Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học.
Theo đó, tại dự thảo Thông tư có những đề xuất đáng chú ý với tổ trưởng, tổ phó chuyên môn như sau (trích):
Tổ trưởng chuyên môn thôi nhận phụ cấp chức vụ nếu giảm định mức tiết dạy?
– Tổ trưởng chuyên môn hoặc tổ trưởng tổ quản lý học sinh (trong trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú) được giảm 03 tiết/tuần.
– Tổ phó chuyên môn hoặc tổ phó tổ quản lý học sinh (trong trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú) được giảm 01 tiết/tuần.
Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 4 dự thảo Thông tư có đề xuất như sau (trích):
Đối với các vị trí kiêm nhiệm và các hoạt động chuyên môn theo quy định tại Chương III Thông tư này (trừ kiêm nhiệm công tác công đoàn, bí thư đoàn, phó bí thư đoàn cấp trường) nếu đã được nhận tiền thù lao hoặc tiền phụ cấp thì không được quy đổi ra tiết dạy.
Cùng với đó, nội dung câu số 06 phần khảo sát lấy ý kiến toàn bộ giáo viên phổ thông trên phần mềm Temis có đề cập đến vấn đề này như sau:
“Câu 6: Để tránh việc chi trả trùng chế độ, chính sách cho cùng 01 nhiệm vụ, dự thảo Thông tư dự kiến bổ sung nguyên tắc:
Đối với các vị trí kiêm nhiệm và các hoạt động chuyên môn theo quy định tại Chương III dự thảo Thông tư (trừ kiêm nhiệm công tác công đoàn, bí thư đoàn, phó bí thư đoàn cấp trường) nếu đã được nhận tiền thù lao hoặc tiền phụ cấp thì không được giảm định mức tiết dạy và không được quy đổi nhiệm vụ đó ra tiết dạy (khoản 3 Điều 4 dự thảo Thông tư).
Ý kiến của thầy/cô (đồng ý; không đồng ý)”.
Như vậy, dự thảo Thông tư đang được xây dựng theo hướng bỏ phụ cấp chức vụ hoặc không giảm định mức giảng dạy đối với tổ trưởng và tổ phó chuyên môn.
Tức là những nhà giáo hiện đang kiêm nhiệm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn ở các trường phổ thông dự kiến sẽ chỉ được hưởng 1 trong 2 chế độ nêu trên.
Chọn hưởng phụ cấp chức vụ thay vì giảm định mức tiết dạy
Người viết là tổ trưởng chuyên môn bậc trung học phổ thông sẽ chọn hưởng phụ cấp chức vụ thay vì giảm định mức tiết dạy nếu dự thảo Thông tư Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học được thông qua.
Thứ nhất, Nghị định 73/2024/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, từ ngày 01/7/2024 tăng mức lương cơ sở lên 2.340.000 đồng/tháng.
Khi lương cơ sở tăng thì phụ cấp chức vụ cho tổ trưởng, tổ phó chuyên môn ở các trường mầm non và phổ thông cũng sẽ tăng tương ứng.
Cụ thể, theo Thông tư 33/2005/TT-BGDĐT quy định về hệ số phụ cấp chức vụ của cán bộ quản lý trường mầm non, phổ thông thì tổ trưởng, tổ phó chuyên môn được nhận thêm một khoản tiền như sau:
Tổ trưởng chuyên môn trường trung học phổ thông được hưởng phụ cấp chức vụ 0,25, sẽ được nhận 585,000 đồng/tháng.
Tổ trưởng chuyên môn trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non được hưởng phụ cấp chức vụ 0,2, sẽ được nhận 468,000 đồng/tháng.
Tổ phó chuyên môn trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông được hưởng phụ cấp chức vụ 0,15, sẽ được nhận 351,000 đồng/tháng. [1]
Nếu không hưởng phụ cấp chức vụ thì người viết phải dạy đủ định mức 17 tiết/tuần thay vì 14 tiết/tuần như hiện nay.
Hay nói cách khác, nếu không hưởng phụ cấp chức vụ thì người viết phải dạy thêm 1 lớp, ví dụ, môn Ngữ văn 10 (không bao gồm chuyên đề) được phân phối 3 tiết/tuần (105 tiết/năm).
Việc dạy thêm 1 lớp là rất vất vả vì phải thực hiện kiểm tra đánh giá theo quy định. Cụ thể, phải có 04 cột điểm kiểm tra thường xuyên, 01 cột điểm kiểm tra giữa kì và 01 cột điểm kiểm tra cuối kì.
Cùng với đó, giáo viên phải vào điểm trong Sổ gọi tên và ghi điểm, vào học bạ và chịu trách nhiệm trước hiệu trưởng về chất lượng giảng dạy bộ môn của lớp đó.
Thứ hai, theo quy định của pháp luật hiện hành, phụ cấp chức vụ phải được đóng bảo hiểm xã hội. Nghĩa là, chọn hưởng phụ cấp chức vụ thay vì giảm định mức tiết dạy sẽ có lợi cho tổ trưởng, tổ phó chuyên môn.
Theo đó, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 6 quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, sửa đổi bởi khoản 12 Điều 1 Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020 quy định như sau:
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau (trích):
Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Tiền lương này tính trên mức lương cơ sở.
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại điểm này bao gồm cả hệ số chênh lệch bảo lưu theo quy định của pháp luật về tiền lương. [2]
Thứ ba, tháng 6, 7, 8 người viết không giảng dạy (tháng 6, 7 nghỉ hè, tháng 8 tập huấn chuyên môn nghiệp vụ và làm các công việc có liên quan), cho nên việc giảm định mức 3 tiết dạy/tuần không có giá trị trong thời gian này.
Hay nói cách khác, nếu chọn giảm định mức 3 tiết dạy/tuần thì người viết sẽ mất thu nhập 585,000 đồng/tháng (1.674.000 đồng/3 tháng).
Thay lời kết
Liên quan đến công việc của tổ trưởng chuyên môn, Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định tổ trưởng chuyên môn phải làm hàng loạt công việc như:
Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo chương trình môn học; đề xuất lựa chọn sách giáo khoa, xuất bản phẩm tham khảo; thực hiện kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn; đánh giá, xếp loại giáo viên;… và thực hiện các nhiệm vụ khác do hiệu trưởng phân công. [3]
Người viết còn nhận thấy, vào thời điểm nghỉ hè, tổ trưởng chuyên môn bậc trung học phổ thông còn được Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương điều động làm nhiệm vụ điểm phó điểm thi của kì thi tuyển sinh vào lớp 10 và kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Tổ trưởng chuyên môn làm điểm phó điểm thi phụ trách về chuyên môn, nghiệp vụ rất áp lực. Nếu giám thị có sai sót thì điểm phó cùng với điểm trưởng phải chịu trách nhiệm liên đới trước hội đồng thi theo quy định.
Cùng với đó, tổ trưởng chuyên môn còn phải làm nhiệm vụ chấm thi tuyển sinh vào lớp 10, chấm thi kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Đa số các tổ trưởng chuyên môn đều được hội đồng chấm phân công làm nhiệm vụ tổ trưởng tổ chấm. Họ vừa điều hành giám khảo vừa chấm điểm lệch theo quy định, nhất là bài thi môn tự luận rất vất vả.
Mỗi đợt chấm thi, với những tỉnh, thành số số lượng thí sinh đông, tổ trưởng chuyên môn phải làm nhiệm vụ khoảng 10 ngày.
Người viết mong rằng, dự thảo Thông tư Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học cần bỏ nội dung:
“Đối với các vị trí kiêm nhiệm và các hoạt động chuyên môn theo quy định tại Chương III Thông tư này (trừ kiêm nhiệm công tác công đoàn, bí thư đoàn, phó bí thư đoàn cấp trường) nếu đã được nhận tiền thù lao hoặc tiền phụ cấp thì không được quy đổi ra tiết dạy”.
Bởi vì, mức phụ cấp chức vụ của tổ trưởng, tổ phó chuyên môn hiện nay chỉ mang tính chất tượng trưng để động viên tinh thần là chính.
Việc duy trì cả phụ cấp chức vụ và giảm định mức tiết dạy cho tổ trưởng, tổ phó chuyên môn như hiện nay sẽ góp phần giúp thầy cô toàn tâm toàn ý với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoduc.net.vn/tu-17-muc-huong-phu-cap-chuc-vu-cua-can-bo-quan-ly-truong-hoc-se-la-bao-nhieu-post243838.gd [2] https://thuvienphapluat.vn/phap-luat/phu-cap-chuc-vu-co-dong-bao-hiem-xa-hoi-hay-khong-tien-luong-dong-bao-hiem-xa-hoi-cua-cong-chuc-vie-580005-38655.html [3] https://thuvienphapluat.vn/phap-luat/to-chuyen-mon-truong-trung-hoc-pho-thong-co-nhiem-vu-va-quyen-han-nhu-the-nao-nhan-vien-cua-to-co-t-9863.html(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Cao Nguyên