3 lần “rớt” và nỗ lực giành học bổng thạc sỹ chính phủ Úc của cô gái miền Tây

Sau 2 năm quyết tâm tìm đường đi du học, tháng 8/2024, (Nguyễn Thị Ngọc Huyền, sinh năm 1996) đã nhận được tin trúng tuyển học bổng toàn phần cho chương trình học bậc thạc sỹ tại Úc. Với học bổng này, cô sẽ được tài trợ 100% tất cả các chi phí trong 2 năm học của mình bao gồm học phí, chi phí sinh hoạt, vé máy bay, bảo hiểm, visa, trợ cấp, hỗ trợ học tập bổ sung,…

Tháng 1/2025, cô sẽ bắt đầu theo học thạc sỹ ngành Thương mại của Trường Đại học Sydney, Úc với học bổng của mình. Hiện, Ngọc Huyền đang làm vị trí Sales & Marketing Manager tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn CUNMAC Việt Nam.

Từng 3 lần “rớt” học bổng

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Ngọc Huyền cho hay, gia đình là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến ước mơ đi du học của bản thân. Gia đình đều có gốc ở miền Bắc (tỉnh Thái Nguyên) với truyền thống làm giáo viên. Cách đây 20 năm, gia đình cô đã quyết định chuyển vào miền Nam (tỉnh Bạc Liêu) lập nghiệp và bén duyên với văn hóa và con người miền Tây từ đó.

Huyền kể lại, ở Bạc Liêu, bố mẹ cô chỉ kinh doanh nhỏ lẻ. Mặc dù nhà lúc đó còn thiếu thốn nhưng bố mẹ luôn tạo mọi điều kiện để hai chị em cô được học trường tốt, tạo điều kiện mua chiếc máy tính đầu tiên lúc cô học lên lớp 8. Có thể nói, việc có máy tính ở thời điểm đó gần như là điều xa xỉ và hầu như bạn bè xung quanh cô không ai có máy tính cả. Với sự cố gắng tạo điều kiện học tập tốt nhất từ bố mẹ, Huyền đã được tiếp xúc với tiếng Anh từ sớm, một trong những nền tảng tác động đến sự phát triển sau này của cô.

Screenshot 2024-10-18 133944.png
“I will take scholarship 2024” – Tôi phải đạt học bổng vào năm 2024 là mục tiêu phải đạt được mà Ngọc Huyền đã đặt ra cho bản thân (Ảnh: NVCC).

Theo Ngọc Huyền, bố mẹ cô đều là người ham học nhưng chưa có điều kiện học đại học nên luôn mong muốn cô sẽ học thật giỏi. Trong đó, mẹ là người ảnh hưởng đến cô nhiều nhất. Lúc cô chia sẻ về mong muốn đi du học, mẹ đã bày tỏ quan điểm 100% ủng hộ cô cả về tinh thần lẫn tài chính. Tuy nhiên, do không muốn làm gánh nặng tài chính cho bố mẹ nên cô đã quyết định chỉ tập trung xin học bổng toàn phần mới đi du học.

Theo đó, ngay từ thời điểm ban đầu, cô đã tìm hiểu và nộp các loại học bổng như Chevening, Ireland, Fulbright, AAS, tất cả đều là học bổng chính phủ. Với loại học bổng chính phủ như vậy, người đạt học bổng sẽ được tài trợ hầu hết tất cả các chi phí phát sinh khi đi du học.

“Cảm nhận của tôi trong suốt quá trình nộp học bổng là cứ đi rồi sẽ đến. Và khi học bổng đến thật, tôi thấy nó thật bất ngờ và kỳ diệu. Bởi, đây là năm đầu tiên tôi nộp hồ sơ xin học bổng chính phủ và dành tâm huyết với nó. Xác định đây là con đường nhiều thử thách và dài hạn, tôi đã đặt ra kế hoạch cho bản thân mình trong 2 năm để thực hiện ước mơ này”, Ngọc Huyền chia sẻ.

Theo cô gái trẻ, trong 2 năm đó, cứ có học bổng nào phù hợp là cô đều nộp, dù cơ hội trúng đối với mỗi học bổng cũng chỉ vào khoảng tối đa 25%. Tổng cộng, cô đã trải qua 3 lần “rớt” học bổng và 1 lần đỗ.

Ngọc kể lại, khoảnh khắc nhận được kết quả vòng phỏng vấn (vòng quyết định) là kỷ niệm cô và gia đình sẽ không bao giờ quên. Khi thấy email báo trúng tuyển, Huyền vui mừng đến nỗi không nói nên lời. Lúc nhận được kết quả đỗ học bổng, cô cũng gọi cho bố mẹ đầu tiên. Những giọt nước mắt hạnh phúc, tự hào cùng lời chúc mừng của bố mẹ như tiếp thêm động lực cho cô phải nỗ lực cố gắng nhiều hơn nữa trong hành trình sắp tới.

Nói về lý do lựa chọn học bổng du học này, Ngọc Huyền chia sẻ, dường như cô có duyên với học bổng chính phủ Úc hơn tất cả các học bổng còn lại.

Trước hết, mục đích của học bổng chính phủ Úc là đào tạo nguồn nhân lực nhằm tạo sự thay đổi, góp phần xây dựng mối quan hệ giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Úc. Ứng viên phù hợp với học bổng này cần là người có đủ tố chất để tạo nên ảnh hưởng, giải quyết những thách thức đối với vấn đề phát triển Việt Nam. Đặc biệt, học bổng này còn khuyến khích các ứng viên là phụ nữ, người khuyết tật và người yếu thế nộp hồ sơ.

Hơn nữa, bản thân Huyền làm về mảng Digital Marketing cho một công ty vừa và nhỏ (SMEs) chuyên sản xuất máy móc để xuất khẩu, trong đó, Úc là thị trường mà công ty cô đang hướng tới.

Screenshot 2024-10-18 134630.png
Ngọc Huyền (ngoài cùng bên phải) cùng các cộng sự tại công ty của mình (Ảnh: NVCC).

Sau hơn 5 năm đi làm, cô hiểu được những thử thách mà các công ty gặp phải khi thực hiện marketing và bán hàng. Chính vì vậy, cô mong muốn đồng hành và dần tháo bỏ những thử thách đó.

Bản thân Huyền khi làm Marketing ở Việt Nam cũng không tránh khỏi thiên kiến sẽ mang tư tưởng và văn hóa của người tiêu dùng Việt. Tuy nhiên, may mắn là cô có bạn làm ở Hội thương mại Việt – Úc. Người bạn đó đã khai sáng cho cô rất nhiều về sự khác biệt trong hành vi tiêu dùng của người Úc so với Việt Nam.

Đơn cử, như ở Úc, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã và đang nỗ lực kết nối với người tiêu dùng thông qua chất lượng và dịch vụ. Những thuộc tính này được coi là quan trọng nếu không muốn nói là quan trọng hơn giá cả trong nhiều trường hợp. Trong khi đó, giá cả vẫn là yếu tố quyết định chính đối với nhiều sản phẩm được bán tại Việt Nam, …

Sau khi biết được những sự khác biệt ấy, Huyền nhận ra rằng, muốn nâng cao nhận diện thương hiệu của sản phẩm chất lượng Việt ra thị trường quốc tế, cô cần đi học để hệ thống lại kiến thức và cũng để hiểu insights (sự thật ngầm hiểu) của khách hàng đến từ các nền văn hóa, xã hội và kinh tế khác nhau. Từ đó, có thể kết nối nhu cầu của khách hàng từ các quốc gia khác nhau với những lợi thế sẵn có của Việt Nam.

Screenshot 2024-10-18 134058.png
Ngọc Huyền cùng các bạn đạt học bổng chính phủ Úc năm 2024 tham gia buổi gặp gỡ ở Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: NVCC).

Mặt khác, ước mơ du học của Huyền cũng được truyền cảm hứng bởi với một số anh chị đã nhận học bổng và đang tham gia học tập ở Úc, những người mang đến câu chuyện và những dự án họ làm để góp phần tạo nên sự thay đổi cho cộng đồng. Những ý tưởng đó thực sự rất “chạm” tới Huyền.

Là một người làm truyền thông, vì vậy, Huyền cũng mong muốn những ý tưởng mang lại lợi ích cho cộng đồng của mình sẽ được nhiều người biết đến và hưởng ứng trên mạng xã hội hơn. Truyền thông là công cụ mạnh để thay đổi nhận thức và hành vi của giới trẻ bây giờ, đặc biệt là GenZ và Gen Alpha – thế hệ người tiêu dùng có tác động rất lớn đến sự phát triển của kinh tế, văn hóa và xã hội sau này.

Điểm không cao có xin được học bổng toàn phần?

Cũng giống như nhiều ứng viên khác, trên hành trình để đạt được học bổng du học bậc thạc sĩ của mình, Ngọc Huyền cũng gặp phải một số khó khăn nhất định. Trong đó, khó khăn lớn nhất của cô là vượt qua niềm tin về giới hạn của chính mình.

Trước đây, cô từng nghĩ rằng, điểm trung bình tốt nghiệp cử nhân đại học của mình không cao, với khoảng 3.0/4.0 sẽ khó xin học bổng toàn phần.

Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu, Ngọc Huyền nhận ra, mỗi học bổng đều có mục tiêu riêng. Với mục tiêu của học bổng chính phủ Úc, điều họ quan tâm chủ yếu là ý tưởng có tính tác động tích cực đến cộng đồng và khả năng lãnh đạo nhiều hơn là thành tích học thuật. Điều đó không có nghĩa là kiến thức chuyên môn, năng lực học tập không quan trọng. Bởi để du học bậc thạc sĩ, yêu cầu khả năng ngôn ngữ và học tập cũng tương đối cao nên cô cũng phải chứng minh được việc học của mình không chỉ dừng lại ở trên trường mà còn học tập không ngừng cả lúc đi làm nữa.

Screenshot 2024-10-18 135115.png
Ngọc Huyền trong một buổi chia sẻ về học bổng cho học sinh ở Trường Trung học phổ thông Chuyên Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu (Ảnh: NVCC).

Không những vậy, để chuẩn bị được hồ sơ xin học bổng, cô cũng gặp phải khó khăn khi vừa đi làm, vừa sắp xếp thời gian làm bài luận và ôn thi chứng chỉ tiếng Anh IELTS. Với công việc toàn thời gian, đồng thời là quản lý 1 nhóm khoảng 4-5 người, Huyền vốn đã khá bận vì cần liên tục cập nhật kiến thức chuyên môn và hỗ trợ mọi người trong nhóm. Tuy nhiên, cô vẫn cảm thấy may mắn vì có sếp và đồng nghiệp luôn ủng hộ chị cả về tinh thần lẫn kiến thức, để cô có bệ phóng an toàn khi chị cất cánh.

Đưa ra lời khuyên cho những ứng viên cũng đang mong muốn đạt học bổng giống mình, Ngọc Huyền cho hay: “Chỉ cần mình hoàn thành nốt cái này…thì mình sẽ được học bổng…” là “câu thần chú” đã giúp cho cô vượt qua được mọi khó khăn, thách thức. Như “Chỉ cần làm nốt bài luận này thôi là mình sẽ được học bổng; chỉ cần thi IELTS nốt lần thôi mình sẽ đạt được học bổng; chỉ cần nộp hồ sơ nốt cái học bổng này thôi thì mình sẽ đạt được học bổng …”. Cứ như vậy, nhờ câu nói truyền đầy động lực ấy, lần lượt các checklist (danh sách mục tiêu đặt ra) của cô đều được hoàn thành và cánh cửa học bổng đã mở ra.

“Tôi luôn sẵn lòng chia sẻ thêm góc nhìn của bản thân đối với những bạn có mục tiêu du học giống mình. Tuy nhiên, tôi cho rằng, lòng quyết tâm, vượt qua giới hạn của bản thân vẫn quan trọng hơn cả. Chúng ta cần hiểu rằng, bất kì việc gì mình làm trong quá khứ và hiện tại đều có giá trị “kép” để đầu tư cho tương lai. Do đó, mỗi chúng ta nên ưu tiên chọn và đặt niềm tin vào những hoạt động nào có thể tác động, ảnh hưởng được đến mục tiêu lớn của bản thân”, Ngọc Huyền nói.

Hiện tại, Ngọc Huyền đang hoàn thiện các bước cuối cùng để chuẩn bị nhập học vào tháng 1/2025 tới. Cô cho rằng, đây sẽ là trải nghiệm tuyệt vời và mong những trải nghiệm này sẽ có thể truyền cảm hứng cho các bạn muốn nộp học bổng chính phủ sắp tới.

Tường San

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *