, phát triển, thử nghiệm các chất hay các liệu pháp điều trị, đánh giá được tính an toàn và hiệu quả của các sản phẩm bảo vệ sức khỏe.

Do đó tập trung nhiều hơn vào các đối tượng, sản phẩm liên quan đến dược liệu và phát triển thuốc.

Trong khi đó, Công nghệ sinh học là ngành bao quát các lĩnh vực rộng hơn, khai thác tất cả các kiến thức liên quan đến các cơ thể sống và các quá trình sống nhằm phát triển sản phẩm, công nghệ phục vụ cuộc sống.

Bởi vậy, có thể nói Công nghệ sinh học tập trung nhiều vào giai đoạn sau của các quy trình tạo ra sản phẩm, công nghệ”.

z5657621846368_290a1c0477bb2b441ff5d6122a9f3828.jpg
Sinh viên khoa Sinh học bảo vệ khóa luận tốt nghiệp (ảnh: NTCC)

Là ngành thí điểm mới bắt đầu giảng dạy từ năm 2023, khung chương trình đào tạo của ngành Sinh dược học có nhiều điểm mới nổi bật so với các học phần đặc thù và chuyên đề riêng biệt.

Nói rõ hơn về điều này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thế Hải chia sẻ: “Trong khung chương trình đào tạo của ngành Sinh dược học, sinh viên được học những học phần cung cấp kiến thức nền về khoa học tự nhiên và khoa học sự sống, là một nét đặc trưng của các chương trình đào tạo tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên.

Đặc biệt sinh viên được tiếp cận những học phần đặc thù của khối kiến thức ngành và chuyên ngành như: Hóa sinh học các hợp chất có hoạt tính sinh học, Bào chế và sinh dược học đại cương, Dược lý học đại cương, Hóa dược, Tin sinh dược và Thiết kế thuốc, Cây thuốc và nấm dược liệu, Động vật dược liệu, Vi sinh vật học dược phẩm…

Đây là những học phần đặc thù để sinh viên ngành Sinh dược học được trang bị các kiến thức đặc trưng của ngành, đáp ứng niềm yêu thích của sinh viên với lĩnh vực sinh dược học và phục vụ cho việc làm tương lai của sinh viên”.

Thầy Hải nói thêm: “Điểm nổi bật trong chương trình đào tạo ngành Sinh dược học là sinh viên được tiếp thu những học phần giúp hiểu biết sâu sắc về các cơ chế, quá trình sinh học liên quan đến dược liệu.

Điều này giúp sinh viên khi ra trường có thể thực hiện những công việc đặc thù như nghiên cứu, phát triển thuốc; nghiên cứu, đánh giá cơ chế tác động hay các đặc tính dược lý học của các loại thuốc; xây dựng, cải tiến các quy trình công nghệ sản xuất thuốc…

Đây là những mảng công việc đặc biệt mà sinh viên các trường khác có thể không có thế mạnh bằng”.

Nói về cơ hội việc làm dành cho sinh viên, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thế Hải chia sẻ: “Sinh viên theo học ngành Sinh dược học có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực.

Ví dụ như đảm nhiệm các vị trí quản lý nhà nước liên quan đến sinh dược học, làm việc tại các bệnh viện, viện nghiên cứu trong lĩnh vực y dược với tư cách cán bộ nghiên cứu hoặc kỹ thuật viên; hoặc tại các công ty doanh nghiệp lĩnh vực dược với tư cách cán bộ nghiên cứu phát triển, cán bộ quản lý sản xuất, nhân viên kinh doanh…”

Mức học phí thấp với một ngành học hấp dẫn

Theo đề án tuyển sinh đại học chính quy năm 2024, mức học phí của ngành Sinh dược học là 1.523.000/tháng, ở mức thấp so với các ngành khác trong Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thế Hải nói: “Vì Sinh dược học đang là ngành đào tạo thí điểm nên học phí ở mức tương đối thấp. Với một ngành học hấp dẫn như vậy, có thể nói đây là lợi thế cho các sinh viên quan tâm, say mê muốn theo đuổi lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, sinh viên ngành Sinh dược học còn có cơ hội nhận nhiều học bổng khuyến khích học tập của Nhà nước, Nhà trường và các đơn vị tài trợ.

Sinh viên Sinh dược học được tham gia thực tập ở một số đơn vị sản xuất thuốc, sản phẩm bảo vệ sức khỏe trong nước.

Ngoài ra, những sinh viên xuất sắc sẽ được ưu tiên thực tập hè, thực tập ngắn hạn ở một số viện nghiên cứu, trường đại học mà khoa Sinh học có quan hệ hợp tác ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Úc…”

Giảng viên và sinh viên khoa Sinh học tại phòng thí nghiệm của khoa (ảnh: NTCC)

Giảng viên và sinh viên khoa Sinh học tại phòng thí nghiệm của khoa (ảnh: NTCC)

Bên cạnh đó, kế hoạch thành lập Bộ môn Sinh dược học cũng sẽ hỗ trợ tích cực cho quá trình học tập của sinh viên.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thế Hải nói thêm: “Đề án thành lập Bộ môn Sinh dược học đã được thảo luận ở khoa Sinh học, được Hội đồng Khoa học Đào tạo và Ban lãnh đạo Khoa thông qua. Đề án đã được nộp lên Nhà trường và đang trong giai đoạn xem xét.

Bộ môn Sinh dược học dự kiến sẽ quy tụ các cán bộ giảng dạy và nghiên cứu khoa học chuyên sâu về sinh dược học, tập trung thực hiện các đề tài, dự án trong lĩnh vực sinh dược học và giảng dạy các học phần đặc thù sinh dược học.

Sinh viên sẽ có cơ hội được làm việc với các chuyên gia hàng đầu về sinh dược học và tham gia thực hiện các đề tài, dự án có giá trị cao”.

Sinh viên có những thuận lợi và thách thức nào?

Nói về thách thức, thuận lợi khi theo học ngành Sinh dược học tại khoa, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thế Hải chia sẻ: “Thách thức lớn nhất khi học ngành Sinh dược học tại khoa có lẽ liên quan đến sự mới mẻ của ngành này tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và khoa Sinh học.

Sinh viên có thể chưa có nhiều thông tin từ các khóa học trước để tham khảo cũng như chưa có các cựu sinh viên để có thể chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ các sinh viên khóa mới.

Còn thuận lợi lớn nhất chính là sở trường về khoa học cơ bản, đào tạo sâu về khoa học sự sống song song với đào tạo về nghiên cứu phát triển công nghệ sinh học của khoa Sinh học, làm nền tảng cho việc học tập của sinh viên trong lĩnh vực sinh dược học, tạo ra sự khác biệt của sinh viên khi theo học ngành này, so với sinh viên thuần túy chỉ học về Dược học, Sinh học hoặc Hóa học.”

Là thủ khoa đầu vào ngành Sinh dược học, bạn Lê Đình Hiếu nói: “Trong quá trình học tập, đối với hầu hết các sinh viên năm nhất điều khó khăn đó là tự học và tự nghiên cứu tài liệu, bởi học tập ở môi trường đại học đề cao tính tự giác.

Giảng viên chỉ là người định hướng, cung cấp cho sinh viên những kiến thức cần thiết để sinh viên có thể các giải quyết vấn đề thực tế. Còn lại, phần lớn sinh viên sẽ phải tự học lại và nghiên cứu thêm tài liệu bên ngoài để có thể giải quyết vấn đề một cách triệt để.

Trong tương lai, em muốn trở thành một nghiên cứu sinh chuyên về Sinh dược hoặc có thể đi làm ở những công ty liên quan đến Sinh dược hay trở thành giảng viên để tiếp tục đào tạo những thế hệ sau này theo đuổi ngành học trên.

Để thực hiện hóa mục tiêu đã đặt ra, trước tiên, em cần phải trang bị kỹ càng kiến thức chuyên sâu về ngành học, đồng thời chuẩn bị cho bản thân về các kỹ năng thực hành bằng việc thực tập tại phòng thí nghiệm của trường, thực tập tại các công ty…”

Chao-K68-5-2048x1365.jpg
Bạn Lê Đình Hiếu (bên trái), thủ khoa đầu vào ngành Sinh dược học và Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thế Hải (bên phải) (ảnh: website khoa Sinh học)

Bạn Nguyễn Thị Thanh Tâm bày tỏ: “Trong suốt quá trình học tập tại trường, điều gây khó khăn nhất đối với em đó là học từ những tài liệu tiếng nước ngoài. Vì đây là ngành học mới nên tài liệu tiếng Việt chưa có nhiều, muốn tìm hiểu sâu hơn cần chủ động tìm tài liệu của nhà nghiên cứu nước ngoài.

Một phần nữa là do vốn từ tiếng Anh của em chưa đủ để hiểu được hết các ngôn ngữ chuyên ngành nên quá trình học có phần vất vả hơn các bạn. Nhận thấy đó là sự thiếu sót của bản thân nên ngoài thời gian học tập trên lớp, em dành ra thời gian rảnh mỗi ngày tầm 15 – 20 phút để bổ sung vốn từ.

Bên cạnh việc tự học, em cũng nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình từ các giảng viên bộ môn. Các thầy, cô rất thoải mái trong việc trả lời những thắc mắc của sinh viên, sẵn sàng cung cấp thêm tài liệu học tập cho các bạn có ham muốn tìm hiểu sâu hơn về bài giảng.

Về dự định tương lai, em hướng tới bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) các sản phẩm sinh dược học, hoặc tham gia tư vấn thiết kế, đào tạo, phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe ở các viện nghiên cứu, các trung tâm, các công ty và cơ quan nghiên cứu của các Bộ, Ngành hoặc các trường đại học.

Cả hai mục tiêu đều liên quan đến chuyên ngành nên trước mắt, em sẽ cố gắng trau dồi cho bản thân nguồn kiến thức chuyên môn nhiều nhất có thể. Bên cạnh đó sẽ tích cực hoạt động và tham gia các sự kiện, cuộc thi để có thể được tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn”.

Hồng Linh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *